Vào nội dung chính
NGA

Charlie Hebdo: Nga ngăn chặn các hoạt động ủng hộ

Hôm qua 16/01/2015, một nhà hoạt động Nga bị kết án 8 năm tù, vì biểu tình với một khẩu hiệu ủng hộ tờ Charlie Hebdo. Người bạn đi cùng, 75 tuổi, bị phạt tiền nặng. Tư pháp Nga giải thích hình phạt này là do đương sự đã không xin phép biểu tình.

Dân Nga đến đặt hoa và đốt nến trước sứ quán Pháp để tưởng niệm các nạn nhân Charlie Hebdo - RFI / Muriel Pomponne
Dân Nga đến đặt hoa và đốt nến trước sứ quán Pháp để tưởng niệm các nạn nhân Charlie Hebdo - RFI / Muriel Pomponne
Quảng cáo

Dù nhiều người Nga bày tỏ ủng hộ tuần báo trào phúng Pháp, báo chí chính thức nhìn chung đều tránh né. Chính quyền thậm chí còn hậu thuẫn cho các hoạt động chống Charlie Hebdo. Thông tín viên Muriel Pompone từ Matxcơva cho biết cụ thể :

Hôm sau vụ khủng bố chống lại tuần báo trào phúng Pháp, nhiều người Nga đã biểu thị sự ủng hộ với nước Pháp với việc tới trước tòa đại sứ, với hoa và nến. Tuy nhiên, chỉ có một số phương tiện truyền thông độc lập là đưa lên trang mạng của họ dòng chữ « Je suis Charlie/Tôi là Charlie ».

Dư luận Nga, một mặt đồng cảm với người Pháp về vấn đề chống khủng bố, thì mặt khác dè dặt hơn nhiều trong vấn đề tự do ngôn luận. Nhà đối lập Mikhail Khodorkhovski - hiện đang sống lưu vong - kêu gọi các phương tiện truyền thông đăng tải các biếm họa, như dấu hiệu bày tỏ sự ủng hộ đối với tuần báo Pháp. Tuy nhiên, đề nghị này gần như không được nghe theo. Tổng thống Tchetchenia Ramzan Kadyrov còn kêu gọi biểu tình lớn vào thứ Hai tới để phản đối Charlie Hebdo.

« Nhờ ơn Chúa, nước Nga không bị lôi vào trận dịch này ! », một nhật báo bình dân tại Nga phấn khởi bình luận. Trận dịch nói trên là để ám chỉ các cuộc biểu tình ủng hộ Charlie Hebdo. Tờ báo này cũng ca ngợi một điều luật hình sự kết án nặng các phương tiện truyền thông nào bị kết tội « kích động thù hận » chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo.

Hôm qua, cơ quan theo dõi truyền thông quốc gia Nga kêu gọi các phương tiện truyền thông nước này « tránh công bố » các biếm họa về Mohammed, vì có thể « đi ngược lại các chuẩn mực đạo lý và đạo đức đã hình thành trong nhiều thế kỷ chung sống giữa các dân tộc và các truyền thống tôn giáo » tại Nga.

Tuần báo Le Nouvel Observateur hôm qua cho biết thêm, chính quyền Nga từ chối các cuộc biểu tình liên quan đến Charlie Hebdo nào không nằm trong đường lối của điện Kremlin. Trong khi biểu tình ủng hộ Charlie Hebdo không được phép, cảnh sát lại để mặc cho các thành phần tôn giáo cực đoan trương khẩu hiệu đả kích Charlie Hebdo. Luật pháp tại Nga trong những tháng gần đây được siết chặt thêm để cản trở các cuộc tập hợp đông người.

Về sự im lặng của dân chúng nói chung, tuần báo Pháp nêu ra hai lý do để giải thích. Thứ nhất là một thái độ sùng kính lâu đời của người Nga. Không có ấn phẩm nào tại quốc gia này đụng chạm trực tiếp đến các tôn giáo, như tờ Charlie Hebdo đã làm thường xuyên.

Thứ hai là, ngay cả những người như tổng biên tập tờ báo đối lập nổi tiếng « Novaya Gazeta », ông Dmitri Mouratov - được coi là người bảo vệ nhiệt thành cho quyền tự do ngôn luận - cũng đã rất dè dặt trong chuyện này.

« Novaya Gazeta » vừa thực hiện một phóng sự tại cơ sở mới của Charlie Hebdo tại tòa soạn báo Libération, trong đó tờ báo đối lập Nga ca ngợi việc Charlie Hebdo quyết định xuất bản số mới ngay sau vụ thảm sát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.