Vào nội dung chính
PHÁP - QUỐC TẾ - QUÂN SỰ

Chuyên gia Pháp: Sức mạnh quân sự tối cao là răn đe.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, xung đột tại Ukraina, khủng bố : Làm thế nào đáp trả muôn ngàn đe dọa đó, vốn dĩ ngày nay không còn giống với những hình thức chiến tranh cổ điển nữa ? Đối với giáo sư luật quốc tế, Serge Sur, bá quyền của Hoa Kỳ được dựa trên nghiên cứu và tình báo hơn là trên những tiêu chí thuần túy quân sự.

Serge Sur: Sức mạnh quân sự tối cao là răn đe, không cần chạy đua vũ trang. Trong ảnh chiến đấu cơ P-8A Poseidon (trái) của không quân Mỹ.
Serge Sur: Sức mạnh quân sự tối cao là răn đe, không cần chạy đua vũ trang. Trong ảnh chiến đấu cơ P-8A Poseidon (trái) của không quân Mỹ. REUTERS/Mass Communication Specialist 2nd Class Douglas G. Wojci
Quảng cáo

Câu hỏi đặt ra ngày nay : Sức mạnh quân sự là gì ? Liệu một quốc gia có thể tồn tại mà không cần tỏ rõ sức mạnh hay răn đe ? Những vấn đề cơ bản này đã được tạp chí « Các vấn đề Quốc tế » phân tích trong một số phát hành kép. Ông Serge Sur, nguyên là giáo sư luật pháp quốc tế, thuộc đại học Panthéon-Assas, kiêm giám đốc tờ tạp chí trên, trực thuộc cơ quan Tư liệu của Pháp, đã trả lời các câu hỏi của nhật báo Libération, số ra ngày 14/07/2015. RFI Việt ngữ xin giới thiệu.

Phải chăng sức mạnh quân sự luôn luôn là đặc trưng chính của một cường quốc?

Đó là một đặc trưng cần nhưng chưa đủ. Thậm chí một số nước có thể không cần đến đặc trưng này. Nước Đức, trong một thời gian rất dài, đã từ bỏ việc phát triển sức mạnh quân sự, nhưng Berlin không hề từ bỏ vai trò của mình trên chính trường quốc tế. Điều đó cũng không ngăn cản Đức có một tầm ảnh hưởng lớn cho dù nước này không phải là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta cũng có thể dẫn trường hợp của Nhật Bản. Vì những lý do lịch sử, nước Nhật cũng đã tạm ngưng mọi hành động phát triển sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên lưu ý một điểm, người Nhật hiện đang phát triển một cách nhanh chóng hướng đến một vị thế quân sự ngày càng rõ nét. Do bởi, Trung Quốc đang ở ngay trước cửa và đối với họ đấy là một hiểm họa ngày càng lớn.

Điểm chung của cả hai quốc gia này đều là những nước bại trận trong Đệ Nhị Thế Chiến. Phải chăng đó là nguyên nhân khiến họ thận trọng ?

Trên thế giới, đã có một số nước từng bị lịch sử trừng phạt. Mà Pháp là một ví dụ điển hình. Tháng rồi, chúng ta đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm thất bại của Napoléon tại Waterloo. Trận Waterloo đã chặn đứng hoàn toàn chính sách bành trướng của Pháp tại Châu Âu. Kể từ năm 1815, Pháp chỉ tiến hành các cuộc chiến phòng vệ.

Vậy Hoa Kỳ có còn thống trị lĩnh vực quân sự trên thế giới ? Sức mạnh quân sự của họ là gì ?

Hoa Kỳ vẫn luôn dẫn đầu rất xa, là cường quốc số một về quân sự, cho dù ngân sách bị sụt giảm. Lúc trước, chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ chiếm đến 50% tổng chi tiêu quân sự trên toàn thế giới. Nhưng cách tính này chỉ mang tính tương đối, bởi như thế nào thì mới gọi là chi tiêu cho quân sự ? Sự chi tiêu này không giới hạn ở số lượng máy bay, xe tăng, hay dàn pháo.

Dĩ nhiên cần phải có một quân đội được huấn luyện tốt, trang bị tốt và có ý chí nữa. Nhưng cũng cần phải có một chiến lược có hiệu năng cao. Thế nhưng, chiến lược luôn luôn phải thích ứng với một kẻ thù nào đó và dường như là kẻ thù đó càng ngày càng khó nhận dạng, nhất là trong những cuộc chiến phi cân xứng. Kế đến cũng phải có những bộ tham mưu giỏi.

Năm 1940, bộ tham mưu của Pháp thật là thảm hại, do đó dẫn đến thất bại. Vào lúc đó, trên giấy tờ, quân đội Pháp chí ít mạnh cũng ngang ngửa với quân Đức. Tầm vóc quan trọng nhất là khả năng công nghệ. Và trên lãnh vực này, người Mỹ duy trì một bước tiến quan trọng so với các nước khác. Chính vì điều đó mà trên phương diện chi tiêu quân sự, có lẽ nên tính đến ngân sách dành cho nghiên cứu. Điều này quá rõ ràng khi nhìn thấy sự tiến bộ của Mỹ trong lãnh vực máy bay không người lái. Hơn nữa, chiến trường sẽ ngày càng sử dụng người máy, tự động hóa và đó là những bước tiến rất quan trọng.

Sự tiến bộ đó đã có từ « Sáng kiến Chiến lược Quốc phòng - IDS » dưới thời Tổng thống Reagan, hay còn gọi là « Chiến tranh các vì sao » cách đây 30 năm. Mục tiêu của IDS không phải là để gây chiến mà để duy trì một nền tiến bộ công nghệ sao cho Hoa Kỳ không bao giờ bị đuổi kịp. Chương trình đó dành cả cho dân sự lẫn quân sự.

Như vậy là sức mạnh quân sự không chỉ tính đến vũ khí ?

Vũ khí chỉ là một thành phần. Trong số ra mới đây trên tạp chí « Các vấn đề Quốc tế », chúng tôi nhấn mạnh, sức mạnh quân sự không hẳn là việc sử dụng sức mạnh quân sự. Sức mạnh quân sự tối cao là sự răn đe, do đó không cần dựa vào vũ khí. Điều này đúng với vũ khí hạt nhân nhưng không chỉ có thế. Giả như ở vùng biển Trung Hoa, các lực lượng quân sự Mỹ không hiện diện thường trực ở đây thì đà tiến của Trung Quốc có lẽ sẽ còn nhanh hơn thế nữa. Hiện chưa có xung đột công khai, chưa phải đối đầu trực diện với đối thủ nào, cũng chưa có ai bị mất mặt, nhưng tình hình đang thay đổi. Trung Quốc không hề muốn lao vào một cuộc xung đột vũ trang, nhưng họ muốn âm thầm tấn công, nhưng không động đến binh đao.

Liệu việc Hoa Kỳ triển khai quân tại các nước Đông Âu trong khối NATO có cùng một logic ?

Trước hết Nga có một chính sách phòng thủ và chúng ta đã chọc ngoáy Nga hơi quá đà ngay cả trước khi xảy ra xung đột Ukraina. Theo ý tôi, cuộc khủng hoảng này là do phe tân bảo thủ Hoa Kỳ cố tình gây ra. Các nước phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, đã không làm việc với Nga sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, như là đã từng làm với Đức sau Đệ Nhị Thế Chiến. Bởi vì, sau nỗi tủi nhục thất bại, cần phải tái thiết đất nước. Thế rồi, nước Đức cũng hòa nhập được hoàn toàn với cộng đồng quốc tế. Nước Nga bị làm nhục, rồi bị hắt hủi. Đó là sự chọn lựa của Bush cha. Và Nga đã không chấp nhận trạng thái một Quốc gia bị trừng phạt.

Nói tóm lại, sức mạnh quân sự vẫn gắn liền với Nhà nước ?

Không có một sức mạnh quân sự nào theo nghĩa chính xác mà nằm ngoài Quốc gia, dù là vẫn có thể tồn tại các lực lượng tự vệ, bán quân sự trong trường hợp Nhà nước bị tan vỡ hay có nội chiến. Còn lực lượng đa quốc gia vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nước tham gia chiến dịch. Việc thành lập một lực lượng quân đội phục vụ cho Hội Đồng Bảo An, vốn được ghi trong Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, cho đến giờ vẫn luôn đặt ra vấn đề.

Bởi lẽ, những đội quân đó sẽ đến từ những nước nào ? Người ta đề xuất các nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An cung cấp binh sĩ và lập một ban tham mưu chung. Nhưng cho đến giờ vẫn là dự án. Lần duy nhất mà cơ chế này hoạt động đó là trong chiến tranh Triều Tiên, mà không có sự tham gia của Liên Xô và dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ. Các chiến dịch gìn giữ hòa bình là chuyện khác nữa. Và trên nguyên tắc, các chiến dịch đó không mang tính cưỡng chế.

Người ta nói nhiều đến tư nhân hóa quân đội, liệu điều đó có đi ngược với ý tưởng quân đội quốc gia hay không ?

Đây không phải là vấn đề tư nhân hóa chiến tranh, mà chỉ là lĩnh vực tư xử lý một cuộc chiến tranh. Việc tư nhân hóa chiến tranh có lẽ cũng đồng nghĩa với việc các công ty tư nhân sẽ hành động theo ý muốn của họ, theo mục đích và nguồn tài chính riêng của họ mà không cần phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Lĩnh vực tư nhân chịu trách nhiệm xử lý chỉ có nghĩa khi Nhà nước quyết định trên cơ sở hợp đồng ký kết, giao nhiệm vụ cho các lực lượng tư nhân vốn linh hoạt hành động hơn.

Ta có thể xem việc này giống như là việc cho sản xuất ở nước ngoài, liên quan đến các quyền lao động. Lực lượng tư nhân chủ yếu là các cựu quân nhân, những người làm việc để bổ sung lương hưu và họ có những hiểu biết, kinh nghiệm cần thiết. Đương nhiên chính phủ vẫn nắm quyền kiểm soát. Đây là cách đối phó với các cuộc chiến phi cân xứng. Đối mặt với những nhóm hành động không theo quy tắc nào, các quốc gia cũng phải đáp trả tương tự.

Sức mạnh quân sự làm được gì để đối phó với các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo ?

Đây là thách thức lớn nhất hiện nay. Cần nhắc lại cách nói ẩn dụ của Clausewitz : Chiến tranh là một con kỳ nhông (kẻ hoạt đầu). Khi người ta nghĩ rằng có thể quy ước hóa, điều chỉnh về chiến tranh, thì chiến tranh trở nên vô ích, bởi vì tất cả mọi người đều cùng áp dụng một thứ luật lệ. Thậm chí, trước khi bắt đầu đánh nhau, người ta đã biết ai sẽ thắng. Thế nhưng, chiến tranh không phải là một khoa học chính xác, do vậy, luôn luôn có phá lệ, đột phá.

Chiến tranh phi đối xứng chính là tìm cách đột phá. Máy bay không người lái là một cách đối phó với hoàn cảnh xung đột đã từng xẩy ra trước đó. Hành động phá lệ cổ điển nhất là việc dùng không quân ném bom và điều này đã được nói đến trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc là nếu như một quốc gia không tuân thủ các quy ước chung. Hiện nay, đúng là có một sự ngần ngại thực sự huy động lực lượng tham chiến trên bộ.

Phải chăng sức mạnh quân sự không chỉ là « sức mạnh bạo lực » ?

Đương nhiên, có chiến lược gây ảnh hưởng. Về điểm này, Tổng thống Bush cha đã tỏ ra có hiệu quả hơn Tổng thống Bush con. Đặc biệt là người ta có thể nhận thấy việc này qua hai cuộc chiến tranh Irak. Bush cha đã tạo được một liên minh quốc tế trước khi can thiệp vào Irak, ngược với con của ông, trong cuộc chiến Irak thứ hai. Bush con chỉ có được sự ủng hộ của Anh Quốc. Ngày nay, sự bá quyền của Hoa Kỳ dựa trên các yếu tố dân sự hơn là dựa vào các tiêu chí thuần túy quân sự. Từ năm 1945, Mỹ không có được một thành công thực sự nào cả.

Quyền lực mềm có thể tạo ra tác động răn đe hoặc thuyết phục. Có thể thực hiện ảnh hưởng qua biện pháp quân sự. Ai cũng muốn là đồng minh của Mỹ, bởi vì đó là quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Các thành viên mới của NATO mong muốn là quân đội của họ được huấn luyện theo kiểu Mỹ. Họ muốn có cố vấn Mỹ huấn luyện quân sự. Họ muốn nằm trong « đại binh đoàn ».

Liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể tiếp tục tự nhận là có quy chế cường quốc quốc tế mà không phát triển sức mạnh quân sự và có chính sách quốc phòng chung hay không ?

Hệ thống phòng thủ của Châu Âu tồn tại nhờ có NATO. Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương chỉ củng cố thêm sự phụ thuộc vào NATO mà thôi. Đây là điều mà Hoa Kỳ mong muốn. Nhưng liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể tăng cường các phương tiện quân sự mà không đi ngược lại các nguyên tắc của chính tổ chức này. Trước tiên, Liên Hiệp Châu Âu được thiết kế nhằm tránh mọi cuộc chiến tranh có thể xẩy ra giữa Đức và Pháp.

Thế nhưng, Liên Hiệp đã không giúp tránh được cuộc chiến tranh xẩy ra ở Liên bang Nam Tư cũ. Liên Hiệp hoàn toàn bất lực trước tình hình tại Ukraina. Định chế này đã không thành công trong việc xuất khẩu tư tưởng chủ hòa của mình. Cơ quan tư vấn Mỹ Pew Research Center thường xuyên đăng tải các thăm dò dư luận với câu hỏi « Liệu bạn có sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc hay không ? » : Tại Nga, 60% giới trẻ trả lời là có, tại Mỹ là 40% và Châu Âu, tỷ lệ này rơi xuống còn 2% hoặc 3%.

Nhưng đối với Liên Hiệp Châu Âu, các mối đe dọa đến từ bên ngoài không mang tính chất quân sự. Đó là những mối đe dọa kinh tế, tài chính và xã hội. Mối đe dọa – có thể làm cho Liên Hiệp Châu Âu bất ổn – đó là tỷ thất nghiệp 10%. Khủng bố cũng là mối đe dọa. Các phương tiện quốc phòng không chỉ là quân đội, mà đó còn là tình báo, sự tồn tại một lực lượng cảnh sát biên phòng, một hệ thống tư pháp có thể đối phó được với một sự thách thức đối với Châu Âu, chứ không phải là một sự thách thức trên phạm vi quốc gia. Như vậy, thách thức thực sự đối với Châu Âu là những thách thức dân sự, hình sự và hành chính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.