Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỆN ẢNH

« The Assassin –Nhiếp Ẩn Nương », một tuyệt tác của Hầu Hiếu Hiền

Mới chỉ lần đầu thực hiện một bộ phim võ thuật, cổ trang với « Nhiếp Ẩn Nương » Hầu Hiếu Hiền chứng minh thêm một lần nữa, ông là một nhà làm phim bậc thầy. Nhưng phim kiếm hiệp của đạo diễn Đài Loan không có các màn so tài ngoạn mục như phim của những Lý An hay Vương Gia Vệ.

Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền và nữ diễn viên Thư Kỳ tại liên hoan Cannes 21/05/2015 - REUTERS /Eric Gaillard
Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền và nữ diễn viên Thư Kỳ tại liên hoan Cannes 21/05/2015 - REUTERS /Eric Gaillard
Quảng cáo

Nhiếp Ẩn nương nhân vật chính trong phim do nữ diễn viên Thư Kỳ thủ vai. Đó là câu chuyện của một cô gái đuợc trao sứ mạng thích khách những kẻ có âm mưu phản loạn, đe dọa Đường triều. Làm sao hoàn thành nhiệm vụ khi mục tiêu của cô gái lại là người anh họ mà đã một lần cha mẹ đôi bên tính đến chuyện kết duyên Châu Trần cho đôi trẻ.

Nhiếp Ẩn liệu có sự lựa chọn nào hay không ? Câu chuyện của Nhiếp Ẩn nương diễn ra vào thời kỳ đất nước Trung Hoa còn rối ren về mặt chính trị, còn ở trong mỗi gia đình là những tranh chấp, ghen tuông, là những thủ đoạn nhỏ mọn.

Sau tám năm vắng bóng Hầu Hiếu Hiền mới trở lại Liên hoan Cannes với một bộ phim lấy nguồn cảm hứng từ những điển tích truyền kỳ của đời nhà Đường. Đó là những chủ đề thu hút ông từ thuở trẻ. Dù vậy sau 35 năm sự nghiệp, sau hai giải Kinh Khí Cầu Vàng của liên hoan Ba Lục Địa Nantes, sau giải Sư Tử Vàng của Liên hoan phim Venise, và Giải thưởng của Ban giám khảo Cannes, lần đầu tiên Hầu Hiếu Hiền mới phiêu lưu trong thể loại kiếm hiệp, võ thuật.

Tuy nhiên, nếu chờ đợi được xem những màn đấu võ ngoạn mục, những cuộc rượt đuổi trên mái nhà, những cảnh tranh hùng trên thân cây tre, như trong những « Ngọa hổ tàng long » của Lý An, « Xích Bích » của Ngô Vũ Sâm hay « Thập diện mai phục » của Trương Nghệ Mưu, « Nhất đại tông sư » của Vương Gia Vệ thì chắc chắn là khán giả sẽ thất vọng. Do « Nhiếp Ẩn Nương » của Hầu Hiếu Hiền không có nhiều màn đấu võ. Nếu có, những màn đó không bao giờ được quay cận cảnh.

Để ống kính chuyển động rất chậm, Hầu Hiếu Hiền dùng cãi « tĩnh » để biểu thị cái « động », lấy « nhu » để minh họa cho « cương », lấy sự im lặng để biểu thị những tình cảm sôi sục trong lòng. Để đạt được điều đó là cả một sự tìm tòi công phu, là cả một công trình nghiên cứu tỉ mỉ, chú trọng vào từng chi tiết trong mỗi cảnh quay.

Hình ảnh một vì công nương cài trâm lên tóc trong phim của Hầu Hiếu Hiền, tưởng chừng như kéo dài cả thiên thu. Đạo diễn giải thích : cách sửa soạn một bữa ăn cho một thương gia trọc phú khác với phong cách của nhà quan. Khác biệt đó là thẩm mỹ nghệ thuật.

Trong phim của ông cũng vậy. Kẻ thích khách không nhảy vào nhà nạn nhân mà âm thầm nấp sau rèm, Nhiếp Ẩn nương nghe hết câu chuyện Đường Quý An kể với ái phi rồi mới ra tay thi hành nhiệm vụ. Cảm xúc mạnh mà Hầu Hiếu Hiền đem lại cho khán giả là hình ảnh của những chiếc rèm đong đưa trong gió, là ánh trăng, là ngọn lửa soi mình trong đôi mắt của Đường Quý An.

Với tác phẩm mới nhất này, những người hâm mộ đạo diễn Đài Loan có cảm tưởng như càng về già, Hầu Hiếu Hiền càng kỹ tính về khía cạnh mỹ thuật, để rồi « Nhiếp Ẩn nương » được đọc như một bài thơ Đường. Chẳng vậy mà ông đã mất gần 25 năm kể từ ngày cầm kịch bản trong tay, mới hoàn tất Nhiếp Ẩn nương. Hầu Hiếu Hiền cũng đã mất hơn một chục năm thai nghén trước khi dàn dựng một bộ phim ưng ý. Ông đã bắt đầu bấm máy quay từ năm 2010 và đã nhiều lần bị gián đoạn, thường là vì lý do tài chính.

Thực vậy, đây chắc chắn là bộ phim tốn kém nhất trong suốt sự nghiệp làm phim của họ Hầu. Ngân phí lên tới 15 triệu đô la. Đoàn làm phim có lúc đã phải đến tận Nara, Nhật Bản nơi có những ngôi chùa cổ được xây dựng theo kiến trúc của đời nhà Đường. Những cảnh núi rừng hùng vĩ, hoang sơ thì được thực hiện ở Nội Mông.

Hồ Hiếu Hiền là cánh chim đầu đàn của làn sóng mới trong làng điện ảnh Hoa ngữ. Ông đã 7 lần được đề cử tranh tài ở Liên hoan Cannes. Là tác giả của những bộ phim nổi tiếng như “Bi tình thành thị - A City of Sadness”, “A time to live, A Time to die”, “Goodbye South, Goodbye”, “Minllenium Mambo” … Cách nay 22 năm ông đã đi vào lịch sử Liên hoan Cannes với “Hỷ Mông Nhân Sinh” khi đoạt Giải thưởng của Ban giám khảo năm 1993.

Về đôi diễn viên chính, Thư Kỳ-Trương Chấn, đây là lần thứ ba họ đóng chung với nhau. Đáng khâm phục nhất là gương mặt vô cảm, lạnh lùng của cả Nhiếp Ẩn lẫn Quý An lại thể hiện những tình cảm không thể nói nên lời của người trong cuộc.

Trả lời phỏng vấn của ban Hoa ngữ RFI Hầu Hiếu Hiền giải thích ông chọn cặp Thư Kỳ-Trương Chấn không chỉ vì cả hai cùng là người Đài Loan, mà bởi đôi bạn diễn đó là những con người “cao quý ngoài đời”, họ đã có đủ kiên nhẫn theo đuổi dự án của ông trong bảy năm trời.

Để kết luận có thể nói “Nhiếp Ẩn Nương” của đạo diễn Đài Loan này trước hết là một tác phẩm mang đậm dấu ấn của Hầu Hiếu Hiền. Chính vì vậy, có thể ví tác phẩm ông đem đến Liên hoan lần này như một bình rượu quý, mà ta cần có thời gian để thưởng thức được tất cả những hậu vị của nó. “Nhiếp Ẩn Nương” là một trong những bộ phim mà ta có thể xem đi xem lại nhiều lần dưới những góc độ khác nhau, với những cảm xúc khác nhau.

05:40

CANNES 2015 - THE ASSASSIN

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.