Vào nội dung chính
PHÁP - COP21

COP21 : 24 nhà bảo vệ môi trường bị quản thúc tại gia

Tại Pháp, 24 nhà đấu tranh bảo vệ sinh thái bị xem là có xu hướng biểu tình bạo động nhân Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP21 đã bị quản thúc tại gia. Biện pháp trói buộc và phản tự do này được quyết định trong khuôn khổ « tình trạng khẩn cấp » được ban hành sau loạt khủng bố 13/11, đã bị giới hoạt động xã hội chỉ trích mạnh.

Hàng ngàn đôi giày trên quảng trường République (Cộng hòa) : Chính phủ Pháp cấm « người biểu tình » nhưng không cấm « giầy biểu tình » - REUTERS /Eric Gaillard
Hàng ngàn đôi giày trên quảng trường République (Cộng hòa) : Chính phủ Pháp cấm « người biểu tình » nhưng không cấm « giầy biểu tình » - REUTERS /Eric Gaillard
Quảng cáo

Các hiệp hội dân sự tại Pháp không thụ động, họ động viên lực lượng qua các hình thức khác như « nối vòng tay lớn ». Đảng Xanh -Sinh Thái Châu Âu , qua Tổng thư ký Emmanuelle Cosse đã trực diện đối đầu với chính phủ Pháp. Bà tuyên bố là « dù cho nước Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp thì các quyền tự do của công dân vẫn phải được tôn trọng ». 

Thông điệp này đã được trực tiếp chuyển đến Tổng thống François Hollande nhân cuộc tiếp xúc giữa chủ nhân tại Điện Elysée với đại diện các tổ chức bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu ngày thứ bảy 28/11.

Tổng giám đốc tổ chức Green Peace của Pháp, ông Jean François Julliard, đã cam đoan với Tổng thống Pháp là tất cả 24 người bị quản thúc này đều là những nhà hoạt động ôn hòa. Không có lý do gì họ bị cấm ra khỏi nhà trong 15 ngày hội nghị COP21.

Theo nguồn tin từ các hiệp hội này thì Tổng thống Pháp tỏ ra rất thông cảm và cho biết ông sẽ theo dõi, không để tình trạng này xảy ra nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ Nội vụ Bernard Cazeneuve không thay đổi quyết định. Người đứng đầu an ninh của Pháp cho rằng trong những cuộc biểu tình trước đây, 24 nhà hoạt động này đã từng « có hành động bạo lực ». Thêm vào đó, họ đã khẳng định là « sẽ không tôn trọng tình trạng khẩn cấp ».

Cũng trong khuôn khổ « tình trạng khẩn cấp », cảnh sát Pháp cũng cấm biểu tình lớn trên đường phố. Do vậy, tuy Paris đón tiếp hội nghị khí hậu nhưng giới bảo vệ môi trường không thể xuống đường như ở các nước khác.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động Pháp không bó tay. Không « đi » thì họ « đứng » qua chiến dịch « Nối vòng tay lớn » chiếm đóng đường phố . Trong khi đó, một tổ chức có tên là Avaaz đưa ra sáng kiến có một không hai : chính phủ cấm « người đi biểu tình » nhưng không cấm « giầy biểu tình ». Sáng hôm nay, tại quảng trường Cộng hòa, hàng ngàn đôi giày đã được bày ra trong đó có những chiếc giày bố trắng, quà tặng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho phong trào chống biến đổi khí hậu. 

Chưa hết, để đường phố có thể vang dậy khấu hiệu, mỗi tối trong tuần , đúng 20 giờ, và cuối tuần lúc 12 giời, sẽ có « tiếng loa vang ». Dân chúng thủ đô được mời sử dụng điện thoại cá nhân, nhạc cụ và nồi niêu xon chảo, tham gia giúp các nhà lãnh đạo chính trị thế giới « tỉnh thức ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.