Vào nội dung chính
HẠT NHÂN - IRAN

Đàm phán hạt nhân Iran bước vào giai đoạn quyết định tại Lausanne

Nhiều dấu hiệu từ Lausanne, Thụy Sĩ, cho thấy cuộc mặc cả giữa Phương Tây với Iran đã tới hồi quyết liệt. Ngoại trưởng Mỹ hủy bỏ chương trình trở về Mỹ vào ngày mai 30/03/2015. Ngoại trưởng Pháp và Anh cũng thông báo ở lại Lausanne. Thủ tướng Israel lo ngại và dự báo Tây phương sẽ nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận nguyên tắc với Teheran vào ngày 31/03, đúng kỳ hạn quy định.

Tại Lausanne, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa bên trái), thảo luận với đồng nhiệm Iranien Javad Zarif (giữa bên phải), 26/03/2015.
Tại Lausanne, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (giữa bên trái), thảo luận với đồng nhiệm Iranien Javad Zarif (giữa bên phải), 26/03/2015. REUTERS/Brendan Smialowski/Pool
Quảng cáo

Bất đồng nghiêm trọng nhất hiện nay là Iran đòi Tây phương phải tức khắc bãi bỏ cấm vận. Trong phe các cường quốc, Pháp giữ lập trường cứng rắn nhất không nhượng bộ một ly, nhưng Paris cũng rất lo ngại Washington đi đêm chiều ý Teheran.

Đặc phái viên Sami Boukhelipha từ Lausanne phân tích :

Nếu như có một thỏa thuận chính trị, thì thỏa thuận này sẽ không thể đạt được trước thời hạn quy định 31 tháng 3. Theo một nguồn tin ngoại giao Phương Tây, phía Iran rất muốn thương thuyết trong bối cảnh đàm phán đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn. Nếu như Teheran chấp nhận xét lại lập trường của mình để có được một thỏa thuận, thì điều này sẽ không xảy ra trước ngày cuối cùng, thậm chí trước giờ cuối cùng, có nghĩa là nửa đêm ngày thứ Ba.

Trong khi chờ đợi, các đàm phán vẫn bế tắc trên những điểm căn bản, và vào thời điểm quyết định này, các bên hối thúc nhau chấp nhận những nhân nhượng quan trọng.

Các cường quốc kêu gọi Iran có những quyết định cần thiết, trực tiếp và không thể đảo ngược được, về chương trình hạt nhân. Để đi đến một thỏa thuận, họ buộc Teheran phải tuân thủ một loạt các biện pháp, như đặt chương trình hạt nhân nước này dưới sự kiểm soát quốc tế. Và quyết định này tất nhiên phải có hiệu lực ngay lập tức. Để đổi lại, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ dần dần được dỡ bỏ các trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc áp đặt.

Những điều kiện nói trên là toàn bộ vấn đề đối với Iran : Teheran cảm thấy bị tổn thương, vì bị đòi hỏi quá nhiều và phải tuân thủ ngay lập tức. Trong khi đó, Iran sẽ nhận được ít, và sẽ phải mất nhiều năm trước khi tất cả các trừng phạt được dỡ bỏ. Lập trường vốn có của các cường quốc trong vấn đề này không phải là « mỗi bên có một nhượng bộ về phần mình, và tất cả cùng nhau tiến lên », mà thiên về quan điểm Iran có trách nhiệm phải điều chỉnh, vì nước này vi phạm luật quốc tế.

Theo một nguồn tin ngoại giao Phương Tây, sẽ có thể có một số nhân nhượng, tuy nhiên vấn đề là các nỗ lực phải mang tính tập thể. Bí ẩn lớn nhất hiện nay là lập trường khá đặc biệt của Pháp trong các đàm phán. Ngược lại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, có thái độ rất mềm dẻo, lãnh đạo ngoại giao Pháp nổi tiếng với thái độ cứng rắn trong hồ sơ này. Ngoại trưởng Laurent Fabius yêu cầu một thỏa thuận « nặng ký ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.