Vào nội dung chính
PHÁP

Tổng thống Pháp còn hai năm để thuyết phục người dân

Vào ngày này cách nay ba năm 06/05/2012, ông François Hollande chính thức nhậm chức Tổng thống Pháp. Ba năm sau, ông Hollande đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống 2017. Ông chỉ còn 700 ngày nữa để thực hiện một trong những lời hứa nổi tiếng của mình : Nếu thất nghiệp không giảm, ông sẽ không ra tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa. 

Tổng thống Pháp Francois Hollande  ngày 29/4/2015.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 29/4/2015. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Tính đến hôm nay, ông Hollande đã làm Tổng thống được 1000 ngày và ông chỉ còn hai năm nữa để thực hiện các mục tiêu mà chính ông đề ra trong chiến dịch tranh cử năm 2012. Tuy không nói ra, nhưng theo giới quan sát, đương kim Tổng thống Pháp đã hướng nhìn về cuộc bầu cử năm 2017.

Để có thể làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Hollande phải tái ứng cử. Tuy nhiên, nguyên thủ Pháp đã tuyên bố và thậm chí còn nhắc lại nhiều lần : Nếu đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống hiện nay mà thất nghiệp không giảm, ông sẽ không ra ứng cử. Tổng thống Hollande đã đưa ra cam kết này sau khi ông không thực hiện được mục tiêu giảm thất nghiệp vào cuối năm 2013.

Cho đến nay, tình trạng thất nghiệp tiếp tục tăng làm đau đầu Tổng thống Pháp. Mặc dù ông Hollande trong thời gian qua, đã nhiều lần lạc quan khẳng định là kinh tế đang phục hồi, nhưng phe đa số ủng hộ ông lại tỏ ra rất thận trọng và không bình luận nhiều về tình trạng thất nghiệp. Khi được hỏi, dân biểu đảng Xã hội Daniel Goldberg chỉ nói ngắn gọn : Tôi không biết liệu thất nghiệp có giảm hay không, tình trạng tồi tệ về thất nghiệp đã qua hay chưa. Tôi không biết gì hết.

Một thách thức to lớn khác đối với Tổng thống Hollande : Đó là tập hợp, đoàn kết được phe đa số của ông. Mệt mỏi, chia rẽ, cánh tả liên tục tranh cãi trong nội bộ. Đảng Mặt trận cánh tả, thuộc phe cực tả, đã đoạn tuyệt với Tổng thống Hollande : Các dân biểu của phe này đã ủng hộ kiến nghị hủy bỏ luật cải cách lao động của Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron.

Quan hệ giữa phe chỉ trích thuộc cánh tả trong đảng Xã hội cũng không tốt đẹp. Các cuộc tranh luận, chất vấn với chính phủ của ông Hollande đôi khi quyết liệt. Tuy nhiên, những người thân cận Tổng thống Hollande vẫn yên tâm vì nhóm này chỉ là thiểu số trong Đại hội đảng Xã hội, sẽ được tổ chức tại Poitiers vào tháng Sáu tới. Ông Hollande cũng đỡ căng thẳng hơn sau khi cựu Bí thư thứ nhất đảng Xã hội, bà Martine Aubry, một chính trị gia có thế lực, vốn có quan điểm gần gũi với phe tả trong đảng, nay quay sang ủng hộ ông.

Đối với Tổng thống Pháp, hiện chỉ còn đảng Xanh và phe môi sinh cần phải tái chinh phục. Phe này đòi phải có những bảo đảm thì mới chấp nhận quay lại tham gia chính phủ. Ông François de Rugy, dân biểu thuộc đảng Môi sinh Châu Âu và đảng Xanh vùng Ile de France nhận định : Việc tập hợp bên trong phe đa số và chính phủ không phải là một mục tiêu mà chỉ là một phương tiện để thành công và thông qua một số cải cách. Cần phải có những biện pháp liên quan đến giao thông, chống ô nhiễm không khí, những hồ sơ vốn ít được xử lý cho đến lúc này.

Chính vì thế, Tổng thống Pháp trông đợi nhiều vào thành công của Hội nghị về khí hậu – COP 21, được tổ chức tại Paris vào cuối năm nay, để tô điểm thêm bản tổng kết thành tích của mình. Nguyên thủ Pháp cũng dự tính, trong thời gian tới, sẽ chú ý hơn đến cánh tả nói chung và sẽ đề cập nhiều hơn đến vấn đề công bằng xã hội và bình đẳng.

Mặt khác, trong thời gian tới, ông Hollande sẽ tìm cách thay đổi hình ảnh của mình qua việc đi thực địa, gặp gỡ người dân. Trong tháng Ba, Tổng thống Pháp đã 15 lần xuống địa phương làm việc và sắp tới, sẽ có nhiều cuộc gặp hơn.

Trong chiến dịch tái chinh phục lòng dân, ông Hollande có một lợi thế : Ông đã cải thiện được hình ảnh của mình sau loạt khủng bố tại Paris, hồi tháng Giêng vừa qua.

Hiện vẫn còn một trở ngại lớn đối với Tổng thống Hollande : Theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ được lòng dân của ông rất thấp và tình trạng này kéo dài từ lâu nay. Tuy nhiên, theo ông Jérôme Sainte-Marie, Giám đốc viện thăm dò dư luận Pollingvox, « đó không hẳn là một điểm yếu nghiêm trọng ». Chuyên gia này nhắc lại, năm 2012, tại vòng một cuộc bỏ phiếu, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ kém ông Hollande khoảng 1,5% số phiếu. Hai năm trước, vào 2010, các cuộc thăm dò dư luận đều dự báo ông Sarkozy kém đối thủ khoảng 20%. Ông Sarkozy đã thu hẹp được khoảng cách này trong chiến dịch vận động tranh cử. Ông Hollande giờ đây cũng hy vọng làm được hơn thế, thay đổi hẳn xu thế, cho phép ông tái đắc cử.

Trong khi chờ đợi « đọ sức » với các ứng viên khác, ông Hollande thực ra chỉ còn một năm để tiến hành các cải cách. Vào đầu quý bốn năm 2016, khi cánh hữu và cực hữu đề cử ứng viên, ông Hollande sẽ phải « tả xung hữu đột » bảo vệ các thành tích của mình trong nhiệm kỳ 2012-2017.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.