Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Vụ Air France: Mô hình đối thoại xã hội Pháp qua góc nhìn báo chí nước ngoài

Đăng ngày:

Hội nghị Đối thoại Xã hội Pháp lần thứ 4 trong nhiệm kỳ Tổng thống François Hollande khai mạc ngày 19/10/2015 trong bầu không khí căng thẳng. Nghiệp đoàn CGT, nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp, cùng với Solidaire đã tẩy chay hội nghị. Mô hình đối thoại xã hội Pháp phải chăng có dấu hiệu « hụt hơi » ? Mà ví dụ điển hình là vụ hành hung lãnh đạo hãng hàng không Pháp Air France, niềm tự hào và cũng là biểu tượng của Pháp. Sự việc đã trở thành chủ đề đàm tiếu trên các mặt báo quốc tế.

Hình ảnh lãnh đạo Air France bị hành hung đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên báo chí nước ngoài.
Hình ảnh lãnh đạo Air France bị hành hung đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên báo chí nước ngoài. (©Reuters)
Quảng cáo

Đạo luật Auroux 1982

Mô hình đối thoại xã hội Pháp được củng cố và trở thành tập quán trong xã hội kể từ khi đạo luật Auroux ban hành năm 1982. Bộ luật này mang chính tên của Bộ trưởng Lao động, Jean Auroux, dưới thời chính phủ Thủ tướng Mauroy, trong nhiệm kỳ đầu của cố Tổng thống Pháp François Mitterand. Ông Jean Auroux lúc bấy giờ cũng là Thị trưởng theo đảng Xã hội của xã Roanne.

Đạo luật của Auroux cho thấy tham vọng biến đổi sâu sắc các mối quan hệ về lao động tại Pháp, và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm của nhiều tác nhân xã hội khác nhau : người lao động, các nghiệp đoàn và chủ doanh nghiệp.

Bộ luật Auroux gồm bốn luật chính : Luật số 82-689 liên quan đến quyền tự do của người lao động trong doanh nghiệp (ban hành ngày 04/08/21982) ; luật số 82-915 liên quan đến việc phát triển các định chế đại diện nhân sự (ban hành ngày 28/10/1982) ; luật số 82-957 liên quan đến các đàm phán tập thể và giải quyết xung đột việc làm (ban hành ngày 13/11/1982) và cuối cùng là luật 82-1097 liên quan đến các vấn đề vệ sinh, an toàn và điều kiện làm việc (ban hành ngày 23/12/1982).

Tinh thần của bộ luật này được dựa trên nền tảng hai ý tưởng chính : Thứ nhất, mở rộng quyền công dân trong khối doanh nghiệp : « công dân thành thị, người lao động cũng phải là những công dân trong chính doanh nghiệp của mình ». Ý tưởng thứ hai, quyền lao động phải khuyến khích các sáng kiến cá nhân và tập thể, chứ không được hạn chế.

Mô hình đối thoại xã hội Pháp đang « hụt hơi »?

Kể từ khi bộ luật được ban hành đến nay, đối thoại xã hội trở thành một phong tục của người Pháp, mà bằng chứng cho thấy sự bùng phát về chất và số lượng các thỏa thuận ký kết được hàng năm giữa các bên đối tác xã hội.

Năm nay, Hội nghị Đối thoại xã hội được tổ chức vào ngày 19/10/2015 trong một bầu không khí khá căng thẳng. Các chủ đề có thể khiến các nghiệp đoàn nổi giận như cải tổ đối thoại xã hội – được ông Hollande xem như trọng tâm trong chính sách điều hành của ông – và bảo hiểm thất nghiệp đều được tạm gác qua một bên. Nhưng điều đó cũng chưa đủ lôi kéo nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp, CGT cũng như là một nghiệp đoàn khác Solidaires đến tham dự hội nghị.

Hành động tẩy chay của hai nghiệp đoàn này đều được giới báo chí Pháp lý giải do những lời chỉ trích quá nặng nề của Thủ tướng Pháp Manuel Valls, ví những người hành hung hai lãnh đạo hãng Air France như là những tên « côn đồ ». Đồng thời cả hai nghiệp đoàn này đều không đồng tình với thỏa thuận được được ký kết hồi năm 2012. Trong khi đó, đối phó với thất nghiệp (hơn 10%) và làm thế nào kéo tăng trưởng kinh tế trở lại là một trong những mối bận tâm lớn của chính phủ Pháp hiện nay. Các cuộc đối thoại xã hội luôn đi vào bế tắc, các cuộc đình công, biểu tình liên tiếp xảy ra và đôi khi có xảy ra những hành động cực đoan như vụ việc vừa nói ở trên.

Trở lại vụ lãnh đạo Air France bị người đình công hành hung, vụ việc cho thấy rõ ràng là đối thoại xã hội tại hãng hàng không lớn nhất nhì thế giới này đã hoàn toàn rơi vào bế tắc. Hậu quả là người biểu tình đã nổi giận có những hành vi quá khích chống lại chính lãnh đạo của mình. Đây cũng không phải là lần đầu tiên nước Pháp mới xảy ra sự cố như vậy. Thời gian gần đây có dấu hiệu thường trực hơn. Bắt trói hay giam hãm lãnh đạo hãng làm con tin gần như trở thành một công cụ đấu tranh khá phổ biến như quan sát của tờ The Daily Mail của Anh quốc.

Câu hỏi đặt ra: Phải chăng mô hình đối thoại xã hội Pháp, tồn tại hơn 3 thập niên qua đã quá lỗi thời, và đang có xu hướng trở nên cực đoan hơn ? Rằng mô hình đó không còn đủ sức đối phó trước hiện tượng toàn cầu hóa? Về điểm này, ông Hubert Landier, chuyên gia về đối thoại xã hội, trả lời câu hỏi của RFI ngày 06/10/2015 cho rằng đó chẳng qua chỉ là « một con sâu làm rầu nồi canh ». Nhìn trên tổng quan, đối thoại xã hội của Pháp đã có nhiều tiến bộ. Vụ Air France chỉ là một trường hợp ngoại lệ.

« Không nên vì sự việc này mà bỏ qua một thực tế hiển nhiên, đó đối thoại xã hội tại Pháp hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với cách đây 20 - 30 năm. Mức độ hành động bạo lực bớt dữ dội hơn nhiều so với thời kỳ xảy ra cuộc khủng hoảng ngành luyện thép tại Lorraine năm 1979. Do đó, đây chỉ là một trường hợp ngoại lệ. Điều đáng lo ở đây bạo lực không do chính nghiệp đoàn thực hiện mà là từ các nhóm khác bên ngoài phỏng theo ý tưởng chủ nghĩa vô chính phủ hay chủ nghĩa Trốt-xki. Những nhóm người này lại không được các nghiệp đoàn kiểm soát. Nói đúng hơn đây là lời cảnh bảo dành cho các nghiệp đoàn. Bởi vì các tổ chức này đã không thể nào kiểm soát được các thành phần cực đoan đó »

Đối đầu: hình thức đấu tranh có từ lâu đời

Nhưng ông cũng nhắc lại rằng hình thức đối đầu đã có từ lâu trong lịch sử đấu tranh của giới công nhân. Sự trỗi dậy của hình thức đấu tranh này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mọi sự thất bại trong đối thoại hiện nay.

« Tại Pháp, chúng ta xuất phát từ một truyền thống là đối đầu. Tính truyền thống đã có từ lâu. Ngược dòng lịch sử, đạo luật Chapelier 1791 cấm sự tồn tại các tổ chức trung gian nghề nghiệp, dù là giới chủ hay phong trào công nhân. Do đó, giới công đoàn hoạt động trong điều kiện bất hợp pháp và mang một sắc khí rất là dữ dội. Và vì không có cách nào khác để bày tỏ chính kiến, không có gi để thương thuyết nên chỉ còn cách nổi dậy của giới công nhân.

Đó là một truyền thống đã có từ lâu đời. Còn những cuộc thương lượng xã hội chỉ là mới đây, từ những năm 1950. Đương nhiên lúc bấy giờ có một số chủ doanh nghiệp không thích điều đó chút nào. Đây chỉ là một hiện tượng mới gần đây, mỗi ngày mỗi tiến bộ một chút. Tôi cảm thấy rất ấn tượng về số lượng và lợi ích của những thỏa thuận được ký kết với giới chủ ngày nay có lợi nhiều hơn nhưng quả thật cũng có những hành động bạo lực thái quá. »

Một quan điểm cũng được tờ Suddeutsche Zeitung tại Munchen đồng chia sẻ. Người Pháp thích « Đối đầu hơn là đồng quản lý », như tựa đề bài viết được Courrier International trích dịch lại. Sự cố tại Air France cho thấy rõ một cách thảm hại mối quan hệ tồi tệ tồn tại giữa các đối tác xã hội tại Pháp. Và nhất là tình hình đáng buồn các nghiệp đoàn tại đây.

Sự việc đã làm lộ rõ sự yếu kém của các nghiệp đoàn, và việc đi đến hành động bạo lực là lẽ đương nhiên. Nhưng điều đó cũng gây thêm khó khăn cho các cuộc thương lượng/đối thoại xã hội. Nguồn cội của sự yếu kém đó bắt nguồn từ tỷ lệ tham gia công đoàn quá ít (chỉ có 8% theo như số liệu do OCDE đưa ra) và sự hiện diện quá đông đảo của các nghiệp đoàn trong cùng một doanh nghiệp.

Hơn nữa, giữa các nghiệp đoàn này còn có một sự cạnh tranh khá gay gắt giữa một bên ủng hộ cải cách và một bên bảo thủ, mang đậm xu hướng chủ nghĩa cộng sản. Điểm nổi bật của những tổ chức mang tính chất bảo thủ thích chọn hình thức đối đầu hơn đồng quản lý.

Cũng đừng quên rằng nguồn cội của chủ nghĩa công đoàn Pháp chính là chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ (anarcho-syndicalisme) như lời nhắc của tờ The Guardian. Phong trào công nhân phát sinh vào cuối thế kỷ XIX – đầu XX. Đó là một dạng chủ nghĩa công đoàn chống nghị viện, vì người lao động không thể tin cậy vào các chính khách chuyên nghiệp (kể cả đảng chính trị dân chủ - xã hội) để bảo vệ các quyền lợi của mình.

« Người Pháp bất trị »

Tờ The Daily Mail, một tờ báo bảo thủ dành cho giới trung lưu tại Luân Đôn còn nặng lời hơn cho rằng « Người Pháp là bất trị ». Đây cũng là tít lớn trên trang nhất của Courrier International số ra cho từ ngày 15-21/10/2015. « Máu nổi loạn đó đã có sẵn trong ADN » tờ báo chỉ trích. Nước Pháp vốn dĩ nổi tiếng với những cuộc đình công, biểu tình rầm rộ để chống lại các chính sách của nhà nước hay của các doanh nghiệp (dù là công hay tư) mà họ cho là gây bất lợi hay làm tổn hại đến các quyền cơ bản.

Về mặt lịch sử, người Pháp lúc nào cũng luôn trong tư thế chực xuống đường biểu tình. Họ rất tự hào về việc thách thức chính quyền và các điều luật. Nổi dậy đông đúc đã ăn sâu trong trong ADN quốc gia. Chính thái độ này thường phản ảnh rất rõ trong cáí cách hành động của Nhà nước Pháp. Một nhà nước rất thích ra điều luật nhưng không bao giờ thực hiện. Mà ví dụ điển hình là chính phủ Pháp bất lực trong việc giảm thâm hụt ngân sách xuống mức theo như yêu cầu của Bruxelles.

Nếu đem so sánh giữa hai nước Anh và Pháp, tờ báo thân hữu này cho rằng về bản chất công nhân Anh « dễ bảo » hơn. Kể từ sau vụ trấn áp những người thợ mỏ và công nhân ngành in dưới thời cai trị bằng bàn tay sắt của cố Thủ tướng Magaret Thatcher, quyền lực của giới công đoàn Anh và tham vọng đấu tranh coi như đã bị « cắt cụt ». Tờ báo còn lưu ý, mọi ý đồ sao chép các chiến thuật đấu tranh theo kiểu Pháp tại Anh đều gặp thất bại một cách có hệ thống.

Đó cũng là điều dễ hiểu vì sao hằng năm, mỗi dịp lễ Quốc khánh, người Pháp đều tưởng niệm vụ phá ngục Bastille. Tưởng niệm những người nổi dậy bị chết trong thời kỳ Công xã Paris năm 187, nổi dậy lật đổ chế độ như là những người chết vì chính nghĩa.

Đối với tờ báo, vụ hành hung lãnh đạo Air France, một mặt phản ảnh rõ những dị biệt triệt để giữa người Anh và người Pháp trong cách tiếp cận đời sống chính trị. Mặt khác, sự việc cũng làm nổi rõ những tương phản cơ bản giữa các quốc gia, và đây cũng là nguyên nhân gây căng thẳng trong lòng Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo nhắc lại rằng, mơ ước xích lại gần bền vững hơn về mặt chính trị và kinh tế của Châu Âu được dựa trên nền tảng thiện chí tuân phục của các quốc gia thành viên và đôi khi trong cả việc thực hiện cải cách. Hai tiêu chí mà nước Pháp và người dân xứ này dường như không bao giờ chịu tuân thủ.

Đó cũng là lý do vì sao mà giới chủ Pháp không bao giờ chấp thuận một nền văn hóa đồng thuận : không bao giờ cho phép hình thức đồng quản lý theo kiểu của Đức, như nhận xét của tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung tại Munchen.

« Trăm dâu » không nên « đổ đầu tằm »

Trách người lao động quá nóng nảy, trách ban lãnh đạo quá kém cỏi, nhưng đó cũng là lỗi của chính phủ Pháp. Hãng hàng không Pháp Air France là một doanh nghiệp bán Nhà nước, tức chính phủ nắm giữ 15,-% cổ phần. Nhưng tờ Le Temps của Thụy Sĩ lấy làm lạ về cách thức can thiệp của chính phủ Pháp.

Một hãng hàng không lớn trên thế giới với hơn 100.000 nhân sự làm việc đó đây, nhưng lại không có được một chính sách định hướng rõ ràng để nâng giá trị văn hóa của doanh nghiệp. Không những doanh nghiệp này thất thu trong việc vận chuyển hành khách, mà còn thất thiệt cả trong hàng hóa. Hoạt động bảo trì rất có lợi thế giờ cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Vậy mà không hiểu vì sao ông Alexandre de Juniac lại có thể được cất nhắc lại với 95% phiếu ủng hộ của cổ đông.

Không những điều hành kém mà cũng khôn khéo trong cách xử lý vấn đề. Ngay sau vụ đình công của các phi công năm 2014, làm thiệt hại cho hãng đến gần 300 triệu euro. Sự việc chưa kịp nguội, trong một chương trình Đối thoại, trước một đám đông ký giả và khách mời khác, vị Tổng giám đốc đã chỉ trích mạnh mẽ vào chế độ tuần làm việc 35 giờ, tuổi về hưu và mọi thành quả xã hội đạt được mà các nghiệp đoàn kiên quyết bảo vệ.

Cảm thấy quyền lợi và tương lai bị đe dọa, lẽ đương nhiên là người lao động tại Pháp đã có những hành động như trên để bày tỏ thái độ phẫn uất, như bài bình luận trên tờ The Guardian của Anh. Ban lãnh đạo hãng Air France khi đưa ra giải pháp giảm bớt nhân sự để giảm giá thành hòng tăng tính cạnh tranh với các hãng vùng Vịnh đã không nói rõ một chi tiết là tại các quốc gia Ả Rập, các phi công không được quyền đình công đòi hỏi quyền lợi. Nếu họ cứ cố tình tổ chức thì ngay lập tức sẽ bị đi tù, như giải thích của một lãnh đạo hãng Qatar với Tổng giám đốc Air France.

Theo quan điểm của tờ báo Anh, trong trường hợp này chính vị Tổng giám đốc mới là côn đồ, chứ không phải những người lao động tuyệt vọng đó. Một nhận xét cũng được tờ báo Ý La Stampa đồng chia sẻ. Tờ báo còn cho rằng đó cũng là « Sự nổi giận của một nước Pháp mất định hướng ». Khủng hoảng, toàn cầu hóa đã làm chao đảo đất nước và có nguy cơ đẩy nước Pháp rơi vào vòng tay của Mặt trận Quốc gia, một đảng chính trị cực hữu chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.