Vào nội dung chính
PHÁP- KHỦNG BỐ

Tưởng niệm nạn nhân loạt khủng bố 13/11 : Pháp bừng tỉnh ?

27/11/2015 là ngày cả nước Pháp tưởng niệm nạn nhân khủng bố ở Paris cách đây đúng 2 tuần. Tất cả các báo hầu như đều chạy chung một hàng tựa lớn : « Tưởng niệm » - như tựa của Le Parisien với tên các nạn nhân dầy đặc trên trang nhất.

Lá cờ Pháp để tưởng niệm các nạn nhân khủng bố. Ảnh ngày 27/12/2015.
Lá cờ Pháp để tưởng niệm các nạn nhân khủng bố. Ảnh ngày 27/12/2015. REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Báo Libération không chạy tựa trang đầu, nhưng đăng tên và tuổi nạn nhân khắp trang nhất, đa số trong lứa tuổi 20, 30, một vài người tuổi 40. Le Figaro chạy hàng tít : "Thứ Sáu 27/11 nước Pháp tưởng niệm", trên nền cờ xanh trắng đỏ phất phới. Báo Le Monde ra từ chiều hôm qua, tưởng niệm bằng phản ứng khẳng khái của thanh niên Pháp trả lời tờ báo, qua tựa đề "Chúng tôi là tuổi trẻ của ngày 13/11".

Trong bài xã luận "Nước Pháp bừng tỉnh ?"  Le Figaro trước tiên ghi nhớ : "Họ tên Gilles, Marion, Amine hay Aurélie, họ không có vũ khí, không có hận thù, chỉ có sự vô tư và tuổi trẻ, và họ đã bị sự tàn bạo mang tính Hồi giáo cực đoan cướp đi mạng sống vào một buổi tối của tháng 11. Những mạng sống bị cướp đi này buộc chúng ta phải ghi nhớ, phải có trách nhiệm".

Đối với tờ báo nếu muốn tỏ ra xứng đáng với những người được tưởng niệm hôm nay, thì nước Pháp phải - không hận thù nhưng cũng không lãng quên - can đảm chống lại sự dã man. Le Figaro không một chút nghi ngờ, khẳng định chính nước Pháp là mục tiêu của quân khủng bố.

Những kẻ khủng bố không phải nhắm vào thanh niên, hay một thành phần nhất định, không nhắm vào một nơi thời thượng, vì chúng cũng đã ra tay ở nhiều nơi khác, và sẽ còn tiếp tục hành động. Thật ra chúng đã giết những người mà tội duy nhất là họ là người Pháp hay đã chọn sống ở nước Pháp. Các thành phần thánh chiến của Daech không phải chỉ muốn triệt hạ một nếp sống, mà là cả một quốc gia, cả một nền văn hóa, văn hóa phương Tây.

Le Figaro nhìn thấy như là người Pháp đã bừng tỉnh, treo cờ trở lại ở cửa sổ, lá cờ mà trước đây cho là chỉ tốt ở sân vận động mà thôi, quốc ca cũng thường vang lên hơn, thanh niên kéo nhau gia nhập quân đội... nhưng tờ báo cũng e ngại là ngọn lửa còn mỏng manh, và với thời gian ‘tinh thần ngày 13/11’ sẽ lắng xuống như tinh thần ngày 11/1. Le Figaro kêu gọi phải bảo vệ ngọn lửa hiện nay, đó là trách nhiệm đối với 130 người đã ngã xuống.

Libération cũng có những ghi nhận tương tự trong bài xã luận. Theo tờ báo, người ta cứ nghĩ là con người ‘dân chủ’ không còn nghĩ đến gốc rễ, giá trị tập thể, tiêu thụ để quên đi nỗi lo âu, là một con người bé nhỏ, dễ dàng suy sụp một khi bất ngờ chạm phải sự khắc nghiệt của thế giới.

Thế nhưng không, ngày tưởng niệm hôm nay sẽ cho thấy ngược lại. Dĩ nhiên là nỗ buồn sẽ bao trùm. Một số người đã không tán đồng lễ tưởng niệm chính thức. Nhưng nói đến hoang mang, suy sụp như một số lời tiên đoán thì hoàn toàn không.

Mà ngược lại, xã hội Pháp đã có lại được tinh thần đoàn kết, ý chí gìn giữ các giá trị của mình. Libération cũng ghi nhận hiện tượng cờ treo ở cửa số, quốc ca vang lên nhiều hơn, những điều ngày thường trước đây ít nghe thấy. Đối với báo Libération, đó là sự thể hiện tinh thần công dân trong cơn hoạn nạn, trong thử thách.

Châu Âu khép cửa vì khủng bố

Le Monde trong hàng tựa trang nhất nêu lên hậu quả các vụ khủng bố : "Sau các vụ khủng bố Châu Âu khép cửa". Tờ báo nhắc lại là Thủ tướng Pháp Manuel Valls kêu gọi Châu Âu không tiếp tục đón nhiều người nhập cư nữa, trong khi Thụy Điển siết chặt chính sách về tị nạn. Le Monde cũng nhắc lại hai kẻ khủng bố tự sát ở Paris đã đi qua ngã Balkan.

Ở trang trong, dưới hàng tựa : "Tị nạn : ‘sự trở lại của Châu Âu pháo đài’ ", tờ báo cho là sự kiện cũng dễ dự kiến sau vụ khủng bố ở Paris, và bây giờ thì đã cụ thể hơn, sau khi khám phá ra việc kẻ khủng bố đã đến Pháp qua ngã Balkan.

Mặc dù Ủy ban Châu Âu và Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cố thuyết phục là không nhầm lẫn, những các nước Châu Âu đã lần lượt đóng cửa trước lượng người tỵ nạn to lớn, dư luận ngày càng bất bình và nhất là không có khả năng thiết lập một hệ thống tương trợ khả dĩ hoạt động được.

Indonesia cũng e ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Về khủng bố, báo Les Echos nhìn sang Châu Á, ghi nhận : Indonesia lo ngại trước ảnh hưởng ngày gia tăng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Bài viết của Claude Fouquet mở đầu với nhận xét là gần hai tuần sau các vụ khủng bố ở Paris, ảnh hưởng ngày càng lớn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã bắt đầu làm cho chính quyền Indonesia toát mồ hôi lạnh. Vì như theo lời cảnh sát tại đây, ít ra 5 trên số 34 tỉnh của nước đông dân cư Hồi giáo này nằm trong tầm ảnh hưởng của Daech, đó là các tỉnh ở đảo Java, Sumatra, Sulawesi.

Không những thế mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn tài trợ cho nhiều nhóm đối lập, trang bị vũ khí cho họ. Nhóm MIT (Mujahidin Indonesia Timur) chẳng hạn đã được tổ chức thánh chiến trang bị cả vũ khí chống chiến xa. Tổ chức này trong mấy ngày gần đây đã đưa lên mạng một băng video kêu gọi tấn công ở Jakarta, vào phủ tổng thống và trụ sở cảnh sát, khiến Jakarta từ đầu tuần đã phải tăng cường an ninh.

Indonesia còn lo ngại hơn nữa vì biết là khoảng 70 người gia nhập tổ chức thánh chiến cách đây vài tháng đã trở về nước. Đây là số liệu cảnh sát đưa ra, nhưng theo Les Echos trên thực tế, những người gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo là từ 600 đến 700.

Điều làm cho Les Echos thắc mắc là mặc dù thế, dù tăng cường an ninh, nhưng Indonesia không đưa ra biện pháp mạnh mà ngược lại chủ trương biện pháp mềm dẻo, nhẹ nhàng như lời bộ trưởng an ninh Luhut Pandjjaitan vào hôm qua. Nhân vật này giải thích là biện pháp ‘mạnh’ như áp dụng ở phương Tây đã không thành công.

Jakarta sẽ dựa trên tôn giáo và văn hóa dể chống lại việc thao túng tư tưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Indonesia tự tin là vì đã từng du nhập các giá trị Hồi giáo thì cũng có khả năng ‘xuất’ những giá trị này và chống lại tuyên truyền của Daech.

Khí hậu tài sản chung của nhân loại

Khí hậu cũng là chủ đề được đề cập nhiều hôm nay. Trong bài xã luận tựa đề khí hậu : tài sản chung, báo La Croix tỏ hy vọng sẽ đạt đựoc thỏa thuận nhân Hội nghị sắp mở ra tại Paris. Tờ báo nhấn mạnh : khí hậu bị hâm nóng là một thực tế khoa học được chứng minh và con người là kẻ chịu trách nhiệm chính. Và chính vị muốn kềm hãm hiện tượng này mà một Hội nghi tầm cỡ chưa từng thấy được tổ chức ở Paris trong hai tuần.

Nhưng thật ra kết quả thương luợng không chỉ do Hội Nghị mà là do ở tất cả chúng ta, mọi người phải xem khí hậu là tài sản chung của nhân loại và hành tinh là một ngôi nhà có thể sống được hay không là do những người chúng ta có tinh thần liên đới ; có trách nhiệm với nhau hay không.

Vì theo La Croix việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ cần những động tác đơn giản và thường nhật như việc kiểm soát vấn đề tiêu thụ năng lượng, nhưng cũng có những tốn kém khi phải từ bỏ năng lượng hóa thạch chẳng hạn. Không chỉ các cá nhân, mà các xí nghiệp cũng phải lao vào. Tờ báo nhìn thấy sẽ có một cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Báo Les Echos có cái nhìn thực tế hơn ; Gọi là thương lượng, thỏa thuận thì tất phải có nhượng bộ, chấp thuận, cam kết. Nếu không giữ đúng cam kết thì có trừng phạt. Tờ báo rút kinh nghiệm những vòng đàm phán trước, những cam kết trước đây ít nhiều không thực hiện, cho là trừng phạt là điều không tưởng. Như Hoa Kỳ chẳng hạn, không giữ cam kết thì trừng phạt Mỹ như thế nào ?

Hoa Kỳ dĩ nhiên không chấp nhận việc thành lập một cơ chế đứng trên các quốc gia và có thể áp đặt trừng phạt như đã từng được gợi lên ở Durban trước đây. Nếu Mỹ không chấp nhận thì hiển nhiên Trung Quốc, một nước gây ô nhiễm nhất nhì hành tinh sẽ không chịu.

Le Figaro cũng quan tâm đến vấn đề khí hậu nhưng dưới một góc độ khác : tờ báo trích đánh giá của cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s cho là khí hậu hâm nóng có thể làm mất điểm 3 A đối với nhiều quốc gia. Do thiên tai lụt lội ngày càng nhiều, Thái Lan tuột 1,8 điểm, trong lúc Cộng hòa Dominicana chỉ tuột 1 mức và Việt Nam hay Bahamas chỉ tuột 0,5 điểm.

Trường hợp Thái Lan thiệt hại vật chất do khí hậu hâm nóng sẽ tăng hơn 4% so với kịch bản không có hiện tượng hâm nóng này còn Việt Nam thì tăng 2%. Nhìn chung, theo Standard& Poor’s, tác động đối với các nước công nghiệp phát triển không đáng kể nhưng đối với các vùng Caribê và Đông Nam Á thì khác.

Le Figaro nhắc lại đây là đánh giá của Standard & Poor’s về tác động do bão tố lụt lội gây nên và được nghiên cứu kỹ hơn là nạn hạn hán chẳng hạn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.