Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Người tị nạn : Châu Âu sau đón tiếp xúc động là những e ngại

Đăng ngày:

Từ Bắc Phi, Trung Cận Đông, những vùng đất đói nghèo và chiến tranh đẫm máu, hàng nghìn con người ồ ạt đổ về lục địa Châu Âu đi tìm nơi trú thân đã tạo ra một cuộc khủng hoảng di dân lớn chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2. Một số nước Châu Âu đã quyết định đón nhận một phần trong dòng người tị nạn gần như bất tận này vì lòng trắc ẩn và nhân đạo, tuy nhiên dư luận vẫn tỏ thái độ nghi ngại làn sóng nhập cư ồ ạt lần này sẽ gây ra những hệ lụy về xã hội.

Những người tị nạn Syria và Irak tại phòng khám bệnh ở Cergy Pontoise, ngoại ô Paris, ngày 09/09/2015
Những người tị nạn Syria và Irak tại phòng khám bệnh ở Cergy Pontoise, ngoại ô Paris, ngày 09/09/2015 REUTERS
Quảng cáo

Cả Châu Âu đang lúng túng không biết phải làm gì. Phải đợi đến khi hình ảnh về cái chết bi thảm của em bé Aylan 3 tuổi người Syria bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cùng gia đình tìm đường tị nạn gây xúc động cả thế giới, thì Châu Âu mới nhận thấy không thể hành động chậm hơn.

Nước Đức đi đầu làm gương hôm 05/09 đã mở cửa đón hàng chục ngàn người đi từ ngả Hungary qua nước Áo. Vài ngày sau, Liên Hiệp Châu Âu, dù vẫn còn chia rẽ nặng nề trong vấn đề người nhập cư, cũng không thể thể ngồi chờ các nước thống nhất với nhau.

Ngày 09/09, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jean Claude Juncker, đã thông báo quyết định phân bổ định mức bắt buộc đón nhận người tị nạn cho một số nước thành viên của Liên Hiệp. Tổng số 120 000 người tị nạn và khoảng 40 000 người đã có mặt trên đất châu Âu) được chia theo mức độ thu nhập của từng quốc gia. Sau nước Đức, Pháp đã bắt đầu đón tiếp đợt di dân tị nạn đầu tiên trong tổng số chỉ tiêu phân bổ 24 000 người trong 2 năm.

Đằng sau quyết định của những nước như Đức, Pháp, Anh hay Tây Ban Nha đón nhận người tị nạn, được đánh giá là « can đảm » và « nhân đạo » và sau những cuộc đón tiếp người tị nạn đầy tình nhân đạo cảm động mà người ta có thể thấy trên khắp các báo chí Châu Âu trong những ngày qua, một vấn đề lớn đặt ra cho những nước tiếp nhận, đó là làm sao để những người tị nạn mới nhập cư có thể hòa nhập vào xã hội sở tại, không gây những xáo động hay những hệ lụy về lâu về dài ?

Nước Pháp vốn là vùng đất cởi mở với người tị nạn (chính trị, chiến tranh), dù chính phủ đã hăng hái nhận chỉ tiêu đón 24 000 người trong 2 năm tới, nhưng dư luận Pháp lần này vẫn tỏ ra dè dặt đón tiếp dòng người tị nạn từ Trung Cận Đông tới.

RFI đã trao đổi với nhà báo, nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy tại Paris xung quanh những nghi ngại của dư luận Pháp về việc đón tiếp người tị nạn:

07:04

Ô. Nguyễn Văn Huy - Paris

 

 

 

 

 Vẫn trong chủ đề này chúng ta cùng với thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, nhìn sang nước Anh, đất nước bên ngoài vẫn tỏ ra cứng rắng đóng cửa với di dân, nhưng bên trong lại có vẻ mở rộng cơ hội cho người nhập cư.

Nhìn sang nước Anh, đất nước bên ngoài vẫn tỏ ra cứng rắn đóng cửa với di dân nhưng bên trong lại có vẻ mở rộng cơ hội cho người nhập cư. Có lẽ bởi thế mà nước Anh vẫn được người ta coi như là điểm đến số một của dân di cư. Một trong số những lý do chính là vì xã hội nước Anh có điều kiện rất tốt cho người nhập cư, cả theo đường hợp pháp lẫn những người tị nạn vượt biên.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết :

Nếu so với các nước Châu Âu, thì văn hóa di dân ở Anh đã được hình thành tư rất lâu, do mối quan hệ rất đặc biệt giữa đế quốc Anh và các nước thuộc địa. Người nhập cư khi thi lấy bằng tiếng Anh để xin thẻ định cư có nguyên một chương trong giáo trình dạy về lịch sử di dân vào Anh, và các nội dung văn hóa đa sắc tộc thì nằm rải rác khắp nơi trong các chương khác.

Nguyên tắc ius soli cho phép người nước ngoài sau 5-7 năm sinh sống là có quyền được nhập quốc tịch Anh, cho nên không chỉ trong các công ty đa quốc gia mà ngay cả cơ quan nhà nước hay là trường học và bệnh viện cũng rất nhiều dân nhập cư làm việc. Ở Luân Đôn có quá nửa số học sinh trong lớp không dùng tiếng Anh ở nhà. Từ việc họp phụ huynh, cho đến khám bệnh, và những việc hệ trọng như phỏng vấn tị nạn và ra tòa, tất cả di dân đều có quyền ngang nhau là chính phủ phải cung cấp phiên dịch nói đúng phương ngữ của mình. Các khu vực tập trung di dân phát triển thành chợ với đủ các loại món ăn dân tộc, bênh cạnh hệ thống nhà thờ hay thánh đường theo đúng hệ phái ở quê nhà, và các sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Ngay cả trong siêu thị cũng có sẵn các khu thực phẩm đa sắc tộc, mà hầu như ở bất kỳ đâu trên nước Anh này cũng có thể mua tương ớt, nước mắm, gạo, hay phở ăn liền, cũng như gia vị cho đủ các loại văn hóa ẩm thực khác nhau.

Cho nên, chỉ cần nhìn khái quát qua cuộc sống hàng ngày thì sự lựa chọn của người nhập cư chắc chắn sẽ thiên về nước Anh. Đó là chưa kể đến thế mạnh kinh tế, vì nơi đây luôn thiếu lao động phổ thông và các cộng đồng sắc tộc cho phép người nhập cư bắt đầu cuộc sống mới bằng ngay chính các dịch vụ bên trong không cần đóng thuế hay giấy tờ, ví dụ như thuê nhà hay giữ trẻ cho các gia đình khá giả hơn.

Cơ hội tiến thân ?

Xã hội nước Anh không chỉ coi dân nhập cư như là nguồn lao động phổ thông mà còn tạo điều kiện để họ phát triển tri thức và tham gia thị trường lao động bậc cao, mà giáo dục là điều được quan tâm hàng đầu.

Trẻ em bất kể nguồn gốc, kể cả không có giấy tờ tùy thân hay cha mẹ là dân nhập cư trái phép thì vẫn được đến trường vì công ước quốc tế của Unicef qui định chính phủ Anh phải bảo đảm cho các em được học miễn phí đến hết bậc phổ thông, và hệ thống an sinh xã hội thì cấp thuốc men và chữa trị miễn phí cho các em đến năm 16 tuổi. Nhiều gia đình dân nhập cư chỉ cần gói ghém trong số tiền trợ cấp hàng tháng cho trẻ em là đủ sống, vì nhà cũng được chính quyền địa phương chu cấp, và trong thời gian đi học tiếng Anh hay học nghề để kiếm việc thì cũng được tiền trợ cấp thất nghiệp khá cao.

Các trường đại học dù có thu học phí nhưng đã có quĩ của chính phủ cho vay đến khi nào đi làm có lương mới phải trả lại dần dần. Bên cạnh những cánh cửa rộng mở do qui định của luật pháp, văn hóa kinh doanh và hướng nghiệp của mỗi cộng đồng cũng mở ra thêm nhiều con đường để tiến thân và làm giàu. Người Việt nổi tiếng với hệ thống các tiệm nails, còn người Thổ Nhĩ Kỳ thì hầu như nắm hết toàn bộ mạng lưới cửa hiệu tạp hóa nhỏ trong các khu dân cư, bên cạnh các tiệm đồ ăn take-away của người Hoa, và người Ấn Độ thì thường đầu tư cho con học cao để làm bác sĩ.

Cơ hội tiến thân có sẵn ở khắp mọi nơi, chỉ cần người nhập cư có quyết tâm và chịu khó là sẽ nâng được thứ hạng cho gia đình và con cái sau này. Ngay cả nhà trợ cấp sau một thời gian là di dân có thể mua lại với giá rất rẻ chi bằng một nửa hay một phần ba giá thị trường.

Gánh nặng cho xã hội nước Anh?

Mặc dù nước Anh cần nhiều lao động tay chân, nhưng lao động có trình độ cao và lương cao mới là nguồn ngu cho ngân sách để chu cấp cho hệ thống an sinh xã hội. Điều đó tạo ra sự chia rẽ ngay trong chính các cộng đồng dân cư, ví dụ như người Ba Lan có thu nhập cao và đóng thuế gần một nửa tiền lương chỉ trích những người Ba Lan sang Anh để ăn trợ cấp thất nghiệp theo qui định của Liên Hiệp Châu Âu.

Hay trong cộng đồng người Việt cũng có sự phân biệt đối với những người mới sang, trồng cần sa tạo ra điều tiếng xấu. Hay ví dụ như không ít người Việt làm chủ tiệm nails thu nhập mỗi năm hàng trăm ngàn euro, vậy mà vẫn khai thu nhập thấp để ăn tiền trợ cấp và ở nhà xã hội để chờ đến ngày mua hóa giá kể kiếm lợi thêm cả trăm ngàn euro nữa, và dùng tiền kiếm được để tiêu xài hoang phí ở Việt Nam, đưa thêm người nhà nhập cư bất hợp pháp vào Anh, lại tiếp tục khai man để trục lợi từ ngân sách của nhà nước Anh, tức là tiền do những người đi làm có thu nhập cao đóng góp vào.

Tùy theo lòng tự trọng và cơ cấu tổ chức của mỗi cộng đồng di dân mà tỉ lệ đóng góp hay hưởng lợi từ ngân sách sẽ khác nhau. Không chỉ dân nhập cư mà ngay chính người Anh bản địa cũng có những người chỉ hưởng lợi mà không đóng góp, ví dụ như một trường hợp gần đây trên báo chí, có một gia đình nếu đi làm thì chỉ kiếm được 16.000 bảng một năm trong khi chỉ ở nhà ăn trợ cấp thì kiếm được 18.000 bảng, hay một gia đình khác đẻ liên tục và nhiều con đến nỗi không có căn hộ nào đủ phòng cho họ. Theo luật thì một gia đình có hai con khác giới tính cần được ở trong căn hộ 3 phòng ngủ, và trong trường hợp ở địa phương thiếu nhà thì chính quyền phải thuê nhà theo giá trị trường hay thuê khách sạn cho họ sống, tức là sẽ bội chi rất nhiều khiến cho mức thuế địa phương tăng cao.

Đây chính là bài toán khiến giới lãnh đạo nước Anh đang phải suy tính rất nhiều và vô cùng dè dặt mỗi khi phát biểu về vấn đề di dân, để vừa làm hài lòng dư luận quốc tế và sức ép từ các nước Liên Hiệp Châu Âu, vừa không làm mất lòng cử tri sẽ bỏ phiếu cho mình ở địa phương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.