Vào nội dung chính
PHÁP

Nông nghiệp Pháp đuối sức vì lệnh cấm vận của Nga

Hãng tin AFP hôm nay 25/07/2015 cho biết ngành nông nghiệp Pháp đang phải chịu hậu quả do lệnh cấm vận của Nga ban hành cách đây một năm. Ngay cả khi Nga không phải là một khách hàng lớn của Pháp, hiệu ứng domino trên thị trường vẫn ảnh hưởng tới giá thu mua sản phẩm.

Nông dân Pháp phong tỏa lối vào một nhà máy sữa ở Ancenis ngày 23/07/2015.
Nông dân Pháp phong tỏa lối vào một nhà máy sữa ở Ancenis ngày 23/07/2015. Reuters/Stephane Mahe
Quảng cáo

Từ cuối tuần qua, khối chăn nuôi Pháp đã xuống đường biểu tình để thể hiện sự phẫn nộ vì giá thu mua sản phẩm, đặc biệt là giá thu mua sữa. Hôm qua 24/07/2015 sau ba giờ thương lượng, chính phủ Pháp và các đại diện nông nghiệp đã đạt được một thỏa thuận nâng giá thu mua sữa thêm 4 xu mỗi lít (từ 30 lên 34 xu euro/lít).

Ngoài Pháp, nông dân miền Bắc nước Đức cũng xuống đường biểu tình để phản đối giá thu mua sữa quá thấp. Hôm qua, 24/07/2015, lãnh đạo của các nghiệp đoàn nông dân Đức và Ireland đã yêu cầu Bruxelles hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất sữa.

Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng nông nghiệp là do lệnh cấm vận của Nga liên quan tới thực phẩm có nguồn gốc từ Liên Hiệp Châu Âu (EU), Úc, Canada và Na Uy, được công bố ngày 07/08/2014. Lệnh cấm vận trên nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của khối EU nhắm vào Nga do nước này bị cáo buộc can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Một số sản phẩm xuất khẩu của Pháp bị ảnh hưởng là thịt lợn, pho-mát, sữa, hay rau củ quả. Theo số liệu của hải quan Pháp, trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, số lượng xuất khẩu các sản phẩm từ thịt đã giảm xuống 73%/một năm (từ 19,7 xuống còn 5 triệu euro), và các sản phẩm sữa giảm xuống tới 78% (từ 37 xuống 8 triệu euro).

Khối lượng sản phẩm của các nhà xuất khẩu lớn sang Nga, như Đức, Hà Lan hay Phần Lan, buộc phải tung ra tiêu thụ tại thị trường Liên Hiệp và khiến giá bơ và sữa giảm xuống 30%. Chính vì vậy dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường Nga, ngành nông nghiệp Pháp phải chịu hậu quả hiệu ứng domino.

Một nguyên nhân khác dẫn tới cuộc khủng hoảng này là do hoạt động xuất khẩu bị ngừng đột ngột trên thị trường thế giới, trong khi đó thị trường sữa đã phải đối mặt tình trạng cung nhiều hơn cầu. Ngoài ra, còn phải kể tới nhu cầu về sữa bột của Trung Quốc đột nhiên giảm xuống một nửa.

Cấm vận của Nga cũng ảnh hưởng tới giá thu mua thịt heo, giảm 20 xu/kg, buộc các nhà xuất khẩu tìm thị trường mới ở Châu Á, trong đó có Trung Quốc. Song các thị trường mới cũng tận dụng cuộc khủng hoảng nông nghiệp tại Châu Âu để trả giá thấp hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.