Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Khủng hoảng nợ công : Vì sao Châu Âu không thể bỏ Hy Lạp ?

Đăng ngày:

Cuộc thương thuyết kéo dài nửa năm trời về nợ công Hy Lạp vừa tạm khép lại vào sáng sớm ngày thứ Hai 13/07/2015, với thỏa thuận về nguyên tắc, cho phép thương lượng một chương trình trợ giúp lần thứ ba cho Athens, đang mấp mé bờ vực phá sản hoàn toàn. Tại sao Châu Âu đã không thể bỏ được Hy Lạp, hay nói một cách cách khác, đa số sẵn sàng hay buộc phải chấp nhận một cái giá rất cao để giữ lại Hy Lạp, một quốc gia với GDP chưa đầy 2% của khối đồng tiền chung ?

Hy Lạp và Châu Âu : liệu cuộc trường chinh Odyssée có tới đích ? Ảnh chụp màn hình chương trình "Hy Lạp ra khỏi euro : một vấn đề địa-chính trị" trên truyền hình TF1, ngày 08/07/2015.
Hy Lạp và Châu Âu : liệu cuộc trường chinh Odyssée có tới đích ? Ảnh chụp màn hình chương trình "Hy Lạp ra khỏi euro : một vấn đề địa-chính trị" trên truyền hình TF1, ngày 08/07/2015.
Quảng cáo

Đợt đàm phán cuối cùng kéo dài liên tục 17 giờ đồng hồ của cuộc thượng đỉnh bất thường của eurogroup, được đánh giá là một trong những cuộc đàm phán gay go nhất trong lịch sử của khối này, cho thấy tính chất quyết liệt và dai dẳng của cuộc thương thuyết về nợ công Hy Lạp. Vẫn có thể còn có những biến động bất ngờ khi thỏa thuận này được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội một số thành viên euro thuộc hàng « cứng rắn » nhất, nhưng kết cục vừa qua cho thấy một điều : nỗ lực giữ Hy Lạp lại trong khối sử dụng đồng euro đã tìm được sự đồng thuận ở đại đa số các lãnh đạo eurogroupe, bất chấp không biết bao nhiều lần giả thiết Grexit – Hy Lạp giã từ khối – đã được đặt lên bàn hội nghị.

Thỏa thuận vừa đạt được cho phép Athens nhận được một chương trình trợ giúp thứ ba từ các định chế Châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế, với trị giá từ 82 đến 85 tỷ euro (có thể lên đến 86 tỷ euro) trong vòng năm năm, đổi lại Athens phải thực thi nhiều cải cách rất căn bản. Có nhiều cách đánh giá khác nhau về thỏa thuận này. Nhìn từ phía Athens, không ít người cho rằng Hy Lạp rút cục đã phải chấp nhận nuốt « viên thuốc đắng » của IMF và các định chế chủ nợ để tránh sụp đổ, nhưng cũng rất nhiều người nhìn nhận đây là một thành công của chính phủ đảng cánh tả cấp tiến Syriza, khi tìm được một thỏa thuận với Châu Âu, cho dù khi mới lên cầm quyền, quan điểm của đảng này là đoạn tuyệt với sự bảo hộ của bộ ba chủ nợ.

Hy Lạp là quốc gia nợ nần đầm đìa nhất của Liên Hiệp Châu Âu, với tổng số tiền lên đến 312 tỷ euro (tương đương với 177% GDP), mà chủ nhân của ba phần tư số tiền này là các quốc gia và định chế Châu Âu. Và mặc dù Athens đã nhận được các hỗ trợ chưa từng có, so với bất cứ quốc gia thành viên Châu Âu nào, khả năng Hy Lạp phục hồi kinh tế để có thể hoàn trả hết nợ là rất xa vời, nếu không muốn nói là bất khả. Ngay sau thỏa thuận đạt được trong gang tấc nói trên, không ít quốc gia nhóm euro, đặc biệt là Phần Lan hay Slovakia, bảo lưu một quan điểm hết sức nghi ngờ về viễn cảnh của Hy Lạp. Tại Đức (chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp), theo một thăm dò mới đây, có đến 60% người Đức muốn Hy Lạp rời euro, chứ không chấp nhận một chương trình trợ giúp rất tốn kém mới với những điều kiện có lợi cho Athens.

Tuy nhiên, rút cục, tại sao Châu Âu đã không thể bỏ được Hy Lạp, hay nói một cách cách khác, đa số Châu Âu sẵn sàng hay buộc phải chấp nhận một cái giá rất cao để giữ lại Hy Lạp trong khối đồng tiền chung ?

Sai lầm nếu chỉ thấy hậu quả kinh tế - tài chính

Quan điểm của ba lãnh đạo Viện Institut Jacques Delors-Notre Europe, do cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jacques Delors sáng lập, vừa được đưa ra qua lời kêu gọi trên Le Monde ngày 04/07 (trước cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp), cho phép nhìn thấy một nguyên nhân sâu xa. Đối với ba lãnh đạo viện này – gồm Jacques Delors, Pascal Lamy (cựu Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới) và cựu Ủy viên công lý Châu Âu Antonio Vitorino -, chỉ xem xét cuộc khủng hoảng Hy Lạp dưới góc độ hệ quả tài chính và kinh tế của viễn cảnh Hy Lạp rời euro là một sai lầm, « cần phải nhìn nhận vấn đề Hy Lạp theo một quan điểm địa chính trị, như một vấn đề của Châu Âu ». Và không nên chỉ xem xét Hy Lạp theo nhãn quan của IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế), mà còn cần phải qua cái nhìn của Liên Hiệp Quốc.

Tấn kịch tâm lý Hy Lạp – Châu Âu

Trong chương trình phát thanh « Tấn tâm kịch Hy Lạp và ý nghĩa của nó » trên đài France Inter (ngày 11/06/2015), nhà bình luận địa chính trị Bernard Guetta nhận xét :

« Cuộc đọ sức này quyết liệt đến mức : đứt đoạn là có thể. Tuy nhiên, điều chắc chắn nhất sẽ là các khác biệt được giảm dần và một thỏa hiệp có thể được tìm thấy. Cuối cùng thì, đằng sau sự căng thẳng hồi hộp, tấn kịch tâm lý đang diễn ra này mang ý nghĩa gì ?

Ý nghĩa cơ bản ở đây là : cả Hy Lạp cũng như cánh tả mới của nước này đều không muốn ra khỏi vùng euro, dù với giá gì, và Liên Hiệp Châu Âu lại càng không muốn. Dù có chán ngán người Hy Lạp thế nào chăng nữa, thì ngay cả những người Châu Âu khắc nghiệt nhất cũng không muốn Hy Lạp phải ra đi, bởi việc này sẽ làm rung chuyển tận nền móng khu vực đồng euro và toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu.

Ý nghĩa của tấn kịch tâm lý này, nói tóm lại là, cả những người theo chủ thuyết tự do hay cánh tả mới, các nước phía Bắc hay phía Nam, toàn bộ Châu Âu – có thể chỉ ngoại trừ người Anh - coi trọng trước hết sự thống nhất, bất kể họ có trách cứ gì nhau, và sự chia rẽ giữa các định chế Châu Âu với các công dân của mình sâu đến mức nào ».

Tinh thần thống nhất của Châu Âu ở đây có thể được hiểu trước hết như là cái cơ sở để đối mặt với những đe dọa địa chính trị chung : « khủng hoảng di cư trên Địa Trung Hải, đe dọa của Hồi giáo thánh chiến, xung đột với Nga », như ghi nhận của Janis Emmanoulidis, nhà nghiên cứu của viện tư vấn European policy center. Trả lời AFP, ông nhấn mạnh, trong bối cảnh này, « việc cho thấy chúng ta (tức những người Châu Âu) không có khả năng giải quyết được các vấn đề nội bộ sẽ phát đi một thông điệp xấu ».

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, Bruxelles, 13/03/2015.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, Bruxelles, 13/03/2015. REUTERS/Yves Herman

Những hệ lụy địa-chính trị nghiêm trọng

Bình luận về chủ đề này trên đài France 24 ngày 07/07/2015, nhà báo Guillaume Duval (Tổng biên tập nguyệt san Alternatives économiques) cân nhắc giữa hai loại hệ quả, một bên là hệ quả kinh tế, tài chính, bên kia là các hệ quả địa chính trị :

« Nguy cơ rất lớn, nguy cơ về kinh tế. Người ta nói rằng vùng euro được chuẩn bị tốt hơn 2010, tuy nhiên, trên thực tế người ta vẫn đánh giá thấp nguy cơ và các vấn đề đặt ra nếu kịch bản này xảy ra. Không ai có thể cản trở nếu Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha quyết định ra đi sau đó. Và các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi. Không ai cản được người có tiền gửi ngân hàng muốn chuyển ngân khoản của mình sang nơi khác. Sẽ có thể xảy ra những điều rất nghiêm trọng về kinh tế, mà tôi cho rằng bị đánh giá thấp.

Hơn nữa, sẽ có thể diễn ra những điều cũng nghiêm trọng tương tự, nếu không nói là nghiêm trọng hơn trên bình diện chính trị. Hy Lạp nằm trong khu vực đông nam Châu Âu hết sức bất ổn, với vùng Balkan, nơi chiến tranh còn xảy ra cách đây ít năm. Một khu vực tiếp nhận rất nhiều người tỵ nạn, từ Syria, từ Liban… Một vùng theo đạo Chính thống giáo có thể chuyển sang liên minh với nước Nga trong bối cảnh hiện nay. Tóm lại, có rất nhiều hệ lụy địa chính trị và kinh tế, khiến cho giả thiết Grexit tốn kém hơn nhiều so với việc nỗ lực tìm ra một giải pháp ».

Thiệt hại về kinh tế của kịch bản Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, được một số chuyên gia ước tính là hàng trăm tỷ euro (thậm chí cao hơn cả khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp), cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thì tung ra con số 1.000 tỷ €. Tuy nhiên, liệu các thiệt hại về « địa chính trị » có thể dễ dàng quy được toàn bộ thành tiền ?

Nếu người gác cửa Đông Nam Châu Âu phá sản…

Trong chương trình của kênh truyền hình TF1 ngày 08/07/2015, nhà báo Guillaume Debré giới thiệu rõ hơn về ý nghĩa chiến lược của Hy Lạp tại khu vực cửa ngõ đông nam của Châu Âu :

« Hơn cả khía cạnh kinh tế, Hy Lạp trước hết quan trọng về vị trí chiến lược. Nằm trong lòng bán đảo Balkan, và kề bên khu vực Liên Xô cũ, sát với vùng Trung Đông với nguy cơ bùng phát chiến tranh và vùng Bắc Phi bất ổn định, Hy Lạp kể từ khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là một ốc đảo bình ổn.

Vị trí tiền tiêu của khối NATO ; quốc gia Châu Âu có tỷ lệ chi phí quốc phòng cao nhất ; hải quân Hy Lạp kiểm soát 15.000 cây số đường bờ biển. Thiếu vắng Hy Lạp, khả năng phòng thủ của Châu Âu sẽ bị yếu đi, bởi đảo Crète của Hy Lạp chính là nơi trú đóng của Hạm đội 6 Hoa Kỳ.

Tại Bruxelles, nhiều người lo ngại sự ra đi của Hy Lạp sẽ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đẩy Hy Lạp vào lòng đế chế Putin. Và điều này cũng khiến một số quốc gia khác đặt vấn đề có nên ở lại trong Châu Âu hay không ?

Vào thời điểm mà cương vị thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu trở thành điều có thể đảo ngược và mang tính tạm thời, thì khả năng Matxcơva có hành động mạo hiểm là cao hơn. Điều này có thể dẫn đến một thế giới bất ổn hơn.

Là quốc gia duy nhất trên bán đảo Balkan tham gia Hiệp định tự do di chuyển Schengen, Hy Lạp đóng vai trò vùng đệm hiện nay. Không ai mong người gác cửa của Châu Âu là một quốc gia phá sản. Bối cảnh đó sẽ dẫn đến sự ra đời các mạng lưới mafia, đường dây buôn lậu.

Chỉ riêng trong năm nay, Hy Lạp đã đón nhận 60.000 người nhập cư. Theo nhà nghiên cứu François Heisbourg, chính Hy Lạp đã tiếp nhận những người tỵ nạn theo quy định của Hiệp định Schengen. Nếu ra khỏi Schengen, Hy Lạp sẽ không đón nhận người tỵ nạn nữa. Họ sẽ bỏ đi. Đi đâu ? Ắt hẳn là đi vào Châu Âu.

Vào thời điểm gia nhập Châu Âu, Hy Lạp tin tưởng sẽ trở nên thịnh vượng và hòa bình. Giấc mơ thịnh vượng giờ đây là ảo ảnh, nhưng nếu Athens ra khỏi Châu Âu, nhiều người sợ rằng Hy Lạp sẽ mất cả hòa bình ».

… một thảm kịch chưa từng có

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đương nhiệm, ông Donald Tusk người Ba Lan, đặt câu hỏi : « Liệu có thể tưởng tượng được một Châu Âu không có Hy Lạp ?... Nếu mất Hy Lạp, trước mặt Liên Hiệp Châu Âu sẽ là một giai đoạn lịch sử nguy hiểm chưa từng có (le plus dramatique) ». Còn cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Romano Prodi người Ý, thì nhận xét, nếu để Hy Lạp ra khỏi euro, đó sẽ là một thất bại quá đỗi nghiêm trọng với Châu Âu, cần phải ngăn chặn nguy cơ Athens trở thành một thảm kịch « Sarajevo » mới.

Theo ông François Heisbourg, Chủ tịch viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS (International Institute for Strategic Studies), một biến cố như vậy là một bước thụt lùi của Liên Hiệp Châu Âu, một Liên Hiệp Châu Âu « thoái lùi » như vậy sẽ mở ra một « giai đoạn bất định lớn », khiến các cường quốc khác và Nga tái xác định lại các dự định chiến lược. Andrea Montanino, chuyên gia thuộc nhóm tư vấn chính trị quốc tế Atlantic Council giải thích : Tổng thống Nga sẽ có thể mang lại các trợ giúp nhân đạo cho Hy Lạp, để đổi lấy sự quy phục của quốc gia Nam Âu này, đây là điều đặc biệt nguy hiểm, trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu cần sự đồng thuận tuyệt đối trong việc duy trì các trừng phạt nhắm vào Matxcơva, do can dự của Nga vào xung đột Ukraina.

Đối thủ chung : hệ thống quyền lực cũ 40 năm tuổi

Hy Lạp hết sức quan trọng với Châu Âu, điều đó đã rõ, nhưng mặt khác, Châu Âu cũng không thể giữ lấy Athens « bằng bất cứ giá nào ». Các quốc gia khu vực đồng euro cũng như Liên Hiệp Châu Âu không thể chấp nhận một chính quyền Hy Lạp bất lực và tham nhũng. Một trong những lý do ít được nói đến, nhưng có ý nghĩa hàng đầu trong việc lý giải vì sao khối euro chấp nhận một cuộc thương lượng cam go đến như vậy với Hy Lạp : đó là chính phủ mới của Hy Lạp và Châu Âu có chung một đối thủ : hệ thống quyền lực đầy bê bối tồn tại suốt 40 năm qua, thủ phạm sâu xa của tình trạng Hy Lạp hiện nay. Giám đốc Viện Jacques Delors, ông Yves Bertoncini, giải thích về vấn đề này trong một cuộc tọa đàm trong chương trình tạp chí Carrefour của RFI (ngày 22/05/2015) (vừa tựa đề : "Hy Lạp đã thay đổi Châu Âu hay Châu Âu điều chỉnh Hy Lạp ?") :

« Vấn đề quan trọng đối với Hy Lạp không phải là thoát khỏi 4 năm chịu sự chỉ huy của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mà là thoát khỏi quá khứ 40 năm vừa qua. Đấy là vấn đề chủ yếu. Tính chất mới mẻ trong chiến thắng của đảng Syriza là ở chỗ : đây là một 'cuộc cách mạng'' chống lại hệ thống cũ, một chế độ đã dẫn Hy Lạp đến chỗ phá sản. Thực tế, năm 2010, Hy Lạp đã phá sản.

Hy Lạp phải thoát khỏi quá khứ 40 năm, có nghĩa là kết thúc sự tham nhũng được chính quyền bao bọc, nạn trốn thuế, tẩu tán tài chính. Chủ nghĩa dân tộc của Hy Lạp có thể mạnh, nhưng Nhà nước Hy Lạp thì quá yếu. Về điểm này, đã có một sự nhất trí rất lớn giữa các nước thành viên Châu Âu.

Chính vì vậy, chính quyền Hy Lạp ngay từ đầu đã khẳng định : về chương trình cải cách, về hai phần ba các cải cách, có một sự đồng thuận hoàn toàn. Thậm chí họ nói : 70% các cải cách được đề nghị, chúng tôi đồng ý. Chỉ còn lại 30% là phải thương thuyết. Trên một góc độ nhất định, 30% còn lại này cho thấy cách làm mang tính đoạn tuyệt của ông Tsipras, so với cách làm của Thủ tướng tiền nhiệm Samaras ».

Trong bài phân tích « Những liên hệ nguy hiểm giữa hai giới tài phiệt và chính trị » tại Hy Lạp trên Le Monde ngày 11/07, chú ý đến hiện tượng gọi là « diaploki » - trong tiếng Hy Lạp, là mối liên minh mờ ám giữa một số tập đoàn kinh tế lớn, với giới truyền thông, các ngân hàng và giới chính trị. Phát biểu ngày 08/07 trước Nghị viện Châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras hứa – nếu được các định chế chủ nợ tạo điều kiện – ông sẽ trở thành « nhà cải cách lớn của Hy Lạp », đặc biệt với việc « tấn công một cách hệ thống vào cơ chế đặc quyền » của nền kinh tế Hy Lạp và « các tập đoàn » từ 30 năm nay chia phần béo bở từ các « hợp đồng của nhà nước ».

Tình trạng nguy hiểm kéo dài nói trên có phần trách nhiệm nào của Châu Âu, trong cuộc tọa đàm với đài France Culture ngày 26/06/2015, nhà địa chính trị học Pháp gốc Hy Lạp Georges Prevelakis nhận xét :

« Tôi cho rằng ngay từ đầu cuộc khủng hoảng 2009, đã có một ảo tưởng cho rằng : vấn đề Hy Lạp chỉ là kinh tế, trong khi đó, đây là một vấn đề chính trị, địa chính trị. Tuy nhiên, từ khi ta đặt cuộc thảo luận trên địa hạt chính trị, thì câu trả lời cũng không rõ ràng. Chúng ta đã làm được gì, kể từ khi Hy Lạp gia nhập Châu Âu năm 1981 ?

Có thể thấy : đó là sự châm chước đối với một nước không tuân thủ các quy tắc, với hậu ý là tránh các hậu quả ''địa chính trị''. Điều này khiến vấn đề Hy Lạp trở nên hết sức lớn, và điều này làm hại cho chính Hy Lạp. Tình trạng mà chúng ta thấy hiện nay ở Hy Lạp là : một nền kinh tế, một xã hội không có khả năng sống được với các phương tiện của chính mình. Một xã hội bị mục ruỗng vì nạn tham nhũng, vì các mạng lưới ngầm. Đây chính là hệ quả của thái độ ''châm chước'' nói trên. Vấn đề của Hy Lạp trên bình diện chính trị đã không được làm sáng tỏ. Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng vấn đề Hy Lạp cần phải nằm ở trung tâm của chính Châu Âu, chứ không phải ở vùng ngoại vi ».

Văn hóa chính trị kiểu Hy Lạp : trải nghiệm khó, nhưng bổ ích

Ông Georges Prevelakis, chuyên gia về khu vực Balkan, giảng viên đại học Pháp từ năm 1984, đồng thời đảm nhiệm chức vụ đại diện thường trực của Hy Lạp tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OCDE. Theo chuyên gia Georges Prevelakis, để hiểu được ý nghĩa địa chính trị của Hy Lạp, giai đoạn 40 năm qua là có ích, nhưng vấn đề cần được đặt ra rộng hơn, lịch sử Hy Lạp với Châu Âu liên quan đến cả giai đoạn bốn thế kỷ khi phần lớn Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của đế chế Ottoman, cho đến cuộc nổi dậy dành độc lập đầu thế kỷ XIX, khi một sắc thái chủ đạo của văn hóa chính trị Hy Lạp là phản kháng chống lại các quyền lực đế quốc. Và thậm chí xa hơn nữa, khi Hy Lạp là một vùng trung chuyển giữa Châu Âu và phương Đông.

« Hy Lạp đến từ một vùng văn hóa chính trị khác. Đây là một yếu tố cần phải tính đến. Sự khác biệt này không hẳn đã là một điều tồi tệ. Cái văn hóa khác biệt này có thể sẽ có ích cho Châu Âu, bởi Châu Âu cần sự nối kết giữa phần Châu Âu trung tâm của mình với thế giới còn lại. Hy Lạp có thể rất có ích cho sự tham gia như vậy của Châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề là phải biết cách quản lý sự khác biệt này. Tôi cho rằng, đây là vấn đề.

Hiện tại Châu Âu không hiểu được cần phải làm gì với văn hóa chính trị này. Bởi vì hiện nay, Châu Âu vẫn nhìn Hy Lạp ngày nay qua lăng kính của một Hy Lạp huyền thoại thời cổ đại. Điều này khiến Châu Âu bị kẹt giữa một bên là lòng ngưỡng mộ vô điều kiện đối với Hy Lạp. Và sau đó, một khi thấy Hy Lạp không tương ứng với hình ảnh lý tưởng, thì lại chuyển qua một thái độ đối ngược, tức là thái độ ghét bỏ hiện nay.

Cần phải hiểu được hiện thực, thì mới quản lý được. Nếu quản lý được trường hợp Hy Lạp, thì mới có được phương tiện để quản lý các vùng ngoại vi khác. Sau Hy Lạp là Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, chúng ta đã không hội nhập thành công Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đi vào một vùng biến động. Tôi cho rằng, cái kinh nghiệm xấu mà Châu Âu trải qua này vẫn hoàn toàn có thể trở thành một thế mạnh của Châu Âu. Chủ yếu là phải coi đó là một chuyện cơ bản, nằm ở trung tâm, chứ không phải là một vần đề ngoại vi, và chỉ được xem xét dưới góc độ thuần túy định lượng ».

Đặt Hy Lạp như vấn đề trung tâm của Châu Âu, cũng theo hướng nghĩ này, chuyên gia về các vấn đề Châu Âu, ông Jean Dominique Giuliani, Chủ tịch Quỹ tư vấn Fondation Robert Schuman Paris/Bruxellesn, nhận xét, kinh nghiệm đầy kịch tính của Hy Lạp có thể giúp Liên Hiệp Châu Âu quản trị được một « mắt xích yếu khác » của khối : Anh Quốc. Theo ông, với sự gắn bó của Hy Lạp với Châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải dè chừng trong các toan tính gây áp lực lên Bruxelles, nhằm thu lợi nhiều hơn cho Anh, với cuộc trưng cầu dân ý cử tri Anh về việc ở lại hay ra khỏi Châu Âu, dự kiến tổ chức trước cuối 2017.

***

Khủng hoảng Hy Lạp một lần nữa đặt lại với Châu Âu các thách thức trong việc xây dựng một định chế chính trị bền chặt hơn, thậm chí một thể chế liên bang, như ý tưởng của nhiều nhà chính trị. Mặt khác, cuộc khủng hoảng này cũng đặt ra cho nhiều quốc gia thành viên, trước hết là Hy Lạp, mệnh lệnh vượt lên chính mình, xây dựng một nền dân chủ thực sự, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế vững chắc, để không phải là gánh nặng của khối. Liệu Hy Lạp có cùng với Châu Âu đến đích trong cuộc trường chinh Odyssée/Odússeia mới ?

Tin bài liên quan

Giữ Hy Lạp trong euro, Châu Âu tránh được tan vỡ

Thêm một kế hoạch giúp Hy Lạp hơn 80 tỷ euro

Hy Lạp bất ngờ nhượng bộ : Đòn hiểm của ông Tsipras

Kịch bản Grexit – Hy Lạp rời vùng euro – qua 10 câu hỏi

Khủng hoảng nợ : Châu Âu ra tối hậu thư cho Hy Lạp

Loại Hy Lạp, Eurozone ổn định hơn ?

Hy Lạp : không có phép lạ cho đảng Syriza

Cuộc đọ sức kéo dài giữa Hy Lạp và các chủ nợ

Hy Lạp sẽ là tai mắt của Nga trong Châu Âu ?

Cánh tả Hy Lạp đem làn gió mới cho Châu Âu khắc khổ 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.