Vào nội dung chính
TÌNH BÁO - PHÁP

Khi nước Pháp tự nộp mình cho gián điệp nước ngoài

Nước Pháp bị đồng minh theo dõi. Nhưng « Nước Pháp cũng bị theo dõi bằng chính các phương tiện của mình ». Trên đây là hàng tựa nhận định của báo Le Monde số ra cho hai ngày Chủ Nhật 31/05 và thứ Hai 01/06/2015.

Cựu điệp viên Snowden, người đưa ra ánh sáng các hoạt động thu thập tin tình báo quy mô lớn của NSA, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ.
Cựu điệp viên Snowden, người đưa ra ánh sáng các hoạt động thu thập tin tình báo quy mô lớn của NSA, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Reuters
Quảng cáo

Căng thẳng giữa Pháp và Đức xảy ra sau khi có tiết lộ Berlin làm việc cho Hoa Kỳ, theo dõi các đối tác Châu Âu của mình, nhất là Pháp. Trước tiên đối với nhật báo, « Giữa cơ quan tình báo Mỹ và Đức có những mối quan hệ nguy hiểm ». Nhưng nếu đổ lỗi cho một mình Đức trong vụ việc này cũng không đủ, bởi vì theo Le Monde, « chính nước Pháp đang giúp Berlin nghe lén Pháp » theo như hàng tít nhỏ trên trang nhất. Paris bị theo dõi bằng chính các phương tiện, các kỹ thuật mà Pháp đã cung cấp cho Hoa Kỳ và Đức.

Trong suốt khoảng thời gian 2004-2015, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA có lẽ đã sử dụng các thiết bị theo dõi thông tin của Đức để theo dõi các doanh nghiệp Đức và Pháp cũng như là các thành viên trong Bộ Ngoại giao và trong Phủ Tổng thống Pháp.

Điều khôi hài trong vụ việc này là chính Pháp ngay từ năm 2005 cũng có tham gia vào việc xây dựng hệ thống theo dõi cho Đức mà giờ đây Paris lại trở thành nạn nhân của chính hệ thống đó. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương với cơ quan phản gián Đức (BND), Paris trong suốt những năm qua, đã cung cấp kỹ thuật mã hóa và giải mã, có kèm theo các thiết bị liên quan. Vốn nổi tiếng có nhiều nhà toán học mật ước, nước Pháp còn chia sẻ một phần công nghệ được phát triển đó cho chính Cơ quan mã hóa và giải mã quốc gia, một hệ thống thu thập dữ liệu cá nhân hàng loạt.

Le Monde nhắc lại, sự hợp tác tình báo Đức – Mỹ nảy sinh sau vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Từ đó, Washington có ý định mở rộng mạng lưới theo dõi ra toàn cầu. Để có thể làm được điều này, Hoa Kỳ buộc phải liên kết với những đồng minh thân cận nhất, trong đó có Đức. Vào tháng 4/2004, một tòa nhà mới không có cửa sổ được dựng lên tại căn cứ Mangfall, ở Bad Aibling, vùng Bavière. Một trung tâm nghe lén được mở ra tại đây, chủ yếu là để theo dõi các thư điện tử, theo như tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ Edward Snowden.

Theo lý thuyết, công cụ nghe lén này được xây dựng dựa trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau về mặt phương tiện quy tụ ba cơ quan chính là NSA (Mỹ), BND (Đức) và Trung tâm kỹ thuật Châu Âu (cơ cấu bao gồm nhiều đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu). Các thiết bị và phần mềm chủ yếu do Mỹ cung cấp được chi trả bằng ngân sách của Đức. Đổi lại, NSA được quyền truy cập vào các dòng dữ liệu do phía Đức thu thập được, cũng như là tiếp cận các công cụ kỹ thuật do các đồng minh của Berlin trong đó có Pháp cung cấp.

Nhờ vào các tiết lộ của Edward Snowden, được tờ báo Spiegel Đức đăng tải năm 2014, nước Pháp mới hay rằng NSA dưới vỏ bọc nhóm làm việc chung với BND, mỗi ngày đã thu thập các dữ liệu từ trung tâm này. Cũng theo những tài liệu đó, BND còn ban không cho NSA một « cổng truy cập duy nhất » vào mọi lãnh vực, ngoài những khoản có liên quan đến chống khủng bố.

Theo đánh giá của Arnaud Danjean, nghị sĩ Châu Âu và cựu quan chức cơ quan phản gián Pháp, sự việc cho thấy « sự ngây thơ của nước Pháp, người ta đã nhanh chóng quên là tình báo Đức đã làm việc cho người Mỹ từ lâu đời nay ». Theo ông, « người Đức không có cùng khái niệm về mối liên hệ giữa kinh tế - chủ quyền. Đối với Berlin, quyền lợi công nghiệp đi trước quốc phòng, trong khi đó đối với Paris thì ngược lại ».

Nói tóm lại trong vụ này, nước Pháp đang bị « Gậy ông, đập lưng ông ». Tự mình giao nộp lấy mình cho đối thủ.

Nước Nga của Putin, bài toán nan giải cho Obama

Vào thời điểm này, phương Tây đang phải đối đầu với hai thách thức lớn về địa chính trị : Chủ nghĩa xét lại hung hăng của Nga qua việc sáp nhập Crimée và gây bất ổn tại Ukraina nhằm thay đổi đường biên giới của Châu Âu và tình đoàn kết của các nước thành viên. Thứ hai việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang thắng thế tại Trung Đông, là một mối đe dọa khủng bố đối với Châu Âu và Hoa Kỳ. Giới trẻ phương Tây bị quân thánh chiến chiêu dụ với lực hút mạnh mẽ như là nam châm. Đối mặt với hai thử thách nan giải đó, tờ Le Figaro thắc mắc « Nước Mỹ của Obama nghĩ và xử lý như thế nào nước Nga của Putin ? ».

Tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi. Làm thế nào có thể buộc lãnh đạo Nga ngừng gây hấn ở Ukraina, nhưng đồng thời cũng mời gọi được sự hỗ trợ của Nga tại vùng Trung Đông để có thể đi đến được một thỏa thuận cuối cùng về hồ sơ hạt nhân Iran cũng như là bình ổn được Iraq và Syria bằng cách tiến hành chuyển đổi chính trị tại Damas ? Làm thế nào kềm chế được Putin nhưng đồng thời cũng phải nhìn nhận cần đến ông ấy ?

Dù rất quan ngại trước sự hung hăng của Nga, nhưng chính quyền ông Obama cũng đang cố gắng thuyết phục lãnh đạo Nga phải đối mặt trước các trách nhiệm của mình tại Ukraina và tại Trung Đông. Trả lời báo Le Figaro một quan chức cao cấp của chính quyền cho rằng : « Vào lúc mà tiến trình đưa ra quyết định ngày càng tập trung vào một nhân vật duy nhất, Ngoại trưởng Mỹ nghĩ rằng việc phải thảo luận riêng với Putin về ba hồ sơ chính : Iran, Syria và Ukraina là rất quan trọng ».

Mối bận tâm lớn nhất của Washington đó là làm sao sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ Ukraina không bị sụp đổ. Là một người rất am tường về những yếu điểm của Châu Âu nên ông Putin sẽ tận dụng để khai thác. Tận dụng căng thẳng giữa Hy Lạp với Châu Âu về việc giải quyết các khoản nợ, Matxcơva có lẽ đã đề nghị cung cấp khí đốt cho Athène. Điều đó cũng có nghĩa là Hy Lạp sẽ bị lệ thuộc vào Nga nguồn khí đốt và làm cho chiến lược đa dạng hóa nguồn năng lượng của Châu Âu bị lâm nguy.

Mối quan hệ giữa Putin với các đảng cực hữu Châu Âu nhất là với đảng Mặt trận Dân tộc của Pháp cũng làm cho Washington quan ngại. Những đảng này được xem như là thành trì chống lại tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Daesh. Putin đã chơi lá bài cho rằng các quốc gia Châu Âu như Pháp chẳng hạn đang phải lo chống Daesh hơn là mối họa Nga tại Ukraina, vốn dĩ được Berlin xem là mối họa chính.

Do đó vấn đề đặt ra là làm thế nào hài hòa được các ưu tiên và duy trì được sự hợp nhất liên Đại Tây Dương, cho tới khi nào chế độ Nga lộ ra những điểm yếu. Một quan chức Mỹ nhận định : ông Putin tự tin mình là người mạnh nhất nhưng « tại Nga giờ có nhiều người bất mãn. Chúng tôi không nghĩ rằng ông Putin có thể nào nuôi mãi dân chúng Nga bằng chủ nghĩa dân tộc được ».

Vatican và Pháp lại so găng trên sàn ngoại giao

Quan hệ Pháp với Vatican cũng căng thẳng từ nhiều tháng nay. Giáo hoàng không chấp thuận đại sứ do chính phủ Pháp bổ nhiệm vì cho rằng đó là người đồng tính, trong khi mà phía Paris quyết không nhượng bộ.

Với tấm ảnh biếm họa vẽ Đức Giáo hoàng và Tổng thống Pháp trong trang phục võ sĩ đấm bốc, tay thì đeo găng, trong tư thế kênh mặt nhìn nhau, nhật báo Libération dùng tên của hai người hóm hỉnh đề tựa “Vatican: Cuộc đấu tay đôi của hai François” (vì theo cách gọi của người Pháp Giáo hoàng Phanxico được gọi là François).

Libération ví căng thẳng giữa hai người như là một cuộc chiến nhưng trên mặt trận ngoại giao. Cuộc chiến tranh lạnh, thầm lặng và bí mật. Từ đầu tháng Giêng đến giờ, hai bên đã lặng lẽ lao vào một cuộc chiến vị thế chưa từng có. Nguyên nhân là Paris bổ nhiệm ông Laurent Stefanini, trưởng ban lễ tân của điện Elysée làm đại sứ cho Pháp tại tòa Vatican, một vị trí nhật báo đánh giá là rất danh giá và rất được ưa chuộng tại Pháp.

Mọi việc lúc ban đầu cũng rất “bình thường”, ông Stefanini được giới chính khách đánh giá là “ứng viên lý tưởng”, cho đến khi có thông tin ông là người đồng tính bị tiết lộ. Dù không phải là một sự cản trở thật sự, nhưng cũng đã làm cho đôi bên cảm thấy bực bội. Giờ thì, sự bực bội đó cũng đang đạt đến mức độ đáng quan ngại. Bởi vì bên nào cũng trông đợi phía bên kia ra tín hiệu trước. Một tín hiệu cho đến giờ vẫn chưa đến.

Xiếc Việt Nam khiêm tốn trình làng thế giới

Trở lại với báo Le Monde, nhưng trên mục văn hóa. Nhân dịp Liên hoan Nghệ thuật Les nuits de Fourvière 2015 diễn ra tại Lyon, nhật báo giới thiệu chương trình xiếc nghệ thuật Việt Nam qua hàng tựa “Xiếc tre”.

Từng được công chúng Pháp biết đến với tiết mục Làng Tôi, trình làng tại Paris hồi năm 2009, nhóm nghệ sĩ xiếc Việt Nam Nguyễn Nhật Lý, Nguyễn Lân Maurice, Lê Tuấn (diễn viên tung hứng và đạo diễn) và Nguyễn Tấn Lộc (vũ đạo) sẽ lại ra mắt công chúng Pháp với tiết mục "A O Làng Phố" tại Lyon. Tiết mục được dàn dựng với sự kết hợp nghệ thuật xiếc đương đại với nền văn hóa cội nguồn khi kết nối với những vật liệu đặc trưng với những dụng cụ truyền thống.

Cũng như Làng Tôi, tiết mục xiếc Việt Nam năm nay cùng với những chiếc thuyền nan đánh cá, sẽ sáng tạo ra những nét thẩm mỹ, những mã nghệ thuật xiếc và những kỳ công từ những vật dụng không phải dùng cho nghệ thuật xiếc. Theo giải thích của Nguyễn Nhật Lý, “Cũng nên hiểu rằng Việt Nam không có truyền thống về nghệ thuật xiếc, ngoài những gì học được từ người Nga và Trung Quốc từ những năm 1970. Dù rằng đất nước cũng có một Liên đoàn Xiếc quốc gia quy tụ 3 đoàn nghệ sĩ nhào lộn, và cũng là những công chức nhà nước, nhưng họ chỉ thể hiện lại những tiết mục chứ chẳng có sáng tạo gì cả”.

Còn đối với nhà sản xuất Việt Nam Võ Trung, chủ doanh nghiệp Lune Entertainment, “(…) Nhiệm vụ của chúng tôi là phát huy nền văn hóa ra toàn thế giới. Đây cũng là chương trình biểu diễn duy nhất mà chúng tôi thực hiện chung với biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc”, người từng được đào tạo tại Nhật Bản và Đức. Nếu như Pháp là bước khởi đầu cho nhà sản xuất để khám phá mạng lưới phân phối tại Châu Âu, thì ông cũng đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại Dubai, Úc và cả Hoa Kỳ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.