Vào nội dung chính
PHÁP

120 năm hãng phim Gaumont

Tại Pháp, cứ trên bốn khán giả ghiền xinê là có một người đi xem phim ở các rạp hát Gaumont. Hệ thống các rạp hát Gaumont (khai thác cùng với hãng Pathé) hiện có tới gần 750 phòng chiếu phim và đã bán gần 50 triệu vé xinê trong năm qua. Bên cạnh việc sản xuất, phân phối, thương hiệu Gaumont của Pháp còn là hãng phim đầu tiên và lâu đời nhất thế giới.

Quảng cáo

Vào ngày 10 tháng Tám năm 2015, hãng phim Gaumont chính thức ăn mừng sinh nhật 120 tuổi. Đúng vào ngày này, vào năm 1895, nhà kỹ nghệ Léon Gaumont (sinh 1864-mất 1946) thành lập công ty mang tên ông (L. Gaumont & compagnie). Sở dĩ ông chọn ngày 10 tháng Tám bởi vì đó chính là ngày sinh của ông.

Lúc đầu, công ty này chuyên kinh doanh các ống nhòm, dụng cụ quang học và thiết bị chụp ảnh. Một năm sau đó, Gaumont mới lao vào khai thác các máy thu hình cũng như chiếu hình chuyển động (vào lúc đó loại máy này được gọi là chronophotographe), và chủ yếu làm việc theo đơn đặt hàng của kiến trúc sư Gustave Eiffel cũng như của chủ giám đốc ngân hàng Alfred Besnier.

Các ‘’thước phim’’ được quay đầu tiên không hề mang tính nghệ thuật mà chủ yếu là để cho công ty Gaumont quảng cáo sản phẩm, tiếp thị bán hàng. Nhưng dần dà, Gaumont chuyển qua quay các mẫu phim mang tính tài liệu để phản ánh đơn thuần đời sống và sinh hoạt hàng ngày (chẳng hạn như phim quay phong cảnh thành phố Boulogne sur Mer), và sau đó là các mẫu ‘’phim hài’’ theo lối kể chuyện hư cấu, nhưng nội dung cực ngắn, do những hạn chế kỹ thuật thời bấy giờ.

Người được giao trách nhiệm quay phim chính là cô Alice Guy Blaché, thư ký riêng của ông Léon Gaumont. Với bộ phim ngắn ‘’La Fée aux Choux’’, Miss Alice trở thành người phụ nữ đầu tiên làm phim trên thế giới. Ngay từ năm 1897 trở đi, công ty Gaumont đa dạng hóa nguồn sản phẩm.

Nhân Hội chợ triển lãm toàn cầu năm 1900, ông Léon Gaumont đã có sáng kiến ghép nối một máy chiếu phim với một máy quay đĩa, dùng thêm âm thanh tiếng nhạc để phụ họa cho hình ảnh. Cũng vào khoảng giai đoạn này, ông mới chọn biểu tượng của loài hoa cúc làm logo quảng cáo cho công ty Gaumont. Hoa cúc trong tiếng Pháp là Marguerite, và đó chính là tên gọi thân mẫu của ông Léon Gaumont.

Ban đầu kinh doanh phụ tùng, dụng cụ hình ảnh, công ty Gaumont nhanh chóng chuyển qua việc sản xuất và phát triển cơ sở phân phối, chiếu phim do thấy có nhiều lợi nhuận hơn. Gaumont mở rạp chiếu phim đầu tiên vào tháng Bảy năm 1911. Với 3.400 chỗ ngồi, rạp hát Gaumont Palace ở Paris trở thành rạp chiếu phim lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ XX, và khi có nhu cầu xếp lại các hàng ghế, rạp này có thế tiếp đón đến 6.000 khán giả.

Trên đà thành công, công ty Gaumont không ngừng khuếch trương phạm vi hoạt động, tưởng chừng không có gì ngăn cản nỗi, nào ngờ bị khựng lại do chiến tranh thế giới hai lần bùng nổ tại châu Âu. Trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến, Gaumont đánh mất thị phần vào tay các hãng phim Mỹ đang trên đà vươn lên, đó cũng là thời kỳ đăng quang của những nhà sản xuất nổi tiếng của Hollywood như Griffith, DeMille, Sennett …. Vào năm 1925, Gaumont buộc phải nhượng lại đa phần quyền khai thác các rạp hát cho hãng phim MGM, liên doanh với các hãng phim khác để thành lập vào năm 1930 nhóm GFFA (Gaumont Franco-Film Aubert).

Ông Léon Gaumont đột ngột qua đời vào năm 1946. Trong thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến, hãng Gaumont không còn hoạt động như một công ty gia đình mà là một hãng chuyên sản xuất phim với nhiều cổ đông, đa phần đều do tập đoàn truyền thông quảng cáo Havas của Pháp bỏ tiền ra mua lại. Cũng từ đó trở đi mà Gaumont, nhờ có nguồn tài chính dồi dào, mà phát triển mạnh khâu phân phối. 80% lợi nhuận của công ty đến từ việc hợp tác sản xuất và phát hành, phần còn lại đến từ việc bán vé, khai thác phim ở rạp.

Kể từ năm 1995 trở đi, Gaumont nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 mới sáng lập thêm bộ phận đa truyền thông, tập trung vào việc phát triển các dự án phim hoạt hình, game video và mạng internet. Nhưng Gaumont vẫn không quên nhiệm vụ ban đầu của mình là sản xuất và tài trợ các dự án làm phim. Tính trung bình, 40% phim sản xuất tại Pháp là đều có sự hợp tác của hãng phim Gaumont.

Điều đó có thể giải thích vì sao trong bộ thư mục của Gaumont hiện có tới hơn 1.000 tựa phim, đa phần là phim Pháp, nhưng trong suốt 120 năm tồn tại, Gaumont đã sản xuất nhiều đạo diễn nổi danh trong làng phim quốc tế. Điển hình nhất là các tên tuổi như Max Ophuls (1940), Jules Dassin (1955), Roberto Rossellini (1959), Federico Fellini (1963), Volker Schlöndorff (1966), Luchino Visconti (1975), Werner Herzog (1979), Ettore Scola (1982), Rainer Werner Fassbinder (1982), Ingmar Bergman (1983), Roland Joffé (2000), Nicolas Winding Refn (2013) ….. Trong các tựa phim từng phá kỷ lục doanh thu tại Pháp do hãng Gaumont sản xuất có loạt phim Les Visiteurs (115 triệu euros chỉ riêng cho tập đầu) và Les Intouchables với 350 triệu euros.

Để dánh dấu một cách trọng thể sinh nhật lần thứ 120, hãng Gaumont cho phát hành 10 bộ sưu tập DVD, mỗi bộ bao gồm từ 25 phim cho tới 40 phim tùy theo từng giai đoạn. Tính tổng cộng, bộ toàn tập này có tới gần 300 DVD, từ những năm 1895 cho tới tận 2015. Bộ toàn tập này phản ánh những thăng trầm của hãng phim Gaumont theo đà phát triển của kỹ nghệ điện ảnh : từ những thước phim ngắn đầu tiên thủ công nhưng đậm tính tài liệu lịch sử lưu trữ, cho tới thời kỳ hoàng kim của những bộ phim câm, rồi kế đến nữa là những tác phẩm tiêu biểu nhất cho từng thập niên.

Bộ toàn tập này được trình làng song song với cuộc triển lãm miễn phí ở trung tâm văn hóa 104 (Cent Quatre) nằm ở gần góc đường Aubervillers, ở Paris quận 19. Một cuộc triển lãm để cho thấy là ông Léon Gaumont là một người có tầm nhìn xa, có nhiều đam mê với nghệ thuật thứ bảy hơn là có đầu óc kinh doanh. Ông đã không để lại một cơ ngơi khổng lồ, nhưng uy tín của thương hiệu Gaumont, ai ai cũng biết tới.

Hình tượng của chữ G viết hoa, lồng trong một đóa hoa cúc, mỗi nhánh tỏa sáng tựa như một vầng Thái Dương. Hầu hết tất cả những người Pháp nào từng đi xem xinê đều đã nhìn thấy tận mắt hình ảnh ấy ít nhất một lần trong đời, vì Gaumont vẫn là hãng phim lâu đời nhất trên thế giới, còn tham gia hoạt động trong nền công nghiệp điện ảnh, cho tới tận bây giờ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.