Vào nội dung chính
PHÁP

Femix'Sports : Giải thể thao đầu tiên dành cho phái nữ

Lần đầu tiên, Paris tổ chức giải Femix'Sports, một giải thưởng dành riêng cho các nữ vận động viên. Tối qua 23/01/2014, lễ trao giải Femix'sports đã diễn ra tại nhà thi đấu Roland Garros dưới sự bảo trợ của Liên đoàn quần vợt Pháp. Mục tiêu của giải này là vinh danh các gương mặt phụ nữ đã góp phần phổ biến các bộ môn thể thao.

Quảng cáo

Cầu thủ bóng rỗ Céline Dumerc, Gaëtane Thiney chuyên về bóng đá, Marie-José Perec tiêu biểu cho môn điền kinh, Laure Manaudou đại diện môn bơi lội. Các nữ vận động viên này, mỗi người một lãnh vực chuyên môn, vẫn là biểu tượng của các đội thể thao Pháp. Các gương mặt này thu hút được nhiều cảm tình của dư luận. Thế nhưng trong các cuộc thăm dò ý kiến, mỗi lần nhắc tới thể thao, thì người ta thường nghĩ tới các siêu sao phái nam, chẳng hạn như Ronaldo, Bolt, Nadal … nhiều hơn là phái nữ.

Mặc dù về mặt trình độ chuyên môn và thành tích thi đấu, các nữ vận động viên đã bắt đầu đuổi kịp các đồng nghiệp nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều điểm khác biệt nếu không nói là chênh lệch giữa hai phái nam-nữ, chẳng những về mặt thu nhập, mà còn về mặt quảng bá thông tin của giới báo chí truyền thông. Hiện giờ, phái nữ có mặt trong 24 bộ môn thể thao, nhưng trên các đài truyền hình các giải thi đấu nữ chẳng có là bao so với các giải nam.

Ngược dòng thời gian, trở về năm 1908 : đó là năm phụ nữ lần đầu tiên tham gia thi đấu ở Thế vận hội Olympic ở bốn bộ môn : quần vợt, chèo thuyền, bắn cung và trượt băng. Đến năm 1912, các vận động viên nữ xuất hiện trong các môn bơi lội. Nhiều thập niên sau đó, phụ nữ mới tham gia vào môn trò chơi như bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ (1964). Trên lãnh vực túc cầu, các đội bóng chuyên nghiệp nữ cũng được thành lập từ những năm 1980 nhưng lại ít được quan tâm.

Nhân kỳ Thế vận hội Luân Đôn, phái nữ chẳng những tham gia vào hầu hết các bộ môn được coi như là ‘‘sở trường’’ của phái nam, nhưng bên cạnh đó còn có những nội dung đặc trưng cho phái nữ tiêu biểu qua hai bộ môn thể dục dụng cụ và bơi nghệ thuật. Trên lý thuyết, nam nữ bình đẳng về mặt thể thao. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chênh lệch vẫn còn ngự trị.

Để so sánh, mức lương tháng trung bình của một cầu thủ nam tham gia giải vô địch quốc gia bóng đá hạng nhất tại Pháp, cao gấp 10 lần so với cầu thủ nữ. Bóng bầu dục nam cao gấp bốn lần so với nữ. Bóng rổ caop gấp ba lần. Bóng ném cao gấp đôi. Về mặt phương tiện truyền thông, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn.

Theo một cuộc điều tra của cơ quan CSA vào năm 2012, chỉ có 7% các chương trình thể thao phát sóng trên truyền hình, có liên quan đến các nữ vận động viên cũng như các giải thi đấu nữ. Trong bối cảnh đó, các liên đoàn thể thao tại Pháp bóng ném, bóng chuyền, xe đạp và thậm chí leo núi đã phối hợp hành động để lôi kéo thêm sự chú ý của giới truyền thông báo chí. Tuy chỉ có 24 tiếng đồng hồ, nhưng giải Femix'sports qua việc tôn vinh các gương thành tựu, chủ yếu nhằm phổ biến rộng rãi hơn nữa việc thông tin về các bộ môn thể thao dành cho phái nữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.