Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Viện Pasteur và những đóng góp cho y học thế giới

Đăng ngày:

Trong gần 130 năm hoạt động, viện nghiên cứu và giảng dậy mang tên nhà bác học người Pháp, Louis Pasteur, cha đẻ của vacxin chống bệnh dại, đã tỏa sáng khắp năm châu. 10 nhà khoa học của Viện từng đoạt giải Nobel Y khoa hay Sinh lý học. Như nguyện vọng của chính Pasteur, những phát minh của Viện đã đóng góp nhiều cho nền y học của thế giới, tránh được nhiều thảm họa y tế cho nhân loại.

Tọa đàm với các nhà nghiên cứu Viện Pasteur. Chương trình Priorité santé của RFI, ngày 12/09/2014.
Tọa đàm với các nhà nghiên cứu Viện Pasteur. Chương trình Priorité santé của RFI, ngày 12/09/2014. © Jonathan Brédy
Quảng cáo

Chính thức được thành lập năm 1887 nhờ những đóng góp của các nhà mạnh thường quân ở khắp thế giới, Viện Pasteur luôn đóng vai trò hàng đầu trong các công trình nghiên cứu chống bệnh truyền nhiễm, từ dịch hạch đến bệnh lao, từ AIDS đến dịch Chykungunya gây sốt cao và có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Tôn chỉ của Viện Pasteur từ đó đến nay không thay đổi : tiến hành các nghiên cứu chế tạo vacxin và bảo đảm các chiến dịch tiêm chủng cho đại chúng để chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Nhân dịp tác phẩm «Une histoire de l’Institut Pasteur, au cœur de la santé publique mondiale- Một câu chuyện về Viện Pasteur, giữa lòng y tế công cộng của thế giới», nhà xuất bản Privat vừa ra mắt công chúng, đài RFI Pháp ngữ đã phỏng vấn tác giả bà Marie-Hélène Marchand về vai trò của Viện, từ sự hình thành đến những đóng góp to lớn cho nhân loại, về những nhà khoa học đã đem ý tưởng cũng như phương pháp nghiên cứu xét nghiệm của Louis Pasteur đến Việt Nam ngay từ thời Pháp thuộc, sang châu Phi hay châu Mỹ La Tinh sau này. Trong hơn 20 năm, tác giả Marie-Hélène Marchand từng là một trong những nhà quản lý của Viện Pasteur ở Paris.

Trước hết Marie-Hélène Marchand cho biết về động lực thúc đẩy bà hoàn tất « Une histoire de l’Institut Pasteur » :

« Tác phẩm này thực ra là kết quả của một công trình nghiên cứu để cùng nhìn lại vai trò lịch sử và văn hóa của Viện Pasteur. Nói đến Viện Pasteur, thì ai cũng biết, nhưng tôi muốn đưa độc giả cùng tìm hiểu vì sao Viện đã được hình thành, và đã có những đóng góp to lớn như thế nào không chỉ ngành y tế của nước Pháp mà đối với cả thế giới ».

Những đóng góp cho y khoa như vừa được bà Marchand nhắc đến xuất phát từ khám phá về bệnh dại của nhà bác học Louis Pasteur. Nhờ đó và đã cho phép ông chế tạo vacxin ngừa bệnh. Tác giả cuốn « Une histoire de l’Institut Pasteur » Marie-Hélène Marchand nhắc lại :

« Vacxin đầu tiên chống bệnh dại được tiêm cho Josph Meister ngày mồng 6 tháng 7 năm 1885 đã khiến không chỉ Pháp mà cả thế giới biết đến Louis Pasteur. Ông được vinh xem như một vị cứu tinh của nhân loại. Thực ra bệnh dại không gây nhiều nạn nhân trên đất Pháp, nhưng những ai bị mắc phải thì đã vô cùng đau đớn và trải qua những giai đoạn kinh hoàng. Vì vậy khống trị được căn bệnh hiểm nghèo đó như là một phép lạ. Đó là điểm khởi đầu dẫn đến sự hình thành của Viện Pasteur. Ngay sau khi khám phá thuốc trừ bệnh dại, Louis Pasteur cho công bố kết quả các công trình nghiên cứu và các cuộc thử nghiệm của ông. Ngay từ khi đó Viện Hàn làm Khoa học vào tháng 3 năm 1886 đã bắt đầu vận động để gây quỹ thành lập một viện nghiên cứu chuyên về các bệnh truyền nhiễm. Có rất nhiều người hưởng ứng đề xuất này. Trong số đó có nhiều người rất nổi tiếng, chẳng hạn như Hoàng đế xứ Brazil hay Sa hoàng Nga Alexandre đệ Tam, vua Maroc … nhưng bên cạnh đó là những khoản đóng góp rất lớn của những người vô danh. Ngày nay Viện Pasteur còn đầy đủ danh sách các nhà hảo tâm, các vị mạnh thường quân đó ».

Tầm nhìn bao quát của Pasteur

Viện Pasteur Paris chính thức được hình thành với sắc lệnh ban hành ngày 04/06/1887 nhưng phải đợi đến ngày 14/11/1888 Viện mới được khánh thành. Một năm sau bác sĩ Emile Roux, cộng sự thân cận nhất của Louis Pasteur đã mở lớp giảng dậy đầu tiên trên thế giới về môn vi sinh vật. Nhưng ngay từ đầu, Louis Pasteur đã chủ trương đưa Viện trở thành một trung tâm nghiên cứu và giảng dậy đa khoa. Chính vì thế mà ông đã mời cộng tác những tên tuổi như Emile Duclaux, Charles Chamberland, Elie Metchnikoff, Emile Roux trong môn vi sinh vật hay mời bác sĩ Joseph Grancher để tiếp tay với ông đẩy lui bệnh dại.

Về điểm này bà Marie-Hélène Marchand giải thích thêm :

« Công tác nghiên cứu ở thời đại của Louis Pasteur bấy giờ là một công việc làm rất cá nhân chứ đó không phải là kết quả tìm tòi của cả một êkip như ngày nay. Đến cuối thứ kỷ thứ 19, Viện Pasteur ở Paris đã bắt đầu chú trọng đến những công trình nghiên cứu trong nhiều phạm trù khoa học và y tế khác nhau. Đó là một sự thay đổi rất lớn và hết sức quan trọng mà Viện Pasteur đem lại. Đó cũng là công của Louis Pasteur, ông là người có tầm nhìn xa và bao quát. Điều quan trọng nhất đối với ông là quy tụ về Viện những nhà nghiên cứu vừa có tài, vừa đam mê và nhất là tuân thủ một phương pháp làm việc. Phương pháp đó dựa trên hai nguyên tắc cơ bản : tính chính xác đòi hỏi ở các nhà khoa học và thử nghiệm. Cũng cần lưu ý rằng, Louis Pasteur không tự tay tiêm vacxin đầu tiên cho bệnh nhân Joseph Meister, giúp cho cậu bé thoát khỏi bệnh dại. Bởi Pasteur không là một bác sĩ mà cở bản ông là một nhà hóa học »

Những sứ giả của Louis Pasteur ở hải ngoại

Ngay năm 1891, viện Pasteur đã mở rộng ở nhiều nước trên thế giới. Alexandre Yersin (1863-1943) và Albert Calmette (1863-1933) là hai sứ giả năng động nhất của Pasteur ở Đông Dương và cũng là những nhà khoa học có công mở ra những viện Pasteur đầu tiên ở hải ngoại. Nhưng với năm tháng, các Viện Pasteur đã được mở ra ở khắp mọi nơi. Trong bài phát biểu năm 1947, cháu ngoại của nhà bác học Louis Pasteur là bác sĩ Louis Pasteur Vallery-Radot trong cương vị Chủ thịch Viện tuyên bố :

« Ngay từ khi được hình thành, Louis Pasteur đã nghĩ đến nhu cầu đưa các nhà nghiên cứu của Viện ra thế giới để phổ biến và phát triển một phương pháp mới trong ngành khoa học. Mục tiêu đề ra là để hỗ trợ các quốc gia cầu viện Pháp vì họ đang phải đối mặt với các dịch bệnh. Yersin, Calmette, Adrien Loir là những người đầu tiên được trao trọng trách đó. Năm 1890 tại Sài Gòn, Calmette thành lập một phòng thí nghiệm mà sau này trở thành Viện Pasteur Sài Gòn. Tiếp theo đó 4 Viện Pasteur khác đã lần lượt ra đời tại Đông Dương. Cả bốn đã giúp ích rất nhiều cho Đông Dương. Tại Bắc Phi, chúng ta có Viện Pasteur ở Alger, Tunis, Casablanca và Tanger. Ơ Tây Phi, phải kể đến các cơ sở tại Dakar, tại Guinée thì có Brazaville, tại Madagascar, Martinique. Ngoài châu Phi Viện Pasteur đã được thành lập tại các thành phố lớn khác như Athens, Teheran hay Thượng Hải. Điều đó chứng tỏ Viện Pasteur Paris tỏa sáng ra khắp thế giới ».

Tác giả cuốn « Một câu chuyện về Viện Pasteur » nhà xuất bản Privat, Marie-Hélène Marchand trở lại với hai gương mặt thân mật nhất đối với người Việt chúng ta trong số các môn đồ của Louis Pasteur : Alexandre Yersin và Albert Calmette :

 « Quả là Louis Pasteur đã lập tức hiểu ra rằng, uy tín của Viện cần phải được biết đến ngoài vùng lãnh thổ của Pháp. Để làm được điều đó thì phải đào tạo cho các thế hệ trẻ, để họ đưa phương pháp nghiên cứu của Viện ra với thế giới bên ngoài. Pasteur cũng như là viện nghiên cứu mang tên ông không chỉ quan tâm đến những vấn đề sức khỏe, y tế của nước Pháp, mà còn đặt biệt chú ý đến những mầm bệnh phát triển ở những châu lục khác, ở những quốc gia khác, trong những vùng nhiệt đới. Trong khuôn khổ đó, nhà vi khuẩn học và cũng là một nhà thám hiểm đại tài, Alexandre Yersin đã được điều tới Nha Trang, Calmette được phái sang Đông Dương. Những người như ông thật là hiếm có bởi không ai có thể hình dung ra được những nhà khoa học tiên phong đó can đảm và kiên trì đến mức độ nào. Họ đã phải đối mặt với những điều kiện sống và làm việc cực kỳ khó khăn. Trong trường hợp của Yersin chẳng hạn, ông đến làm việc tại Nha Trang với tư cách của một nhà nghiên cứu thế rồi ông phải đảm nhận luôn cả vai trò của một nhà điều hành. Yersin đã đóng góp rất nhiều cho việc phát triển Đông Dương, từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến việc đưa cây cao su vào Việt nam … Alexandre Yersin đã ở lại Việt Nam cho đến mãn đời. Ông từ trần tại Nha Trang và được chôn cất tại đây ».

Viện Pasteur Sài Gòn bắt đầu hoạt động từ năm 1891 là chi nhánh đầu tiên ngoài nước Pháp của Viện Pasteur Paris. Albert Calmette, một trong những học trò của Louis Pasteur được giao nhiệm vụ thành lập, tổ chức và điều hành Viện ở Sài Gòn. Sau khi tiếp nhận một phòng thí nghiệm đơn sơ tại Viện Quân y Grall, Albert Calmette đã tiếp nhận những dụng cụ chuyên môn, hóa chất… từ bên Pháp chuyển sang. Ông đã đào tạo những nhân viên kỹ thuật đầu tiên để khai triển công việc. Với không đầy 3 năm ở Sài Gòn, Calmette đã đặt nền tảng vững chắc cho Viện và đã làm được rất nhiều việc từ lĩnh vực xét nghiệm đến chuẩn đoán bệnh và sản xuất thuốc phòng chủng đậu mùa, chống bệnh dại, nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới, gây men, sản xuất huyết thanh chống nọc rắn hổ mang. Năm 1893 bị bệnh nặng Calmette phải về nước.

Đặc sứ thứ nhì của Louis Pasteur đã cống hiến một phần lớn sự nghiệp và gần ba phần tư cuộc đời cho Việt Nam là Alexandre Yersin. Cùng tuổi với Albert Calmette, Yersin đến Đông Dương khi ông mới vừa 26-27 tuổi. Nhưng Alexandre Yersin không chỉ thuần túy là một nhà khoa học, mà còn là một nhà thám hiểm. Chính ông đã phát hiện ra vùng cao nguyên Lâm Đồng. Bên cạnh đó Yerin còn có công phát hiện nguồn gốc và tìm ra thuốc trị bệnh dịch hạch. Như vừa nói tên tuổi của ông như gắn liền với thành phố Nha Trang.

Năm 1894, dịch hạch bùng phát tại Quảng Đông- Trung Qu ốc, khoảng 60.000 người chết. Dịch lan tới Hồng Kông và có nguy cơ tràn tới cả Đông Dương. Trước tình hình đó, Paris cử Yersin đến đến Hồng Kông để tìm hiểu về dịch bệnh này. Với một phòng thí nghiệm dã chiến, Yersin đã tìm được nguồn gốc gây bệnh sau chưa đầy một tuần lễ. Từ đó tên tuổi của ông nổi lên như cồn. Nhưng với Yersin, sứ mệnh cứu người cao cả hơn tất cả. Danh vọng là một thứ gì rất phù du. Gạt bỏ hết mọi chương trình nghiên cứu khác, Alexandre Yersin trở lại Viện Pasteur Paris để cùng với những đồng nghiệp như Calmette hay Emile Roux tìm ra huyết thanh, chế tạo ra thuốc chống dịch hạch.

Nghiên cứu hoàn tất, Yersin trở lại Nha Trang thành lập một phòng thí nghiệm để chế tạo huyết thanh tại Đông Dương.

Hai mươi năm cuối cuộc đời, Yersin dành cho công tác nghiên cứu thực vật. Ông đưa vào Việt Nam các giống trà, phà phê, cây cao su, bắp cải sú-lơ …hay cây ký ninh trừ sốt rét

Song song với đà phát triển của Viện Pasteur ở Paris, mạng lưới quốc tế các viện nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh mang tên Louis Pasteur ở hải ngoại ngày càng được mở rộng. Hiện có 32 Viện Pasteur trên thế giới hiện diện tại 25 quốc gia ở 5 châu. Việt Nam là một ngoại lệ, nhờ có Yersin và Calmette có được đến ba Viện Pasteur : Sài Gòn- Hà Nội và Nha Trang.

Nói về hào quang của Viện Pasteur, trong 128 năm qua, 10 nhà nghiên cứu của Viện từng đoạt đoạt giải Nobel. Lần đầu tiên là vào năm 1907 bác sĩ Alphones Laveran được vinh danh nhờ đã phát hiện loại ký sinh trung gây bệnh sốt rét. Gần đây nhất Viện hàn lâm Thụy Điển đã dành tặng giải thưởng cao quý này cho hai giáo sư Françoise Barré-Sinoussi và Luc Montagnier nhờ phát hiện siêu vi HIV (1983). HIVgây bệnh AIDS/SIDA.

Bên cạnh công việc giảng dậy giáo sư Barré-Sinoussi còn đóng góp rất nhiều cho công tác đào tạo các thế hệ đi sau. Bà là giám đốc điều phối các chương trình nghiên cứu và giảng dậy của các Viện Pasteur tại Việt Nam và Cam Bốt.

Ngày nay nhân loại mang ơn Viện Pasteur nhờ hàng loạt các bước đột phá quan trọng, từ phát vacxin chống bệnh sốt vàng da (1932) đến yếu tố gây sốt chấy rận (1909), từ thuốc chống bệnh bạch cầu (1894) đến thuốc ngừa lao (1921), từ phát hiện gen khiến người ta nghiện chất nicotine trong thuốc lá ( 1997) đến loài muỗi gây bệnh sốt cao Chykungunya (2006) …

Đưa những phát minh y học đến đại chúng, không chỉ tập trung vào những căn bệnh hoành hành trên đất Pháp, mở rộng các khoa nghiên cứu y học, Viện Pasteur ngày nay đã và còn đang hoàn thành tốt đẹp tất cả những tiêu chí nhà bác học Louis Pasteur đề ra ban đầu.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.