Vào nội dung chính
PHÁP

Rafale : Hiệu ứng đô-mi-nô ?

Ai Cập đã mua 24 chiếc Rafale, quốc gia nào sẽ là những khách hàng sắp tới của Pháp ? Paris đang kỳ vọng vào hợp đồng khổng lồ 15 tỷ euro với Ấn Độ, và nhiều thành quả tốt đẹp khác với Qatar, Tiểu Vương Quốc Ả Rập, thậm chí là cả với Malaysia.

Rafale của tập đoàn Dassault Aviation.
Rafale của tập đoàn Dassault Aviation. Dassault Aviation
Quảng cáo

Bắt đầu phục vụ cho quân đội Pháp từ năm 2004, nhưng mãi tới tháng 2/2015 Ai Cập mới là khách hàng đầu tiên mua máy bay tiêm kích Rafale của Dassault. Năm 2002, Hà Lan và Hàn Quốc, vào giờ chót, đã hủy dự án mua chiến đấu cơ của Pháp. Năm 2005 đến lượt Singapore bỏ cuộc sau nhiều đợt thương thảo. Tiếp theo đó là cả một chuỗi dài những thất bại với những đối tác như Maroc năm 2007, Thụy Sĩ bốn năm sau đó và gần đây nhất là với Brazil vào năm 2013.

Hai tháng trước khi thủ tướng Ấn Độ chính thức viếng thăm nước Pháp, và một tuần lễ sau khi đã chính thức ký hợp đồng với Ai Cập, bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian tiếp tục nỗ lực thuyết phục New Delhi nhanh chóng quyết định về hồ sơ mua 126 chiếc Rafale, tổng trị giá hợp đồng lên tới 15 tỷ euro.

Theo một tờ báo tài chính Ấn Độ, máy bay tiêm kích Rafale của Pháp đắt hơn so với loại Typhoon của tập đoàn châu Âu Eurofighter. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Manohar Parrikar, không che giấu là ông còn đợi báo cáo về giá cả, chi phí tốn kém lâu dài trước khi lấy quyết định sau cùng. Báo cáo này sẽ được công bố vào đầu tháng 3/2015.

Một số nguồn tin cho rằng, trên thực tế chính quyền của thủ tướng Modi đang do dự giữa chiến đấu cơ Rafale của Pháp với Sukhoi của Nga. Nhưng trong cuộc họp báo nhân hội chợ hàng không quốc tế tổ chức tại Bangalore, Tư lệnh không quân Ấn Độ, tướng Arup Rahar, đã chính thức loại trừ khả năng tiếp tục mua thêm báy bay tiêm kích của Nga.

Viên tướng này còn cho rằng, Không quân Ấn cần hiện đại hóa các trang thiết phòng thủ, máy bay của Pháp và của Nga là những phương tiện « bổ sung » cho nhau. Từ năm 2007, Ấn Độ đã gọi thầu để mua máy bay tiêm kích và từ đầu năm 2012 New Delhi đã chọn tập đoàn Dassault là đối tác để độc quyền đàm phán. Ấn Độ bị đối tác Hoa Kỳ gây áp lực khi muốn mua máy bay của Pháp.

Sau Ấn Độ, bộ trưởng Quốc phòng Pháp tiếp tục đi trào hàng tại Qatar, một quốc gia đang hỗ trợ cả về phương diện tài chính lẫn quân sự phe nổi dậy chống tổng thống Syria Bachar al Assad. Tại đây ông sẽ tiếp kiến tiểu vương Tamim ben Hamad al-Thani và bộ trưởng Quốc phòng Hamid ben Ali al-Attiyah về hợp đồng mua 36 chiếc Rafale. Cũng trong khu vực vùng Vịnh, tập đoàn Dassault đang kỳ vọng sớm đúc kết các vòng đàm phán với Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất về một dự án mua vào đến 60 chiến đấu cơ của quốc gia này.

Theo tạp chí quốc phòng của Anh, Jane’s Defence Weekly, vì những yếu tố địa chính trị, nhu cầu trang bị quân sự của toàn khu vực Trung Đông cho năm nay ước tính lên tới 150 tỷ đô la

Ngoài ra, một quốc gia châu Á khác là Malaysia cũng là một khách hàng tiềm tàng của tập đoàn Dassault. Từ năm 2013 Kuala Lumpur đã thông báo nhu cầu thay thế 18 chiếc chiến đấu cơ Mig- 29 quá già nua của Nga. Lập tức tập đoàn Dassault của Pháp nhập cuộc. Hiện tại Malaysia vẫn còn do dự giữa các loại tiêm kích Typhoon của Eurofighter hay F-18 của Boeing và Saab Gripen của Thụy Điển.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.