Vào nội dung chính
UKRAINA - NGA - PHÁP - ĐỨC

Khủng hoảng Ukraina : Châu Âu vỡ mộng

Châu Âu tìm cách giải quyết khủng hoảng Ukraina, nhằm tránh một « cuộc chiến toàn diện » là đề tài chiếm trọng tâm trên các mặt báo Pháp hôm nay 07/02/2015.« Liệu Châu Âu – Nga – Ukraina còn có thể tìm được một thỏa thuận để tránh một đám cháy lớn bùng lên tại Ukraina ? » là thắc mắc của hầu hết các nhật báo.

François Hollande, Angela Merkel và Vladimir Poutine trong cuộc đàm phán kế hoạch hòa bình Ukraina tại Matxcơva, ngày 06/02/2015.
François Hollande, Angela Merkel và Vladimir Poutine trong cuộc đàm phán kế hoạch hòa bình Ukraina tại Matxcơva, ngày 06/02/2015. REUTERS/Maxim Zmeyev
Quảng cáo

Trong hai ngày, thứ Năm 05/02 và thứ Sáu 06/02/2015, hai lãnh đạo Pháp – Đức đã phải vất vả như con thoi đi từ Kiev qua Matxcơva để thuyết phục các bên ngồi lại với nhau tìm kiếm một giải pháp chấm dứt xung đột. Thế nhưng, theo quan sát của các nhật báo, tối hôm qua (06/02), tại Matxcơva, cả ba nhà lãnh đạo Nga-Pháp-Đức đã chấm dứt cuộc hội đàm kín mà không đưa ra một thông báo phấn khởi nào. Sự việc trọng đại đến mức Le Figaro đưa lên trang nhất với hàng tít « Putin, Merkel, Hollande : cuộc hẹn Matxcơva ».

Putin phải chọn « Hòa bình » hay « Chiến tranh »

Le Monde trên trang Quốc tế cho rằng « Châu Âu làm trung gian hòa giải giữa Matxcơva và Kiev ». Thế nhưng, những đề xuất hòa giải đó là gì cho đến giờ cũng không ai được rõ. Xã luận Le Monde dự đoán, đó có thể là vẽ lại đường hướng cho lệnh ngừng bắn, tái khẳng định lại tính toàn vẹn lãnh thổ Ukraina trong khuôn khổ một chế độ liên bang. Bản đề xuất đó cũng có thể khuyến khích Kiev có những cử chỉ hòa dịu với người dân phía Đông, hay cũng có thể nhằm trấn an phía Nga về việc áp dụng thỏa thuận thương mại được ký kết giữa Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina.

Nhưng cho dù thế nào thì mọi thứ cũng phụ thuộc vào một người duy nhất : Vladimir Putin. Liệu ông có cho rằng ông đã khiến Ukraina trả giá đủ cho tội liên minh xấu với Liên Hiệp Châu Âu ? Ông ta có thật sự muốn một tiến trình hòa giải hay không ? Hay là vẫn tiếp tục chiến tranh ? Về mặt lý lẽ, Berlin và Paris đã đưa ra một thỏa ước. Câu trả lời bây giờ không ở đâu khác là điện Kremli. « Chiến tranh hay Hòa bình, Putin phải chọn lấy » đấy cũng là hàng tựa kết luận của bài viết.

Libération có vẻ thúc giục « Ukraina : khẩn cấp đàm phán ». Tờ báo cho rằng vai trò trung gian của Pháp-Đức lần này xem như là « vận may cuối cùng » để tìm ra một lối thoát chính trị và ngoại giao cho khủng hoảng Ukraina. Nhất là, tờ báo nhấn mạnh, đó là cơ hội cuối cùng để thảo luận với Putin.

Chỉ có điều vận may này, có điều gì đó bất ổn, theo cách nhìn từ Matxcơva, Le Figaro viết. Bởi vì, vai trò trung gian này giống như điều mà người ta gọi là « phân công nhiệm vụ giữa các nước phương Tây ». Đại khái tờ báo tóm tắt như sau : « Merkel và Hollande thì làm nhiệm vụ thương thuyết (…) Barack Obama và chính phủ của ông lo việc gây áp lực tối đa, bằng cách ngày càng làm lớn chuyện khả năng giao vũ khí cho Ukraina ». Một sự phân công nhiệm vụ không hợp gu của điện Kremli chút nào.

Châu Âu bế tắc và vỡ mộng

Trong tình hình đó, Le Figao đưa ra một bản tổng quan cho thấy thất bại ngoại giao của Châu Âu trong suốt cuộc khủng hoảng. Theo tờ báo « Châu Âu vỡ mộng mà cũng không có được một đáp án tốt ».

Le Figaro cho rằng kết quả hoạt động ngoại giao thật đáng lo. Mục tiêu của chuyến đi Nga lần này của hai lãnh đạo Pháp – Đức là tìm ra một điểm thỏa thuận, thậm chí đồng ý về một kế hoạch với Matxcơva và Kiev. Vấn đề là bất chấp sự nài nỉ của Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga dứt khoát từ chối ngồi chung bàn đàm phán với đồng nhiệm Ukraina. Nhằm tránh việc hai lãnh đạo Nga và Ukraina đi đến cắt đứt ngoại giao thảm hại, cặp lãnh đạo Pháp – Đức buộc phải chấp nhận đi làm hai chuyến, sang Kiev trước rồi mới đến Matxcơva.

Từ đó cho thấy Châu Âu đã bắt đầu vỡ mộng, ít nhất trên hai điểm. Thứ nhất, Châu Âu tin rằng « sẽ không có giải pháp quân sự cho xung đột ». Vấn đề là phe ly khai Ukraina lại tìm mọi cách để chứng tỏ điều ngược lại, dưới sự yểm trợ trá hình của Nga. 

Điểm thứ hai, Châu Âu ngỡ rằng Ukraina có đủ phương tiện để phòng vệ. Một năm sau cuộc biểu tình đầy phấn khích trên quảng trường Maidan tại Kiev, « sự thật cho thấy là quốc gia này không hề cho thấy có chút triển vọng và khả năng để thắng cuộc », theo như nhận định của một quan chức tại Bruxelles. Vị quan chức này còn quan ngại « Liệu không biết chính những người biểu tình năm đó lại sẽ có xuống đường chống lại Châu Âu hay không ? » Nhất là ông lo lắng chuyện đào ngũ đang gậm nhấm một đội quân được trang bị yếu kém.

Cuộc tranh luận về việc có nên giao vũ khí cho Ukraina hay không rõ ràng cũng là một thất bại. Luân Đôn cũng như Paris và Berlin kịch liệt phản đối. Nhưng vấn đề này lại có nguy cơ gây chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Bởi vì, Litva xác nhận đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kiev. Họ cũng không phải là nước duy nhất làm điều đó.

Chống khủng bố : Jordani lên tuyến đầu

Jordani quyết tâm trả thù tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng là đề tài quốc tế được các báo Pháp quan tâm. Nhật báo Le Monde có bài phóng sự đề tựa « Đối mặt với IS, người dân Jordani đoàn kết trong tang tóc ». Quốc vương Abdallah II tìm cách hàn gắn đất nước chống lại khủng bố.

Tuy đồng quan điểm với Le Monde, nhưng Le Figaro trong bài viết « Jordani lên tuyến đầu chống Daesh », lưu ý là quốc vương Jordani tuy muốn đoàn kết cả nước xung quanh cái chết thảm khốc của viên phi công, nhưng cuộc chiến đó cũng đang làm suy yếu vương quốc.

Nhà phân tích Marwan Shehadeh, chuyên gia về chính sách đạo Hồi, nghi ngờ rằng việc Jordani tham chiến chống Daesh chỉ làm tăng thêm hiện tượng cực đoan hóa những người ủng hộ tổ chức thánh chiến này ngay trên đất Jordani.

Theo ông, nhà nước nên đối đầu với Daesh bằng ý thức hệ hơn là bằng đạn dược. Ông nói : « Chính phủ nên tiến hành các cải cách thật sự, chống tham nhũng và ưu tiên phát triển một nền dân chủ thật sự. Trong trường hợp ngược lại, có nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tự sát ngoài phố ở các thành phố lớn trong những tháng sắp tới như những gì từng xảy ra tại thủ đô Amman vào năm 2005 ».

Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngỏ tiếp vận cho các tổ chức thánh chiến

Cũng liên quan đến đề tài chống khủng bố, tuần san L’Obs có bài phóng sự điều tra dài cho biết « Thổ Nhĩ Kỳ, cánh cửa thần kỳ cho quân thánh chiến ». Bị tấn công từ mọi phía, tổ chức Nhà nước Hồi giáo chỉ còn một ngã duy nhất là Thổ Nhĩ Kỳ để nhận tiếp vận. Dầu hỏa, vũ khí, đạn dược, chiến binh… đều được Daesh trung chuyển qua cửa ngỏ ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng buôn bán bất hợp pháp đã có từ lâu, nhưng chính quyền Ankara nhắm mắt làm ngơ, thậm chí còn khuyến khích, để rồi giờ đây khó có thể ngăn cản được.

Một cựu quan chức ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận chính quyền Ankara đã để ngỏ cho tất cả những ai muốn đến Syria tham chiến chống lại chế độ Bachar al-Assad. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn hỗ trợ hậu cần và nhiều thứ khác cho các phe đối lập Syria và các nhóm Hồi giáo cực đoan, theo nguyên tắc « kẻ thù của Damas là bạn chúng ta ».

Nhưng giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào chính bẫy mình giăng ra. Tổ chức IS có cả một mạng lưới hoạt động rất mạnh trong nước. Tổ chức khủng bố này còn sở hữu nhiều căn hộ tại Istanbul và gần khu vực biên giới để dễ tuyển dụng người. Một nhà báo Thổ nhận định với tuần san L’Obs rằng Thổ Nhĩ Kỳ giờ cũng gần giống như Pakistan, đang chiến đấu chống lại Taliban sau nhiều năm hỗ trợ chúng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng quân thánh chiến để chống lại các chiến binh người Kurdistan. Giờ đây Ankara sợ bị trả thù nếu như họ đóng hoàn toàn biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải đợi lâu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã đưa ra lời cảnh cáo đầu tiên.

« Già đi cũng là lớn lên »

Người Pháp sợ « tuổi già ». Thậm chí cụm từ « người già » còn bị xem là nghĩa xấu. Thế nhưng, xã hội Pháp ngày càng đông người « lớn tuổi ». Chủ đề này giờ cần phải được khai thác. Trả lời phỏng vấn tuần san L’Express, nhà phân tích tâm lý Catherine Bergeret-Amselek cho rằng nên đề cập đến vấn đề « tuổi già » trong suốt quãng đời.

Người Việt chúng ta quen với khái niệm « sinh, lão, bệnh, tử », vòng tuần hoàn sống mà một đời người ai cũng phải trải qua. Chuyện tuổi già sắp đến là chuyện đương nhiên ai cũng biết. Nhưng đối với người Pháp, khi bảo ai đó là « người già », thì đôi khi họ lại xem đó như là một nghĩa xấu, gần như một sự xúc phạm, lăng mạ.

Đối với chuyên gia tâm lý, cụm từ « người già » bao hàm một ý nghĩa cao quý, nó được liên kết với sự từng trải và sự chuyển tiếp. Và ngày nay ý niệm đó rất khó truyền đạt lại nhằm giúp hiểu rằng « già đi, cũng có nghĩa là lớn lên ». Cho nên để việc « già đi » được diễn ra tốt đẹp là cả một cuộc phiêu lưu mà con người phải được chuẩn bị ngay từ lúc đầu đời.

Chính thông qua tình mẫu tử, những vuốt ve âu yếm đầu tiên mẹ dành cho con và quá trình cai sữa, một quá trình rất quan trọng, mà đứa trẻ sẽ hình thành tâm lý an toàn cơ bản và một khả năng tách dần ra khỏi vòng tay mẫu tử để dấn thân vào xã hội sau này. Chính trong vỏ bọc yêu thương đó, đứa trẻ sẽ từng bước vượt qua những ngưỡng cửa cao hơn và dần dần tách hẳn tổ ấm. Cứ mỗi giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, người trẻ và già lại dựa dẫm vào nhau trên một nền tảng an toàn là tình thương.

Ebola : hy vọng chữa trị mong manh

Trên lãnh vực sức khỏe, nhật báo Le Monde thông báo một tin tốt cho các quốc gia đang hứng chịu dịch bệnh chết người Ebola. Bài viết đề tựa “Hy vọng điều trị hiệu quả căn bệnh Ebola”.

Theo tờ báo, loại thuốc chống virus mang tên Avigan, do hãng dược Toyama Chemical của Nhật Bản bào chế đang được tiến hành thử nghiệm tại Guinea. Kết quả cho thấy trên vài chục bệnh nhân, loại thuốc này làm giảm tỷ lệ tử vong và thúc đẩy nhanh hơn quá trình điều trị ở phân nửa số người lớn và trẻ thành niên, những người mang tỷ lệ mầm bệnh ít.

Tuy nhiên, ở những người mang mầm bệnh ở tỷ lệ cao, loại thuốc này dường như không mấy có hiệu quả. Thông tin này đã được chuyển giao cho Tổ chức Y tế Thế giới và sẽ được trình bày tại Hội nghị về virus SIDA và các bệnh có liên quan tại Seatle diễn ra từ ngày 23-26/02 sắp tới.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp cuối tuần đề cập nhiều chủ đề đa dạng. Le Monde chạy tít “Sự đi xuống của lãnh đạo cảnh sát tư pháp làm rung chuyển ngành cảnh sát”. Ông Bernard Petit, giám đốc bộ phận cảnh sát tư pháp Paris bị cách chức và bị đặt vào vòng điều tra về tội “làm lộ bí mật điều tra”.

Tình hình nội bộ nước Pháp cũng là đề tài chính của nhật báo thiên tả Libération. “Sarkozy, lang thang ở Ả Rập Xê Út”. Việc cựu tổng thống Pháp và giờ là chủ tịch đảng chính trị đối lập UMP đi thuyết trình với giá hậu hĩnh tại Ả Rập Xê Út gây chia rẽ nội bộ đảng. Điều đó cũng cho thấy là ông đang gặp khó khăn trong việc đóng vai trò lãnh đạo UMP.

Le Figaro ngoài tít chính liên quan đến chuyến đi Nga của hai lãnh đạo Pháp – Đức, còn quan tâm đến cải cách tư pháp qua hàng tựa “Chính sách về nhà tù của Taubira gây quan ngại ngành cảnh sát”.

Hậu Charlie vẫn được tuần san L’Express quan tâm đến: “Thế tục, hội nhập, giáo dục: Nền cộng hòa đối mặt với Hồi giáo”. Sau vụ khủng bố, một loạt các câu hỏi được đặt ra liên quan đến vị trí đạo Hồi trong lòng xã hội Pháp. Tuần san mở hẳn một hồ sơ dài 12 trang để suy nghĩ về các chủ thế tục đổi mới, vai trò của trường học, đào tạo giáo sĩ, đề phòng sự cuồng tín…Một hồ sơ dày đặc.

Tuần san L’Obs thì chú ý đến “Đội ngũ cố vấn trẻ của Tổng thống”. Một đội ngũ cộng sự cho phủ Tổng thống Pháp gồm sáu người, được tuyển chọn theo tiêu chuẩn bình đẳng nam-nữ, tức 3 nam – 3 nữ. Tất cả đều còn rất trẻ, trong độ tuổi ba mươi, nhưng đều tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.