Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG HY LẠP

Nghị viện Hy Lạp bỏ phiếu về thỏa thuận với Châu Âu

Sau cuộc đấu để đạt thỏa thuận với các lãnh đạo Châu Âu về kế hoạch trợ giúp, Thủ tướng Hy Lạp vào hôm nay 15/07/2015 còn phải xoay qua mặt trận đối nội, thuyết phục Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu tán đồng dự luật đầu tiên về những cải tổ mà các chủ nợ đã áp đặt bao gồm những biện pháp khắc khổ mới.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras trong phiên họp Quốc hội ngày 10/07/2015, sau khi đề nghị mới được gửi đến các chủ nợ.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras trong phiên họp Quốc hội ngày 10/07/2015, sau khi đề nghị mới được gửi đến các chủ nợ. REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Việc bỏ phiếu phải được tiến hành trước thứ Năm, và công việc của Thủ tướng Tsipras sẽ không dễ dàng chút nào : Trong đảng và chính phủ của ông, nhiều người không tán đồng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trong lúc công nhân viên chức đình công để phản đối.

Trên nguyên tắc các Ủy ban ở Quốc hội Hy Lạp bắt đầu nghiên cứu các biện pháp cải tổ kể từ 10 giờ sáng nay đến 18 giờ, và cuộc họp khoáng đại sẽ diễn ra vào tối. Trước đó, thủ tướng Tsipras sẽ họp với lãnh đạo các đảng.

Theo giới quan sát, ông Tsipras sẽ phải rất vất vả để thuyết phục ngay chính người trong đảng Syriza của ông, với hành chục người chống đối thỏa thuận. Đó là chưa kể đến hàng ngũ bộ trưởng chính phủ, tuy rằng những người này vẫn cương quyết giữ chiếc ghế của mình.

Cho dù một phần không nhỏ nghị sĩ trong đảng của ông có bác bỏ các cải tổ bị áp đặt, thì những biện pháp thắt lưng buộc bụng dưới sức ép của Bruxelles có khả năng được thông qua nhờ hậu thuẫn của phe đối lập.

Chỉ sau khi nghị viện thông qua các cải tổ, Athens mới có thể tiến hành các bước kế tiếp : Bắt đầu đàm phán để được kế hoạch trợ giúp thứ 3, hơn 80 tỷ euro.

Nhưng không phải chỉ có Nghị viện Hy Lạp là bỏ phiếu về thỏa thuận. Nếu Hy Lạp bỏ phiếu về các cải tổ, thì các nước Châu Âu – ít ra là 8 nước - cũng đưa kế hoạch trợ giúp Hy Lạp ra Quốc hội bỏ phiếu. Pháp đã bắt đầu việc này ngay vào hôm nay.

Tổng thống Pháp như vậy đã đáp ứng yêu cầu của các nghị sĩ Pháp. Vả lại, theo giới phân tích, ông Hollande sẽ không gặp trở ngại gì, và vai trò của ông trong hồ sơ Hy Lạp được hoan nghênh rộng rãi trong các tầng lớp chính trị.

Tuy nhiên một số người cũng tỏ ra dè dặt trước những điều kiện quá khắt khe áp đặt cho Hy Lạp.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.