Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

« Đông Dương, những cái nhìn đa chiều – Một cuộc chiến rơi vào quên lãng ? »

Đăng ngày:

Đông Dương hiện lên trong kí ức của người Pháp như một vùng thuộc địa trù phú, một miền đất hứa cho những người thích phiêu lưu. Chín năm chiến tranh Đông Dương (1946-1954) chỉ còn là những mẩu kỉ niệm trong tâm trí của người Pháp.

Triển lãm "Indochine,regard croisés- une guerre oubliée ?"
Triển lãm "Indochine,regard croisés- une guerre oubliée ?" DR
Quảng cáo

« Đông Dương, những cái nhìn đa chiều – Một cuộc chiến rơi vào quên lãng ? » được thực hiện với mục đích nhắc lại vị trí của cuộc chiến Đông Dương trong lòng lịch sử Pháp. Đây là một cuộc triển lãm lưu động do Hội « Lịch sử qua video » (L’Histoire par la vidéo), gồm một nhóm sinh viên Pháp chuyên ngành lịch sử và nghe nhìn thực hiện, và đang lần lượt được trưng bày tại một số các trường đại học tại Paris.

Bỏ qua những kiến thức, những nghiên cứu hàn lâm về kỉ niệm đau thương, « Đông Dương, những cái nhìn đa chiều », như chủ đề đã gợi ý, phản ánh những cách nhìn khác nhau của một số người trong cuộc, những người đã chứng kiến, đã sống trong thời điểm lịch sử đó, hiện đang sống tại Pháp và Việt Nam.

Năm khuôn mặt, năm nhân chứng là năm quan điểm khác nhau về diễn biến cuộc chiến Đông Dương. Qua kí ức của họ, người xem như sống lại từng thời khắc thăng trầm của chín năm chiến tranh với kết quả là người Pháp bại trận, từ bỏ Đông Dương và Việt Nam giành được độc lập. Sự kiện đó đồng thời mở đường cho các cuộc đấu tranh giành độc lập tại các nước châu Phi thuộc địa.

Nhật tràn vào Đông Dương

Chính quyền Pháp « mở cửa » cho Nhật vào Đông Dương sau khi nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng vào tháng 6/1940. Thời đó, Bắc Kỳ là cửa ngõ tiếp tế duy nhất của Hoa Kỳ, theo đường Hải Phòng-Vân Nam, cho quân kháng chiến chống Nhật do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Ngoài ra, Pháp buộc phải đặt nền kinh tế Đông Dương phục vụ cho guồng máy chiến tranh của Nhật, thông qua hiệp định chính trị Tokyo được kí ngày 30/08/1940.

Ông Đặng Văn Việt, một cựu sĩ quan của Việt Minh, nhớ lại : « Người Nhật đã có mặt tại Đông Dương, vì với các điều khoản kí kết giữa hai bên, người Pháp cho phép người Nhật vào Đông Dương, dùng Việt Nam như điểm trung chuyển để gây chiến tại Thái Lan, chứ không phải tại Đông Dương. Đất nước của chúng tôi là điểm xuất phát thuận tiện như chiếc bàn đạp để tấn công các nước khác trong khu vực Đông Nam Á  ».

Song song với các cuộc tấn công vào chính quyền Pháp tại Đông Dương, quân đội Nhật Bản không ngừng tuyên truyền học thuyết « Đại Đông Á ». Tuy nhiên dưới vỏ bọc của tham vọng hình thành một khối các quốc gia Châu Á do Nhật Bản lãnh đạo mà không phụ thuộc vào phương Tây, thực chất, đây là một chính sách xâm lược, bành trướng sự thống trị của Đế quốc Nhật tại quốc gia bị chiếm đóng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vào Việt Nam, quân Nhật không ngừng tuyên truyền về việc xâm lược của mình. Ông Đặng Văn Việt hồi tưởng : « Họ nói rằng người Nhật là người châu Á, vì thế phải trả châu Á cho người châu Á và đuổi người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ. Rất nhiều người Việt cho là đúng và người Nhật là những người giải phóng đất nước. Nhưng với thời gian, người Pháp sớm muộn cũng biết rằng người Nhật đang tìm cách đánh đuổi họ khỏi Đông Dương ».

Bà Xuân Phương, lúc đó đang đi học ở Huế, nhớ lại người ta bắt học sinh trong trường học tiếng Nhật vì tin rằng người Nhật sẽ làm nên sự nghiệp lớn tại Đông Nam Á. Thế nhưng, bà khiếp sợ trước sự ác độc của sĩ quan Nhật. Bà tận mắt chứng kiến lính Nhật trừng phạt một kẻ trộm lỡ làm chết một con ngựa : « Tôi nhìn thấy trong phòng lễ tân của trường ở Huế, một người Nhật lấy lưỡi lê rạch bụng con ngựa chết. Người ta thấy ruột gan của nó lòi ra. Bỗng nhiên, tên lính Nhật tóm lấy người nông dân Việt và đẩy anh ta vào bụng con ngựa. Sau đó, họ khâu bụng con ngựa lại với người đàn ông vẫn còn sống bên trong. Chúng tôi gào khóc ầm ĩ ».

Còn với công chức Pháp, sự có mặt của quân đội Nhật là mối đe doạ nặng nề, hiện hữu hơn khi màn đêm buông xuống. Bà Jacqueline Copin, vợ một công chức Pháp sống tại Hóc Môn năm 1946, nhớ lại người Pháp bị ảnh hưởng và phải chịu đựng rất nhiều. Dưới bầu không khí ngột ngạt và nguy hại, nhiều người muốn về Pháp để bảo đảm sức khoẻ và tính mạng của họ.

Nhật đảo chính – Việt Minh giành độc lập

Ngay khi tràn vào Đông Dương, người Nhật bắt nông dân Việt Nam « nhổ lúa trồng đay » để phục vụ chiến tranh. Cùng với thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra trong thời kì này khiến miền Bắc mất mùa và gây nên nạn đói tang thương nhất trong lịch sử Việt Nam (10/1944-05/1945). Trong khi đó, Nhật cấm vận chuyển lúa từ miền Nam ra Bắc. Pháp dự trữ lương thực phòng khi quân Đồng minh chưa tới, phải đánh Nhật hoặc dùng cho cuộc tái xâm lược Việt Nam. Quân Đồng minh cũng phá hủy các trục đường sắt từ Huế trở ra và phong tỏa đường biển khiến hàng hóa không lưu thông được.

Điều kiện sống khó khăn càng thổi bùng lên tinh thần dân tộc và mong ước độc lập. Người dân tập hợp quanh Việt Minh, được đảng Cộng sản Đông Dương thành lập từ năm 1941. Ước mơ trông mong người Nhật chung tay cứu nước của người Việt lụi tàn ngay khi người Nhật đặt chân tới đây.

Sau nhiều thất bại liên tiếp trong khu vực, và trước ý định lật lại thế cờ của chính Pháp tại Đông Dương, Nhật tiến hành đảo chính. Đêm ngày 09/03/1945, Nhật bất ngờ đồng loạt nổ súng trên toàn cõi Đông Dương và nhanh chóng khống chế sự kháng cự của quân đội Pháp. Sau cú đảo chính, người Nhật tước Đông Dương khỏi tay quân Pháp. Và sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 02/09/1945, người Nhật để chính phủ lâm thời toàn quyền hành động.

Nhà văn Hữu Ngọc, lúc đó là uỷ viên chính trị của Việt Minh, nhớ lại : « Nửa đêm hôm đó, người ta nghe thấy tiếng pháo, kéo dài khoảng 20 phút và sau đó hết. Sáng hôm sau, người ta thấy thành phố trưng cờ Nhật, vì thế mọi người hiểu rằng đảo chính đã xảy ra. Lúc đầu cuộc Thế Chiến, người ta cũng rất mong mỏi vào học thuyết « Đại Đông Á » và hy vọng người Nhật sẽ giúp chúng tôi chiến đấu chống thực dân. Nhưng thêm lần nữa, chúng tôi thất vọng và từ ngày 09/03/1945, chúng tôi hiểu ra bản chất của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Và Hồ Chí Minh, từ Trung Quốc về sau 30 sống lưu vong, đã thành lập Việt Minh. Nhiệm vụ của tổ chức này là đánh đuổi cả quân Nhật lẫn quân Pháp ».

Mùa thu năm 1945, tướng Philippe Leclerc và đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu được cử sang Đông Dương để làm dịu tình hình. Tuy nhiên, căng thẳng càng lan rộng do các hành động chống Pháp bùng nổ khắp nơi. Cuối năm 1946, Việt Minh rút vào hoạt động bí mật.

André Arnaud không có kỉ niệm ấn tượng về Việt Minh, về sức mạnh hay cách hoạt động của tổ chức này : « Việt Minh là gì với tôi à ? Người ta không rõ nó như thế nào. Người ta nghĩ đó là một cuộc nổi dậy nhỏ tranh thủ thời điểm khó khăn của nước Pháp sau khi Nhật chiếm đóng để tiến hành cuộc chiến giành độc lập ».

Từ năm 1946 đến 1949, Việt Minh tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống Pháp, mà Hồ Chính Minh gọi đó là « cuộc chiến giữa hổ và voi ». Con hổ Việt Nam liên tục di chuyển và xé lẻ thành nhóm đến quấy nhiễu con voi Pháp, ì ạch và nặng nề. Con hổ chính là Quân đội Nhân dân Việt Nam do tướng Võ Nguyên Giáp thành lập.

Nhiều thanh niên trí thức thời đó sẵn sàng bỏ cuộc sống đầy đủ, chấp nhận khó khăn gian khổ, để gia nhập Việt Minh, như trường hợp của bà Xuân Phương, lúc đó đang học trường cấp II tại Huế : « Chúng tôi học ở trường Khải Định, một trường cấp II ở Huế. Hàng ngày, có rất nhiều người tới giải thích cho chúng tôi rằng sẽ có một sự thay đổi lớn, đuổi kẻ thù xâm lược đất nước. Ban đầu, chúng tôi nghĩ là giáo viên của trường, nhưng thực ra là người của Việt Minh. Họ tới giải thích : « chiến đấu giành độc lập của đất nước là gì ». Họ nói rất rành mạch và đã khơi dậy lòng yêu nước của chúng tôi ».

Năm 1949, thời cuộc thay đổi với sự đi lên của cộng sản Trung Quốc hay cuộc chiến hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Trung Quốc chính thức gúp đỡ Việt Minh đánh đuổi quân xâm lược Pháp, giờ đang được Mỹ tài trợ. Ông André Arnaud nhớ lại : « Vào lúc các nhóm quân đội của Mao tiến tới biên giới giữa Đông Dương và Trung Quốc, năm 1949, người ta biết Trung Quốc là cơ sở hậu cần vững chắc của Việt Minh. Và thời điểm đó là bước ngoặt điềm báo trước những thảm họa của Điện Biên Phủ diễn ra vào 4 năm sau ».

Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ 20/11/1953 đến 07/05/1954. Bị quân đội Pháp chiếm từ năm 1953, Điện Biên Phủ và khu vực xung quanh trở thành một chiến trường khói lửa vào năm sau. Quân đội Việt Nam do tướng Giáp chỉ huy giành chiến thắng. Chiến bại tại Điện Biên Phủ gây sửng sốt nước Pháp. Thế nhưng, với người Pháp tại Đông Dương, họ đã lường trước được tình hình.

Ông André Arnaud đã linh cảm trước được thất bại của quân đội Pháp : « Ngay năm 1953, khi theo dõi một chút các trận đánh, người ta có cảm giác mọi thứ đang diễn ra không ổn chút nào. Nhưng tôi đặc biệt cảm nhận được điều đó khi quân Pháp dấn thân vào trận Điện Biên Phủ. Người ta thường nói tướng Navarre đã tiến hành một trận đánh tuyệt vời ngăn Việt Minh tại cánh đồng Chum. Người ta đã từng được học khi mới làm chân chạy việc rằng không được phép ở dưới đáy vùng trũng. Người nào chiếm phía trên thì sẽ chiếm luôn được phía dưới. Đây là một công thức quân sự. Thế mà ở đây, họ tự giam dưới đáy. Biết rõ người Việt, tôi hiểu rằng,họ sẽ vây xung quanh và tấn công khi họ muốn. Bằng xe đạp, họ trèo lên cao. Họ còn kéo được cả pháo lên trên để bắn quân đội Pháp ở dưới. Lúc đó, tôi nghĩ thế là hết ».

Phía Việt Nam, mọi người tin chắc sẽ giành thắng lợi. Theo bà Xuân Phương : « Người ta không thể thắng trận tại miền đất lạ. Điều này, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến. Vì thế, chúng tôi không nghi ngờ về kết cục của cuộc chiến, nhưng chúng tôi không biết nó sẽ diễn biến ra sao.

Về Điện Biên Phủ, tôi đang phát báo cho các nhà hậu cần, bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng xe tải. Với chúng tôi, từ lâu quen đi bộ hoặc đi xe đạp, và đột nhiên chúng tôi thấy những chiếc xe tải lớn tiến tới. Chúng tôi nhảy lên vì vui mừng. Và chúng tôi cảm giác hòa bình đang lại gần. Và khắp nơi, mọi người ra khỏi nơi trú ẩn, chúng tôi xuống phố, chúng tôi ôm chầm lấy nhau dù chẳng quen biết, và hô vang : « Điện Biên Phủ, hết chiến tranh rồi ! Hết chiến tranh rồi ! ». Có nhiều người đang chở gạo, quẳng luôn gạo lại, hô vang « Điện Biên Phủ » và trở về nhà. Cả đêm mồng 07/05, cả vùng không ngủ. Đêm hôm đó, mọi người đốt lửa và cùng nhau ca hát. Niềm vui tràn ngập khắp nơi ».

Nhà văn Hữu Ngọc nhớ lại : « Quá bất ngờ, người ta không tin là có thể làm được. Vì 9 năm nằm rừng, người ta không nghĩ rằng chiến tranh có thể kết thúc. Tin tức đột ngột tới mức chúng tôi sửng sốt, rụng rời chân tay. Nhưng đó là niềm vui không bao giờ quên được ».

Hiệp định Genève

Tại Pháp, tháng 06/1954, Pierre Mendès France trở thành thủ tướng và Ngoại trưởng. Với ông nước Pháp đang kiệt sức tại Đông Dương. Ngày 22/07/1954, hiệp định Genève được các bên tham gia kí kết : nước Pháp dời Đông Dương và lãnh thổ Việt Nam chia thành hai quốc gia : Cộng Hoà Dân Chủ Việt Nam ở phía Bắc do Việt Minh quản lý, và Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam.

Ông André Arnaud nhận xét : « Tôi nghĩ rằng hiệp định Genève được cân nhắc và thảo luận rất kỹ, mở ra sáu năm hòa bình và có thể sau này, sẽ tìm ra những giải pháp khác, hay thành lập hai quốc gia. Nhưng nếu nhìn kỹ, đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Người miền Bắc chấp nhận thời gian đình chiến để thở một chút. Nhưng nếu hiểu rõ Việt Minh, người ta biết rằng không bao giờ họ để miền Nam trở thành một quốc gia khác. Họ không chấp nhận cảnh hai Nhà nước, họ muốn chinh phục lại miền Nam, đó là việc sau này họ đã làm ».

Hội « Lịch sử qua video »

RFI tiếng Việt có dịp gặp gỡ hai thành viên của hội « Lịch sử qua video » (L’Histoire par la vidéo), Aladin Farré và Louis de Coppet. Hội được thành lập vào năm 2011, quy tụ sinh viên các chuyên ngành nghe nhìn và lịch sử Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, của đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, đại học Paris Diderot-Paris 7 và trường Cao đẳng Lyon (ENS de Lyon), với mục đích thực hiện những phóng sự tài liệu lịch sử, dựa trên hồi ức của các nhân chứng.

Tại sao lại làm chủ đề về Đông Dương ? Louis de Coppet cho biết : « Với chúng tôi, chiến tranh Đông Dương như điểm kết của Đệ Nhị Thế Chiến, và là điểm khởi đầu của một Việt Nam độc lập. Cuộc chiến này cũng là một yếu tố trong lịch sử chiến tranh lạnh. Chính vì vậy, có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Một số người ở Việt Nam cho rằng đây là cuộc chiến giành độc lập. Trong khi đó, lính Pháp lại coi là cuộc chiến chống chế độ Cộng sản. Chính vì thế, chúng tôi muốn nêu lên những quan điểm khác nhau về cuộc chiến này ».

Aladin Farré cho biết : « Do làm về chủ đề Đông Dương trong thời gian khá lâu, vì thế rất khó có thể đưa ra một nhận định riêng về cuộc chiến này. Khi phỏng vấn các nhân chứng, một bên từng hoạt động trong Việt Minh, hay chỉ là dân thường thời đó, một bên là các cựu chiến binh Pháp, chúng tôi nhận thấy quan điểm của họ rất đa dạng. Đây cũng chính là một trong những lý do thúc giục chúng tôi thực hiện cuộc triển lãm này. Qua đó, chúng tôi muốn phản ánh những cách nhìn khác biệt về chiến tranh Đông Dương, một cuộc chiến hoàn toàn bị quên lãng tại Pháp ».

Sau triển lãm tại đại học Paris 7, Hội sẽ tiếp tục mang triển lãm tới Maison des Initiatives Etudiantes, do thành phố Paris quản lý, bắt đầu từ ngày 29/4 tại quận 13 ở Paris và sau đó là tại đại học Paris 1. Họ cũng hy vọng có thể triển lãm tại tòa thị chính quận 13 ở Paris, và một ngày nào đó, có thể ở Việt Nam. 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.