Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Jules Verne: Người dẫn đường khoa học ?

Đăng ngày:

Cách đây 110 năm, ngày 24/03/1905, Jules Verne - tác giả của hai tác phẩm phiêu lưu nổi tiếng "Hai vạn dặm dưới biển" và "80 ngày vòng quanh thế giới", đã qua đời. Ông còn là tác giả của 64 tiểu thuyết, chừng 4O tiểu phẩm và vở kịch.

Jules Verne năm 1862 (Wikipedia)
Jules Verne năm 1862 (Wikipedia)
Quảng cáo

Từ khám phá đáy biển cho đến những chuyến du hành ngoài không gian, các tác phẩm của ông đầy dẫy những kiểu máy móc lạ đời, được các kỹ sư đầy đam mê hay những nhà bác học, những nhân vật mờ ám sáng chế. Điều ngạc nhiên ông chưa bao giờ là người của khoa học. Chưa bao giờ đeo đuổi một ngành khoa học tự nhiên. Tự bản thân Jules Verne cũng từng xác nhận:

"Tôi chưa thể nói là tôi đặc biệt bị khoa học lôi cuốn. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ bị như thế cả: tức là tôi chưa từng bao giờ theo đuổi việc nghiên cứu khoa học, cũng không làm thí nghiệm nào. Nhưng khi tôi còn trẻ, tôi rất thích quan sát một cái máy vận hành như thế nào. (...) Sở thích này vẫn bám theo tôi suốt cả cuộc đời và cho đến giờ tôi vẫn thích thú ngắm nhìn một đầu máy xe lửa đẹp đang vận hành hơn là chiêm ngưỡng một bức họa của Raphael".

Một lời tâm sự đáng kinh ngạc từ một người của văn học, được ví như là người sáng tạo ra dòng "tiểu thuyết khoa học", "cha đẻ của dòng văn học khoa học-giả tưởng".

Sinh ngày 08/02/1828, tại thành phố biển Nantes, tây nam nước Pháp. Ông là anh cả trong một gia đình có năm người con. Lúc ban đầu ông theo đuổi ngành luật, dưới sự thúc đẩy của cha, một luật gia, vốn dĩ cũng mong muốn Jules Verne nối nghiệp của ông. Trong suốt thời gian theo học tại Paris, Jules Verne thường lui tới các câu lạc bộ văn học. Chính ở những nơi nay ông có dịp gặp gỡ và kết bạn với hai nhà văn Dumas, cha và con. Tình bạn của ông với hai người đã giúp ông sáng tác và tham gia vở kịch đầu tiên Những cọng rơm gẫy (1850).

Nhưng cuộc hội ngộ với Pierre-Jules Hetzel, gương mặt tiêu biểu của ngành xuất bản cuối thế kỷ 19 đã làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp văn chương của Jules Verne. Khi nhận bản thảo Năm tuần trên khinh khí cầu (Cinq semaines en ballon, 1863), Hetzel đã biết rất rõ những gì ông trông đợi được ở nhà văn trẻ tuổi này. Quả thật, tác phẩm đã gặt hái thành công tức thì. Thậm chí Hetzel còn vạch ra cho Jules Verne một lộ trình vượt sức tưởng tượng : trở thành tiểu thuyết gia, phổ biến khoa học « không chỉ dành cho người lớn, mà theo cả hướng cho trẻ con ».

Ông Hetzel khi đề tựa cho tác phẩm « Những chuyến du hành và phiêu lưu của thuyền trưởng Hatteras » (Voyages et aventures du capitaine Hatteras, 1864) có ghi như sau : « Tóm lược mọi kiến thức, địa lý, địa chất, vật lý, thiên văn, được ngành khoa học hiện đại thu nhặt ». Hetzel cũng không ngần ngại đóng vai trò người kiểm duyệt đối với Jules Verne như việc ông từ chối tác phẩm « Paris vào thế kỷ XX » (Paris au XXè siècle), được cho là quá vị lai. 

Những tác phẩm đầu tiên của Jules Vernes tập trung xoay quanh những địa điểm chưa từng được khám phá : Nguồn gốc sông Nil (Năm tuần trên khinh khí cầu, 1863) ; Bắc Cực (Những chuyến du hành và phiêu lưu của thuyền trưởng Hatteras, 1864-1865) ; lòng đất (Chuyến đi vào tâm Trái Đất, 1864 – đây cũng là tác phẩm thành công nhất) ; đáy biển (Hai vạn dặm dưới đáy biển, 1869-1870) và thiên văn (Từ Trái Đất đến Mặt Trăng, 1865).

Những điểm nổi bật trong các tác phẩm của Jules Verne là biết « kịch hóa » các kiến thức khoa học. Lối kể chuyện cổ điển – như chuyến du hành tưởng tượng nhưng được hiện đại hóa nhờ vào những nền tảng khoa học vững chắc. Để cho các chuyến du hành tại các xứ sở thần tiên đó được kết thúc trong mỹ mãn, phải có những loại máy móc cho giao thông cần thiết.

Như vậy trong các tác phẩm của ông, người đọc lần lượt khám phá chiếc tàu ngầm Nautilus của thuyền trưởng Nemo (Hai vạn dặm dưới đáy biển). Tàu bay Albatros trong Robur – Kẻ xâm lăng (Robur – Le Conquérant, 1886) hay như Người khổng lồ thép trong La Maison à Vapeur (1880).

Bản đồ hành trình của Phileas Fogg, ảnh minh họa gốc của Alphonse de Neuville và de Léon Benett.
Bản đồ hành trình của Phileas Fogg, ảnh minh họa gốc của Alphonse de Neuville và de Léon Benett. Wikipedia

Tiến bộ khoa học : nguồn cảm hứng vô tận

Nhưng tất cả những thông tin khoa học – kỹ thuật và thứ máy móc lạ đời đó không phải do Jules Verne sáng chế ra. Đấy là thời hoàng kim của nền khoa học tự nhiên. Những khám phá, phát minh mới nở rộ trên mọi lãnh vực vào thời đó đã tạo nên một nguồn cảm hứng dồi dào cho Jules Verne.

Vốn dĩ là một người làm việc có phương pháp và rất hiếu kỳ, Jules Verne lục tìm và ghi chép cẩn thận tất cả những thông tin ông tìm thấy trên báo chí. Ông Philippe de La Cotardière - nhà văn, phóng viên về khoa học, chuyên gia trong lãnh vực thiên văn học và cũng là nhà nghiên cứu nghiệp dư về Lịch sử Khoa học, có giải thích như sau với phóng viên kênh truyền hình tư nhân TFI năm 2005 :

« Ông là một tiểu thuyết gia tự trao dồi kiến thức rất nhiều. Ông đọc tất cả các loại báo và tạp chí chuyên ngành, rình rập mọi giả thuyết mới hay những sáng chế và ông soạn ra các phiếu kỹ thuật. Khi ông viết một tiểu thuyết, mạch truyện chính vẫn luôn là những cuộc phiêu lưu và những chuyến du hành rồi ông mới đan xen vào đó những thông tin khoa học và kỹ thuật. Ông là người sáng chế ra một kiểu phổ biến khoa học mới ».

Toàn bộ những phiếu ghi chép đó được sắp xếp theo trình tự chữ cái một cách cẩn thận. Một công việc cơ bản giúp cho Jules Verne có thể « bám chặt » vào tình hình thời sự để từ đó có thể rút tỉa những câu chuyện sống động, rõ ràng, với một giọng điệu gần với kiểu phóng sự.

Điều đó giải thích phần nào sự thành công của tức thì của tác phẩm Năm tuần trên khinh khí cầu. Bởi vì vào thời điểm đó, mốt khí cầu đã đạt đến tuyệt đỉnh. Hơn nữa, bối cảnh của câu chuyện diễn ra trên Châu Phi, lục địa công chúng vừa được biết đến nhờ vào các chuyến thám hiểm của hai người Anh, nhà quý tộc Richard Francis Burton và một sĩ quan quân đội John Speke.

Người ta nói là chính việc Jules Verne biết « đánh hơi » những tiến bộ của khoa học thời đại đã mang đến thành công cho các tác phẩm của ông. Như tập truyện « Chuyến du hành vào tâm Trái Đất » (1864) ra đời vào lúc một ngành học mới ra đời : địa chất học. Chính những khám phá của Jacques Boucher de Perthes đã làm sáng tỏ sự khởi đầu của thời tiền sử.

Rồi những khám phá mới trong ngành thiên văn, như việc Le Verrier phát hiện Hải Vương tinh, các tính chất sóng ánh sáng của Arago và Fresnen, hay nhiệt động học … Nói tóm lại không một chi tiết khoa học – kỹ thuật mới nào có thể lọt khỏi tai nghe của nhà văn.

Dùng khoa học để ngoại suy và dự đoán cho tương lai

Ảnh bìa "Hai vạn dặm dưới đáy biển".
Ảnh bìa "Hai vạn dặm dưới đáy biển". Wikipédia

Đam mê tìm hiểu khoa học không chỉ dừng ở việc thu thập thông tin trên báo chí. Mối quan hệ rộng rãi trong giới khoa học thuộc mọi ngành lãnh vực lúc bấy giờ cũng giúp ông có những thông số kỹ thuật mà sau này Jules Verne có dịp lồng trong những câu chuyện phiêu lưu của mình. Từ viện sĩ hàn lâm Joseph Bertrand - chuyên gia về đường đạn đạo, mà những phép tính của ông được dùng cho Từ Trái Đất lên Mặt Trăng (De la Terre à la Lune). 

Hay như là các nhà địa chất học Louis Vivien de Saint-Martin và Théophile Lavallée, nhà hóa học Henri Sainte-Claire Deville, nhà sinh lý học Louis-Pierre Gratiolet hay như là kỹ sư khoáng sản Albert Badoureau. Những kiến thức khoa học ông thu thập được đều được ghi lại thành những phiếu kỹ thuật. Khi ông mất người ta tìm thấy có đến hơn 25.000 phiếu ghi kỹ thuật, phiếu ghi chép và phiếu dự án của ông.

Nghiên cứu các tác phẩm của Jules Verne, ngoài mục đích phổ biến kiến thức khoa học, có thể nói ông đã làm được một việc mà đa số những người thích tìm hiểu về ông đều có chung một nhận xét : dự báo tương lai của nền khoa học. Ông Philippe de La Cotardière khi phân tích mối quan hệ mật thiết giữa nhà văn với khoa học có nhận định :

« Ông thường bác lại việc đối chiếu ông với các nhà văn khoa học viễn tưởng lúc bấy giờ, nhất là với H.G.Wells. Jules Verne chỉ là ngoại suy một cách hợp lý những kiến thức khoa học thời ấy. Ông không tưởng tượng ra các tiến trình hay các vật liệu, những thứ không tồn tại. Các hình mẫu về tàu ngầm đã được thử nghiệm một thế kỷ trước đó. Hơn nữa chiếc tàu ngầm Nautilus trong tác phẩm của ông, được lấy từ tên của chiếc tàu do một người Mỹ sáng chế và được đem giới thiệu trước Napoleon Bonaparte trên sông Seine.

Ngược lại, Jules Verne đã nghĩ ra việc Nautilus sử dụng điện như là phương thức tạo lực đẩy và nguồn năng lượng – Đó cũng là những gì đang diễn ra trong các loại tàu ngầm hiện đại chạy bằng năng lượng hạt nhân ngày nay. Về phần các loại thiết bị bay, chúng được vận hành bằng một hệ thống cánh quạt, những gì mà các kỹ sư thời bấy giờ nghĩ ra. Do đó, trong thực tế, đó là những chiếc máy bay tiền thân của trực thăng bây giờ ».

Tiến bộ khoa học phải đi cùng với tiến bộ về đạo đức

Có thể nói Jules Verne đã rất thành công trong việc truyền đạt các kiến thức mang đến cho độc giả những đam mê thích thú khoa học. Ông đã tài tình hòa quyện văn học với khoa học đưa chúng ta đi từ nơi này sang đến nơi khác, từ mặt đất đến không gian, đi xuyên vào lòng đất, lặn sâu dưới đại dương với những cỗ máy kỳ lạ.

Điều thú vị là không những Jules Verne đã mô tả thành công diện mạo của một nền công nghệ khoa học đương thời, mà ông cũng đã nhanh chóng nhận thức được rằng những thiệt hại mà tiến bộ khoa học gây ra, đồng thời đưa vào trong tác phẩm những khái niệm về khoa học nhân văn trước những khám phá khoa học này.

Theo nhận định ông Philippes Mustière, giáo sư tại Ecole Centrale tại Nantes, tây nam nước Pháp, trên làn sóng RFI « Jules Verne có một trạng thái rất là mơ hồ. Một mặt ông tỏ ra rất hào hứng viết tiếp những câu chuyện tưởng tượng về những thứ máy móc do khoa học sáng chế ra, nhưng đồng thời cũng rất tỉnh táo cảnh giác trước sự trượt đà mà con người và xã hội sẽ gây ra từ những sáng tạo mới đó ».

Đối với nhà văn, nếu con người quá lệ thuộc vào kỹ thuật, nếu tiến bộ khoa học không đồng thời với tiến bộ đạo đức, con người chỉ có thiệt mà thôi. Có lẽ chính vì chút bi quan đó, mà Pierre Jules Hetzel, người đỡ đầu của ông đã từ chối phát hành tác phẩm « Paris vào thế kỷ XX », tiểu thuyết thứ hai. Chính Hetzel đã khuyên Jules Verne đợi 20 năm sau hãy đăng tác phẩm này. Nhưng cuối cùng cũng phải đợi rất lâu sau khi nhà văn qua đời tác phẩm này mới đến tay độc giả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.