Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Olivier Rousteing: thanh lịch mà bụi đời, xa xỉ trong tầm với

Đăng ngày:

Một người đàn ông trẻ tuổi luôn thiết kế những bộ y phục thời trang hào nhoáng lộng lẫy cho phái nữ, nhưng đến khi chụp hình lại thích trần truồng như nhộng, khỏa thân 100%. Đó có thể là nghịch lý của nhân vật Olivier Rousteing, nhà tạo mốt nổi tiếng của hiệu thời trang Balmain của Pháp.

Tạp Chí Văn Hóa
Tạp Chí Văn Hóa RFI
Quảng cáo

Nổi tiếng là một người trầm tĩnh nhưng đầy cá tính, vóc dáng hiền hoà thơ ngây nhưng tư tưởng lại phá phách nghịch ngợm, Olivier Rousteing thích phá vỡ các thông lệ quy tắc, chuộng lối suy nghĩ trái chiều, ngoài luồng. Có lẽ cũng vì thế mà từ khi anh về làm việc cho công ty Balmain, Olivier Rousteing đã thổi một ngọn gió lạ, một luồng dưỡng khí mới vào một trong những công ty thời trang lâu đời nhất của Pháp, vì hiệu Balmain năm nay vừa tròn 70 tuổi.

Sinh năm 1986, Olivier Rousteing được một gia đình người Pháp nhận làm con nuôi lúc anh mới được 12 tháng tuổi. Lớn lên cùng với gia đình tại thành phố Bordeaux, Olivier tuy là con nuôi người da màu, trong một gia đình da trắng, nhưng vẫn được bố mẹ yêu thương như con ruột. Trong nhà, hai ông bà ít khi nào mua quà về tặng cho con, nhưng đổi lại, Olivier thích học cái gì đều được cha mẹ cho học cái nấy.

Có lẽ cũng nhờ vào sự uốn nắn ấy, mà từ thuở thiếu thời Olivier đã học được tính nhẫn nại kiên trì, biết phấn đấu để vươn lên, tự tạo cho mình những cơ hội chứ không trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác. Sau này, Olivier Rousteing cho biết sự thành công trên đường đời là một cách để đền đáp tình thương ‘’vô giá’’ của gia đình.

Nhờ có năng khiếu vẽ, Olivier Rousteing được gia đình cho lên Paris theo học ngành thiết kế tại trường cao đẳng nghệ thuật và kỹ thuật thời trang ESMOD (École Supérieure des Arts et des Techniques de la Mode). Tốt nghiệp vào năm 17 tuổi (vào năm 2003), anh rời Paris sang thủ đô Roma, sau khi được tuyển vào êkíp đào tạo của nhà thiết kế Roberto Cavalli. Sau hai năm huấn luyện, anh trở thành trợ tá cho nhà tạo mốt người Ý, chuyên trách về dòng sản phẩm thời trang và bộ sưu tập y phục may sẵn.

Sau 5 năm là việc tại Ý, Olivier Rousteing được mời về hợp tác với hiệu thời trang Balmain năm anh 23 tuổi (vào năm 2009). Trong vòng hai năm, anh học hỏi thêm kinh nghiệm trau dồi tay nghề với nhà thiết kế Christophe Decarnin, giám đốc nghệ thuật của hiệu thời trang Balmain từ năm 2006. Olivier dần dần hấp thụ phong cách của bậc đàn anh, làm mới hình ảnh của hiệu Balmain khi kết hợp tư tưởng phá cách, những bộ trang phục cực kỳ nữ tính, đầy ma lực quyến rũ, nhưng tướng mạo vẫn thả nổi ‘’bụi đời’’, đậm đặc phong cách rock.

Tháng Tư năm 2011, Olivier Rousteing tuy chỉ mới 25 tuổi, được phong làm giám đốc nghệ thuật của hiệu Balmain (thay thế cho Christophe Decarnin). Nhưng đối với giới chuyên ngành, sự nghiệp của Olivier Rousteing chỉ thật sự cất cánh hai năm sau với bộ sưu tập thời trang Xuân-Hạ năm 2013, qua đó nhà thiết kế trẻ tuổi trình bày quan điểm sáng tạo cá nhân, còn trong giai đoạn chuyển tiếp, Olivier chỉ tìm những dấu gạch nối để tránh bóp méo hình ảnh của hiệu Balmain khi công ty này thay đổi giám đốc nghệ thuật.

Làm thế nào để tái tạo phong cách nhưng vẫn giữ được các nét truyền thống tiêu biểu cho một hiệu thời trang lâu đời. Đó là bài toán mà Olivier Rousteing phải tìm cho ra cách giải đáp. Làng thời trang quốc tế không thiếu gì những tài năng mới, đứng ở sân sau lấp ló chờ thời, nhưng để trụ lại ở vị trí điều hành các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng hàng đầu mới thật sự là chuyện khó. Khi được phong làm giám đốc nghệ thuật của Balmain, Olivier Rousteing đột nhiên trở thành người đứng đầu một thương hiệu đang ăn khách, và buộc phải đương đầu cùng lúc với nhiều thử thách.

Olivier Rousteing thừa hưởng một cơ ngơi khá đồ sộ. Dưới thời của nhà thiết kế tiền nhiệm (Christophe Decarnin), hiệu Balmain chuyên nhắm vào đối tượng khách hàng cực kỳ xa hoa, giàu có. Chuyện bỏ ra năm ngàn hay mười ngàn đô la chỉ để mua một đôi giầy hay một kiểu áo chỉ là chuyện nhỏ. Trong những năm 2008 đến 2011, doanh thu của Balmain không ngừng gia tăng, có lúc tăng lên tới 75% chỉ trong vòng một năm. Tuy nhiên, nhà thiết kế tiền nhiệm Christophe Decarnin còn được mệnh danh là một Versace của Pháp, cũng từng bị chỉ trích là cắm đầu chạy theo doanh thu lợi nhuận, nhưng ngày càng xa lánh dần các nét thanh lịch truyền thống của hiệu thời trang Balmain.

Phá cách mà vẫn duy trì được cái cốt, truyền nối đường nét sáng tạo mà vẫn không làm giảm mức doanh thu : Olivier Rousteing từ năm 2013 đã nỗ lực làm việc theo hai mục tiêu này. Kể từ năm 2013, nhân mỗi dịp Tuần lễ Thời trang Paris (Fashion Week Paris), Olivier Rousteing đã làm khác và làm mới nhưng vẫn gợi hứng từ các bộ sưu tập kinh điển nhất của Balmain, để tạo ra phong cách chic mà vẫn ‘‘bụi đời’’, xa xỉ nằm trong tầm với.

Phong cách truyền thống của Balmain đơn giản trong đường nét, nhưng tinh tế cầu kỳ trong cách dùng chi tiết. Các kiểu áo thường có cầu vai rộng và dày, tạo nên nét vuông vức để rồi túm lại ở hông, với dụng ý làm nổi bật bộ ngực và lưng ong của người đàn bà. Trong làng thời trang Pháp, Coco Chanel, Yves Saint Laurent và Pierre Balmain là những nhà thiết kế tiên phong trong việc dùng ‘’ngôn ngữ trang phục‘’ của phái nam để tôn vinh những thế mạnh của phái yếu. Người đàn bà vốn đã đẹp khi khoác lên mình tấm áo dạ hội, họ lại càng đẹp hơn nữa khi biết cách tận dụng phong cách ăn mặc của đàn ông. Tủ áo của họ dĩ nhiên là trở nên phong phú, đa đạng hơn rất nhiều khi kết hợp đan chéo các kiểu áo lại với nhau

Một khi đã hiểu những nét hài hoà cơ bản nhất trong phong cách của Balmain, Olivier Rousteing tha hồ mà biến tấu. Nhưng chi tiết đan thêu, đính cườm vẫn phức tạp tinh xảo nhưng khảm dính trên đồ da thay vì thêu khắc trên vải. Gấm vóc lụa là càng bóng bẫy lộng lẫy, thì các họa tiết tuy công phu mà vẫn kín đáo. Chỉ khi nào nhìn gần thì ta mới thấy được những đường nét công phu, khi nhìn xa thì các họa tiết vẫn không lấn át nhấn chìm chất liệu của vải quý.

Một kiểu áo ít khi nào có cùng lúc nhiều điểm nhấn, bởi vì khi đặt bên cạnh, các điểm nhấn này sẽ tự hoá giải nhau. Trong ngôn ngữ trang phục, đường nét thiết kế là cấu trúc, gam màu sắc là ngữ vựng, cách sắp đặt chi tiết chính là cú pháp. Tùy theo quan điểm cân đối hay bất tương xứng, phá cách hay tuân thủ khuôn thước, nhà thiết kế phải tìm cho ra một cú pháp riêng. Một điều mà Olivier Rousteing đã làm được cho dù anh còn non tuổi đời.

Các kiểu quần rộng thùng thình được kết hợp với áo bó sát thân, tay áo nở rộng ở khuỷu tay để rồi túm lại ở cườm tay. Trong các kiểu áo vuông vức nhất, cầu vai vẫn dày, nhưng áo lại xẻ chéo, một bên để hở bờ vai, bên kia áo kín tay dài. Ở phía trên nếu áo dùng chất liệu cứng, thì váy hay quần ở phía dưới thường dùng chất liệu mềm, dùng nét linh hoạt mềm mại để phá vỡ nếp vải chuẩn mực, ngăn nắp. Olivier Rousteing cũng gợi hứng khá nhiều từ các nền văn hóa phương Đông, kể cả Nhật Bản, Ấn Độ hay Ả Rập để tạo ra nhưng nét bất ngờ trong các kiểu trang phục Âu Mỹ truyền thống, dây nịt lại giống như vải thắt lưng kimono, quần ống thùng theo kiểu sarouel, áo may như thể quấn choàng một vai theo kiểu sari …..

Khác với người tiền nhiệm, Olivier Rousteing đã giúp cho hiệu Balmain tìm lại phong cách truyền thống, dầu vẫn nghiêng về quá khứ, nhưng chân lại bước vào tương lai, kỷ nguyên thời đại thế kỷ XXI. Trong lối thiết kế của mình, Olivier Rousteing luôn hướng đến sự hài hoà, nét cân bằng. Nó thể hiện cho một tư tưởng nghịch ngợm ngông cuồng, nhưng lại chừng mực kín đáo do có sự kiềm chế tự chủ. Anh cũng thường dùng những hoạ tiết hay phụ kiện thời trang làm điểm nhấn, nhưng ít khi nào ở vị trí trung tâm mà là lệch trọng tâm để tạo nét mông lung bất ngờ giữa những nếp gấp góc cạnh.

Phong cách của trang phục Balmain thời nay thể hiện góc nhìn tân kỳ của một nhà tạo mốt, sống với thời đại thông tin của Twitter hay Instagram, nhưng lúc nào cũng tiềm ẩn bề dày ký ức. Mỗi lần bắt tay vào việc thực hiện một bộ sưu tập mới, anh cho biết lúc nào cũng xem lại trong kho lưu trữ tất cả các tài liệu có liên quan, dựa vào những kiểu mẫu sẵn có trước khi phác họa ra một hướng đi chính, bởi vì theo anh, phải tìm một phương cách làm mới hay làm khác nhưng tuyệt đối không lặp lại những gì mà hiệu Balmain đã từng làm.

Dĩ nhiên là khi lên làm giám đốc nghệ thuật của hiệu thời trang Balmain, Olivier Rousteing cũng phải đứng mũi chịu sào và gặp phải những lời chê bai. Những lời chỉ trích thường thấy nhất vẫn là sự thiếu kinh nghiệm do anh lên đứng đầu một công ty thời trang nổi tiếng ở tuổi 25. Có ý kiến khác cũng cho rằng Balmain đã sa thải người tiền nhiệm để tuyển Olivier Rousteing lên làm giám đốc do anh "dễ bảo" hơn. Những lời chỉ trích ấy, dường như Olivier Rousteing vẫn xem như là lẽ thường tình. Đổi lại, anh quan niệm rằng đối với một nhà thiết mới vào nghề, không có quá nhiều để mất mát thiệt thòi, thì áp lực không cao bằng các nhà thiết kế thâm niên, những người buộc phải bảo vệ và duy trì uy tín và chính điều đó mới ràng buộc tính sáng tạo của họ.

Trong số những nhân vật tên tuổi ủng hộ Olivier Rousteing cũng như yêu thích phong cách thiết kế thời trang của anh có Kate Moss, Rosie Huntington, Lou Doillon, Kate Bosworth, Kim Kardashian và nhất là Rihanna. Olivier Rousteing từng kết bạn với Rihanna qua mạng xã hội, và theo lời mời của anh, diva nhạc pop đã ghé thăm anh tại xưởng thiết kế ở Paris năm 2014, như theo lời anh kể với tờ báo Telegraph và tạp chí thời trang Vogue.

Olivier Rousteing xem Rihanna như một người bạn hiền vì cô đã cho anh những lời khuyên đáng quý. Theo đó, anh nên thêm bạn bớt thù, vững tâm đeo đuổi những gì mình đang làm, bất chấp các lời thị phi hoặc gièm pha, đừng sợ thất bại mà không dám làm. Lối suy nghĩ ấy gần giống với những gì mà Olivier Rousteing trăn trở suy tư từ thuở thiếu thời. Anh đã từng nói với gia đình anh rằng : Con không muốn là một đóm lửa hay một vì sao băng, đóm lửa bùng lên rồi chợt tắt, sao băng vụt bay rồi biến mất giữa trời đêm. Bố mẹ anh mới khuyên rằng : Nếu không muốn như vậy, thì chỉ còn có ba cách : làm việc, làm việc và làm việc. Bởi vì để thành danh và trụ lại trong làng thời trang, tài năng không thôi e rằng vẫn chưa đủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.