Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Thiếu thống nhất, Châu Âu lúng túng trước làn sóng tỵ nạn

Đăng ngày:

Tiếp theo Ý và Hy Lạp, Hungary trở thành điểm đến thứ ba của nhiều người tỵ nạn, với hy vọng vào được Liên Hiệp Châu Âu. Căng thẳng gia tăng tại biên giới Hungary với Serbia, đảng cầm quyền Hungary thậm chí yêu cầu sử dụng quân đội để « bảo vệ biên giới ». Sự thiếu vắng một chính sách thống nhất của 28 quốc gia Châu Âu được nhiều người nhìn nhận như là nguồn gốc chính của ứng xử lúng túng, bị động kéo dài của một xứ sở mà quyền con người nói chung và quyền tỵ nạn nói riêng vốn rất được đề cao.

Mộ chí giả được lập trước Nhà Quốc hội Đức, để đánh động về thảm nạn thuyền nhân trên Địa Trung Hải, Berlin, 21/06/2015. Địa Trung Hải được HCR mệnh danh là ''tuyến đường chết chóc nhất trên thế giới'' năm 2014, với ít nhất 3.419 người vùi thây dưới biển.
Mộ chí giả được lập trước Nhà Quốc hội Đức, để đánh động về thảm nạn thuyền nhân trên Địa Trung Hải, Berlin, 21/06/2015. Địa Trung Hải được HCR mệnh danh là ''tuyến đường chết chóc nhất trên thế giới'' năm 2014, với ít nhất 3.419 người vùi thây dưới biển. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Trong những ngày gần đây, hàng ngàn người tỵ nạn chạy trốn chiến tranh, bạo loạn và đói nghèo vượt bán đảo Balkan đổ về sườn đông Châu Âu, trong lúc chính quyền Hungary đang gấp rút hoàn thành dãy hàng rào biên giới dài 175 km để ngăn chặn. Thảm cảnh hàng ngàn thuyền nhân bỏ mình trên đường vượt Địa Trung Hải vẫn còn chưa chấm dứt, với con số hơn 2.400 người thiệt mạng trên biển chỉ trong vòng bảy tháng đầu năm, khi số lượng người liều mình vượt biển tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái ; « bức tường » Hungary ngăn dân tỵ nạn giữa lòng Châu Âu chưa biết sẽ dẫn đến kết cục nào.

Chỉ riêng trong bảy tháng đầu năm, khoảng 340.000 người hiện đã có mặt ở các ngưỡng cửa Châu Âu, tuy nhiên, hồi cuối tháng 7 vừa qua, các nước Châu Âu mới chỉ thống nhất khả năng sẽ tiếp nhận được 32.256 yêu cầu trong hai năm, nhưng vẫn là trên cơ sở tình nguyện đóng góp của mỗi quốc gia, chứ không phải theothỏa thuận « phân bổ » (quota) như đề nghị trước đó của Ủy ban Châu Âu. Trong khi đó, chỉ riêng nước Đức dự đoán sẽ đối mặt với 800.000 đơn tỵ nạn trong toàn năm nay. Áp lực được coi là thách thức lớn nhất kể từ sau Thế Chiến Hai. Trong năm ngoái, chỉ có một nửa trong số 360.000 đơn tỵ nạn được Châu Âu chấp nhận, với phần gánh vác chủ yếu thuộc về các nước Đức, Thụy Điển, Pháp, Ý, Anh và Hà Lan.

Khủng hoảng tỵ nạn đang ngày một lớn, nhưng các biện pháp đưa ra bị đánh giá là nhỏ giọt. Bên cạnh nguy cơ bỏ mạng, những người liều mình tìm nơi tỵ nạn phải đối mặt với bao đe dọa khác, từ đói khát, bệnh tật, cho đến hiểm họa bị bạo hành, bắt cóc… Các nước Nam Âu, như Ý, Hy Lạp - « tuyến đầu » trước làn sóng tỵ nạn -, cảm thấy không được hỗ trợ đúng mức. Cho đến nay, Châu Âu vẫn chưa thành lập được các trung tâm tiếp đón, một biện pháp căn bản để bước đầu giải quyết yêu cầu tỵ nạn.

Nước đến chân… thì nhảy

Các « Hotspot » - sáng kiến do Ủy ban Châu Âu đề xuất hồi đầu năm – là những trung tâm, do Liên Hiệp Châu Âu đài thọ, có nhiệm vụ ghi nhận tên tuổi người muốn nhập cư, trợ giúp nhân đạo và phân loại người tỵ nạn với các di dân khác, với sự trợ giúp của Cơ quan hỗ trợ tỵ nạn Châu Âu EASO, Biên phòng Châu Âu FRONTEX và Cảnh sát hình sự Châu Âu EUROPOL. Ngày 24/08/2015, lãnh đạo Pháp-Đức đề nghị khẩn cấp thành lập các trung tâm này, ngay trong « năm nay », theo Thủ tướng Đức.

Giới bảo vệ nhân quyền Châu Âu và quốc tế chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu bất lực, trước phản ứng chậm trễ khối có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng mới. Theo nhà chính trị học Catherine Wihtol de Wenden, (Trung tâm nghiên cứu quốc tế CERI/Đại học Science Po), chuyên về quyền của người nhập cư, « Từ hơn 20 năm nay, Châu Âu phải đối mặt với tỷ lệ dân số già đi, với việc thiếu nhân lực : hai nhân tố chủ yếu khiến tất cả các nước Châu Âu tiếp tục chủ trương mở cửa cho người nhập cư. Tuy nhiên, việc kiểm soát các dòng nhập cư, và cuộc chiến chống nhập cư lậu trở nên một ưu tiên, dưới áp lực của dư luận các nước, coi nhập cư là một đe dọa với xã hội và các quyền lợi vốn đang được hưởng từ Nhà nước phúc lợi. Mỗi nước Châu Âu tìm cách xử lý theo cách riêng của mình hai đòi hỏi mâu thuẫn này, trong khi đó việc xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu chung lại buộc các nước thành viên phải điều hòa chính sách nhập cư riêng với chính sách chung » (theo cuốn "Bản đồ nhập cư thế giới, tỵ nạn và di cư tự nguyện", NXB Autrement, 2005). Việc chính phủ và đảng phái chính trị nhiều quốc gia Châu Âu tránh né đối diện với sự thực, im lặng hay hành động chủ yếu theo tình cảm của một bộ phận cử tri cũng bị phê phán nhiều trên truyền thông.

Trong chương trình tạp chí Tiêu điểm thời sự tuần này, RFI xin giới thiệu với quý vị một số góc nhìn khác nhau về chủ đề này. Trước hết, xin giới thiệu nhận định của bà Geneviève Jacques, Chủ tịch CIMADE, Ủy ban liên phong trào giúp người phiêu tán, một hiệp hội có trụ sở tại Paris, thuộc Liên hiệp các tổ chức Tin Lành Pháp.

Bất bình

Trả lời câu hỏi của phóng viên RFI trong chương trình « Débat du jours/Thảo luận », về việc "nên mở cửa hay đóng cửa biên giới" trước làn sóng nhập cư, tỵ nạn hiện nay, Chủ tịch CIMADE bày tỏ :

« Chúng tôi không đặt vấn đề như vậy. Chúng tôi nói về họ như '‘những con người'', đang tìm kiếm sự bảo vệ, một lãnh thổ, một nơi để sống. Đó là vấn đề chính của họ. Cách đặt vấn đề thực sự không phải là : chúng ta sẽ mở cửa biên giới, tất cả các đường biên giới, hay như hiện nay, để cho tiếp tục tình trạng mà chúng ta thấy: Đóng cửa biên giới là vô hiệu quả, và chỉ mang lại chết chóc. Cách đặt vấn đề cần phải là : Làm thế nào để cho phép những người phụ nữ và đàn ông ấy tìm được một nơi để sống. Họ đến từ những nơi mà phần lớn trong tình trạng hỗn loạn, hay hoàn toàn bất ổn định. Làm thế nào để tổ chức và dự trù việc tiếp đón. Không thể nào lập luận theo kiểu (cực đoan) : đóng hay mở cửa biên giới.

Đặt vấn đề như thế là sai. Vấn đề thực sự là : Làm thế nào để - có một đất nước, một nơi chốn - bảo vệ được những người cũng chỉ có nhu cầu được sống, như chúng ta ».

Chủ tịch hiệp hội hỗ trợ người tỵ nạn Geneviève Jacques giải thích thêm về cách tiếp đón những người xin nhập cư :

« Tôi không nói là mở tung cửa biên giới mà không có kiểm soát. Chúng tôi cho rằng, cần phải tổ chức việc tiếp nhận người nhập cư và cho họ có khả năng vào một cách hợp pháp, với một hộ chiếu, một visa. Thực tế hiện nay là visa được cấp một cách hết sức nhỏ giọt, cho những người Châu Phi, hay những người trải qua các hoàn cảnh cùng quẫn. Có những giải pháp như ‘‘visa nhân đạo’’. Điều này tồn tại trong luật Châu Âu, trong những trường hợp khủng hoảng đặc biệt, như tại Trung Đông hiện nay, nếu như có sự tổ chức lại chính sách nhập cư một cách thông minh, thừa nhận nhu cầu di trú.

Hãy mang lại các phương tiện cho việc di trú hợp pháp. Đừng để cho các đường biên giới chỉ là những bức tường chắn. Một quốc gia đều cần đến đường biên giới, nhưng đó không nhất thiết phải là những bức tường. Đây chính là điều mà chúng tôi lên án ».

Thế giới ngầm và nhu cầu di trú tự nhiên

Tại sao việc dựng tường ngăn chặn người nhập cư lại bị lên án mạnh mẽ, sau đây là giải thích của ông Michel Agier, nhà nhân học giám đốc nghiên cứu thuộc Trường Cao học về các Khoa học Xã hội EHESS, Paris, một chuyên gia về di cư và phát triển (cũng trong cuộc phỏng vấn trên).

« Việc đóng cửa biên giới không cản trở được việc người ta tìm cách di cư. Tuy nhiên trong trường hợp đó, việc di cư trở nên nguy hiểm hơn, mạo hiểm hơn nhiều, bấp bênh hơn, đắt giá hơn, đối với họ.

Tôi cho rằng : việc đặt vấn đề mở cửa biên giới với các quốc gia, cho phép những người tìm nơi di trú, có được một con đường an toàn hơn, xứng đáng với phẩm giá của con người hơn, và ngay lập tức chấm dứt được những thảm họa chết người xảy ra trên Địa Trung Hải hay nơi khác.

Đóng cửa biên giới là biện pháp không hiệu quả. Điều này mang lại rất nhiều tiền cho khu vực kinh tế ngầm, đặc biệt là những đường dây đưa người vượt biên. Các đường dây này trở thành cỗ máy hái ra tiền. Cần phân biệt rõ giữa những người vượt biên đơn lẻ, bám xe tải hiện nay, hay vượt núi non hiểm trở như trong Thế chiến 2 trước đây, với cả một nền kinh tế đưa người vượt biên phát triển mạnh, dựa trên việc cấm đoán. Mở cửa biên giới, thị trường này sẽ không tồn tại. Cơ hội làm ăn của thế giới ngầm này sẽ không còn nữa ».

Chuyên gia về di trú Michel Agier giải thích thêm :

« Có một sự tưởng tượng huyễn hoặc là sẽ có một làn sóng xâm lược của những người nhập cư. Điều này hoàn toàn không có bất cứ một cơ sở nào…. Nếu như biên giới được mở hơn, người ta đi lại nhiều hơn, theo cả hai chiều. Vào và ra.

Từ 30 năm nay, người ta giới hạn việc đi lại qua biên giới, từ cuối những năm 1990, do việc siết chặt, rất nhiều người – ở trong tình trạng hợp pháp, hoặc bất hợp pháp – sợ phải ra đi, vì họ lo ngại một khi đã đi thì không thể quay về.

Làm như vậy là không hề hiểu biết gì về việc di cư, đặc biệt là tâm lý của những người sống ở các nước phía Nam, rất gắn bó với đất đai, với gia đình mình. Thực chất của vấn đề di trú là sự năng động, đến và đi, vào và ra. Siết chặt biên giới, người ta làm đông cứng lại các luồng di trú.

Cần phải đặt vấn đề ngược lại : đó là không mở cửa một cách vô trách nhiệm, nhưng phải có biện pháp để tạo điều kiện cho các dòng người di trú, đi vào và đi ra ».

Tỵ nạn và di dân kinh tế : Đón nhận và phân loại

Về vấn đề này ông Jean Arthuis, một nghị sĩ cánh trung, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Nghị viện Châu Âu, giải thích với chương trình Thảo luận của RFI :

« Không gian Châu Âu là khu vực tự do di chuyển của người, hàng hóa và vốn. Nhưng đây là một khu vực có các quy tắc. Châu Âu công nhận nhân phẩm và các quyền con người. Một cách tự nhiên là Châu Âu sẵn sàng tiếp nhận với các điều kiện nhân văn, xứng đáng đối với những ai yêu cầu được tỵ nạn. Đó là những người yêu cầu được bảo vệ, vì họ phải sống trong một đất nước có chiến tranh, không an ninh, nghèo khổ cùng cực. Tuy nhiên, không thể đón nhận một cách vô nguyên tắc.

Chúng ta phải đối mặt với hai loại di cư. Một loại hoàn toàn chính đáng : đó là những người chạy trốn khỏi tình trạng tuyệt vọng, những nguy hiểm khiến tính mạng, phẩm giá của họ bị đe dọa. Một loại di cư khác là của những người đi tìm cơ hội. Rõ ràng chúng ta không có khả năng tiếp nhận những người này.

Tôi cho rằng, trách nhiệm của Châu Âu là kiểm soát và điều chỉnh các dòng di cư. Chúng ta cần người nhập cư trong một số lĩnh vực. Không nên chống lại mọi kiểu di cư. Ví dụ như, hiện nay rất nhiều bệnh viện không thể vận hành được, nếu không có các bác sĩ Châu Phi hay Trung Đông. Trong một số xứ đạo, nếu không có linh mục người Châu Phi thì không có ai cai quản.

Không nên đối lập với di cư, mà phải kiểm soát nó, để đón nhận những người di cư theo luật tỵ nạn. Tôi hy vọng có một luật tỵ nạn Châu Âu. Vấn đề hiện nay là Châu Âu không được quản lý một cách thống nhất. Về phương diện nhập cư, mỗi quốc gia, mỗi chính phủ cho rằng (chỉ) có trách nhiệm với những gì diễn ra trên lãnh thố nước mình ».

Sự phân tán trong chính sách của các quốc gia thành viên Châu Âu bị rất nhiều người phê phán. Ông Henri Labayle, chuyên gia luật tỵ nạn Pháp nhận định, chính trong bối cảnh này, « quyền tỵ nạn đã bị hiểu sai. Có một sự nhập nhằng giữa việc di cư không hợp pháp, một hình thức của yêu cầu tỵ nạn về kinh tế, và quyền tỵ nạn chính trị, như đã được Hiệp ước Genève bảo đảm. Đàn áp hay đóng cửa các biên giới với mục tiêu nhắm vào hình thức thứ nhất, trên thực tế đã có hại cho những người tỵ nạn vì lý do chính trị. Những người yêu cầu tỵ nạn thực thụ phải trả giá đắt khi họ phải chờ đợi được các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu bảo trợ » (bài "Henri Labayle : "Tại Châu Âu quyền tỵ nạn bị làm biến chất", báo La Croix ngày 10/12/2014).

Thay đổi nhận thức về dân nhập cư

Để thay đổi chính sách nhập cư của Châu Âu, cần phải thay đổi tận gốc rễ nhận thức về vấn đề này trong xã hội và trước hết trong chính giới. Theo ông William Cacy Swing, cựu đại sứ Mỹ, Tổng giám đốc Tổ chức di cư quốc tế (OIM/IOM), cần khẳng định rằng việc đón nhận người nhập cư liên quan đến lợi ích quốc gia. Sau đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn của Tổng giám đốc tổ chức di trú quốc tế với báo Libération (xem bài "William Cacy Swing : Nhập cư là cần thiết, nếu muốn kinh tế thịnh vượng").

« (...) Có thể buộc các nước làm nhiều hơn không ?

Không thể được. Cần phải tiến hành đối thoại. Để cho các nước thấy được họ có lợi ích gì khi tiếp nhận người di cư. Họ cần đến nhân công. Ai sẽ chăm sóc những người già cả, và những người bệnh, nếu không phải là những người đến từ các nước nghèo ?

Các nước phải thuyết phục được cư dân quốc gia mình, là họ có thể kiểm soát được tình hình, nhưng cũng cần phải mở cửa rộng hơn. Về lâu dài, Liên Hiệp Châu Âu phải có một chính sách chung về nhập cư, điều mà cho đến nay đã không làm được. Cần phải có tầm nhìn, sự dũng cảm về chính trị, một ý thức đoàn kết lớn hơn, trách nhiệm nhiều hơn với Liên Hiệp. Đó có thể chỉ là những lời lẽ to tát, nhưng làm như vậy, chúng ta sẽ có được câu trả lời (...).

Tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể giải thích được thái độ rất ngờ vực đối với người nhập cư ?

Nhiều nhà chính trị hiện nay bị chi phối bởi tư tưởng sợ hãi của cử tri. Kể từ cuộc suy thoái 2008, người ta thường sợ hãi vì mất việc làm, bị người khác tranh mất. Có cả hội chứng 11/09 : người ta coi mỗi người mới đến là một kẻ khủng bố tiềm tàng. Và một nỗi sợ lớn hơn thế : đó là đánh mất bản sắc. Tư tưởng này dựa trên tín điều : ''Người xa lạ này không giống mình''. Một ý thức như vậy chỉ có thể thay đổi được bằng giáo dục (...).

Cần phải tổ chức một hệ thống pháp lý về nhập cư ?

Mỗi nước phải tự quyết định, và cần phải có sự can dự của khu vực kinh tế tư nhân, thường mang lại nhiều giải pháp hơn là các chính phủ. Và các dân biểu địa phương, họ cũng thường xuyên cởi mở hơn, bởi họ phải đối mặt với những vấn đề cụ thể hàng ngày.

Ông nhìn nhận việc di cư này như thế nào trên quan điểm phát triển ?

Những người vượt biển tới Châu Âu bằng thuyền là những người có tiền. Nếu không có, họ sẽ không bao giờ đến được Libya. Họ không phải là những người nghèo khổ nhất, mà là những người có khả năng, và một cái gì đấy để đóng góp (...).

Cần phải giải thích với người dân tại sao cần phải tiếp nhận những người di cư, không chỉ do quan điểm nhân đạo, mà còn vì lợi ích quốc gia. Đây là điều thiếu vắng trong các phát biểu chính trị hiện nay. Có lập trường chống nhập cư sẽ giúp bạn tranh thủ được thiện cảm của cử tri, và giành phiếu khi bầu cử. Tuy nhiên, lập trường này không giúp cho việc giải quyết vấn đề về lâu dài ».

Giải quyết tận gốc

Di cư ngày càng trở nên phổ biến và là một vấn đề toàn cầu. Theo ước tính của tổ chức lao động quốc tế ILO, khoảng 10% đến 15% trong tổng số người di cư là những người ở trong tình trạng « không hợp pháp ». Đây là những người có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất (Năm 2013, 16 triệu người tỵ nạn vì chiến tranh, hay bị truy bức, trên tổng số 232 triệu dân di cư năm 2013, theo số liệu của LHQ). Cho dù số lượng người hy vọng được tỵ nạn tại Liên Hiệp Châu Âu không phải là lớn so với con số hơn 1 triệu người Syria tỵ nạn riêng tại Liban hay gần 2 triệu người tại Thổ Nhĩ Kỳ (trong tổng số 4 triệu người phải chạy khỏi Syria vì chiến tranh), nhưng công luận toàn cầu đang hướng cái nhìn về xứ sở của nhân quyền.

Nhiều người cho rằng, phản ứng bị động của Châu Âu trước các làn sóng nhập cư là một biểu hiện nữa của sự bất lực của liên hiệp 28 quốc gia, tuy có một thị trường thống nhất, một không gian tự do đi lại và lưu chuyển hàng hóa, nhưng lại thiếu một sự thống nhất về chính trị, một đường biên giới thực sự chung. Chính sách thiếu thống nhất đối với người nhập cư chỉ là một hệ quả của sự thiếu vắng một quyền lực tập trung ở cấp Liên hiệp. Cũng có người hy vọng, bị đặt vào chân tường, Liên Hiệp Châu Âu sẽ buộc phải thay đổi triệt để. Nhiều chuyên gia và chính trị gia đề nghị khai tử thỏa thuận Dublin II, bị coi là thủ phạm gây bế tắc cho việc xây dựng một chính sách tỵ nạn chung cho toàn khối (đơn cử bài "Việc Đức xem xét lại các thỏa thuận Dublin mở đường cho việc giải quyết mềm dẻo quyền tỵ nạn?", báo Atlantico.fr ngày 26/08/2015). 

Nhiều chuyên gia hay giới chức Châu Âu cũng nhận thấy, tạo điều kiện cho người tỵ nạn không chỉ là vấn đề nhân quyền, nhân đạo, hay nguồn lợi kinh tế đối với nước tiếp nhận, mà để giải quyết tận gốc những làn sóng di cư tỵ nạn, cần phải hỗ trợ thực sự thích đáng cho những quốc gia xuất phát, thường là những nước đang phát triển, chịu khủng hoảng kinh tế hay bị nạn độc tài, chiến tranh. Thảm họa môi trường, tác động của biến đổi khí hậu khiến một quốc gia rơi vào khủng hoảng cũng là điều ngày càng được nhiều người khẳng định như một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các làn sóng di cư tỵ nạn. Như vậy mới hy vọng có thể đón đầu tháo ngòi nổ cho các khủng hoảng tỵ nạn, thay vì chạy theo giải quyết hậu quả như hiện nay.

Tin bài liên quan

Hàng ngàn người nhập cư đã tràn vào cửa ngõ châu Âu

Châu Âu đối phó với hai làn sóng di dân : chiến tranh và kinh tế

Di dân : Macedonia quá tải, Địa Trung Hải cũng tràn bờ

Khủng hoảng tỵ nạn : Pháp và Đức kêu gọi một chính sách « thống nhất »

Làn sóng nhập cư : Đâu đâu cũng muốn dựng tường rào

Nhập cư: Không còn gì để mất, liều mình đi tìm đất dung thân

Nhập cư : Anh-Pháp đi tìm ánh sáng cuối đường hầm

Gần 110.000 người vượt biên vào Châu Âu trong tháng 7

Liên Hiệp Châu Âu : 2,4 tỷ euro giúp các thành viên đón di dân

Hungary: Rào sắt ngăn dân tỵ nạn giữa lòng Châu Âu

Châu Âu đạt thỏa thuận phân bổ nhận người tỵ nạn

Hungary đơn phương ngưng thi hành thỏa thuận châu Âu về quyền tỵ nạn

Châu Âu huy động hải quân chống các tổ chức vượt biển

Chống biến đổi khí hậu, thách thức ngày càng lớn

Tỵ nạn Thế giới : Khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Thế chiến Hai

Pháp - Đức đọ sức với Ý về thuyền nhân

ADB : Châu Á phải tìm cách đối phó ngay với vấn đề tỵ nạn khí hậu

Thảm nạn thuyền nhân Lampedusa : Hệ quả chính sách nhập cư của Châu Âu

Tị nạn khí hậu, một thách thức mới đối với châu Á

Di dân vì biến đổi khí hậu, đề tài không được thảo luận tại Copenhagen

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.