Vào nội dung chính
PHÁP - HÀNG KHÔNG - TAI NẠN

Những câu hỏi xung quanh vụ tai nạn hàng không tại Pháp

Phủ kín trang nhất các báo Pháp ra hôm nay là vụ tai nạn hàng không kinh hoàng trên dãy Alpes miền nam nước Pháp hôm qua khiến 150 người trên chiếc Airbus A320 của hãng hàng không Đức Germanwings thiệt mạng.

Ảnh chụp tại nơi xảy ra tai nạn ngày 25/03/2015, của Bộ Nội vụ Pháp.
Ảnh chụp tại nơi xảy ra tai nạn ngày 25/03/2015, của Bộ Nội vụ Pháp. REUTERS/French Interior Ministry/Handout
Quảng cáo

Những hình ảnh chính được các báo đăng tải hôm nay là một khe núi rộng khoảng 2 ha rải đầy các mảnh vỡ vụn của chiếc máy . Libération cho thấy mức độ thảm khốc của vụ tai nạn qua hàng tựa lớn trích từ lời của một nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường ngay sau vụ tai nạn: « Không còn gì ngoài các mảnh vụn và những thi thể ». Tờ báo nhấn mạnh đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất xảy ra trên lãnh thổ Pháp từ hơn 30 năm qua. Lướt qua trang nhất các tờ báo chính ở Pháp, người đọc có thể gặp những hàng tựa như « Ngày thứ Ba đen trên bầu trời Pháp » của tờ Les Echos ; l’Humanité thì than thở : « Thảm kịch hàng không trong dãy Alpes của Pháp » ; trong khi đó La Croix nhấn mạnh đau thương : « Vụ máy bay Airbus rơi phủ màu tang tóc lên Châu Âu ». Nhật báo Le Parisien chạy tựa lớn « Bí ẩn của vụ máy bay rơi trong dãy núi Alpes ». Cùng cái nhìn đó Le Figaro đặt « những câu hỏi xung quanh thảm họa A320 ».

Rất có thể chiếc máy bay đã lao đầu vào vách núi với tốc độ khoảng 700km/h. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra lúc này đó là điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Germanwings trong khoảnh khắc định mệnh từ 10h30 hôm qua, khi chiếc máy bay bắt đầu mất độ cao lao đầu xuống dãy Alpes.

Hiện tại không ai biết gì hơn ngoài hiện trường tang thương của vụ tai nạn. Cuộc điều tra mới chỉ bắt đầu và không một nguyên nhân nào bị loại trừ. Tuy vậy, các báo vẫn cố gắng đưa ra giả thuyết ưu tiên của vụ tai nạn. Theo Le Figaro trích thông tin của hãng chủ quản, trên phương diện kỹ thuật, chiếc máy bay A320 này đã qua 25 năm sử dụng, vừa mới qua kiểm tra kỹ thuật hôm trước cũng như là giám định tổng thể hồi mùa hè năm 2013. Phi công là người có thâm niên trong nghề, đã từng tích lũy 10 năm kinh nghiệm bay, trong đó có 6000 giờ lái Airbus. Ngoài ra tờ báo nhấn mạnh là điều kiện thời tiết khi xảy ra tai nạn ổn định. Le Figaro dẫn một nguồn thạo tin nói rằng ít có khả năng máy bay nổ giữa trời và chưa có dấu hiệu gì có thể liên hệ với một vụ tấn công khủng bố. Lái trưởng của hãng Germanwings nói : « Chúng tôi không hiểu tại sao máy bay bị mất độ cao, cũng như trong hoàn cảnh như thế nào ».

Tóm lại, Le Figaro đưa ra 5 hướng nguyên nhân tai nạn : Đó là điều kiện thời tiết ; khoang máy bay bị mất điều áp đột ngột do máy bay bị thủng chẳng hạn ; khả năng máy bay va đập với chim ; trục trặc kỹ thuật hay khả năng bị khủng bố. Nhưng tất cả các giả thuyết trên đều không có cơ sở vững chắc, các chuyên gia vẫn có thể đưa ra những lập luận để bác bỏ.

Như vậy phải đợi giải mã hộp đen thì những bí ẩn mới có thể được làm sáng tỏ phần nào. Hôm qua chiếc hộp đen đầu tiên tìm thấy trong khu vực tai nạn đã được chuyển cho các nhà điều tra.

Liberation cũng nêu thắc mắc không hiểu vì sao tổ lái đã không truyền đi một tín hiệu nguy cấp. Tờ báo dẫn nguồn tin của đài kiểm soát không lưu Aix-en-Provence cho biết thông tin cuối cùng họ nhận được là tín hiệu báo máy bay đã vào vùng do đài kiểm soát. Trung tâm đã phát tín hiệu báo động tự động lúc 10 giờ 30 tức là khoảng 4 hay 5 phút sau khi gọi, nhưng phi công không trả lời và các nhân viên của đài không thể làm gì hơn.

Huy động khắc phục hậu quả

Vẫn xung quanh thảm họa hàng không hôm qua, các báo đều ghi nhận bầu không khí đau thương tang tóc ở Đức và Tây Ban Nha, hai nước có công dân chiếm đa số trong 150 nạn nhân của vụ máy bay rơi.

Libération ghi nhận « Từ Dusseldorf đến Barcelona , Châu Âu trong tang tóc ». Theo tờ báo, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã hủy mọi lịch gặp gỡ trong ngày hôm qua, Tổng thống Joachim Gauck cũng cắt ngắn kỳ nghỉ tại Nam Mỹ , Quốc hội ngừng phiên làm việc. Tất cả để tập trung vào vụ tai nạn đau thương với ít nhất 67 nạn nhân là người Đức, trong đó có 16 học sinh và hai trẻ sơ sinh.

Còn tại Tây Ban Nha, cũng tương tự chính phủ ngừng mọi công việc thường nhật, tập trung giải quyết khủng hoảng và quan tâm đến gia đình nạn nhân. Vua Tây Ban Nha cũng đã ngừng chuyến thăm chính thức Pháp ngay khi vừa được Tổng thống Pháp tiếp đón tại điện Elysée trưa hôm qua.

Bài học từ mô hình Lý Quang Diệu

Khép lại những trang báo đầy đau thương về vụ tai nạn hàng không chuyển qua các thời sự quốc tế khác. Liên quan đến Châu Á, nhật báo le Monde dành bài xã luận với tiêu đề "Châu Á : Những bài học từ mô hình Lý Quang Diệu".

Mở đầu bài viết, Le Monde dành cho nhà lập quốc Singapore vừa qua đời những lời đánh giá : « Ít người có đóng góp được như ông để kiến tạo Châu Á đương đại... Trong vòng 30 năm làm Thủ tướng Sigapore, Lý Quang Diệu đã phát minh ra một mô hình phát triển : Chế độ tư bản chuyên chế duy lý ».

Le Monde viết tiếp : « Với những ít nhiều thành công đó, ông đã là hình mẫu để học hỏi cho nhiều nước trong vùng, mà bắt đầu phải kể đến Trung Quốc. Di sản của ông Lý để lại đã vượt qua biên giới của quốc đảo 5 triệu dân ».

Không chỉ có Trung Quốc muốn theo gương của Lý Quang Diệu. Nhiều nước đã cố gắng học hỏi từ mô hình Nhà nước chuyên quyền, nếu không muốn nói là độc tài . Đó là những nước từ vùng Vịnh cho đến nước Nga và một số các nước mới nổi lên.

Xã luận báo Le Monde lấy làm tiếc là những nước đến học hỏi mô hình Singapore đó chỉ giữ được bài học chuyên chế mà bỏ qua bài học về thành công chống nạn tham nhũng hay chất lượng quản lý công của đất nước này.

Le Monde nhận định, Lý Quang Diệu đã để lại Cambridge (nơi ông theo học) một phần hành trang: Đó là nền dân chủ. Ông nhận thấy chế độ dân chủ không phù hợp với một xã hội Trung Quốc hay thậm chí cả với toàn bộ Châu Á. Ông diễn giải lại đạo Khổng, một dạng như cây bung xung hứng chịu cả tiếng xấu lẫn tiếng tốt, bởi vì chẳng có ai hiểu được gì nhiều về nhà hiền triết Trung Hoa đó để có thể giương cao « giá trị Á Châu » mà người ta chỉ dùng một số triết lý nguyên tắc của Khổng Tử để biện minh cho sự thiếu vắng dân chủ.

Theo Le Monde, trên điểm này, ông Lý đã nhầm. Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước khác trong vùng, đang cho thấy dân chủ hoàn toàn thích hợp được với « các giá trị Châu Á ».

Xã luận Le Monde cũng ghi nhận, từ vài năm qua, Singapore đang đi theo hướng xây dựng ở quốc đảo một Nhà nước pháp quyền.

Tờ báo kết luận : Như để hài hòa giữa tự do kinh tế và tự do chính trị, chắc chắn người ta sẽ lại lôi Khổng Tử ra để biện minh cho « các giá trị Châu Á ».

Bước đi mới của Nga nhằm thâu tóm không gian hậu Xô Viết

Nhật báo Le Figaro chú ý tới nước Nga qua sự kiện Matxcơva ký hiệp ước nhằm xác lập liên minh với hai nước cộng hòa ly khai với Gruzia. Bài viết mang tựa đề : « Matxcơva tự khẳng định trong vùng ảnh hưởng của mình ».

Tờ báo ghi nhận, sau khi sáp nhập Crimée và gây mất ổn định miền đông Ukraina, Nga đẩy thêm con tốt trên bàn cờ với Gruzia. Tuần trước Kremlin đã ký các hiệp ước nhằm xác lập « Liên minh đối tác chiến lược » với hai nước cộng hòa ly khai khỏi Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia. Các hiệp định vừa ký dự trù thắt chặt quan hệ kinh tế, xã hội và chiến lược với hai vùng lãnh thổ mà Nga đã và đang chiếm giữ về mặt quân sự. Chính quyền Gruzia đã lên án động thái của Nga là « một bước đi bổ sung, trực tiếp hướng tới việc sáp nhập hai vùng lãnh thổ này vào Nga ».

Ở Tbilisi, người ta đã nhận rõ sáng kiến trên của Nga như là một cách để « trừng phạt » Gruzia đã ký thỏa thuận làm thành viên liên kết của Liên Hiệp Châu Âu bất chấp sức ép của Kremlin.

Từ sau vụ Crimée, những động thái ngoại giao cũng như quân sự của Nga gần đây đang khiến cho các nước trong Liên Xô cũ cũng như các quốc gia láng giềng Đông Âu không khỏi lo ngại những tính toán của điện Kremlin.

Mỹ - Israel : Quan hệ càng lạnh nhạt

Tiếp tục với thời sự quốc tế. nhật báo Libération quan tâm đến mối quan hệ giữa Washington và Tel Aviv, sau khi đảng của ông Netanyahu thắng cử và đang bắt tay thành lập chính phủ mới.

Theo tờ báo, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel vẫn căng thẳng, thậm chí Washington còn có thể xem lại sự ủng hộ Tel Aviv tại Liên Hiệp Quốc.

Libération nhắc lại là từ nhiều thập kỷ nay, Hoa Kỳ luôn không chịu để cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một vai trò nhỏ nào trong tiến trình hòa bình ở Cận Đông. Thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, nhiều đời Tổng thống Mỹ vẫn thay phiên nhau bảo vệ nguyên tắc : Chỉ có đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine là bảo đảm có được nền hòa bình bền vững.

Sau sáu năm cố gắng không mang lại hiệu quả nào cho tiến trình hòa bình ở Cận Đông, giờ đây ông Obama dường như muốn thay đổi chính sách đối với Israel, nhất là thời gian gần đây quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Netanyahu ngày càng trở nên lạnh nhạt .

Thi hành án tử hình tại Mỹ : Thiếu thuốc độc quay lại bắn

Liên quan đến Mỹ, vẫn trên nhật báo Libération có bài viết đáng chú ý về việc tiểu bang Utah vừa quyết định quay trở lại hành quyết tử tội bằng súng.

Lý do là tiểu bang này bị thiếu thuốc độc để thi hành án tử hình, cộng thêm với sự cố thuốc pha chế không đủ độ gây ra một số trường hợp tử tù bị tiêm thuốc đã phải chết trong cơn hấp hối đau đớn như ở tiểu bang Ohio và Oklahoma gần đây. Tuy nhiên việc trở lại với hình thức quyết tử tù bằng xử bắn cũng gây nhiều phản ứng trong dư luận Mỹ. Theo một thăm dò dư luận, phần đông cho việc xử bắn là « dã man » , chỉ có 12% người Mỹ chấp nhận hình thức xử bắn tử tội.

Theo Trung tâm thông tin về án tử hình, hiện có 8 tiểu bang ở Mỹ cho phép hành quyết tử tội bằng ghế điện, bốn bang cho phép dùng buồng khí và ba bang cho phép hành hình bằng treo cổ. Tháng tới Tòa án tối cao Mỹ sẽ phải ra phán quyết về tính hợp hiến của hình thức tiêm thuốc độc, vốn đã được chấp nhận từ năm 2008. Hiện ở Mỹ còn 3000 người đang chờ trong hành lang tử thần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.