Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Cuộc chiến tuyên truyền Daech và phản ứng của Pháp

Đăng ngày:

Loạt khủng bố đẫm máu ngày 13/11/2015 đặt nước Pháp và Châu Âu trước một thách thức chưa từng có, với thực tế là tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã thành công trong việc chiêu dụ được nhiều công dân Châu Âu tham gia vào các cuộc khủng bố được phối hợp và thực thi một cách rất chuyên nghiệp, tàn khốc ngay giữa « Kinh đô Ánh sáng ». Nhiều người đặt câu hỏi : Hệ thống tuyên truyền của Daech đã đóng vai trò như thế nào trong việc thu hút các « ứng viên khủng bố tự sát» ? Nước Pháp phản ứng ra sao trước cuộc chiến tuyên truyền của kỷ nguyên tin học ?

Facebook được Daech sử dụng rộng rãi để lôi kéo thanh thiếu niên Pháp. Trong ảnh, hình phản chiếu của logo Facebook trong mắt một em nhỏ.
Facebook được Daech sử dụng rộng rãi để lôi kéo thanh thiếu niên Pháp. Trong ảnh, hình phản chiếu của logo Facebook trong mắt một em nhỏ. Ảnh Getty Images Europe/Chris Jackson
Quảng cáo

Theo cơ quan cảnh sát Châu Âu Europol, có ít nhất 5.000 công dân Châu Âu tham gia vào hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech tại Syria và Irak, đặc biệt từ Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, trong đó đông nhất là từ nước Pháp, với khoảng 1.000 người. Theo một bài viết trên Le Monde hồi tháng 6/2015, các đơn vị tuyên truyền của Daech được tổng cộng khoảng 2,8 triệu « người » dùng tiếng Pháp theo dõi (follower) trên Twitter, với số lượng khoảng 40.000 tweet bằng tiếng Pháp/ngày.

Mạng xã hội quan trọng hơn chiến trường

Bốn ngày sau loạt khủng bố Paris, « Dabiq » - một tạp chí hàng tháng bằng Anh ngữ của Daech - ra số 12, với trang bìa là hình ảnh cấp cứu các nạn nhân khủng bố. Trả lời nhật báo L’Humanité (ngày 24/11/2015), nhà chính trị học François-Bernard Huyghe, chuyên gia về truyền thông, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược (IRIS), đưa ra một số nhận xét về các đặc điểm của hệ thống tuyên truyền Daech qua số báo mới nhất của tổ chức này :

« Đấy là một lối truyền thông của kỷ nguyên 2.0, với công nghệ cao, hướng rất mạnh về các mạng xã hội. Tạp chí Dabiq của Daech có thể truy cập được trên internet, với phiên bản PDF. Về hình thức, tạp chí này có mẫu mã đẹp, được làm kỹ càng. Các clip video và việc xây dựng hình ảnh, tất cả đều rất hiện đại. Người tạo tác có một sự chú ý riêng về thẩm mỹ và biểu tượng, được thể hiện qua các màu sắc tương phản, kết hợp cân đối, dựa trên nhiều hình mẫu điện ảnh, kể cả các phim truyền hình dài tập của Phương Tây ».

Ông Marc Hecker, chuyên gia về khủng bố Viện IFRI (Viện quan hệ quốc tế Pháp), nhận xét (trả lời phỏng vấn báo Opinion 22/06/2015) (xem thêm chú thích 1):

« Tuyên truyền của Al-Qaida vốn đã tương đối tân tiến... Nhưng truyền thông của Daech phát triển hơn… Số lượng các trao đổi là lớn hơn rất nhiều và đặc biệt là cách thức mà Daech sử dụng các mạng xã hội thực sự rất hiện đại. Trong một nghiên cứu mới đây của Mỹ, ước tính có gần 50.000 tài khoản có quan hệ với Daech trên Twitter. Còn tại Pháp, vai trò của Facebook là rất quan trọng, trong việc chuẩn bị cho các chuyến đi sang Syria. Việc sử dụng các mạng xã hội không phải là ngẫu nhiên, vì nhờ ở các phương tiện này mà lực lượng thánh chiến tác động được đến giới trẻ các nước Phương Tây ».

Bài « Nhà nước Hồi giáo, vua của thế giới mạng », được tuần báo Le Courrier International (ngày 21/05/2015) trích lại từ The Atlantic, có dẫn một chi tiết đáng chú ý. Theo bài báo, trên bất cứ chương trình PowerPoint nào của CSCC – tức cơ quan chống tuyên truyền thánh chiến đầu tiên của Hoa Kỳ - đều có một câu châm ngôn, được cho là của một nhân vật khủng bố thánh chiến gốc Mỹ Omar Hammami : « Cuộc chiến truyền thông, kể từ giờ, quan trọng hơn cả chiến tranh vũ trang, hơn cả napal và dao búa ». Al-Hayat Media Center, « cơ quan truyền thông » của Daech, là nơi sản xuất hàng trăm phim, clip video về các cảnh hành quyết, xen lẫn với các hình ảnh du hành và phim tài liệu lịch sử. 

Ba gương mặt của Daech
 
Trả lời câu hỏi về việc Daech muốn thể hiện trước « công chúng » hình ảnh nào về bản thân, và với dụng ý gì, chuyên gia về khủng bố Marc Heckercho biết :

« Các đoạn video hành quyết vô cùng man rợ trong con mắt chúng ta lại có thể được các cư dân địa phương nhìn nhận như là một hành động thiết lập công lý, được ghi lại qua phim ảnh, như một nỗ lực lập lại một trật tự trong một thế giới hỗn loạn. Tôi thử chia tuyên truyền của Daech thành ba loại, điều này cho thấy tính chất biến hóa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo này.

Khi thì tổ chức này thể hiện như là một nhóm khủng bố, khi thì là một phong trào nổi dậy, khi thì như một Nhà nước đang hình thành.

Ví dụ như, các đoạn video hành quyết man rợ được đưa ra nhằm khủng bố tinh thần người phương Tây và người Hồi giáo Shia, các binh sĩ của chính quyền Assad, hay cư dân thiểu số. Còn về phía người Hồi giáo Sunni, sự tàn bạo này nhằm buộc họ phải quy phục.

Về khía cạnh nổi dậy, có thể thấy trong tuyên truyền của Daech một số nguyên tắc Mao ít, về ‘‘chiến tranh cách mạng’’, chiến đấu lật đổ các hệ thống chính trị- hành chính hiện hành, với các hoạt động tuyên truyền chính trị trong dân chúng. Bên cạnh các băng hình về hoạt động tuyên truyền, còn có đề tài sát hại những người có uy tín tại địa phương, hay các cuộc phục kích quân đội (…). Các hình ảnh được các chiến binh của Daech quay với camera GoPro, cho thấy những cảnh vô cùng ấn tượng, thường giống với các trò chơi video.

Cuối cùng các nhà tuyên truyền Daech muốn thể hiện với người xem gương mặt Nhà nước đang hình thành của Daech. Ví dụ, thông qua các bản án tử hình thường được trình diễn như là những hành động tái hồi trật tự, với một bản án được tuyên trước khi hành quyết ; các cuộc diễu binh do Daech tiến hành với những phương tiện mà chỉ các Nhà nước mới có, như máy bay, xe tăng, tên lửa, nhằm cho thấy Daech tồn tại như một Nhà nước… ».  

Truyền thông phương Tây bị chi phối

Phóng viên Christophe Reuter, của tuần báo Đức Der Spiegel, tác giả cuốn « Die Schwarze Macht » (Quyền lực đen), xuất bản năm 2015, cho biết nhiều chi tiết về cách thức tổ chức tuyên truyền của Daech (trả lời phỏng vấn Le Courrier International, 17/10/2015) :

« Từ Phương Tây, chúng ta chỉ nhìn thấy bề mặt của tổ chức này, chúng ta chỉ biết được qua cách Daech thuật lại. Có những hình ảnh giết người thực sự, thảm sát thực sự, hành quyết, hay nổ bom thực sự…, nhưng những hình ảnh này được hội nhập vào các tuyên truyền, vào nhiều thứ khác không có thực.

Daech kiểm soát toàn bộ những gì lọt ra khỏi khu vực kiểm soát. Nếu bạn xem các đoạn video hay ảnh về Daech, thì 99% đã được bộ phận quan hệ công chúng của tổ chức này cho phép. Chính cơ quan này đã cung cấp cho chúng tôi các hình ảnh về các đoàn xe jeep, các phương tiện vũ trang di chuyển trong sa mạc, với một bầu ánh sáng tuyệt đẹp của thời khắc cuối buổi chiều. Daech chấp nhận sự hiện diện của một số phóng viên AFP, Reuters, AP – những hãng tin lớn. Dù họ có bị coi là nhân viên của Israel, người theo hội Tam điểm, theo đế quốc, hay phản đạo,… khi có mặt trong lãnh thổ của Daech, họ phải tuyên thệ trung thành, và trong mọi trường hợp, Daech kiểm duyệt toàn bộ các hình ảnh trước khi các phóng viên có thể gửi chúng đi. Thông điệp của họ đối với các phóng viên nhiếp ảnh là rất rõ ràng : ‘‘Nếu các vị làm gì hại cho uy danh của chúng tôi, các vị biết điều gì sẽ đến. Chúng tôi sẽ tìm được các vị’’ ».

Ảnh màn hình trang mạng ngăn chặn thánh chiến của chính phủ Pháp : www.stop-djihadisme.gouv.fr.
Ảnh màn hình trang mạng ngăn chặn thánh chiến của chính phủ Pháp : www.stop-djihadisme.gouv.fr. AFP PHOTO / JOEL SAGET

 
Về thái độ của nhiều cơ sở truyền thông Phương Tây, nhà chính trị học Abdel Asiem El Difraoui (Viện chính trị học Paris), chuyên gia về hệ thống tuyên truyền Daech, phê phán :  

« Chúng ta bị rơi vào bẫy. Các phương tiện truyền thông thường làm việc quá vội vã. Nhiều kênh truyền hình thường hài lòng với việc phổ biến các hình ảnh gây sốc, và lên án các đe dọa khủng bố. Một trong các đài truyền hình đã mời tôi nói chuyện về chủ trương thành lập kênh truyền hình riêng của Daech. Toàn bộ điều mà tôi đã trả lời là, lực lượng thánh chiến không cần thêm một kênh bổ sung nữa, khi mà kênh của các vị đã phục vụ họ » (trang mạng letemps.com).

Kháng cự Daech trên mặt trận tin học
 
Làm thế nào để ngăn chặn được ảnh hưởng truyền thông của Daech ? Theo chuyên gia Marc Hecker :

« Cho đến nay, các nỗ lực có thể chia làm hai hình thức chính. Thứ nhất là kiểm duyệt, tuy nhiên biện pháp này có giới hạn, do hợp tác hạn chế của các tập đoàn tư nhân như Facebook, Twitter, hay Youtube với Google. Phương thức thứ hai là tung ra các phản tuyên truyền, như chương trình Stop-djihadisme, sau vụ khủng bố Charlie Hebdo tháng 1/2015. Tuy nhiên, kết quả của biện pháp này ít hứa hẹn : một vài đoạn video làm sao địch lại được với hàng trăm clip video của quân thánh chiến. Cuối cùng, còn một biện pháp nữa là ngầm xâm nhập vào các mạng thánh chiến để gây ngờ vực, nhưng về điểm này tôi thiếu thông tin ».

Về phần mình, nhà chính trị học François-Bernard Huyghe nhận xét :

« Tất nhiên là phải sử dụng kiểm duyệt. Pháp là một trong số các quốc gia yêu cầu Facebook và Twitter đóng cửa tài khoản nhiều nhất. Nhưng điều này không hiệu quả. Chúng ta cũng có thể có các hoạt động phản tuyên truyền, nhưng về mặt này chúng ta không mạnh. Trang mạng Stop-djihadisme không mang lại nhiều kết quả thực sự. Họ khuyên giới trẻ : ‘‘Nếu các bạn đi đến đấy, các bạn sẽ bị giết chết hoặc giết chết người khác’’. Nhưng chính với lý do đó mà nhiều thanh niên đã bị thánh chiến thu hút.

Có thể có những phương pháp khác hiệu quả hơn, như gửi các thông điệp sai lạc, gửi virus tin học. Việc này không phải là điều người Pháp quen làm, và điều này cũng đặt ra các vấn đề pháp lý, nhưng đây là điều mà những nhóm như Anonymus làm. Chính quyền Anh thành lập ‘‘đơn vị 777’’ để có các can thiệp về ý thức hệ trên các mạng xã hội một cách bí mật, nhưng chúng ta hiện chưa biết kết quả ».

Đánh thức tính người
 
Cuộc chiến chống tuyên truyền Daech không chỉ diễn ra trên mạng, mà còn trong các tiếp xúc trực tiếp với các đương sự. Trả lời phỏng vấn RFI (nhà báo Tirthankar Chanda thực hiện), ít ngày sau vụ thảm sát Bataclan, bà Dounia Bouzar, nhà nhân học tôn giáo, phụ trách một trung tâm « giải cực đoan hóa » đối với các thanh thiếu niên bị lực lượng thánh chiến lôi kéo (Centre de prévention contre les dérives sectaires liées à l’islam [CPDSI], thành lập năm 2014), nhận xét về biến chuyển tâm lý của những kẻ khủng bố tự sát, dưới ảnh hưởng của tuyên truyền (xem thêm chú thích 2):

« Khi kẻ giết người trở nên giống với một robot, thì đây đã là giai đoạn cuối của quá trình lôi kéo vào tổ chức. Trên thực tế, ở một kẻ thánh chiến diễn ra một quá trình phi nhân hóa kép. Một mặt, người này không còn có bất cứ tình cảm gì và cho rằng các quan hệ con người chỉ ngăn cản anh ta thực hiện sứ mạnh thần thánh. Người này tự coi mình là kẻ được Thượng đế chọn lựa, và giúp cho thế giới trở lại với những gì tốt đẹp. Người thánh chiến không còn tồn tại với tư cách cá nhân, anh ta chỉ còn là hiện thân của ý thức hệ nói trên, và điều này khiến anh ta sẵn sàng hy sinh mạng sống. Đây là điều mà tôi gọi là sự phi nhân hóa thứ nhất của kẻ giết người.
Mặt khác, để kẻ thánh chiến tương lai giết người mà không có bất cứ mặc cảm tội lỗi nào, người ta dạy anh ta nghĩ về nạn nhân như một đồ vật. Nạn nhân không phải là một đồng loại, bởi vì người đó suy nghĩ khác mình. Đó là điều mà tôi gọi là sự phi nhân hóa thứ hai của kẻ sát nhân » (xem thêm chú thích 3).

Bà Dounia Bouzar, người sáng lập trung tâm giải cực đoan hóa.
Bà Dounia Bouzar, người sáng lập trung tâm giải cực đoan hóa. Ảnh Didier Goupy


 Ở giai đoạn nào còn hy vọng « cứu » được kẻ chiến binh tự sát ?

« Trước khi người đó bị rơi vào quá trình phi nhân hóa kép này. Thất bại lớn nhất của chúng tôi là trường hợp một nữ thanh niên, tên là Aida, mà tôi có thuật lại đường đời của cô ta trong cuốn sách mới ra mắt. Aida thú nhận với tôi rằng cô ta tự hào về người chồng, bởi vì người này có tên trong danh sách chiến binh tự sát. (…) Trên thực tế, cô ta không yêu chồng mình, mà yêu cái lý tưởng, mà vì nó anh ta sẽ chấp nhận chết. Khi kẻ thánh chiến không còn có các tình cảm con người như tình yêu, cảm giác tội lỗi, sự hối tiếc, thì rất nhiều khả năng người đó sẽ kết thúc cuộc đời với hành động giống như các robot bắn vào các thanh niên tay không vũ khí tại Bataclan. Đấy là một trạng thái không thể vãn hồi» .

Phương pháp làm việc của bà là gì ? Bà có cộng tác với các nhà tâm thần học ?

"Nhà tâm thần học chỉ can thiệp vào giai đoạn cuối của quá trình phi cực đoan hóa. Nhóm của tôi và tôi nói chuyện với người cần được giúp đỡ, bằng cách giúp người đó trở lại với thế giới thực. Chúng tôi mời các cha mẹ đến, nhờ các vị ấy nhắc lại với đứa con mình, rằng họ đã từng hạnh phúc với nhau như thế nào. Khi kẻ thánh chiến tiềm tàng nối lại được với quá khứ, với các cảm xúc làm nên tính người của người đó, chỉ lúc đó nhà tâm thần học mới vào cuộc".

Có thể đoạn tuyệt hoàn toàn với sự chi phối của Hồi giáo cực đoan hay không ? Liệu có một cuộc sống sau Daech không ?

« Hoàn toàn được. Đây là điều mà tôi đã kể lại trong cuốn sách này ( "La vie après Daech"). Cuốn sách mở ra với câu chuyện Léa bị bắt, sau khi tham gia vào một vụ khủng bố vào một nhà thờ Do thái giáo tại Pháp. Sau đó, cô ta đã được chuyển qua bộ phận chúng tôi. Hiện nay, Léa tiếp tục làm việc với chúng tôi, và báo với chúng tôi những nguy hiểm đang rình rập một thanh thiếu niên nào đó. Tôi biết khoảng năm mươi Léa như vậy. Chính nhờ sự cộng tác quý báu của họ mà chúng tôi đôi khi đã đảo ngược được lời tuyên bố nổi tiếng của Daech : « "Chúng tôi sẽ thắng, vì chúng tôi yêu cái chết còn hơn cả các người yêu cuộc sống !" ».
 
Hồi giáo thánh chiến :
món hàng hấp dẫn thời khủng hoảng

Để hiểu hơn về những tác động sâu xa của tuyên truyền thánh chiến đến tâm lý giới trẻ, thường được giới chuyên môn và truyền thông tóm lại dưới tên gọi hiện tượng « cực đoan hóa », mời quý vị theo dõi các nhận định của nhà tâm thần và phân tâm học Fethi Benslama, đại học Paris VII-Denis Diderot (trả lời phỏng vấn Le Monde, ngày 12/11/2015) (xem thêm chú thích 4) :

« Hiện tượng cực đoan hóa đã có một ảnh hưởng lớn đến mức mà để hiểu được nó, cần nhìn nhận hiện tượng này với sự phối hợp của chính trị học, sử học và thực tiễn lâm sàng. Theo các dữ liệu mới nhất, hai phần ba trong số những người bị cực đoan hóa được thống kê tại Pháp (khoảng 3.100 người, được bộ Nội vụ thống kê, kể từ khi số điện thoại xanh được lập ra từ tháng 4/2014), là những người lứa 15-25, và một phần tư số họ là trẻ nhỏ.

Lứa tuổi này là giai đoạn mà người ta vô cùng khát khao các lý tưởng, trong lúc nhân cách đang trong sự hình thành đau đớn. Hiện tượng, mà hiện nay chúng ta gọi là ‘‘cực đoan hóa’’, chính là biểu hiện của sự rối loạn lý tưởng của thời đại chúng ta. Ngành phân tâm học  nhìn nhận các lý tưởng như là nơi kết nối giữa cá nhân và tập thể, qua đó mà hình thành nên một nhân cách.  

Tuyên truyền thánh chiến thu hút nhiều thanh niên, vốn đang trong tình trạng đau khổ, vì những rạn nứt nghiêm trọng trong quá trình hình thành nhân cách. Tuyên truyền thánh chiến cung cấp cho họ một lý tưởng toàn diện, cho phép họ lấp đi những rạn nứt nói trên, cho phép họ sửa chữa lại bản thân mình, thậm chí tạo ra một cái tôi mới, hay nói một cách khác, một thứ gọi là đức tin hoàn hảo ».

Nhà tâm bệnh học Fethi Benslama cho biết thêm :

« Khi cung và cầu khớp nhau, các rạn nứt được hàn gắn, một vỏ bọc vô cùng rắn chắc được trùm lên. Kể từ đó, người cực đoan hóa không còn biết hoảng sợ, tinh thần được giải thoát, cảm thấy như có sức mạnh toàn năng. Người cực đoan hóa biến thành một người khác.

Các rạn nứt bản sắc hoàn toàn không phải là vấn đề riêng của con em những người nhập cư, hay của các gia đình theo đạo Hồi : 30% đến 40% trong số họ là những người mới theo Hồi giáo. Những người này tìm kiếm sự cực đoan hóa, ngay cả trước khi tiếp xúc với tuyên truyền thánh chiến. Họ hoàn toàn không quan tâm đến thực chất của món hàng đức tin này, mà chỉ cần biết rằng nó mang lại cho họ một ‘‘giải pháp’’.

Hiện tại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là sản phẩm tràn ngập nhất trên thị trường mạng, món hàng kích thích nhất, trọn bộ nhất. Có thể gọi đó là ‘‘con dao Thụy Sĩ’’, một phương tiện hết sức hiệu quả giúp cho quá trình lý tưởng hóa, mà đối tượng là những người tuyệt vọng, với chính mình, và với thế giới của họ ».

Ảo tưởng tan rã - hiện tại bất lực

Nhà tâm thần học Fethi Benslama cũng chỉ ra một số cội nguồn lịch sử của cuộc khủng hoảng nhân cách nói trên, cũng như nhiều bế tắc hiện tại đang nuôi dưỡng một tâm trạng muốn trốn chạy về các tập quán quá khứ :

« Năm 1924, đế chế Hồi giáo cuối cùng ngừng tồn tại. Vương quốc Hồi giáo – Califat, nơi quyền lực chính trị gắn liền với thần học Hồi giáo, chấm dứt sự tồn tại kéo dài 624 năm, để nhường chỗ cho một nhà nước thế tục đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sự sụp đổ của đế chế Ottaman đã chấm dứt ảo tưởng về sự thống nhất và sức mạnh của thế giới Hồi giáo. Từ đó nẩy sinh nỗi ám ảnh về sự tan rã của đạo Hồi trong một thế giới mà họ không còn thống trị được nữa.

Sự sụp đổ mang tính lịch sử này đi liền với sự đổ vỡ chưa từng có của mô hình nhân cách Hồi giáo.

(…) Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hứa hẹn đưa người ta trở về với một thế giới truyền thống, nơi một cá nhân có phận vị định sẵn, trong khi đó, trong nền văn minh hiện đại, cá nhân là một siêu sản phẩm của chính mình, và để được như vậy, họ phải làm việc vô cùng cực nhọc. Nhưng để khẳng định được mình như vậy, người ta cũng phải có các phương tiện.

Có thể thấy, hiện nay, một số thanh niên có thiện cảm hơn với một trật tự xã hội do một cộng đồng đứng ra đảm bảo, với các chuẩn mực bó buộc, một khuôn khổ cai trị độc đoán giúp cho họ thoát khỏi nỗi tuyệt vọng khi phải sống với các quyền tự do - nhưng lại không có khả năng biến tự do đó thành hiện thực, và một ý thức về trách nhiệm cá nhân, nhưng không có các điều kiện tương ứng để thực hiện ».  

Daech và thách thức khí hậu
 
Song song với các oanh kích tại Syria và Irak, tại Pháp từ hơn năm nay đã âm thầm diễn ra một cuộc chiến khác với Daech, nhằm hóa giải các ảnh hưởng tuyên truyền ghê gớm của tổ chức này nhắm vào giới trẻ. Ngăn chặn các tài khoản, phản tuyên truyền là một số phương tiện bắt đầu được sử dụng. Một số hỗ trợ tâm lý, đánh thức nhân tính trở lại, được truyền thông chú ý như những tác động mang lại những thay đổi thực sự, triệt để.

Như một số chuyên gia chỉ ra, các cội rễ của khủng hoảng bản sắc ở một bộ phận giới trẻ, cần được tìm kiếm không chỉ trong hiện tại, mà cả trong các hệ quả lịch sử lâu dài, cả về phía thế giới Ả Rập, cũng như ở xã hội Châu Âu, khu vực vốn được coi là động lực và một đại diện của trào lưu hiện đại hóa toàn cầu. Việc tuyên truyền thánh chiến, tuyên truyền Daech lôi kéo được hàng nghìn thanh niên Pháp, Châu Âu, một lần nữa khơi lại những cật vấn nhắm về các nền tảng của một xã hội dân chủ - tự do, về những mâu thuẫn giữa hứa hẹn lý tưởng và thực tại hiện hữu, giữa khát vọng truy cầu sự thật và quyền lực áp đảo của thương mại, của đồng tiền…

GETTYIMAGE

 Một số nhà quan sát lo ngại, trong cuộc chiến truyền thông và tâm lý chống lại Daech, dường như nhiều vấn đề hệ trọng mang tính toàn cầu bị coi nhẹ. Bản báo cáo RAMSES 2016 (dự báo thường niên về chiến lược và kinh tế) của Viện quan hệ quốc tế Pháp IFRI, với tiêu đề : « Khí hậu : một cơ hội mới ? », một lần nữa nhắc với chúng ta : Khát vọng dân chủ, phát triển, an ninh cần được gắn với vấn đề biến đổi khí hậu, một thách thức mà nhiều người cho rằng còn « quan trọng hơn nhiều so với khủng bố », một thách thức nghiêm trọng nhất mà nhân loại chưa từng phải đối mặt. Thiên tai, biến đổi khí hậu, sinh ra nghèo đói, bất công, chính là mảnh đất màu mỡ cho khủng bố phát triển.

Năm 2015, năm của khí hậu, đã mở đầu với loạt khủng bố nhắm vào tòa soạn Charlie. Ngay trước thềm thượng đỉnh COP21 tại Paris, nước Pháp phải hứng chịu loạt khủng bố tàn bạo, chưa từng có kể từ sau Thế chiến II. Những phản ứng bình tĩnh, chừng mực, tỉnh táo của xã hội Pháp nói chung, của chính giới Pháp, cho thấy nước Pháp không khuất phục, không bị bạo lực hay tuyên truyền áp đảo, làm lạc hướng khỏi những vấn đề cốt tử của nhân loại.

------------

1) Marc Hecker là tác giả một nghiên cứu mới đây về truyền thông của Daech : « Web social et djihadisme : du diagnostic aux remèdes/Mạng xã hội và thánh chiến : từ chẩn đoán đến các giải pháp », Focus stratégique, n° 57, juin 2015. 

2) Dounia Bouzar (một tín đồ Hồi giáo) - tác giả cuốn « La vie après Daech/Cuộc sống sau Daech », ra mắt tháng 10/2015 - là người đi tiên phong trong hoạt động giải cực đoan hóa cho nhiều thanh thiếu niên Pháp. Hiện bà đang được cảnh sát bảo vệ thường xuyên. Cho đến nay, trung tâm của bà Dounia Bouzar chăm sóc tổng cộng khoảng 700 thanh thiếu niên nằm trong vòng ảnh hưởng của Daech.

3) Nhà tâm thần và phân tâm học Fethi Benslama  : « Người tử đạo là một con người muốn tiếp tục sống, sau khi thân thể không còn nữa. Đối với kẻ muốn tử đạo, hành động này không phải là tự sát, mà là tự hiến sinh. Làm như vậy, họ muốn biến mình thành bất tử. Trong tâm tưởng, kẻ tự sát nghĩ rằng mình chỉ chết về hình thức, và sẽ được sống mãi trong khoái lạc…. Những kẻ sẵn sàng tự sát, cho rằng giết chóc để trả thù cho lý tưởng bị xâm phạm. Qua cảnh tượng tàn khốc của các thi thể bị băm vằm, họ muốn để lại hình ảnh về sự hủy diệt hình thức mang tính con người của đối thủ… Về phần mình, kẻ tự sát tin tưởng họ sẽ hóa thành các siêu nhân, thỏa mãn một cuộc sống hạnh phúc khoái lạc bất tận ở thiên đường. Do đó mà có hình ảnh các trinh nữ vĩnh cửu » (Le Monde, ngày 12/11/2015. Nhà báo Soren Seelow thực hiện). 

4) Giáo sư Fethi Benslama dự kiến sẽ phụ trách mảng tâm lý của một trung tâm đầu tiên của chính phủ tiếp nhận các thanh niên trở về từ Syria, được mở ra vào đầu năm 2016. Trung tâm nằm dưới sự điều phối của Ủy ban liên bộ về phòng ngừa tội phạm/Comité interministériel de prévention contre la délinquance [CIPD].  

Tin bài liên quan

"Paris là một ngày hội" : Tinh thần kháng cự của dân Pháp

Video: Khủng bố tại Paris: Nỗi đau của thế giới

Khủng bố Paris : Bước ngoặt trong cuộc chiến chống Daech ?

Daech, tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.