Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Paris trong tâm bão trả thù của thánh chiến Hồi giáo

Đăng ngày:

Thế giới bị chấn động sau ba vụ khủng bố đẫm máu ngày 07 và 09/01. Sau những dòng nước mắt và sự bất bình, đã đến lúc tìm hiểu căn nguyên nguồn cội. Hành động cực đoan tấn công vào quyền tự do ngôn luận, nền tảng của chế độ dân chủ, sẽ có hậu quả chính trị, xã hội và tôn giáo tại Pháp.

Nasser bin Ali al-Ansi, một thủ lĩnh nhánh Yemen của al Qaeda. DR
Nasser bin Ali al-Ansi, một thủ lĩnh nhánh Yemen của al Qaeda. DR
Quảng cáo

Trước khi chết, thủ phạm hạ sát ban biên tập tuần báo Charlie Hebdo tuyên bố đã hành động theo lệnh của Al Qaida tại bán đảo Ả Rập : nhóm AQPA. Còn kẻ bắt con tin trong siêu thị Do Thái tuyên bố nhân danh Nhà nước Hồi giáo tại Irak-Syria. Cả hai tổ chức này khen ngợi ba thanh niên Pháp đã « trả thù cho đấng Tiên tri » trừng phạt nước Pháp can thiệp chống đạo Hồi tại Trung Đông và Phi Châu.

Thánh chiến Hồi giáo đã chọn Paris để gây chấn động tâm lý và tiếng vang.

Trong bài diễn văn tại quốc hội, thủ tướng Manuel Valls long trọng tuyên bố : Pháp lao vào cuộc chiến, cuộc chiến chống thánh chiến khủng bố, nhưng không phải là chống đạo Hồi và người theo đạo Hồi.

Nhiều nhân vật trong chính phủ và giới bình luận gia Pháp cũng đồng qua điểm này : khủng bố Hồi giáo đã tuyên chiến với nước Pháp. Trong vòng hai ngày, ba thanh niên võ trang nhân danh thánh chiến hạ sát 17 người không vũ trang.

Cho dù chưa có đủ chứng cớ để xác định ba vụ tấn công khủng bố - có phối hợp nhưng tương đối giới hạn - là một cuộc chiến tranh, nhưng phải nhìn nhận rằng chính sách can thiệp của Paris tại nhiều chiến trường chống khủng bố đã đặt nước Pháp vào vị thế là mục tiêu số một hoặc ít ra là ngang hàng với Mỹ trong quan điểm trả thù của các tổ chức cực đoan.

Trên đây là phân tích của nhà báo Philippe Leymarie, trên mạng nguyệt san Le Monde diplomatique.

Trong số 12 nạn nhân của hai anh em Chérif và Said Kouachi, ngoài 8 nhà báo, còn có một chuyên gia kinh tế, một nhà tâm lý học, một công nhân bảo trì và hai cảnh sát viên. Trong số 5 nạn nhân của Amedy Coulibaly có một nữ cảnh sát viên và bốn khách hàng của siêu thị Do Thái.

Trong một đoạn đối thoại với khách hàng bị bắt làm con tin trong siêu thị mà không biết điện thoại được mở, Amedy Coulibaly lên án hành động can thiệp quân sự của Pháp tại Mali và tham gia oanh kích Irak và Syria trong liên minh quốc tế chống thánh chiến khủng bố. Kẻ tự xưng chiến binh thánh chiến nhân danh Nhà nước Hồi giáo lý giải : Bọn họ (chính phủ Pháp) tìm cách làm cho dân Pháp tin rằng người Hồi giáo là khủng bố. Tôi, tôi sinh ra tại Pháp. Nếu bọn họ không tấn công ở các nơi khác thì tôi không có mặt ở đây.

Thanh niên da đen này vừa nhân danh Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát một phần Irak và Syria, vừa hoan nghênh Ben Laden. 

Nhất Mỹ nhì Pháp 

Từ những tháng gần đây, nước Pháp nhận được hàng loạt lời đe dọa. Tháng 11.2014, một thông điệp do phát ngôn viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abou Mohamed Al-Adnani ký tên, ra lệnh cho các thành viên của tổ chức như sau : Nếu có thể giết một tên không theo đạo (tức hệ phái Hồi giáo Sunni) người Mỹ hay Âu châu, nhất là bọn Pháp dơ bẩn, thì hãy giết chúng bằng mọi cách, bằng dao, bằng gạch đá, và đặt mình vào sự bảo vệ của Thượng đế Allah.

Sau khi hai anh em Chérif và Said Kouachi tấn công vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo, giết chết chủ nhiệm Stéphane Charbonnier, bút hiệu Charb, tạp chí Anh ngữ trên mạng Inspire, do Al Qaida vùng bán đảo Ả Rập (Yemen) chủ trương, công bố bức ảnh của nhà báo Pháp Stéphane Charbonnier với hai gạch chéo, kèm theo hàng chữ : Cám ơn của cộng đồng Hồi giáo gửi đến những người đã trả thù cho Tiên tri Mohamed. Hai năm trước, Inspire đã đưa tên nhà báo Pháp này vào sổ đen cần phải thanh toán sau khi Charlie Hebdo đăng những bức biếm họa lật bề trái thái độ giả nhân giả nghĩa của những giáo sĩ, nhân danh Tiên tri, xúi giục thanh niên nhẹ dạ khủng bố tự sát với lời hứa được lên thiên đàng với các trinh nữ xinh đẹp.

Từ nhiều năm trước, năm 2009, Ayman Al-Zawahiri, bác sĩ Ai Cập, nhân vật lãnh đạo số hai của Al Qaida, sau này lên thay Ben Laden khi trùm khủng bố quốc tế bị biệt kích Mỹ hạ sát tại Pakistan, đã tuyên bố : Nước Pháp, tự xưng là quốc gia thế tục, nhưng trái tim của nó chất chứa hận thù đối với người Hồi giáo, sẽ phải trả nợ máu.

Theo Le Monde diplomatique, Al Qaida và tổ chức Nhà nước Hồi giáo, hai phe thánh chiến đối nghịch, nhưng trên thực tế chia nhau vùng ảnh hưởng. Cả hai không khác nhau về mặt ý thức hệ, nhưng Nhà nước Hồi giáo chọn chiến lược, chú trọng nhiều hơn về quân sự và tuyên truyền để kết nạp thành viên mà đại đa số là giới trẻ tây phương, gốc Ả Rập hay không. 

Pháp là “bọn xấu”: thực tế hay ngộ nhận? 

Đối với nhiều tín đồ Hồi giáo sống tại Pháp, nước Pháp phạm nhiều “tội “ với đạo Hồi.

- Trấn áp Hồi giáo bằng các biện pháp cấm phụ nữ trùm khăn đen phủ mặt khi đến nơi công cộng như cơ quan hành chánh, trường học, bệnh viện…

- Tấn công truy đánh những nhóm võ trang cực đoan ở miền bắc Mali qua chiến dịch Serval

- Thành lập vòng đai quan sát vùng Sahel (chạy dài từ đông sang tây Phi Châu và nằm giữa sa mạc phía bắc và rừng nhiệt đới phía nam) với năm nước liên hệ Tchad, Burkina-Faso, Mali, Mauritanie và Niger trong chiến dịch Barkhane.

- Can thiệp quân sự vào Trung Phi yểm trợ cho cộng đồng Thiên Chúa giáo đẩy lui phiến quân nhân danh Hồi giáo (chiến dịch Sangari). 

Đâu là sự thật ? 

Theo Le Monde Diplomatique, nguyệt san chính trị có tiếng thận trọng và không chủ trương chiến tranh thì những lập luận chỉ trích bên trên rất phiến diện.

Thứ nhất, nước Pháp là một quốc gia thế tục. Do vậy, Pháp bảo vệ mọi tôn giáo, mọi tín ngưỡng bất kỳ nguồn gốc từ đâu. Trong chiều hướng này, Pháp có chính sách nỗ lực giúp đỡ Hồi giáo tại Pháp nâng cao, kiện toàn khả năng truyền đạo của giới giáo sĩ phù hợp với một xã hội dân chủ tự do.

Chiến dịch ổn định tình hình ở bắc Mali không nhằm tiêu diệt đạo Hồi, mà ngược lại củng cố chính quyền Bamako Hồi giáo với sự giúp đỡ của quân đội một nước Hồi giáo láng giềng là Tchad.

Cũng chính tại vùng Sahel này, kẻ khủng bố người dân là giáo phái Boko Haram, nhân danh Allah, thảm sát hàng ngàn thường dân và bắt cóc hàng trăm nữ học sinh, cưỡng hiếp gả bán như nô lệ.

Những lãnh đạo nhóm G5 tham gia chiến dịch Barkhane đều là tín đồ Hồi giáo.

Pháp can thiệp vào Trung Phi cũng là để ngăn chận hiểm họa diệt chủng do hai phe cực đoan Hồi giáo và Thiên chúa giáo không dung thứ nhau tiến hành.

Ngay cuộc chiến tại Lybia mà liên quân Mỹ-Anh-Pháp tiến hành năm 2011 cũng không phải để lật đổ một chế độ Hồi giáo mà là để tấn công vào chính quyền thế tục độc tài của đại tá Kadhafi để bảo vệ thành phần thiểu số Hồi giáo để rồi ngày nay các phe này nắm quyền nhưng lại cấu xé nhau.

Chính phủ Pháp hiện nay, để biện minh cho các chiến dịch quân sự tại Châu Phi, đã nhấn mạnh đến nhu cầu làm “nền tảng an ninh”, theo ý nghĩa phòng vệ, trong khi chờ đợi các lực lượng quốc gia liên hệ và quân đội năm nước Châu Phi trong nhóm G5 đủ mạnh để tự lực tự cường. Nói cách khác, Pháp không có ý đồ, cũng không có phương tiện, trụ lại vĩnh viễn. 

“Tấn công Charlie Hebdo và Pháp là đánh vào biểu tượng” 

Sự kiện thánh chiến chọn tòa soạn báo Pháp Charlie Hebdo, ở ngay thủ đô Paris làm mục tiêu “trả thù” là một tính toán rất lợi hại. Mục tiêu của họ là gây phương lại lâu dài về mặt chính trị lẫn xã hội tại Pháp.

Nhà phân tích xã hội học gốc Iran , Farhad Khosrokhavar, giám đốc nghiên cứu viện EHESS, tác giả quyển sách “Cực đoan hóa” giải thích :

“ Thủ phạm vụ thảm sát là thánh chiến Hồi giáo. Họ tuyên bố là để trả thù những kẻ báng bổ đạo Hồi, tuần báo trào phúng vẽ tranh châm biếm nhà tiên tri Mohamed trong những năm 2000. Quân khủng bố chủ ý chọn mục tiêu có giá trị biểu tượng để ra tay. Giết hàng chục nguời cùng một lúc tại Pháp sẽ gây tiếng vang to lớn hơn là giết hàng trăm nạn nhân ở một xứ Hồi giáo xa xôi. 

Thánh chiến cũng ý thức rằng không những hành động bạo lực của họ sẽ làm tăng thêm uy tín của các tổ chức cực hữu mà còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và rạn nứt chính trị tại các quốc gia châu Âu. Tác hại của vụ thảm sát Charlie Hebdo sẽ được thấy rõ hơn trong bối cảnh tại châu Âu xuất hiện những tổ chức cực hữu chống đạo Hồi và một phần mang tính chất kỳ thị chủng tộc. Pháp, Đức, Thụy Điển là những trường hợp cụ thể trong só thành viên Liên Hiệp châu Âu."

Theo tính toán của phe thánh chiến thì hành động bạo lực của họ sẽ “tạo chính nghĩa” cho cánh hữu bài ngoại. Cùng lúc họ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng Hồi giáo về mặt uy tín đối với đa số người dân châu Âu”.

Vụ khủng bố ngày 07.01 vừa qua và hàng loạt hành động tấn công khác trên lãnh thổ châu Âu sẽ đưa châu Âu vào một “thời kỳ mới” nhiều bất trắc ? 

“ Chắc chắn như vậy. “ Thời kỳ mới” này có liên hệ nhân quả với sự xuất hiện của những tổ chức thánh chiến như Nhà nước Hồi giáo ở Irak và Syria. Trong mọi trường hợp, vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo sẽ làm chính phủ Pháp tăng cường và ban hành các biện pháp mới chống khủng bố. Do vậy, xã hội Pháp có nguy cơ xảy ra những căng thẳng trong quan hệ giữa cộng đồng theo đạo Hồi không phải là thánh chiến với những cộng đồng người Âu khác. 

Bạo lực tại Pháp hay trong Liên Hiệp Châu Âu có hai căn nguyên: bên cạnh yếu tố bên ngoài, ở Trung Đông, còn có nguồn cội trong nước. Những kẻ cầm súng bắn giết trong tuần qua sinh ra và lớn lên tại Pháp. Những kẻ thánh chiến khủng bố bên Anh cũng sinh ra và lớn lên tại Anh. Họ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư của di dân từ Bắc Phi. Một số thánh chiến còn là người mới theo đạo Hồi, họ chẳng có liên quan gì đến văn hóa Hồi giáo.

Do vậy, nếu chỉ đối đầu với thánh chiến tại Châu Âu bằng các biện pháp an ninh không thôi thì về lâu về dài sẽ không đem lại kết quả mong muốn”.

Những tổ chức thánh chiến không định hình 

Theo giới phân tích, giải pháp bài trừ khủng bố thánh chiến phải vượt tầm an ninh quốc gia, phải giải quyết xung khắc Palestine-Israel và xung khắc triền miên giữa hai hệ phái Sunni và Shia trong bối cảnh xuất hiện nhiều tổ chức, nhiều băng nhóm khác nhau rất khó định hình càng làm cho tình thế phức tạp hơn từ khi trùm khủng bố quốc tế Ben Laden bị hạ sát ngày 02.05.2011.

Từ sau vụ không tặc Al Qaida tấn công vào nước Mỹ ngày 11.09.2001, chưa bao giờ tây phương bị khủng bố quốc tế đe dọa như hôm nay.

Tổ chức Al Qaida ở Yemen tự nhận là đã đào tạo anh em “người hùng” Kouachi. Hai “ anh hùng” thi hành lệnh của lãnh đạo tối cao Ayman al-Zarahiri, theo đúng di chúc của cố lãnh đạo Ben Laden” trừng phạt Charlie Hebdo.

Nasser al-Ansi, một trong số thủ lãnh của Al Qaida tại Yemen đang bị Hoa Kỳ truy nã khẳng định anh bem Kouachi là thành viên của Al Qaida. Trong khi đó thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak vinh danh Amedy Coubaly, khủng bố giết bốn con tin trong vụ tấn công một siêu thị của người Do Thái ở quận 12 Paris và trước đó bắt chết một nữ cảnh sát ở ngoại ô.

Theo chuyên gia François Bernard Huyghes, tác giả quyển sách "Terorismes, Violence et Propagande" (Khủng bố: Bạo lực và Tuyên truyền) thì chưa bao giờ hiểm nguy khủng bố trùm phủ như vậy. Thánh chiến trở thành muôn hình muôn mặt ở châu Phi và Trung Đông. Cái chết của Ben Laden tạo hy vọng khủng bố sẽ hụt hơi. Nhưng hy vọng này đã tan biến chỉ trong một thời gian ngắn: Các nhóm khủng bố trở thành độc lập, tự điều động tự tổ chức với nhiều chân rết khắp nơi và trải dài từ Trung Đông đến Phi Châu. Trước khi Daesh tức Nhà nước Hồi giáo phất cờ tại Irak và Syria, người ta đã thấy Al Qaida hoạt động tại Bắc Phi với danh xưng Aqmi bắt cóc nhiều công dân Pháp. Tại Mali, tổ chức Ansar Dine hoành hành ở miền bắc đe dọa lật đổ chính quyền Bamako trước khi Pháp can thiệp chận đứng đà tiến quân, tại Nigeria, tổ chức Boko Haram chuyên tấn công cộng đồng Thiên chúa Giáo ở vùng biên giới Nigeria, Tchad, Cameroun, đốt phá hàng loạt ngôi làng và thành phố nhỏ, sát hại hàng chục ngàn thường dân, bắt cóc hàng trăm nữ học sinh…

Sự hình thành của những mạng lưới thánh chiến Hồi giáo cũng trùng hợp với những phương pháp và mục tiêu hành động khác nhau như hai vụ tấn công tại Paris hồi tuần trước, bằng những cá nhân đơn độc như hình ảnh “chó sói cô đơn” rất khó đề phòng. Vụ Bako Hama tấn công vào chợ Baga ở Niger, sử dụng cả bé gái 10 tuổi mang bom tự sát, giết gần 20 người thể hiện tính chất độc hiểm của một tổ chức tự xưng là thánh chiến Hồi giáo.

Mức độ đe dọa khác nhau

Phương pháp khác nhau , mục tiêu và mức độ cũng khác.

Trong khi Al Qaida ở Yemen chủ trương tấn công mục tiêu “từ xa” tận Châu Âu thì Daesh với ngọn cờ đen tập trung vào thành quả thực hiện được tại Irak và Syria. Về phần Bako Hama và Aqmi chỉ hoạt động trong vùng châu Phi. Khác với Al Qaida của Ben Laden, các tổ chức chân rết ngay nay không đủ khả năng và phương tiện để tấn công với quy mô lớn. Họ tập trung vào phương pháp tuyên truyền qua internet và sáng kiến cá nhân, đào tạo, huấn luyện những thành viên tình nguyện như anh em thủ phạm sát hại nhà báo Charlie Hebdo.

Trường hợp Amady Coulibaly, theo các chuyên gia Pháp, thanh niên này không chắc là thành viên của Daesh, nhưng dựa vào thế lực của tổ chức để phô trương thanh thế.

Đây cũng chính là nguồn cội của những bất trắc khó lường cho an ninh nước Pháp, tâm bão của khủng bố, nói riêng và của châu Âu nói chung.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.