Vào nội dung chính
PHÁP-VŨ KHÍ

Pháp : tiêm kích Rafale đã được thử thách qua tác chiến

Biểu tượng của ngành công nghệ hàng không quân sự Pháp, tiêm kích Rafale của tập đoàn Dassault Avion là loại máy bay đa năng, đã được thử thách qua tác chiến và hiện đang tham gia các chiến dịch chống khủng bố tại Irak.

Rafale cất cánh từ căn cứ quân sự Istres -miền nam nước Pháp.
Rafale cất cánh từ căn cứ quân sự Istres -miền nam nước Pháp. AFP PHOTO/ERIC PIERMONT
Quảng cáo

Ông Edward Hunt, chuyên gia cao cấp thuộc cơ quan tư vấn chiến lược quân sự Anh Quốc IHS Jane’s giải thích : « Rafale là tiêm kích thế hệ bốn, được đánh giá là một trong những loại máy bay đa năng hoàn thiện nhất hiện nay ». Máy bay này có lợi thế là được thiết kế, chế tạo bởi một đối tác, do vậy, được hoàn thiện nhanh so với các loại tiêm kích khác như Typhoon/Eurofighter, đặc biệt là khả năng tiếp nhận trang bị các loại các vũ khí mới.

Ngay từ lúc đầu, Rafale được thiết kế như một loại máy bay đa năng, tức là có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của không quân Pháp. Do vậy, tiêm kích này đã có ngay được khả năng tác chiến kể từ khi được đưa vào sử dụng, năm 2004.

Tiêm kích Rafale được huy động vào việc phòng không, ném bom chiến lược và hỗ trợ lực lượng mặt đất, chống tàu chiến và do thám.

Do có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong một chuyến bay, Rafale cũng là phương tiện nâng cao khả năng răn đe hạt nhân của Pháp.

Được triển khai ngay từ năm 2007 tại Afghanistan, Rafale là loại tiêm kích đầu tiên can thiệp vào Libya năm 2011, rồi Mali năm 2013 trong khuôn khổ chiến dịch Serval (Mèo rừng Châu Phi). Tại đây, Rafale đã tỏ rõ là tiêm kích ưu việt, thực hiện các đợt oanh kích xa căn cứ nhất trong lịch sử không quân Pháp : 9 giờ 35 phút bay, giữa căn cứ không quân Saint-Dizier (vùng Haute-Marne, Pháp) và N’Djamena ở Tchad.

Chín tiêm kích Rafale được huy động tham gia chiến dịch Chammal ở Irak, để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Theo giới chuyên gia, nhờ khả năng triển nhanh, tác chiến hiệu quả, Rafale đã chứng tỏ là phương tiện quân sự xác đáng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, với các cuộc xung đột không đối xứng, chống lại các tổ chức khủng bố hoạt động tản mạn ở nhiều nơi.

Vẫn theo chuyên gia Edward Hunt, « việc máy bay tiến hành các hoạt động tác chiến thành công là điều cần thiết về mặt thương mại ». Một khách hàng tiềm tàng sẽ quan tâm đến các khả năng hoạt động của máy trong những đợt tác chiến.

Rafale, nặng 10 tấn, là tiêm kích duy nhất có thể chuyên trở một khối lượng vũ khí, xăng dầu nặng gấp rưỡi trọng lượng của máy bay, nhờ được trang bị 14 điểm cặm giữ.

Được vẽ theo mô hình chữ delta, có cánh liệng đặt trước cánh máy bay, Rafale được đánh giá là tương đối « tàng hình », phản hồi tín hiệu radar thấp do được chế tạo bằng các vật liệu composite.

Tiêm kích Rafale có thể đạt tốc độ Mach 1,8, tức 2200 km/giờ, cất cánh với đường băng dài 400 mét, tầm hoạt động 1850 km ở độ cao. Khoang lái một hoặc hai phi công, Rafale được thiết kế cho không quân và hải quân, có thể xuất kích từ hàng không mẫu hạm. Cũng nói thêm đây là loại tiêm kích nước ngoài duy nhất được phép xuất kích từ các hàng không mẫu hạm của Mỹ để tham gia tác chiến.

Rafale là sản phẩm của sự hợp tác giữa tập đoàn Dassault (nắm 60% tổng giá trị máy bay), tập đoàn Thales (22%) và tập đoàn sản xuất động cơ Snecma (18%) và được dùng làm tiêm kích của không quân Pháp cho đến năm 2040.

Theo kế hoạch của quân đội Pháp, trong thời gian tới, tiêm kích Rafale sẽ thay thế cho 690 máy bay đã hoạt động từ năm 1995.

Trong ngân sách quốc phòng Pháp, giá mỗi chiếc Rafale lên tới khoảng 100 triệu euro.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.