Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Các bảo tàng Paris ăn khách kỷ lục

Bạn có biết là hàng năm, viện bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris thu hút hơn 9 triệu lượt khách. Riêng trong năm qua, Louvre lập kỷ lục với 9 triệu 3 trăm ngàn khách tham quan, tức đã tăng 2% so với năm 2013. Nhờ vậy, Louvre duy trì ngôi vị quán quân trên danh sách các viện bảo tàng đông khách nhất thế giới.

Sau 5 năm trùng tu, viện bảo tàng Picasso mở cửa trở lại hồi cuối tháng 10/2014, tập hợp bộ sưu tập đồ sộ nhất của danh họa Tây Ban Nha
Sau 5 năm trùng tu, viện bảo tàng Picasso mở cửa trở lại hồi cuối tháng 10/2014, tập hợp bộ sưu tập đồ sộ nhất của danh họa Tây Ban Nha REUTERS /Benoit Tessier
Quảng cáo

Cứ trên 10 khách tham quan bảo tàng Louvre, có đến 7 là du khách nước ngoài. Đông nhất vẫn là du khách đến từ Mỹ, rồi Trung Quốc và Nga. Về hạng nhì trên danh sách các viện bảo tàng thế giới là British Museum ở Luân Đôn với 7 triệu rưỡi lượt khách. Đứng hạng ba vẫn là Metropolitan Museum of Art (Moma) tại New York với 6,4 triệu người thăm viếng. Còn viện bảo tàng châu Á đầu tiên lọt vào Top Ten quốc tế là viện bảo tàng quốc gia tại Seoul, Hàn Quốc với gần 4 triệu lượt khách.

Theo bảng thống kê về số lượng du khách được Sở du lịch Pháp công bố hồi trung tuần tháng Giêng năm 2015, không chỉ riêng gì Louvre mà nhiều viện bảo tàng khác tại Paris còn phá kỷ lục về số lượng khách viếng thăm trong năm 2014. Viện bảo tàng Orsay nhờ bộ sưu tập hội họa trường phái ấn tượng thu hút ba triệu rưỡi người xem, bảo tàng Grand Palais xấp xỉ hai triệu lượt khách (1,8), viện bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy Quai Branly được một triệu rưỡi.

Viện bảo tàng Petit Palais tuy ít nổi tiếng hơn, nhưng từ khi được trùng tu, mở cửa trở lại, đã không ngừng tạo thêm uy tín. Chỉ trong vòng một năm lượng khách đã tăng gần gấp bội, từ 520.000 lên tới gần một triệu lượt khách (996.469 khách), chủ yếu nhờ vào hai cuộc triển lãm mang tựa đề Paris năm 1900, và Nghệ thuật sáng chế pha lê của thương hiệu lâu đời Baccarat. Về phần viện bảo tàng Picasso, sau 5 năm trùng tu, viện bảo tàng này vừa mở cửa trở lại hồi cuối tháng 10/2014, tập hợp bộ sưu tập tranh đồ sộ nhất của danh họa Tây Ban Nha, và chỉ trong hai tháng mở cửa đã thu hút trên 200.000 khách. 

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là viện Bảo tàng Khoa học Tự nhiên với gần 3 triệu sáu trăm ngàn vé bán chạy trong năm 2014. Thành tích này một phần lớn là nhờ vào sự kiện Sở thú Paris nằm sát bên cạnh rừng Vincennes vừa được mở cửa trở lại, và quần thể này trực thuộc bảo tàng khoa học tự nhiên có trụ sở tại vườn bách thảo Jardin des Plantes.

Theo giới chuyên gia, một trong những nét độc đáo của các viện bảo tàng Paris vẫn là việc tổ chức các cuộc triển lãm theo chuyên đề, với nội dung đối chiếu so sánh hai thế giới nghệ thuật khác nhau. Đó là trường hợp của các tác phẩm của Van Gogh theo ảnh hưởng của hội họa Nhật Bản, tiêu biểu qua nghệ thuật vẽ tranh của Hiroshige tại phòng triển lãm Pinacothèque. 

Viện bảo tàng Orsay từng tổ chức triển lãm để đối chiếu thế giới sắc màu trong tranh của Vincent Van Gogh với các đoạn tản văn bút ký của nhà văn Antonin Artaud, trong chưa đầy ba tháng cuộc triển lãm này đã thu hút hơn 650.000 lượt khách. Viện bảo tàng Marmottan nhờ bộ sưu tập tranh ấn tượng của danh họa Claude Monet cũng tăng gấp đôi lượng khách với hơn 400.000 lượt thăm viếng.

Ấy là chưa kể đến các cuộc triển lãm nhiếp ảnh của Henri Cartier-Bresson tại Trung tâm văn hóa Georges Pompidou, còn thường được gọi là Trung tâm văn hóa Beaubourg, các tác phẩm điêu khắc tân kỳ của nữ nghệ sĩ Nikki de Saint Phalle tại bảo tàng Grand Palais, hay là các cuộc triển lãm miễn phí của Toà Đô chính Paris cũng đã thu hút trên dưới 300 ngàn lượt khách thăm viếng.

Ngoài các viện bảo tàng, các di tích lịch sử hay các công trình kiến trúc nổi tiếng của Paris cũng được nhiều người hưởng ứng. Đứng đầu danh sách vẫn là Tháp Eiffel, với hơn 7 triệu lượt khách hàng năm, trong đó có tới 85% là khách nước ngoài. Trong năm vừa qua, tháp Eiffel đạt kỷ lục doanh thu lên tới 74 triệu euro. Đứng hạng nhì là cung điện Versailles với 6 triệu lượt khách, còn Khải Hoàn Môn thì thu hút khoảng 1,7 triệu người tham quan. Nói rằng Paris vẫn là một trong những thủ đô văn hóa hàng đầu cũng không có gì là quá đáng

Số lượng khách tham quan có tăng mạnh, một phần là vì trong mùa hè vừa qua, thời tiết hơi thất thường, mưa nhiều nắng ít, khiến cho nhiều du khách đổ vào các viện bảo tàng hay chọn lựa các hình thức sinh hoạt văn hóa tổ chức ở ‘’trong nhà’’ nhiều hơn là ở ngoài trời. Nhà thờ Đức Bà Paris cũng phá kỷ lục về lượng khách với hơn 15 triệu lượt khách viếng thăm, cho dù có nhiều người đến đây không phải là để hành hương. Nhà thờ Đức Bà Paris cũng không cần phải mua vé để vào cửa, cho nên được rất nhiều du khách từ khắp thế giới tới tham quan, thăm viếng.

Trong năm 2014, nước Pháp vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, ngành du lịch khách sạn vẫn còn bị tác động nặng nề: lượng khách đến từ Trung Quốc, Nga, Brazil và Hoa Kỳ có phần gia tăng, nhưng du khách đến từ Nhật Bản và nhiều nước châu Âu thì lại giảm sút một cách rõ rệt. Trong năm vừa qua, nước Pháp vẫn đứng đầu thế giới nhờ thu hút 83 triệu du khách, nhưng con số này vẫn không bằng kỷ lục của năm 2013 với 84,7 triệu khách. Cứ theo đà giảm sút này, thì trong vài năm nữa, nước Pháp có lẽ sẽ phải nhường hạng đầu lại cho Tây Ban Nha vừa lập kỷ lục mới với hơn 64 triệu du khách, trong năm 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.