Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO PHÁP

Pháp : Đất lành du lịch

Sự kiện thời sự được quan tâm trong các dòng tựa đầu hôm nay khá tản mạn : Le Monde loan báo : Ebola, thuốc chủng ngừa đang ở tầm tay ; Libération lưu ý đến phương cách vận động, kiến nghị ngày càng thịnh hành - Vận động trên mạng - nhưng tỏ ra dè dặt về hiệu quả với câu hỏi nêu thành tựa : Ký tên liệu chắc thắng ? Le Figaro thì tò mò xem mùa nghỉ hè năm nay như thế nào, và ghi nhận trong hàng tít : Hè 2015 : người Pháp khám phá lại nước Pháp. Tờ báo dành cả 2 trang cho sự kiện này.

Tour Eiffel địa điểm du lịch hàng đầu của nước Pháp.
Tour Eiffel địa điểm du lịch hàng đầu của nước Pháp. REUTERS/Jacky Naegelen
Quảng cáo

Tờ báo nhận thấy trước tiên là có đông người Pháp hơn đi nghỉ hè năm nay. Theo một cuộc thăm dò, có đến hơn 80% cho biết là họ muốn đi nghỉ, cho dù ngân sách dành cho hè của họ đã giảm gần 5%.

Le Figaro cũng nhìn thấy là đa số trong số 42 triệu người nghỉ hè không đi xa mà đi khám phá lại nước Pháp. Bên cạnh vấn đề tài chính, còn vấn đề an ninh : Tại những nơi họ thường ưa thích như Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình lại không còn an ninh : hệ quả là giờ đây người ta thích đi gần hơn, an toàn hơn. Ở bên trong nước Pháp cũng có những thói quen, những vùng được ưa chuộng : Bretagne, Bờ biển phía Tây, Côte d’Azur ở phía Nam, hay miền Alsace phía Đông.

Le Figaro cũng hóm hỉnh tự hỏi tại sao người Pháp lại không đi tham quan Pháp chứ ! Pháp không phải là đất nước đẹp nhất thế giới hay sao ? Bằng chứng là hàng năm có đến 80 triệu người nước ngoài đến thăm Pháp. Năm 2015 này, số liệu tháng 7 còn cho thấy lượng khách đã tăng 4%.

Theo Le Figaro khách đáng chú ý trong tháng 7 là những người từ Vùng Vịnh đổ sang Pháp, đặc biệt là vùng Côte d’Azur từ sau mùa chay Ramadan kết thúc. Tờ báo chú ý đến quốc vương Ả Rập Xê Út đến đấy với đoàn tùy tùng 1000 người.

Euro yếu có sức hấp dẫn du khách to lớn

Khách đến Pháp không chỉ là các vương gia vùng Vịnh, mà đồng euro mất giá cũng đã hút du khách Trung Quốc và Mỹ đến Pháp. Tác giả bài báo ghi nhận hóm hỉnh là đồng euro yếu – giờ ngang giá với đô la - cũng có ích cho ngành du lịch Pháp không khác gì tháp Eiffel, lâu đài Versailles hay vùng Côte d’Azur

Le Figaro trích giới du lịch cho là trong 6 tháng đầu năm nay, Paris và vùng phụ cận đã đón 500.000 du khách Trung Quốc, một con số chưa từng đạt được, tăng 52% so với năm ngoái.. Người ta chờ đợi con số này tăng lên thành 900.000. Đây là chỉ riêng cho vùng Paris -Ile de France.

Du khách Mỹ trở lại Paris, tuy ít, không bằng khách Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng 5% trong thời kỳ nói trên. Theo Le Figaro, du lịch là tham quan ngắm cảnh nhưng thú vui chính, như đối với du khách Trung Quốc chẳng hạn, là mua sắm. Ở Paris, giá hàng xa xỉ hiện giờ có khi thấp hơn đến 30% so với giá ở Trung Quốc.

Pháp thì như thế, nhưng Le Figaro nhìn qua bên kia bờ Địa Trung Hải đang bị du khách bỏ rơi, mô tả cảnh khách sạn vắng hoe ở Tunisia cho dù giá đã hạ rất thấp. Khách sạn ven bờ Hồng Hải ở Ai Cập cùng số phận.

Nguyên nhân mất khách dĩ nhiên là vì những nơi đó không còn an toàn. Maroc cũng bị ảnh hưởng và như vết dầu loang, theo Le Figaro, các nước Tanzania, Oman cũng bị vạ lây, với số du khách nhìn chung giảm 40%, riêng người Pháp giảm 60%.

Le Figaro nhìn sang tận Châu Á, ghi nhận nước Hồi giáo Indonesia cũng bị ảnh hưởng như các quốc gia Ả Rập. Trong các nơi đến đang trong tình cảnh mà Le Figaro gọi là chịu ‘những giờ khắc đen tối’, tờ báo cho là còn phải thêm vào Việt Nam, mà dịch vụ ‘gây thất vọng’, theo lời Jean François Rial, hãng du lịch Voyageurs du monde, Ấn Độ, cũng có hình ảnh xấu, với các vụ hãm hiếp, và tình trạng căng thẳng giữa các cộng đồng, và Miến Điện, vì giá khách sạn quá cao.

Le Figaro đi đến kết luận là diễn biến thời sự đã thay đổi bản đồ du lịch, khép lại cửa một số nước, nhưng lại mở rộng cửa một số nơi khác : tờ báo chờ đợi Iran (sau thỏa thuận hạt nhân) và Cuba trở lại trên sân khấu du lịch, với lượng du khách không nhỏ chuẩn bị đổ xô đến 2 địa điểm khép kín từ lâu này.

Công nhân viên chức Nhật không thuộc loại thích lấy ngày nghỉ

Trong lúc người Pháp nô nức nghỉ hè, báo La Croix nhìn sang Nhật Bản, nhận thấy người lao động Nhật ngược lại không dám đòi được đi nghỉ, mà bằng lòng với 15 ngày lễ trong năm. Nhưng như tờ báo nêu trong hàng tựa trang quốc tế ; Tokyo muốn buộc công nhân viên chức đi nghỉ.

Tác giả bài viết ghi nhận là trên nguyên tắc tại Nhật, công nhân viên được hưởng ngày nghỉ ăn lương, nhưng người dám đòi lấy ngày nghỉ khá hiếm. Thường khi chỉ nghỉ một nửa số ngày có quyền hưởng. Theo một bản nghiên cứu năm 2012 của bộ Lao động, thì dù được 18,5 ngày, họ chỉ nghỉ trung bình 9 ngày mà thôi. Do vấn đề này mà Nhật đã phải đứng cuối sổ các nước phát triển và chính phủ Nhật cũng đau đầu.

Báo La Croix tìm hiểu nguyên nhân, nhìn thấy có nhiều rào cản đối với nhân viên muốn được nghỉ ngơi : nhân viên trẻ không muốn tạo hình ảnh xấu đối với cấp trên và đồng nghiệp. Lớp tuổi 30 không muốn cho thấy là tránh né công việc, những người lớp tuổi trên thì không biết làm gì với thời gian nghỉ, người khác thì muốn dành ngày nghỉ của mình cho những chuyện cấp bách hay ốm đau.

Kết quả : Công ty phải chịu đựng một đội ngũ công nhân viên chức mệt mỏi, căng thẳng, và hậu quả đôi khi rất nghiêm trọng : năm 2014, chính quyền Nhật công nhận có 121 ca chết do ‘làm việc quá sức’. Cảnh sát đã công nhận có 2000 người tự tử do vấn đề liên quan đến công việc làm, bộ y tế nêu con số 30.000 nhân viên chết hàng năm do vấn đề tim mạch hay não, nguyên nhân cũng là do làm việc quá sức.

La Croix nhìn thấy tình hình như bế tắc vì không những nhân viên Nhật không chịu nghỉ ngơi mà còn làm thêm ngoài giờ, làm giờ phụ trội : 22% làm hơn 49 giờ/ tuần. Tuy nhiên La Croix nhận thấy là Nhật còn thua một đối thủ trong lãnh vực này : Hàn Quốc, với 35% người làm việc kiểu trên.

Tờ báo cũng ghi nhận là chính phủ không có giải pháp trước vấn đề lao động và ngày nghỉ này, một vấn đề xem như là thuộc pham vi nội bộ các tập đoàn. Điều có thể làm là áp đặt ngày nghỉ : như sáng kiến đưa ra năm 2000 là 4 ngày thứ Hai trong năm được xem như là ngày lễ : cách thức này cho phép người Nhật có được 3 ngày nghỉ liên tục cuối tuần ; hoặc năm 2007, dời một ngày lễ, vào ngày 04 tháng 5, như thế 4 ngày nghỉ liên tục nhân lễ lao động. La Croix còn nhắc lại là vào tháng 2 vừa qua, Quốc hội Nhật đã thông qua một đạo luật buộc người lao động lấy ngày nghỉ.

Mỹ-Nhật : Đồng minh thì đồng minh, nhưng nghe lén vẫn nghe lén

Le Figaro cũng chú ý đến Nhật Bản, nhưng trên hồ sơ lãnh đạo trong chính quyền và tập đoàn Nhật bị NSA nghe lén. Trong hàng tựa trang quốc tế tờ báo mỉa mai : « Washington cũng theo dõi đồng minh Nhật Bản ». Tờ báo Pháp nhấn mạnh là Cơ quan tình báo Mỹ NSA đã nghe trộm các quan chức chính phủ và doanh nghiệp, cũng như người đứng đầu ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Mở đầu bài báo một cách dí dỏm : « Ta chỉ bị người thân phản bội mà thôi », Thông tín viên Régis Arnaud của Le Figaro tại Tokyo đã cho biết là theo WikiLeaks hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan An ninh Quốc gia NSA của Mỹ, ít ra là từ năm 2006, đã nghe trộm các thông tin liên lạc của các định chế chủ chốt của Nhật Bản.

Tính ra, có cả thảy « 35 đồi tượng bí mật » cần theo dõi, với mục tiêu là biết trước quan điểm của Tokyo trong các cuộc đàm phán thương mại mà cả hai nước đều tham gia.

Đối với Le Figaro, hành động nghe lén Nhật Bản của Mỹ có phần kỳ lạ vì phải nói là cho đến nay, lập trường của Tokyo và Washington trên các diễn đàn quốc tế hầu như không khác gì nhau.

Theo nhưng, theo tờ báo Pháp, yếu tố gây sốc có lẽ là việc Mỹ không giữ các thông tin thu lượm được cho riêng mình, mà đã chia sẻ một phần cho các đối tác phương Tây chủ chốt như Úc, New Zealand, Anh Quốc và Canada.

Le Figaro ghi nhận là Nhật Bản có vẻ như chẳng quan tâm gì đến tiết lộ của WikiLeaks, thậm chí báo giới xứ Hoa anh đào còn đẩy thông tin này vào trang 2. Tuy vậy, khi tiết lộ vụ Mỹ nghe lén Nhật, WikiLeaks như đã chon đúng thời điểm : Tại Hawai, các nhà thương thuyết Mỹ và Nhật đang cùng với 10 nước khác đàm phán về một thỏa thuận tự do mậu dịch.

Thông tin được tung ra, theo Le Figaro, có lẽ đã dội một gáo nước lạnh lên đầu các nhà thương thuyết, vào lúc mà cuộc đàm phán đang đến hồi cực kỳ tế nhị.

Bắc Kinh được tổ chức Thế vận hội mùa đông dù không có tuyết

Báo Le Monde trở lại sự kiện Bắc Kinh được chọn tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022. Tờ báo cảm thấy có gì đấy không ổn. Theo Le Monde, đặc điểm của Thế vận hội mùa đông là phải có tuyết. Thế nhưng, nhân cuộc họp tại Kuala Lumpur, ngày 31/07/2015 vừa qua, Ủy ban Thế vận Quốc tế đã quyết định trao quyền tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 cho Bắc Kinh và vùng Hà Bắc phụ cận, có núi, nhưng không có tuyết.

Theo thông tín viên Harold Thibault của tờ Le Monde, đối với khách đến thăm một trong vài đường trượt tuyết ở trên vùng đồi núi phía bắc Bắc Kinh, điều đập mắt là sự thiếu hoàn toàn tuyết tự nhiên. Đường trượt màu trắng đắp bằng tuyết nhân tạo mà người ta thấy được từ xa đã tương phản hẳn với cảnh quan chung mang sắc vàng kem, phản ánh rõ rệt tính chất quá khô cằn của vùng này.

Thế nhưng yếu tố đó có vẻ như không có một kí lô nào dưới mắt của Ủy ban Olympic Quốc tế khi họ quyết định trao cho thủ đô Trung Quốc và hai thành phố ở tỉnh Hà Bắc lân cận, quyền tổ chức Olympic Mùa đông năm 2022.

Theo Le Monde, việc chọn Bắc Kinh cũng có phần hợp lý sau khí các thành phố Munich của Đức, Oslo của Na Uy và Stockholm của Thụy Điển bỏ cuộc vì chi phí đầu tư cần thiết quá nặng, trong sự thiếu nhiệt tình của cư dân tại các thành phố này. Còn lại tranh quyền tổ chức là hai thành phố của hai nước độc tài là Bắc Kinh và Almaty, thủ đô cũ của nước Cộng hòa vùng Trung Á Kazakhstan.

Không có tuyết thật thì làm tuyết giả !

Bản thân Almaty cũng đã thấy rõ nhược điểm thiếu tuyết của đối thủ Trung Quốc và đã tung ra khẩu hiệu vận động bằng tiếng Anh là « Keeping it real » tạm dịch là « Hãy duy trì tính chất thực ». Khẩu hiệu này rất đúng vì lẽ trong hai thành phố còn lại tranh quyền tổ chức Thế vận hội mùa đông, duy nhất Almaty có thể võ ngực tự nhận là mình có tuyết, trên nguyên tắc là nguyên liệu không thể thiếu cho các bộ môn thể thao mùa đông.

Việc thiếu nguyên liệu quý báu cho Thế vận hội mùa đông tuy nhiên chỉ được đại diện Bắc Kinh nhắc đến trong vài giây khi trình bày chi tiết về dự án của Trung Quốc trước các thành viên Ủy ban Thế vận Quốc tế tại Kuala Lumpur.

Và như thông lệ của Trung Quốc, không có đồ thật thì ta làm đồ giả, và lãnh đạo Bắc Kinh, Vương An Thuận (Wang Anshun), đã dảm bảo rằng sản xuất tuyết nhân tạo cho Thế vận hội mùa đông chỉ tiêu tốn « không đầy 1% » nước trong toàn khu vực.

Phớt lờ trở ngại to lớn trong đơn xin đăng cai của Bắc Kinh là thiếu tuyết, Ủy ban Olympic Quốc tế có vẻ như quan tâm nhiều hơn đến tính chất « khả tín » trong dự án của Bắc Kinh, đặc biệt là với tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây để nối liền Bắc Kinh với Trương Gia Khẩu, cách đấy 180 km, nơi sẽ diễn ra các cuộc thi đấu trượt tuyết đường trường, và trượt cầu nhảy.

Bắc Kinh cũng nêu bật khả năng khách sạn của mình, cùng với hai phi trường quốc tế từ nay đến năm 2022, với một phi trường mới dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc không hề được đại diện Bắc Kinh nêu lên, và cũng không một thành viên nào của Ủy ban Thế vận Quốc tế chất vấn phái đoàn Trung Quốc về hồ sơ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.