Vào nội dung chính
PHÁP - LỊCH SỬ

Pháp đưa bốn anh hùng kháng chiến vào điện thờ Panthéon

Hôm nay, 27/05/2015, nước Pháp tổ chức trọng thể lễ đưa thi thể bốn anh hùng kháng chiến vào điện Panthéon, nơi tưởng niệm các vĩ nhân của nước Pháp. Bốn anh hùng kháng chiến được đưa vào điện Pantheon lần này là bà Genevière de Gaulle-Anthonioz, ông Pierre Brossolette, bà Germaine Tillion và ông Jean Zay.

Tổng thống Pháp François Hollande (phải) trong lễ đưa linh cữu 4 anh hùng kháng chiến vào điện Panthéon ngày 27/05/2015.
Tổng thống Pháp François Hollande (phải) trong lễ đưa linh cữu 4 anh hùng kháng chiến vào điện Panthéon ngày 27/05/2015. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Từ chiều hôm qua, linh cữu của bốn anh hùng đã được đưa tới sân trường đại học Sorbonne, Paris, nơi diễn ra lễ tưởng niệm, với sự hiện diện của nhiều phái đoàn đại diện cho Thượng viện, Quốc hội, quân đội, Văn phòng Luật sư đoàn Paris…

Chiều nay, lực lượng vệ binh cộng hòa Pháp tháp tùng bốn linh cữu từ trường đại học Sorbonne đến thềm điện Panthéon, đi phía sau là 144 người thân, kháng chiến quân, lãnh đạo các hiệp hội, đại diện sinh viên, học sinh.

Tổng thống Pháp François Hollande đọc bài diễn văn dài khoảng 40 phút ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh của các anh hùng, những người đã giương cao « các giá trị của nền cộng hòa ». Quốc ca Pháp La Marseillaise vang lên, cánh cửa điện Panthéon từ từ mở ra. Linh cữu các anh hùng được đưa vào điện trên nền nhạc « Hành khúc kháng chiến quân ».

Điện Panthéon ở là nơi tưởng niệm các vĩ nhân của nước Pháp. Không có một ai trong số này được nước Pháp ghi ơn với tư cách là lãnh đạo chính trị.

Nếu tính cả bốn anh hùng kháng chiến được đưa vào ngày hôm nay, điện Panthéon có mộ phần của 75 người, trong đó có 4 phụ nữ. Ba vĩ nhân mà nước Pháp ghi ơn : Marie Curie (Nobel Vật lý, Nobel Hóa học), Genevière de Gaulle-Anthonioz, Germaine Tillion. Người thứ tư, bà Sophie Bertholot, cũng yên nghỉ tại đây, nhưng với tư cách là phu nhân của nhà hóa học Marcellin Bertholot.

Chân dung bốn vị anh hùng

Genevière de Gaulle-Anthonioz, kháng chiến quân bền bỉ

Là cháu gái tướng De Gaulle, bà Genevière De Gaulle-Anthonioz đã dành toàn bộ cuộc đời mình chiến đấu chống lại điều mà bà gọi là « không thể chấp nhận được ».

Khi còn là sinh viên lịch sử, bà đã gia nhập Mạng lưới kháng chiến của Viện Bảo tàng Con người, một trong những tổ chức kháng chiến đầu tiên được lập ra ở Paris. Bị khai báo và bị bắt năm 1943, Genevière De Gaulle-Anthonioz đã bị giam tại nhà tù Fresnes, rồi đến tháng Giêng năm 1944, bị đưa đi đầy ở trại Ravensbruck, Đức. Tại đây, bà đã gặp nhà dân tộc học, bà Germaine Tillion.

Chiến tranh kết thúc, từ địa ngục trở về, bà làm việc trong Bộ Văn hóa Pháp cùng với André Malraux. Năm 1958, Genevière De Gaulle-Anthonioz đã gặp Cha Joseph Wresinski, người sáng lập phong trào « Aide à toute détresse – Cứu giúp người cùng quẫn » sau trở thành hiệp hội « ADT Quart Monde – Tất cả cùng hành động vì nhân phẩm của thế giới thứ tư » (Khái niệm thế giới thứ tư hàm ý nói tới nghèo khổ, còn tồi tệ hơn cả thế giới thứ ba – các nước nghèo).

Năm 1964, bà lãnh đạo hiệp hội này. Năm 1998, bà là phụ nữ đầu tiên được trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng nhất (Grand-Croix de la Légion d’honneur). Genevière De Gaulle-Anthonioz mất năm 2002.

Pierre Brossolette, trí thức xuất sắc

Ông là một trong những vị chỉ huy có uy tín nhất của cuộc Kháng chiến, chống phát xít Đức. Pierre Brossolette chấp nhận cái chết để khỏi phải khai ra những điều bí mật của tổ chức kháng chiến « France Libre – Nước Pháp tự do ».

Sinh năm 1903 tại Paris, trong một gia đình thế tục, mang tư tưởng cộng hòa và xã hội chủ nghĩa, ông đã đỗ đầu trong cuộc thi vào École normale supérieure (tạm dịch – Trường Sư phạm – một trường danh giá nhất, nơi đào tạo các trí thức hàng đầu Pháp) và có bằng Thạc sĩ Lịch sử. Sau khi làm việc cho báo Bình Dân (Populaire) của Léon Blum, ông gia nhập phong trào kháng chiến bí mật từ năm 1941. Chính quyền Vichy dưới thời Đức chiếm đóng cấm ông dạy học.

Tại Luân Đôn, Anh Quốc, Pierre Brossolette gia nhập phong trào kháng chiến do De Gaull đứng đầu, nhưng tỏ ra là một kháng chiến quân không chấp nhận khuôn phép, bất đồng với một chỉ huy kháng chiến nổi tiếng khác là Jean Moulin.

Pierre Brossolette bị phát xít Đức bắt năm 1942 ở Bretagne, Pháp. Ông bị giam giữ tại trụ sở của mật thám Đức Gestapo, ở Paris và bị tra tấn ròng rã trong hai ngày liền, nhưng kiên quyết không khai. Ngày 22/03/1944, Pierre Brossolette đã nhẩy qua cửa sổ tự vẫn.

Germaine Tillion, nhà dân tộc học, nữ anh hùng kháng chiến

Anh hùng kháng chiến, nhà dân tộc học nổi tiếng, đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền…Đó là những phẩm chất của Germaine Tillion. Sinh năm 1907 trong một gia đình trí thức công giáo, bà là học trò của nhà xã hội học Marcel Mauss (người được coi là cha đẻ của ngành nhân chủng học Pháp). Năm 1934, bà tới vùng Aurès (phía đông Algéri) để tìm hiểu điều tra về dân Berber.

Germaine Tillion tham gia vào việc thành lập mạng lưới kháng chiến Viện Bảo tàng Con người, rồi bị bắt và đưa đi đày ở trại Ravensbruck, Đức cùng với mẹ.

Chiến tranh kết thúc, từ trại tập trung trở về, bà làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia – CNRS và trường Cao đẳng Ứng dụng Nghiên cứu (Ecole pratique des Hautes Etudes). Năm 1955, bà lại tiếp tục nghiên cứu về Algéri, điều tra về các vụ tra tấn, dưới thời thuộc địa. Germaine Tillion qua đời năm 2008.

Jean Zay, một Bộ trưởng có tầm nhìn xa

Sinh năm 1904, Jean Zay là người có tư tưởng cộng hòa, nhân văn, là nhà báo, luật sư, rồi tham gia hoạt động chính trị thuộc cánh tả cấp tiến.

Năm 27 tuổi, ông là dân biểu Quốc hội và giữ chức Bộ trưởng Giáo dục năm 31 tuổi, trong thời kỳ Mặt trận Bình dân. Ông đóng góp nhiều cho việc phổ cập hóa giảng dạy và văn hóa, đề ra quy định giáo dục bắt buộc cho tới 14 tuổi, giáo dục thể chất trong trường học, cấm các biểu hiệu chính trị, tôn giáo trong trường học.

Jean Zay cũng là người sáng lập Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes, đưa ra các ý tưởng về Viện Bảo tàng Văn hóa Khoa học (Palais de la Découverte), Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CRNS) hay trường Hành chính Quốc gia (ENA).

Ngày 01/09/1939, Jean Zay từ chức để quay lại quân đội và cùng với 26 dân biểu đi tàu Massilia tới Casablanca, Maroc. Bị bắt tại Rabat ngày 16/08/1940, ông bị đưa về Pháp và bị kết tội « đào ngũ », đi đày chung thân và giáng cấp.

Sau bốn năm ở tù, ngày 20/06/1944, ông bị lôi ra khỏi tù và bị bắn chết tại một công trường khai thác đá bỏ hoang. Sau này, một trong những kẻ sát hại ông đã bị bắt và kể lại rằng trước khi bị bắn chết, Jean Zay đã hô vang : Nước Pháp muôn năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.