Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Thảm nạn Germanwings : Làm thế nào để phòng ngừa tự sát ?

Đăng ngày:

Thảm nạn hàng không Germanwings chấn động toàn thế giới. Biến cố kinh hoàng xảy ra trong bối cảnh thờ ơ, của hầu như tất cả những người có liên hệ với Andreas Lubitz trước khi thảm họa xảy ra, là một dịp đặc biệt để giới chuyên môn trình bày với công chúng những vấn đề liên quan đến tự sát, một hành động dẫn đến cái chết của khoảng 800.000 người mỗi năm trên thế giới.

« Đoàn kết chúng ta có thể ngăn ngừa tự sát »: áp phích của Hiệp hội phòng ngừa tự sát Québec, Canada.
« Đoàn kết chúng ta có thể ngăn ngừa tự sát »: áp phích của Hiệp hội phòng ngừa tự sát Québec, Canada. @AQPS
Quảng cáo

Thế giới sững sỡ trước một tai nạn thảm khốc, mà có rất nhiều chứng cứ cho thấy do chính người điều khiển. Cho đến nay, một số thông tin về Andreas Lubitz, cơ phó chiếc A320 bất hạnh, đã được báo chí Đức công bố. Theo đó, người lái phụ này từng mưu toan tự sát cách nay nhiều năm, đã phải điều trị với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, và đặc biệt là ngày gây tai nạn chính là ngày mà người này nhận được giấy buộc nghỉ việc của bác sĩ. Tờ giấy mà chính anh ta đã xé bỏ.

Kết quả điều tra chính thức về Andreas Lubitz còn chưa được công bố. Hồ sơ y khoa của người này vừa mới được chuyển qua tư pháp Đức. Tuy nhiên, một vấn đề chính ở đặt ra ở đây là : Liệu có thể dự báo trước khả năng hành động hết sức bất thường của người điều khiển máy bay, mà trong con mắt của đông đảo mọi người phải là một  người rất đáng tin cậy. Làm thế nào để dự báo trước hành động tự sát nói chung và cần phải làm gì để đối phó ?

Tạp chí y tế « Priorité santé » của RFI tuần này có cuộc tọa đàm với bác sĩ pháp y Michel Debout, chuyên gia về các nguy cơ tâm lý xã hội và bạo lực trong lao động. Đồng tác giả cuốn sách được nhiều người biết « Tự sát, một cấm kỵ Pháp » (Suicide, un tabou français) (Nxb Pascal, 2012), ông cũng là người chủ trương Đài quan sát về hiện tượng tự sát của Pháp từ hai mươi năm nay.

Một khách mời khác của tạp chí là bác sĩ Magali Bodon-Bruzel, phụ trách khoa tâm thần học của nhà tù Fresnes, một nhà tù lớn nằm ở vùng ngoại ô Paris. Nữ bác sĩ Magali Bodon-Bruzel là đồng tác giả cuốn « Những bệnh lý tinh thần mang tính tội phạm : Con người từng muốn nấu chín mẹ mình », (Les maladies mentales transgressives : L'homme qui voulait cuire sa mère) (Nxb Stock), vừa ra mắt đầu năm nay.

Khi tự sát là một tội ác

Trước hết, bác sĩ Michel Debout cho biết suy nghĩ của ông về hành động của viên phi công Andreas Lubitz dẫn đến cái chết của 149 người khác.

« Tôi cho rằng, đó là một thời điểm điên loạn. Hành động này có thể giải thích được bởi cuộc đời anh ta, lịch sử bệnh lý của anh ta. Tất nhiên chúng ta hiện chưa có thông tin chính thức. Câu hỏi trước hết có thể đặt ra là, tại sao từ ''Tự sát'' lại gây ra phản ứng tiêu cực. Bởi vì đằng sau từ tự sát, đôi khi có ý tưởng về sự tự do. Một cách ngược đời, điều đó lại một ý nghĩa tích cực nhất định. Nhưng, nếu ta đặt chung tất cả, ý tưởng tự do lựa chọn bên cạnh 150 người chết, các học sinh nhỏ, các giáo viên, với bao gia đình hoàn toàn tan nát, bởi một kết cục mà tất cả chúng ta đều vô cùng sững sờ...

Xúc cảm là hết sức mãnh liệt, không thể diễn tả nổi, khi ta biết nguyên do của hành động này. Giải thích về điều này lại là chuyện khác. Chính vì thế, theo tôi, với tất cả những điều đó, ta không thể đặt cái từ tự sát để nói về một hành động tàn khốc đến như vậy, mang tính hủy diệt đến như vậy. »

Về việc, liệu từ tự tử có thể được dùng để nói về trường hợp này hay không, bác sĩ Magali Bodon-Bruzel nhận xét :

« Trong trường hợp này, người phi công muốn mang lại cái chết cho mình, nhưng cần phải nói đến hai khía cạnh trong vấn đề này. Một mặt là tâm lý học tội phạm, và mặt thứ hai là tính chất nguy hiểm về tâm thần. Tôi muốn tiếp tục nhận định của người đồng nghiệp của tôi, đó là hiện tượng này vượt xa khỏi một hành động tự sát theo nghĩa hẹp. Trong tâm thần học, người ta có thể nói đến hiện tượng ‘‘rối loạn ám sợ lan tỏa’’ (trouble anxieux généralisé), nhưng ở đây rõ ràng người này có ý định thực hiện một hành vi tội ác, và hành động đó vượt quá khỏi khả năng kiểm soát của anh ta.

… Chúng ta có ở đây một người cảm thấy là nạn nhân, muốn tố cáo một điều gì đó, bằng một hành động kỳ vĩ (theo giải thích của người bạn gái cũ, được báo chí dẫn lời), nhưng không thấy được hậu quả khủng khiếp của hành động mà anh ta làm, hoặc thấy được, nhưng việc đó chúng ta không biết rõ. Hành động của anh ta rõ ràng là có chủ ý ».

Cần xác định rõ mối quan hệ giữa bác sĩ điều trị và bác sĩ lao động

Nhà tâm thần học Magali Bodon-Bruzel thừa nhận rằng, với những thông tin biết được, đây là một trường hợp hết sức phức tạp, không thể kết luận chỉ qua một số xét nghiệm lâm sàng. Để ngăn ngừa một trường hợp tương tự xảy ra, bác sĩ Magali Bodon-Bruzelc nhấn mạnh đến mối liên hệ cần thiết giữa bác sĩ điều trị và bác sĩ lao động, một khi đặt ra vấn đề tình trạng tâm lý, tâm thần không đủ khả năng làm việc, hoặc có nguy cơ dẫn đến những hiểm họa không lường.

Bác sĩ Michel Debout đặc biệt chú ý đến mối liên hệ giữa tự sát và công việc chuyên môn. Một số thông tin về phi công Andreas Lubitz cho thấy anh ta vốn là người vô cùng say mê công việc của mình. Bác sĩ Michel Debout nhấn mạnh đến thời điểm Lubitz phải nghỉ khóa đào tạo phi công để điều trị trong nhiều tháng. Dường như không ai cùng với anh ta đề cập đến những suy nghĩ về nghề nghiệp, dường như người ta đã để mặc cho người phi công tập sự sống với thế giới mơ tưởng của riêng mình, có thể là với « giấc mơ về sức mạnh toàn năng của người lái phi cơ ».

Về vấn đề cơ chế, bác sĩ Magali Bodon-Bruzel nhấn mạnh đến mối quan hệ cần được làm rõ giữa bác sĩ và người sử dụng lao động, để làm sau khi phát hiện được những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, người bác sĩ có thể thông báo yêu cầu buộc nghỉ ốm cho công ty (nhưng không thông báo nội dung liên quan đến bí mật y khoa), để công ty có hành động ngăn chặn kịp thời.

Đài quan sát quốc gia về tự sát : hướng tới một nền y tế dự phòng

Về vấn đề tự sát, bác sĩ Michel Debout muốn có một cái nhìn mang tính dự phòng xa hơn là những liên lạc trực tiếp giữa bác sĩ điều trị với cơ sở làm việc, hoặc trực tiếp, hoặc thông qua bác sĩ lao động. Ý tưởng Đài quan sát quốc gia về tự sát (Observatoire national du suicide) ông ấp ủ hàng chục năm vừa thành hình hồi mùa thu năm 2013.

« Đài quan sát đã ra đời. Nó đã hoạt động, một báo cáo thường niên đã được công bố cách nay ít tháng. Và có một nghiên cứu mới đang tiến hành.

Trong một thời gian dài, người ta không tính đến quan hệ giữa tự sát và vấn đề việc làm tại Pháp. Tôi có làm một báo cáo năm 1993, tại Hội đồng Kinh tế Xã hội, tôi đã kêu gọi thành lập một Đài quan sát như vậy. Cần 20 năm mới ra đời được một cơ sở như vậy tại một quốc gia, không thể nói là thiếu các phương tiện chữa trị, các phương tiện thậm chí hết sức tân tiến. Nhưng có một thứ chúng ta thiếu, đó là “văn hóa dự phòng” ».

Theo bác sĩ Michel Debout, các đối tác trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các bác sĩ cần phải thâu hóa được khái niệm y tế dự phòng, với các bệnh nói chung, nhưng đặc biệt là tự sát.

Vì tự sát là điều khó nói, liên quan đến những gì rất riêng tư, liên quan đến quan niệm của bản thân về ý nghĩa cuộc sống, những vấn đề triết học, tôn giáo… Cần nhắc lại là các tôn giáo trong nhiều thế kỷ đã cấm cản hành động tự sát. Người ta đã đối xử rất bạo lực với cơ thể của những người tự sát. Trong một thập niên tới, chính sách về vấn đề y tế phòng ngừa cần phải tương đương với chính sách y tế chăm sóc.

Điều căn bản là cơ hội được nói, được nhìn nhận

Định hướng mà bác sĩ Michel Debout hy vọng có thể giải quyết căn bản vấn nạn tự sát là tạo điều kiện để những người trong cuộc có cơ hội được nói, được lắng nghe.

« Cần chú ý là lời nói không làm thay đổi hiện thực. Nhưng ít nhất nó cho phép người ta tìm được một khoảng cách với hiện thực, và qua đó tăng cường sức mạnh của mình trong đời sống, chứ không phải với việc khép mình lại trong ám ảnh về cái chết, ví dụ như vậy.

Tôi nhớ rằng nhân vật này đã nói tôi muốn biến mất, tôi có bao nhiêu vấn đề, … mà các vấn đề có thể là nghiêm trọng đến mức mà người ta không đủ sức đối mặt,… hoặc là người ta được sự giúp đỡ của người khác, người ta có thể giữ một khoảng cách, tìm ra một khả năng vẫn còn trong bản thân để vượt thoát.

Chúng ta thấy cần phải phân biệt các nhân tố tâm lý với các nhân tố xã hội, gần với hiện thực hơn. Hiện thực nhiều khi rất khó chịu đựng. Ví dụ như thất nghiệp, tình trạng này có thể dẫn đến những trạng thái trầm cảm, mất niềm tin, mất tự tin… tức là các nguy cơ dẫn đến tự sát. Nhưng ngược lại, đối với những người đang làm việc, nhiều khi họ cũng phải đối mặt với nạn bạo hành tinh thần trong công việc...

Trong môi trường công việc, có nhiều nhân tố dẫn đến trầm cảm, mất tự tin, mất tự tin vào khả năng làm việc : đó là những nguy cơ dẫn đến tự sát. Điều này cũng liên quan đến cái nhìn của xã hội về lao động, đến việc tổ chức lao động.

Cuối cùng vấn đề đặt ra là liệu công việc có cho phép rất đông đảo mọi người trong xã hội được hiện thực hóa bản thân, được phát triển, có được một đường đời cá nhân, nghề nghiệp, xã hội, cho phép khẳng định một vị trí, hay không ? Hay lao động là môi trường chỉ có mục tiêu duy nhất là lựa chọn những người có tay nghề hoàn hảo nhất, để mặc những người khác với những bất hạnh của riêng họ ».

Trong một chương trình đầu năm với RFI (bài « Làm thế nào để phòng ngừa tự sát ? », tạp chí « Priorité santé »), giáo sư Frédéric Rouillon, giảng viên tâm thần học Đại học Paris Descartes (Paris 5), trưởng khoa bệnh viện tâm thần Hôpital Sainte Anne nhắc đến một nguyên nhân khác dẫn đến tự sát và ý nghĩa của lời nói.

« Tất cả những ý tưởng tự sát, hay những mưu toan tự sát không nhất thiết phải bắt nguồn từ các căn bệnh tâm thần. Những khó khăn lớn trong cuộc sống, những thất vọng, những cú sốc tâm lý, stress thực sự đều có thể gây ra những ý định tự sát.

Tôi cho rằng, không có gì tệ hơn là việc bị cô độc với những thất vọng của mình, những biến cố đau đớn mà mình đã trải qua. Lắng nghe, nói chuyện với người có vấn đề về những đau khổ của người đó ; được nói lên những tâm sự đó mang lại cho người trong cuộc sự dễ chịu. Tất nhiên là phải nói chuyện với những người chú tâm, những người có đủ tình thương để hiểu được những gì đã xảy ra, những gì khiến người đó bị tổn thương, khiến người đó dự định chấm dứt cuộc đời mình, vì một nỗi thất vọng lớn lao như vậy.

May mắn thay, không phải tất cả những ai trải qua những thất vọng lớn, đau buồn lớn đều mưu toan tự sát. Nỗi buồn là một triệu chứng của sự trầm cảm, nhưng buồn không đồng nhất với trầm cảm. Người ta có thể buồn, nhưng không trầm cảm. Ngược lại, ít có trường hợp nào người bị trầm cảm lại không có nỗi buồn.

Tuy nhiên, vấn đề là, nhiều người đau buồn - nếu không được sự giúp đỡ của những người xung quanh, hoặc những hỗ trợ tâm lý khác - có thể dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm, và từ đó tình hình càng trở nên đáng ngại đối với người ấy, từ đó có thể dẫn đến một hành động tuyệt vọng.

Chính vì vậy, người có vấn đề cần được sự giúp đỡ ngay từ sớm. Không nhất thiết phải với một bác sĩ tâm thần, mà có thể một nhà tâm lý, những người bạn, để cho phép người đó được bày tỏ, để giúp cho người đó vơi bớt nỗi đau buồn. »

Công việc : sợi dây gắn bó với cuộc sống

Trở lại với vấn đề công việc và tâm lý con người, vì sao ông lại vô cùng chú trọng đến mối quan hệ này, bác sĩ Michel Debout giải thích :

« Công việc có một vị trí đặc biệt. Với tình hình thất nghiệp hiện nay, một trong những hiểm họa đe dọa một bộ phận lớn người Pháp là mất việc. Người ta cảm nhận mỗi khi thể hiện ra rằng mình có những yếu đuối cá nhân, thế là tương lai nghề nghiệp của họ cũng bị đe dọa, công việc của họ bị đe dọa. Phản ứng của họ là che giấu, nghĩa là điều không nên làm một chút nào, che giấu ngay cả với bác sĩ…

Bởi khi anh có bệnh, có nghĩa là anh phải rời bỏ vị trí trong xã hội. Điều này cần phải xem xét, bởi vì bệnh tật không những là tình huống cần đến sự nghỉ việc, mà điều này đòi hỏi sự chăm sóc, cần phải nhìn nhận nỗi khó khăn của mỗi người, và đồng thời nhìn nhận thực tế của một tập thể trong công việc, quá trình tổ chức làm việc, ý nghĩa của công việc.

Viên phi công này là tiêu biểu cho trường hợp của một người, mà đối với anh ta công việc là tất cả, thậm chí là toàn bộ vũ trụ. Không việc làm, chính bản thân anh ta cũng tự hủy diệt. Có nghĩa là bản thân anh ta không tồn tại, nhưng cũng không còn gì tồn tại nữa, kể cả những người khác cùng chết với anh ta ».

Bác sĩ Michel Debout lưu ý giới hạn của các trắc nghiệm tâm lý, tâm thần, tự cho là có thể biết hết được toàn bộ về con người. Thực sự là trong đời sống của mỗi con người, luôn luôn có một phần bí ẩn. Và mỗi con người đều chuyển biến, nhân cách của mỗi người đều thay đổi theo thời gian. Có những điều là thực đúng vào một thời điểm, nhưng có thể sẽ không tồn tại nữa vài năm sau đó. Môi trường công việc có một ý nghĩa hết sức hệ trọng với con người, có thể hướng người ta đến những điều tốt đẹp, nhưng sự cô độc cũng có thể đẩy người ta đến những hành động khôn lường.

« Cần quan tâm làm sao để cho phép mỗi người, khi cảm thấy khó ở, có thể nói ra, hơn là lặng thinh, câm nín… Điều cần thấy là việc buộc ngừng làm việc đối với người có vấn đề tâm thần là không đủ, cần phải tìm ra các biện pháp khác… Trong trường hợp người phi công nói trên, khi anh ta đến nơi làm việc, đã không có ai nhận ra anh ta có biểu hiện bất thường. Như vậy, rõ ràng anh ta có khả năng thể hiện như là một người bình thường, hơn nữa về mặt thao tác thể hiện là người hoàn toàn chắc chắn, vì làm được nhiều động tác đòi hỏi sự thành thạo. Trong khi đó, trên thực tế anh ta bị xâm chiếm hoàn toàn bởi một tư tưởng hoàn toàn hoang tưởng, một tư tưởng về ngày tận thế.

Đáng ra cần phải làm gì ? (…) Cần phải giúp cho anh ta tin tưởng, và vào thời điểm đó giúp cho anh ta được điều trị, và nhờ thế sau khi giai đoạn này qua đi, anh ta có thể quay trở lại công việc với một sự giám sát đặc biệt, để bảo đảm an toàn.

Trong vấn đề an toàn, ta nói đến vấn đề máy bay. Tôi nhớ đến bộ phim ''La bête humaine'' với diễn viên chính Jean Gabin, dựng theo tác phẩm cùng tên của Emile Zola. Trong phim, người lái tàu tăng tốc tối đa, rồi nhảy ra khỏi đoàn tàu, để mặc nó rơi vào tai nạn. Chúng ta thấy, không chỉ với máy bay…

Trong trường hợp người phi công này, bác sĩ đã chẩn đoán được tình trạng của anh ta. Nhưng vấn đề không chỉ là chẩn đoán, mà là làm gì sau khi chẩn đoán đã được đưa ra ».

Tự sát không phải là định mệnh

« Tôi muốn nhấn mạnh một điều. Chúng ta nói đến sự mỏng manh về tâm lý của một con người. Có những người tâm lý mỏng manh, mỏng manh do bản tính dễ tổn thương của họ. Nhưng có cả những người bị hoàn cảnh khiến cho trở nên dễ tổn thương, đặc biệt trong môi trường việc làm. Và có những người thuộc nhóm thứ ba, vừa có tâm lý mỏng manh, lại vừa bị môi trường làm cho dễ tổn thương. Như vậy, ta thấy một loạt các trạng huống đi từ nhẹ đến nặng.

Điều quan trọng là, dù là ở nơi làm việc, dù trong đời sống học đường… điều quan trọng là có được niềm tin rằng : cuộc sống có giá trị hơn cái chết, mà đôi khi cái chết của một người kéo theo cái chết của nhiều người khác. Khi chúng ta có một niềm tin như vậy, có một đức tin là tự sát không phải là một định mệnh, rằng một người đã mưu toan tự sát một lần, sẽ tiếp tục tìm cách tự sát trong tương lai.

Không, một số phận hoàn toàn khác là có thể, và không chỉ có thể, mà đây còn là điều xảy ra thường xuyên. Một người từng có mưu toan tự sát trong quá khứ có thể tìm ra một con đường khác, một con đường sống, chứ không nhất thiết phải khóa chặt mình trong cái chết ».

Tin bài liên quan

Vụ Germanwings: Tranh luận về bí mật y tế

Germanwings : Tự tử hay khủng bố tự sát ?

Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam : Những bế tắc của một hệ thống

Y tế 2013 : Phòng bệnh và điều trị sớm trở thành xu thế

Việt Nam : Nạn bức cung, nhục hình vẫn phổ biến

Việt Nam : Hai dân oan Dương Nội cắn lưỡi « tự tử » trong trại tạm giam ?

Ảnh trang bìa tuần báo Le Nouvel Observateur
Ảnh trang bìa tuần báo Le Nouvel Observateur

Rối loạn lưỡng cực : một bệnh lý khó chẩn đoán

Sau thảm nạn máy bay, một số giả thuyết được ra để giải thích nguyên nhân bệnh nào đã thúc đẩy viên lái phụ Andreas Lubitz đưa 149 người và anh ta vào cõi chết. Tờ Le Figaro, số ra ngafy 31/01/2015, dẫn tin từ một nhật báo Đức, theo đó rất có thể Andreas Lubitz bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực (troubles bipolaires).

Rối loạn lưỡng cực, còn thường được gọi là chứng hưng trầm cảm (maniaco-dépressif), là một căn bệnh tâm thần phổ biến. Nhưng theo các chuyên gia, cần trung bình khoảng 10 năm mới có thể chẩn đoán được chính xác. Đây cũng là điều mà hiệp hội Argos 2001 – tổ chức thông tin và trợ giúp người rối loạn lưỡng cực – nhắc lại nhân ngày Thế giới về bệnh rối loạn lưỡng cực 30/03 hàng năm (ngày 30/03 là ngày sinh của danh họa Van Goh, bị hưng trầm cảm).

Giáo sư tâm thần học Philippe Courtet, phụ trách trung tâm chuyên về các bệnh rối loạn lưỡng cực vùng Languedoc-Roussillon (Pháp), khẳng định « rối loạn lưỡng cực dẫn đến tự sát nhiều hơn trầm cảm ». Nhà tâm thần học Frédéric Rouillon, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí La recherche, cho biết có đến « một phần năm người rối loạn lưỡng cực tự sát ».

Việc chậm và khó chẩn đoán gắn với bản chất của chính căn bệnh này. Đó là sự luân phiên giữa hai pha trầm cảm và hưng cảm, và xen giữa chúng là các giai đoạn « bình thường ». Tình hình càng phức tạp hơn khi pha hưng cảm – tức trạng thái hưng phấn, hoạt động mãnh liệt về tinh thần và thể chất – có thể giảm nhẹ và trở nên khó phát hiện, gọi là « hypomane » (cuồng hứng nhẹ) theo giới chuyên môn. Theo Giáo sư Philippe Courtet, trạng thái này thậm chí có thể khiến người bệnh cảm thấy « sảng khoái ». Chính vì vậy, ít người chấp nhận đi khám bác sĩ trong trạng thái này…. Việc chẩn đoán nhầm một người « hưng trầm cảm » là « trầm cảm » là chuyện khá phổ biến.

Hiện tại, theo các chuyên gia, y học đương đại đã tìm ra được nhiều phương tiện để khắc chế chứng bệnh nói trên, đặc biệc với việc sử dụng lithium (tất nhiên với nhiều tác dụng phụ cần được kiểm soát). Theo Giáo sư Frank Bellivier – người được trao giải thưởng Marcel Dassault năm 2014 về những cách tân trong nghiên cứu các bệnh về tâm trí -, « liệu pháp với lithium cũng cho phép phòng ngừa tự sát một cách hiệu quả ». Điều quan trọng mà Giáo sư Frank Bellivier nhấn mạnh là hiệu quả trị liệu phải dựa trên việc điều trị ngăn chặn trước, để một pha bệnh mới không tái diễn.

Rối loạn lưỡng cực là nguyên nhân gây tàn tật xếp hàng thứ sáu trên thế giới. Riêng tại Pháp, khoảng 2% dân số bị ảnh hưởng. Năm nay là năm đầu tiên Pháp tổ chức sự kiện ngày Thế giới bệnh rối loạn lưỡng cực. Tạp chí Priorité Santé của RFI có chương trình dành cho chủ đề này, với các khách mời là Giáo sư Frank Bellivier và ông Rodolphe Viémont, người mắc lưỡng cực và cũng là đạo diễn bộ phim « Humeur liquide, être bipolaire » (tạm dịch : Tâm trạng trôi chảy, sống với lưỡng cực), với DVD vừa ra mắt tháng 3/2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.