Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỆN ẢNH

« Sơn hà cố nhân », biến chuyển xã hội Trung Quốc qua ống kính Giả Chương Kha

Không đều tay như " Thiên trụ định –A touch of Sin " nhưng " Sơn hà cố nhân- Mountains may depart " vẫn soi rọi vào những chuyển biến và tác động phụ thuộc của phép lạ kinh tế Trung Quốc.

Đạo diễn Giả Chương Kha và diễn viên Triệu Đào trong ngày trình chiếu "Mountains May Depart" (Sơ hà cố nhân) tại Cannes,ngày 20/05/ 2015.
Đạo diễn Giả Chương Kha và diễn viên Triệu Đào trong ngày trình chiếu "Mountains May Depart" (Sơ hà cố nhân) tại Cannes,ngày 20/05/ 2015. REUTERS/Regis Duvignau
Quảng cáo

Sau khi nhận giải thưởng Carrosse d’Or-Cỗ Xe Vàng của Hiệp hội các Đạo diễn Pháp, nhà làm phim người Trung Quốc Giả Chương Kha tiếp tục chinh phục Liên hoan Cannes 2015 với " Sơn hà cố nhân – Moutains may depart ".

25 năm là thời gian để kinh tế Trung Quốc cất cánh. Kèm theo đó là những biến động về phương diện xã hội, là những trận sóng thần hối hả dội vào liên hệ gia đình, là những trận lở đất đối với mỗi cá nhân. Cả một tầng lớp giàu có mua đất, mua nhà ở các nước phương Tây, đoạn tuyệt với cội nguồn, quên luôn tiếng mẹ đẻ.

Năm 1999, Đào, Kim Sinh và Liên Tử là ba người bạn ở mãi tận Phần Dương, tỉnh Sơn Tây. Kim Sinh có đầu óc kinh doanh, sớm nắm bắt cơ hội để làm giàu. Tậu xe, mua lại cả một mỏ than, rồi bay nhảy mãi đến tận Thượng Hải để hốt bạc của thiên hạ. Liên Tử với năm tháng vẫn chỉ là anh công nhân thợ mỏ. Đào vì cơm áo, vì tương lai của đứa con sau này đã nhận lời cầu hôn của Kim Sinh.

Một phần tư thế kỷ sau, Kim Sinh nay đã đổi tên thành Peter, sống với thằng con trai trong một căn hộ sang trọng, sát bãi biển đâu đó trên nước Úc. Phần Dương và cả Trung Quốc chỉ còn là kỷ niệm nhạt mờ, là vùng sương mù dày đặc đối với Dollar. Vợ chồng Kim Sinh tặng cho đứa con trai duy nhất tên gọi của đồng tiền Mỹ với hy vọng túi nó sẽ đầy ắp đô la sau này. Dollar nói chuyện với bố bằng ngôn ngữ của Shakespear. Peter đối thoại với con qua trung gian từ điển của Google.

25 năm sau, Đào đã ly dị chồng từ lâu, con trai cô sống với cha. Đơn giản vì Peter có phương tiện bảo đảm cho nó một tương lai tươi sáng hơn. Đào sống trong nhung lụa, với một con chó giữ nhà, người bạn đồng hành trung thành duy nhất.

Đạo diễn Giả Chương Kha như đã chia tác phẩm của anh thành ba giai phần : quá khứ, hiện tại và tương lai. Như chính tác giả đã giải thích với báo giới, nếu chỉ tập trung vào hiện tại, ta sẽ thiếu chiều sâu để nhận thức những chuyển biến của thế giới chung quanh. Phần cuối của " Sơn hà cố nhân " diễn ra vào quãng năm 2024-2025 do, " tương lai buộc ta phải xét về hiện tại dưới một lăng kính khác ".

Sau những “Platform –Sân Ga ", “The World- Thế giới”, “Still Life –Người tốt Tam Hiệp”, “A Touch of Sin –Thiên trụ định” … với “Moutains may depart”, Giả Trương Kha một lần nữa đã chuyển tải lên màn bạc những ảo vọng của phép lạ kinh tế. Là một người sinh ra và lớn lên ở Phần Dương, Sơn Tây, đạo diễn họ Giả đã rất nhiều lần làm phim về chốn này.

Nhìn đến dàn diễn viên, Giả Chương Kha một lần nữa đã ủy thác vai nữ chính cho người bạn đời của mình là Triệu Đào. Từ sự cộng tác lần đầu với "Platform" tới nay, cô luôn thể hiện tài diễn xuất một cách độc đáo và tinh tế. Trước khi Giả Chương Kha bấm máy quay, anh chỉ khuyên cô hai điều : ở phần một, Triệu Đào phải « bốc lửa " để trở thành " đại dương " ở phần hai. Triệu Đào hoàn thành nhiệm vụ một cách mỹ mãn, và có lẽ là trên cả sự mong đợi của họ Giả.

Không hiểu do cố ý hay vô tình, mà phần đầu khi nói về quá khứ, về những bước đầu đời của bộ ba Đào, Liên Tử và Kim Sinh, thì ngôn ngữ điện ảnh của Giả Chương Kha đã rất cô đọng, xúc tích. Nhựa sống tràn đầy trong hơi thở của ba nhân vật chính, đó là lúc cả ba đang hăm hở bước vào đời. Đây là phần đem lại nhiều xúc động cho người xem nhất. Phần hai, khi soi rọi vào hiện tại, cả về hình thức đến nội dung, những năm tháng ở thời điểm 2014 chỉ còn là những đoạn đường dài trống trải, đối với cả Đào, chồng và người yêu cũ của cô. Ở phần cuối, khi nhìn về tương lai, các nhân vật trong phim từ hai bố con Peter đến bà giáo dậy tiếng Hoa người gốc Hồng Kông và có lẽ là cả chính tác giả, như thể chỉ còn biết " đi chọn nối quãng đường còn lại ".

Nhìn chung " Sơn hà cố nhân " là một tác phẩm không đều tay và không được sắc bén như với " Thiên trụ định ", bộ phim đã giúp họ Giả đoạt Giải thưởng dành cho kịch bản của Liên hoan Cannes 2013.

Anh thuộc thế hệ thứ sáu của những nhà làm phim độc lập của Trung Quốc. " Tiểu Vũ " năm 1998 là tác phẩm đầu tiên đưa tên tuổi anh ra với thế giới. Giả Chương Kha là một trong những đạo diễn quốc tế mà mỗi tác phẩm mới đều được khán giả 5 châu trân trọng đón chờ nhưng lại bị cấm công chiêu trên chính quê hương họ.

Trong nhiều năm, Giả Chương Kha bị các nhà văn hóa ở Bắc Kinh kiểm duyệt. " Thiên trụ định " của anh dù đã được quốc tế khen thưởng, nhưng khán giả Trung Quốc thì vẫn hề nghe nhắc tới. Nghe nói đâu, lần này "Sơn hà cố nhân " có cơ hội được phổ biến đến khán giả Trung Quốc. Phải chăng vì lẽ đó mà bộ phim này đã hơi thiếu một chút vị đậm đà, vốn là nét đặc thù của đạo diễn họ Giả ? Trong một cuộc trả lời báo chí quốc tế gần đây, Giả Chương Kha cho biết anh không còn bị áp lực kiểm duyệt, anh đã để lại " thời kỳ khó khăn nhất sau lưng ". Sau hơn 15 năm lăn lộn trong nghề, Giả Chương Kha đánh giá anh có đủ kinh nghiệm để " bảo vệ tinh thần độc lập trong dòng sáng tác của mình ". Ít ra đó là điều Giả Chương Kha đã thổ lộ sau khi nhận giải thưởng Carrosse d’Or hôm 14/05/2015.

Giả Chương Kha từng đoạt Sư tử vàng, giải thưởng cao quý nhất của liên hoan phim quốc tế Venise năm 2006. Sau khi dành được giải thưởng dành cho kịch bản xuất sắc nhất của Liên hoan Cannes lần thứ 66 nhờ " Thiên trụ định ", Giả Chương Kha năm 2014 được mời tham gia ban giám khảo Cannes.

Phim của Giả Chương Kha " Sơn hà cố nhân " ra mắt công chúng Pháp vào đầu tháng 12/2015.

05:59

CANNES 2015 - MOUNTAINS MAY DEPART

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.