Vào nội dung chính
PHÁP -SYRIA

Pháp tấn công IS lần thứ hai

Đêm qua rạng sáng hôm nay 09/10/2015, Pháp tiến hành không kích lần thứ hai nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, trong lúc IS lợi dụng tình hình hỗn loạn nhân các cuộc không kích của Nga để mở rộng vùng kiểm soát.

Một phi cơ Rafale của quân đội Pháp trong phi vụ trinh sát ở Syria ngày 09/09/2015.
Một phi cơ Rafale của quân đội Pháp trong phi vụ trinh sát ở Syria ngày 09/09/2015. AFP PHOTO / ECPAD
Quảng cáo

Reuter loan tin không quân Pháp tấn công vào một căn cứ tại Rakka, thủ phủ của lực lượng Hồi giáo thánh chiến IS. Mục tiêu của đợt không kích kéo dài gần 6 giờ này là trại huấn luyện các hoạt động khủng bố tự sát. Hai máy bay chiến đấu Rafale từ Abou Dhabi đã tham gia chiến dịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian, khẳng định cuộc không kích đã đạt được mục đích. Trại bị không kích gần Rakka, theo ông, là nơi huấn luyện các chiến binh nước ngoài, mà « nhiệm vụ sau đó không phải là hoạt động tại Cận Đông, mà là ở Pháp, ở Châu Âu ».

Cuộc không kích đầu tiên của Pháp là vào ngày 27/09, chỉ ít ngày trước khi Nga mở màn chiến dịch không kích (30/09). Đây là một bước ngoặt lớn trong xung đột tại Syria. Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cáo buộc đích ngắm của Nga không phải là lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, mà là để bảo vệ Tổng thống Bachar Al Assad. « Từ 80 đến 90% » trong số các vụ không kích của Nga không nhằm vào IS.

Lợi dụng việc Nga không kích, các nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã lấn chiếm nhiều khu vực gần Alep, bắc Syria, có thể do nhiều vị trí của quân nổi dậy tại vùng này bị tấn công. Vẫn tại khu vực Alep, một chỉ huy cao cấp của Vệ binh Cộng hòa Iran bị IS giết, theo thông báo của chính quyền Iran, được AFP dẫn lại. Hiện tại, có đến 7.000 binh sĩ thuộc lực lượng tinh nhuệ Iran này này có mặt tại Syria, để hỗ trợ đồng minh Damas.

Đức và Tây Ban Nha kêu gọi kêu gọi Hoa Kỳ và Nga đối thoại

Hôm nay, từ Madrid, hai Ngoại trưởng Đức và Tây Ban Nha đồng kêu gọi Mỹ và Nga đối thoại và hợp tác vì một giải pháp chính trị cho Syria. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nêu ba nguyên tắc làm cơ sở cho thương lượng : toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tương lai của Syria sẽ là một chế độ chính trị thế tục, tôn trọng các thiểu số tôn giáo và sắc tộc, và cần phải thành lập một chính phủ chuyển tiếp ngay khi các định chế nhà nước tại Syria chưa sụp đổ hoàn toàn.

Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel García-Margallo kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út một bên, và bên kia là Iran. Đồng thời việc tìm ra một cơ chế cho hợp tác Hoa Kỳ và Nga là đặc biệt quan trọng.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh, Madrid và Berlin thống nhất không coi Bachar Al Assad là « một bộ phận của giải pháp sau chót », bởi « quá khứ tội ác của ông ta ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.