Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Lãng phí thực phẩm: Pháp thiệt hại mỗi năm từ 12-20 tỷ euro

Đăng ngày:

Xà-lách, bánh mì, trái cây, rau củ, thịt cá... mỗi năm, mỗi hộ gia đình Pháp vứt 1/4 lượng thực phẩm. Lượng sản phẩm vứt đi đó gây thiệt hại mỗi năm khoảng 500 euro trên một đầu người. Tại những cơ sở sản xuất thực phẩm chuyên nghiệp, tình trạng ghi nhận cũng khá nghiêm trọng. Hơn 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra đã bị vứt bỏ hay lãng phí, vì nhiều nguyên nhân như điều kiện bảo quản, vận chuyển hay chế biến tại chỗ.

Tại Pháp, mỗi người vứt từ 20-30 kg thức ăn/năm.
Tại Pháp, mỗi người vứt từ 20-30 kg thức ăn/năm. AFP PHOTO MYCHELE DANIAU
Quảng cáo

"Nước Pháp tuyên chiến với "vấn nạn" lãng phí thực phẩm", như hàng tựa ghi nhận trên nhật báo Le Monde số ra ngày 28/08/2015. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Môi trường Pháp, bà Segolène Royal đã gây áp lực lên các nhà phân phối thực phẩm lớn. Lồng trong bối cảnh đạo luật chuyển tiếp năng lượng, điều khoản 103, được thông qua ngày 22/07 /2015, cam kết được ký giữa các bên ràng buộc các nhà phân phối lớn (trên 400m²) phải ký một hiệp ước với các hiệp hội chuyên thu nhặt các sản phẩm không bán hết được.

Cam kết ghi rõ "các cách thức theo đó các loại thực phẩm dư thừa sẽ được ban tặng hay cho không cho các hiệp hội này" . Tuy nhiên, nhiều báo cáo gần đây cho thấy các nhà phân phối lớn chưa phải là những thủ phạm hàng đầu của tình trạng phung phí thực phẩm. Mà chính các hộ gia đình tại Pháp mới là nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng lãng phí. Thức ăn thường bị vứt vào thùng rác, đôi khi vẫn còn nguyên bao bì, hạn sử dụng vẫn còn hiệu lực.

Mỗi người Pháp vứt từ 20-30 kg thức ăn/năm

Một núi rác thải mà người ta khó có thể hình dung ra được. Theo một báo cáo của Cơ quan Môi trường và Năng lượng (Ademe) công bố năm 2007, nước Pháp lãng phí mỗi năm 1,2 triệu tấn thực phẩm. Đương nhiên số liệu đưa ra vẫn chưa có gì chính xác, do có khá nhiều nghiên cứu được thực hiện theo từng phương pháp khác nhau, nên kết quả đạt được cũng rất biến động.

Tuy nhiên, một nghiên cứu do Wrap, một chương trình chống rác thực phẩm của chính phủ Anh quốc thực hiện được công bố trong cùng năm thì cho là con số lãng phí thực phẩm thật sự tại Pháp có thể lên đến hơn 3 triệu tấn. Dù kết quả có thể nào, thì "vấn nạn" lãng phí thực phẩm cũng đáng báo động tại Pháp.

Từ những kết quả nghiên cứu, các chuyên gia ước tính bình quân mỗi người Pháp phung phí từ 20-30 kg thức ăn/ năm, trong đó có 7 kg là vẫn còn đóng nguyên bao bì. Nhưng chính những thói quen xấu đã làm tăng lượng rác thải thực phẩm tại Pháp lên gấp 4 lần. Báo cáo đệ trình cho Bộ Môi trường năm 2012, cho biết hơn 7 triệu tấn thực phẩm đã bị cho vào thùng rác, trong năm 2010.

Phung phí thực phẩm : Pháp thất thoát từ 12-20 tỷ euro/ năm

Trong số các loại thực phẩm bị vứt đi, trái cây chiếm 19% và rau củ là 31% là những nạn chân chính của sự lãng phí. Do tính chất dễ hỏng, người tiêu thụ không ngần ngại vứt vào sọt rác các loại hoa quả hay rau củ dù chỉ mới chớm hỏng một chút. Tiếp đến là các loại thức uống, chủ yếu là sữa và rượu (24%) và các loại tinh bột từ những bữa ăn thừa mứa là 12%. Phần còn lại, bao gồm các loại thịt cá (4%) và các thức ăn chế biến sẵn (2%), theo như một khảo sát của Cơ quan Môi trường và Năng lượng (Ademe).

Vấn đề là trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là tại Châu Âu khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, tình trạng lãng phí thực phẩm cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Trong một nghiên cứu gần đây, được Bộ Môi trường và Bộ Nông nghiệp Pháp trích dẫn lãng phí thực phẩm làm cho nền kinh tế Pháp bị thiệt hại từ 12-20 tỷ euro mỗi năm.

Cụ thể, nếu chỉ tính riêng phần thức ăn, bình quân mỗi đầu người lãng phí khoảng 100 euro/ năm. Nếu cộng thêm các khoản như chi phí gián tiếp có liên quan đến vận chuyển, tồn kho, chế biến và xử lý rác thải..., chi phí thiệt hại từng người lên đến 159 euro/năm/ người, tức khoảng trên 400 euro/người/năm. Đó là chưa kể đến tác động về môi trường, thông qua việc phát thảo khí ga gây hiệu ứng nhà kính.

Các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần gây lãng phí?

Nếu như quy định mới ban hành của bà Bộ trưởng Pháp nhắm vào tình trạng phung phí thực phẩm ở các siêu thị lớn, các khảo sát lại cho thấy một kết quả ngược lại: Các hộ gia đình Pháp đứng đầu danh sách những người phung phí thức ăn. 67% rác thải thực phẩm đến từ các gia đình. Lãnh vực dịch vụ ăn uống xếp hàng thứ hai với tỷ lệ là 15%. Tiếp đến là các hộ tiểu thương và các nhà phân phối chiếm 11%, các khu chợ 6% và ngành công nghiệp thực phẩm xếp cuối bảng với tỷ lệ là 2%.

Tuy nhiên, sự phung phí ở các hộ tiểu thương và các nhà phân phối một phần cũng do những quy định ràng buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, không cho phép những khối này được quyền cho, hay nhượng những phần sản phẩm gần hết hạn sử dụng cho các tổ chức từ thiện, theo như nhìn nhận của côMarie Pourrech, chủ tiệm Maison Bastille trên làn sóng đài RFI Pháp ngữ:

"Chúng tôi buộc phải phung phí thức ăn vào cuối ngày thứ Sáu hàng tuần, do chúng tôi đóng cửa các ngày cuối tuần. Đó là những thứ không bán hết được, chẳng hạn như các món ăn trong ngày, một vài sản phẩm tươi sống, trái cây... Chúng tôi buộc phải vứt vào thùng rác, chúng tôi không để ngoài đường cho người khác lấy. Bởi vì, chúng tôi không được phép, do vấn đề xuất xứ sản phẩm (...) Bình quân mỗi tuần chúng tôi vứt khoảng 50 euro. Do đó, vì phải tuân thủ đúng các quy định để không có rủi ro xảy ra ngộ độc thực phẩm, chúng tôi buộc phải vứt những thức ăn đôi khi vẫn còn tốt".

Dư luận được đánh động

Làm thế nào hạn chế được vấn nạn lãng phí thực phẩm đang là vấn đề thời sự nóng cho nhiều người dân Pháp. Ý thức được tầm mức của vấn đề, nhiều sáng kiến tập thể cũng như là cá nhân cũng đã được đề ra. Việc bà Bộ trưởng Môi trường gây áp lực lên các nhà phân phối cũng đã đạt được một kết quả khả quan. Tuy bị xếp là tác nhân gây lãng phí hàng thứ ba, nhưng nhiều hãng phân phối lớn như Carrefour, AUchan, Leclerc, hay Casino đã bắt đầu liên kết với các tổ chức từ thiện như Restos du Coeur, Ngân hàng thực phẩm và Secours Populaire để thu gom và chọn lọc trái cây và hoa quả phải bị bỏ đi rồi tinh chọn và phân phối lại.

Thu nhặt chất thải hữu cơ để có thể tái sử dụng là trọng tâm của một sáng kiến chống lãng phí thực phẩm. Chẳng hạn như tại một trường học ở quận 2, Paris, các em học sinh học cách tách rác thải với thức ăn thừa. Ông Eric Van Meenen, giám đốc Quỹ các trường học quận 2 Paris, giải thích:

"Khi không thể dùng hết phần ăn của mình, các em sẽ phải tách chọn các phần còn lại trên đĩa ăn. Những loại rác thải nào không thể tái sử dụng thì để vào một thùng rác. Đó là các loại bao bì bằng nhựa như hủ yaourt, hủ fromage tươi, các gói nhỏ đựng sốt cà, mù tạt, ... Những phần thức ăn còn dư thừa trên đĩa, chính các nhân viên phục vụ trong căn tin sẽ phụ trách việc thu gom, cho vào một loại túi nhựa trong, sao cho vẫn thấy rõ được các loại thức ăn thừa mứa bên trong. Những rác thải thực phẩm này sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ thu gom về và mang đến các nhà máy sản xuất khí méthane để biến đổi chúng thành chất mùn cho nông dân hay khí đốt cho năng lượng".

Đầu bếp giỏi là không có lãng phí thực phẩm

Nếu như điều kiện an toàn thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí mỗi năm hơn một tấn thức ăn (chiếm tỷ lệ 15%) trong ngành dịch vụ ăn uống, thì theo ông Christian Constant, một đầu bếp danh tiếng tại Paris, trên làn sóng đài Europe 1còn khẳng định vai trò của trách nhiệm của người làm nhà hàng. Khi nói đến mối liên hệ của giữa người đầu bếp với tình trạng phung phí thực phẩm, ông Christian Constant đã nhấn mạnh rằng: "Một người đầu bếp giỏi không vứt một cái gì hết. Khi anh đứng bếp, anh phải tiết kiệm mọi thứ. Tất cả đều có thể tái sử dụng", dù là đôi khi cũng không hẳn như thế.

Theo ông, việc ngành dịch vụ ăn uống lãng phí đến 15% lượng thực phẩm đó là vì các chủ hàng ăn không tự đứng bếp. Ông giải thích: "Tôi mua và tôi tự chuẩn bị tất, do đó tôi không bỏ phí thứ gì. Khi tôi mua thịt gà tại Landes, tôi mua nguyên con. Lòng gà tôi thu lại rồi cùng với cánh gà tôi nấu làm nước dùng. Do đó, để là một đầu bếp giỏi thì không được lãng phí. Đó cũng là điều tôi thường nhắn nhủ với các đầu bếp của tôi. Những ai bỏ phí thường họ bán một sản phẩm không do chính họ chế biến. Những người đó có khả năng là họ vứt thức ăn".

Về phần các hộ gia đình, có ý kiến cho rằng người tiêu thụ nên thay đổi thái độ mua sắm. Chính việc mua trữ quá nhiều thực phẩm, bị dụ dỗ bởi các chương trình khuyến mãi và ít khi chú ý đến hạn sử dụng tối đa cũng đã dẫn đến việc vứt thực phẩm vào trong sọt rác. Vì thế, đối với ông Christian Constant, những gì ông nhận định trong lãnh vực dịch vụ ăn uống cũng phải được áp dụng tương tự cho các hộ gia đình:

"Nếu như tôi có thể đưa ra một lời khuyên, thì đó là các bạn hãy tự đi chợ, lên danh sách các món cần mua trước khi hãy đặt chân vào siêu thị. Như vậy, bạn sẽ không bị cám dỗ mua những thứ sản phẩm để rồi bạn cất vào trong tủ lạnh và sẽ không bao giờ dùng đến".

Tiết kiệm thực phẩm cũng làm tăng lợi nhuận

Xu hướng tiết kiệm và tái sử dụng thức ăn đang là một trào lưu mới trong làng ẩm thực tại Pháp. Nhằm khẳng định sự khác biệt với nhiều hàng quán chuyên bán các sản phẩm đã qua chế biến, nhiều quán ăn đã chọn phương cách « fait de la maison » (tự chế biến) như là một phong cách ẩm thực riêng. Khách đến đặt món ăn, rồi nhà hàng mới chế biến. Khẩu phần cho thực khách cũng được định lượng.

Như vậy, không những thực khách vừa được thưởng thức các món ăn tươi, lại vừa bụng, tránh được tình trạng thừa mứa trên đĩa. Đồng thời trên góc độ kinh tế, người mở quán cũng tiết kiệm được nguyên liệu, góp phần tăng thêm lợi nhuận. Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ quán ăn « Mai Ly », là một trong số quán ăn Việt Nam theo trào lưu này.

Tuy là mới mở quán được 4 năm nay, nằm ở một vùng khá hẻo lánh tại Ille-Sur-Tet, một xã nhỏ ở miền tây nam nước Pháp, nhưng quán ăn của chị lúc nào cũng đông thực khách. Nhân nói về chuyện lãng phí thức ăn, chị Tuyết chia sẻ cùng với ban Việt ngữ đài RFI vài kinh nghiệm.

04:38

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Ille-Sur-Tet

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.