Vào nội dung chính
AN NINH - CHÂU ÂU

Chống khủng bố : Châu Âu phối hợp hành động

Ba tuần sau vụ khủng bố đẫm máu nhắm vào tuần báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo, hôm qua 29/01/2015, lãnh đạo các Bộ Nội vụ 28 nước Châu Âu – họp tại Riga, Latvia – thông qua một kế hoạch, dự kiến phối hợp nỗ lực của các quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố đối với toàn châu lục.

Bộ trưởng Nội vụ 28 nước Châu Âu tại Riga, 29/01/2015.
Bộ trưởng Nội vụ 28 nước Châu Âu tại Riga, 29/01/2015. Ảnh ILMARS ZNOTINS / AFP
Quảng cáo

Cho đến nay, tại Châu Âu, các biện pháp chống khủng bố vẫn chủ yếu được thực hành ở cấp quốc gia. Với kế hoạch này, các lãnh đạo Nội vụ Châu Âu muốn cải tổ sâu sắc các phương tiện kiểm soát an ninh. Trong số các phương tiện mới được các Bộ trưởng Nội vụ Châu Âu đề ra, đáng chú ý có PNR (Passenger Name Record) - tức thông tin lưu trữ về hành khách của các hãng hàng không. Mỗi quốc gia sẽ có một PNR của mình và các PNR của 28 nước Châu Âu sẽ được kết nối. Công cụ quý giá này cho phép cơ quan an ninh các nước theo dõi được sự di chuyển - ít nhất theo đường hàng không – của những thành phần bị nghi ngờ có liên hệ với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo.

Chính phương tiện PNR này đã từng giúp an ninh Mỹ phá vỡ được âm mưu khủng bố tại quảng trường Times Square, New York, ngày 01/05/2010. Kẻ chủ mưu đã bị nhận dạng, số điện thoại của người này đã được ghi lại trong cơ sở dữ liệu nói trên.

Nước Pháp muốn hành động nhanh chóng. Bộ trưởng Nội vụ Pháp sẽ tới Bruxelles để nối lại đối thoại với Nghị viện Châu Âu về chủ đề này. Pháp đã có dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu PNR riêng, sẽ có hiệu lực tháng 10 tới. Hiện tại, mới chỉ có nước Anh là có được hệ thống này, và 14 quốc gia khác có dự án tương tự. Như vậy, nếu không có đèn xanh của Nghị viện Châu Âu, một kế hoạch chung toàn Châu Âu sẽ không thể thành công.

Trước đó, một dự án PNR tương tự đã bị Ủy ban tự do dân sự của Nghị viện bác bỏ, vì lo ngại xâm phạm quyền tự do cá nhân. Với nguy cơ khủng bố gia tăng, với số lượng khoảng 3.000 công dân Châu Âu đang có mặt tại Syria, chính phủ các nước Châu Âu hy vọng các tân nghị sĩ sẽ có một quan điểm khác.

Gia tăng kiểm soát biên giới giữa các nước Schenghen

Một biện pháp quan trọng khác của kế hoạch này là gia tăng kiểm soát biên giới của các quốc gia trong khối Schenghen. Không có vấn đề lập lại các hàng rào biên giới bên trong khối 26 nước tham gia hiệp định Schenghen, nhưng việc kiểm soát dự kiến sẽ được tăng cường tại các điểm kiểm soát qua biên giới.

Các mạng xã hội cũng sẽ bị kiểm soát nhiều hơn. Một số chương trình tin học sẽ phát hiện và ngăn cản việc phát tán các thông điệp, hình ảnh kêu gọi khủng bố hay tuyên truyền cho khủng bố.

An ninh Châu Âu cũng sẽ theo dõi chặt hơn những môi trường cổ súy cho việc thanh niên theo đạo Hồi đi vào xu thế cực đoan, cũng như các cơ sở tổ chức những chuyến đi đến vùng Cận Đông, vùng Vịnh hay Afghanistan.

Kế hoạch của các bộ trưởng Nội vụ nói trên sẽ được các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 28 nước Châu Âu thảo luận trong cuộc họp ngày 12/02.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.