Vào nội dung chính
PHÁP - NHẬP CƯ

Pháp phản đối đề xuất hạn ngạch nhập cư

Sau Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Anh Quốc, tới lượt Pháp, hôm qua, 16/05/2015, phản đối đề xuất của Liên Hiệp Châu Âu về hạn ngạch (quota) nhận người nhập cư.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls (T) bắt tay các cảnh sát tại ga xe lửa Menton, đông nam Pháp, tại khu vực biên giới chung với Ý, ngày 16/05/2015
Thủ tướng Pháp Manuel Valls (T) bắt tay các cảnh sát tại ga xe lửa Menton, đông nam Pháp, tại khu vực biên giới chung với Ý, ngày 16/05/2015 REUTERS
Quảng cáo

Trong chuyến đi làm việc tại thành phố Menton, phía đông nam của Pháp, gần biên giới Ý, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhắc lại sự phản đối của Pháp về việc đề ra hạn ngạch nhận người nhập cư. Ông cho rằng người nhập cư phải được phân bổ đồng đều trong toàn Liên Hiệp Châu Âu. Đồng thời, Châu Âu phải có một chính sách tỵ nạn và Paris đã tiến hành cải cách để chính sách này đạt hiệu quả hơn.

Thủ tướng Valls nhấn mạnh, tỵ nạn là một quyền, được cấp theo các tiêu chí quốc tế, cùng được áp dụng tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Chính vì vậy, số lượng người được hưởng chế độ này không thể thuộc diện hạn ngạch.

Cũng theo Thủ tướng Valls, hiện nay, các nước Pháp, Ý, Đức, Anh Quốc và Thụy Điển đã đón tiếp tới 75% tổng số người nhập cư hay người xin tị nạn tại Châu Âu. Trong đó, từ năm 2012, nước Pháp đã tiếp nhận 5.000 người Syria và 4.500 người Irak.

Thủ tướng Manuel Valls nhấn mạnh, nước Pháp không chỉ nỗ lực trong việc tiếp nhận người nhập cư, mà còn cam kết can thiệp quân sự để đối phó với các thách thức khủng bố và vấn nạn buôn người. Paris cho biết đã chặn 944 người nhập cư và tạm giữ 54 kẻ dẫn đường trong khu vực biên giới Pháp-Ý từ thứ Hai tới thứ Năm tuần qua.

Kế hoạch của Ủy ban Châu Âu về hạn ngạch người nhập cư được các Bộ trưởng Nội vụ thảo luận ngày 15/06 tới tại Luxembourg, trước khi gửi lên các nguyên thủ quốc gia nhân cuộc họp Thượng đỉnh diễn ra ngày 30/06 tại Bruxelles. Theo đề xuất hạn ngạch của Liên Hiệp, Pháp sẽ phải đón nhận 2.375 người nhập cư, cao gấp 3 lần con số mà Tổng thống Pháp François Hollande đưa ra vào cuối tháng Tư vừa qua, trước hàng loạt thảm họa thuyền nhân tại Địa Trung Hải.

Tình trạng nhập cư là một chủ đề chính trị khá nhạy cảm tại Pháp. Từ một năm nay, đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (Front national) đã nhận được nhiều phiếu bầu nhờ vấn đề này. Đảng cánh hữu đối lập UMP, do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy lãnh đạo, thường xuyên yêu cầu xem xét lại các thỏa thuận Schengen quy định việc tự do đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.