Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - KHOA HỌC GIA

Diễn đàn khoa học lớn nhất trước COP 21

Năm tháng trước Thượng đỉnh khí hậu Paris, tại trụ sở UNESCO Paris, hôm nay 07/07/2015, khai mạc diễn đàn khoa học về khí hậu, hội nghị khoa học lớn nhất trước COP 21. Trong hội nghị kéo dài bốn ngày này, 2.000 nhà khoa học sẽ chia sẻ các nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn Trái đất bị hâm nóng mau hơn. Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Flavia Schlegel nhấn mạnh : « Tương lai nhân loại chúng ta phụ thuộc vào mối liên hệ giữa thông tin khoa học và đường lối chính trị ».

Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines khiến thế giới ý thức rõ hơn về những hiểm họa khôn lường của việc Trái đất bị hâm nóng. Trong ảnh, thành phố Guiuan sau bão Haiyan, 17/11/2013.
Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines khiến thế giới ý thức rõ hơn về những hiểm họa khôn lường của việc Trái đất bị hâm nóng. Trong ảnh, thành phố Guiuan sau bão Haiyan, 17/11/2013. Ảnh AFP : TED ALJIBE
Quảng cáo

Chuyên gia khí hậu học Pháp Hervé Le Treut, chủ tịch ban tổ chức hội nghị này nhận định : các khoa học (về khí hậu của) chúng ta đã chuyển từ khoa học báo động (một lĩnh vực đơn giản, nơi chỉ có một câu hỏi duy nhất : phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính có gây nguy hiểm hay không ?) sang các khoa học đối mặt với nhiều câu hỏi : giờ đây chúng ta có thể làm được gì ?

Tổng thư ký Tổ chức khí tượng thế giới Michel Jarraud giải thích, « giờ vẫn là lúc còn kịp để thay đổi tình hình, nhưng thời gian là gấp rút ». Theo ông, các nhà lãnh đạo chính trị có thể « dựa vào các thông tin khoa học để hướng thế giới đến các giải pháp hợp lý hơn ».

Tổng cộng khoảng 160 phiên họp và phiên thảo luận về nhiều lĩnh vực như đại dương, Bắc cực, rừng…, sẽ được tổ chức tại trụ sở UNESCO và khu đại học Jussieu Paris, với sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều ngành khác nhau, như vật lý, địa chất, kỹ thuật, và cả kinh tế, khoa học chính trị. Đây là dịp điểm lại các thành tựu nghiên cứu mới đây, và kể cả những tiến bộ được trông đợi, đặc biệt trong việc dự báo các diễn biến khí hậu bất thường, và biến đổi của áp suất khí quyển.

Theo giám đốc của khoa Sinh thái toàn thể, thuộc Viện Carnegie (Hoa Kỳ), Chris Field, « vấn đề không phải là các nhà khoa học nói với chính phủ các nước về việc họ sẽ phải làm gì tháng 12 tới (thời điểm diễn ra thượng đỉnh COP21), nhưng họ có vai trò quan trọng trong việc soi sáng các khả năng lựa chọn ».

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gửi thông điệp tới hội nghị, hoan nghênh sự kiện này. Ông khẳng định : « Thế giới chúng ta đang hồi gay cấn. Hội nghị diễn ra vào thời điểm này là hết sức đúng lúc ». Tổng thư ký Ban Ki-moon nhắc lại nhận định của GIEC – nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu, theo đó nhiệt độ Trái đất sẽ tăng từ 5°C đến 6°C trước cuối thế kỷ, nếu không có thay đổi lớn. Ông nhấn mạnh, các cam kết cắt giảm khí thải của các nước cho đến nay, trong khuôn khổ đàm phán COP21, là không đủ để đạt mục tiêu 2°C.

Theo các nhà khoa học, để giữ nhiệt độ tăng dưới 2°C so với thời tiền công nghiệp, thế giới phải giảm từ 40% đến 70% khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ đây đến 2050 và đạt mục tiêu « không các bon » trước cuối thế kỷ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.