Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Syria : Pháp đi dây giữa Mỹ và Nga

Pháp oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria để « tự vệ », tiêu diệt Daech và giành lại tiếng nói trên hồ sơ Syria. Trong lúc Nga Mỹ định đoạt về số phận của tổng thống Bachar Al Assad. Paris bị việt vị trên hồ sơ Syria.

Tổng thống Pháp F.Hollande tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh ngày 28/09/2015.
Tổng thống Pháp F.Hollande tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh ngày 28/09/2015. Reuters
Quảng cáo

Paris vẫn chưa quên thất bại ê chề về hồi năm 2013. Khi đó Pháp đã đứng về phía Mỹ, ủng hộ một giải phán quân sự cho Syria, để rồi vào giờ chót, Pháp đã bị việt vị, khi Washington nghiêng về lập trường của Matxcơva. Bachar Al Assad bình yên vô sự. Dân Syria tiếp tục di tản, tránh bom đạn của cả quân đội chính phủ lẫn quân khủng bố Daech. Vì muốn tránh để kịch bản đó tái diễn, tổng thống Pháp đã vội vã thông báo tấn công Daech ở Syria sau nhiều tháng từ chối oanh kích quân Hồi giáo thánh chiến trên quê hương ông Bachar Al Assad.

Trong bài phân tích đăng trên báo mạng Mediapart đề ngày 29/09/2015 tác giả Lénaig Bredoux nhấn mạnh đến thế cô đơn của tổng thống Pháp François Hollande tại New York khi ông đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo tác giả bài viết, diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Hai 28 tháng 9 thực sự là đấu trường dành riêng cho hai ông Barack Obama và Vladimir Putin để cùng định đoạt về số phận của tổng thống Syria Bachar Al Assad. Lãnh đạo Pháp đã làm tất cả để thu hút chú ý của cử tọa, nhưng khi ông Hollande lên phát biểu thì cả tổng thống Nga lẫn Mỹ đã cùng vắng mặt trong hội trường. Barack Obama và Vladimir Putin đã rút lui để họp riêng trong một cuộc gặp gỡ tay đôi.

Đây là sáng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon sau khi Matxcơva thông báo can thiệp quân sự tại Syria chống « khủng bố » và không che dấu mục đích yểm trợ chính quyền Damas trước mối đe dọa của quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó Mỹ vẫn chủ trương gạt tổng thống Bachar Al Assad ra khỏi tiến trình chuyển tiếp của Syria. Pháp đứng hẳn về phía Hoa Kỳ để đồi tổng thống Syria phải ra đi.

Lại cũng chính Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon trước khi mời hai ông Obama và Putin cùng ngồi vào bàn đối thoại đã kêu gọi thế giới cùng nhau khép lại khủng hoảng Syria kéo dài đã bốn năm qua. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc chính thức mời 5 quốc gia « đang nắm giữ chìa khóa trên hồ sơ Syria – gồm Nga, Mỹ, Ả Rập Xê Út, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ » nhanh chóng họp lại để mang tìm một ngõ thoát.

Pháp không có tên trong danh sách những quốc gia « then chốt » của ông Ban Ki Moon cho dù tổng thống Hollande sang tận New York để thông báo Paris mở chiến dịch oanh kích quân khủng bố Daech đang hoành hành tại Syria.

Tất cả mọi chú ý dồn về phía Nga, khi tổng thống Vladimir Putin loan báo kế hoạch thành lập liên minh chống khủng bố trên quê hương ông Bachar Al Assad. Dù muốn hay không thì số phận của tổng thống Al Assad thực ra đang nằm trong tay Nga và Mỹ chứ không phải là Pháp. Mediapart bồi thêm : cho dù là Washington và Matxcơva có quyết định thế nào đi chăng nữa về tương lai của Syria thì Pháp cũng răm rắp nghe theo Hoa Kỳ.

Vẫn nhà báo Lénaig Bredoux nhân định, trên thực tế « chiến dịch quân sự » của Pháp chỉ mang tính tượng trưng và chỉ là hành động để mọi người đừng quên tiếng nói của Paris trên hồ sơ Syria. Điện Elysée không có một chiến lược lâu dài cho Syria.

Chính sách ngoại giao của Pháp thực sự khó hiểu : Từ khi lên cầm quyền năm 2012 François Hollande luôn chứng minh ông ủng hộ phong trào dân chủ « mùa xuân Ả Rập » để rồi trong ba năm qua Paris không ngừng sưởi ấm quan hệ với những « đồng minh » như là Ả Rập Xê Út, hay với Ai Cập. Tổng thống Abdel Fatah Al Sissi nổi tiếng không phải là một nhà dân chủ. Cả Cairo và Ryiad đều là những chế độ độc tài, sẵn sàng bịt miệng mọi tiếng nói bất đồng.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.