Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp : Nghề thầy bói càng hái ra tiền thời khủng hoảng

Số báo đầu năm của tờ Libération có bài phóng sự khá thú vị về nghề thày bói ở Pháp, cái nghề mà tờ báo gọi là “nghề của tương lai” đang rất thịnh hành ở Pháp nhất là trong thời kỳ khủng hoảng. Theo tờ báo, ngày càng có nhiều người Pháp đến với các nhà tiên tri để được giải đáp những khúc mắc về tình cảm cá nhân, về nỗi lo sợ thất nghiệp, những dự định làm ăn, về tương lai đang đến với mình.

Getty Images
Getty Images
Quảng cáo

Tác giả bài phóng sự đưa độc giả đến nhà một bà thầy bói có tên là Kathya, ở Agde vùng Herault. Người đàn bà gốc Paris này đã có 25 năm làm nghề tiên tri hậu vận cho người khác. Bà cho biết rất đông người Thụy Sĩ, những người đến từ các thành phố lớn ở Pháp như Toulouse, Montpellier, Perpignan, Paris, Lyon ” tìm đến để được nghe bà dự báo tương lai " .

Chỉ qua truyền tai nhau mà họ tìm đến bà không cần phải quảng cáo gì. Sổ ghi hẹn của bà thày bói này đã đầy kín trong 3 tuần tới. Bà cho biết, trong những ngày lễ hay mùa đông, công việc của bà nhàn hơn đôi chút vì mọi người chỉ lo ăn chơi không mấy ai nghĩ đến tương lai. Nhưng ngay từ mồng một tháng Giêng, nhu cầu bắt đầu tăng mạnh, “ai cũng muốn biết điều gì sẽ xảy ra với họ trong cả năm tới ”. Bà thầy bói Kathya cho biết bà chỉ nói ra những điều bà cảm nhận. Giá cho một buổi phán kéo dài khoảng 45 phút là 60 euro.

Về khách hàng đầu năm nay, bà Kathya cho biết họ là những người có khúc mắc về tình cảm, những chủ doanh nghiệp bị căng thẳng thần kinh trong công việc, những gia đình có điều gì đó ưu tư phiền muộn hay cả những người tò mò muốn biết trước những gì sẽ đến với mình. Bà cho biết thêm là nhìn chung mối lo toan của họ tập trung vào chuyện “ tình cảm và chuyện làm ăn " .

Một số người muốn biết xem dự án đầu tư, mua bán nhà cửa của họ sẽ ra sao. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người đến để hỏi về các vấn đề tài chính, vấn đề công ăn việc làm, liệu họ có bị mất việc hay liệu họ có sớm tìm được việc làm mới …. Tóm lại khách hàng đều đến với tâm trạng lo lắng.

Xu hướng tâm trạng khách hàng này cũng đã được ông thầy bói có tên Yann Lecoq, hành nghề tại quận XI Paris khẳng định với tác giả bài phóng sự. Giá một quẻ bói của ông thầy này lên tới 100 euro cho 45 phút. Ấy vậy mà nhà ông không mấy khi ngớt khách.

Bài phóng sự của Libération đã cho thấy nghề coi bói đang trở nên phổ biến ở Pháp và đây là một nghề làm ăn phát đạt trong thời kỳ khủng hoảng và nó cũng phản ánh một hiện tượng tâm lý đáng quan tâm trong xã hội Pháp hiện nay.

Nhập cư bất hợp pháp, mối đau đầu của nước Pháp

Chuyển qua báo Le Figaro, số báo đầu năm này dành sự chú ý nhiều cho hồ sơ nhập cư lậu vào Pháp. Trang nhất của Le Figaro chạy tựa : "Nhập cư : Nước Pháp dưới áp lực của các đường dây mafia". Theo Le Figaro, trong năm 2014, gần 230 đường dây đưa người nhập cư lậu đã bị phá vỡ tại Pháp, tăng 30% trong hai năm qua.

Làn sóng người nhập cư lậu qua cửa ngõ châu Âu đã đạt tới mức báo động đáng lo ngại. Năm ngoái, các đoàn thuyền vượt biển đã đưa đến nước Ý 150.000 thuyền nhân. Các thảm kịch vẫn thường đi kèm với dòng người nhập cư trái phép. Trong vòng 9 tháng, các vụ đắm tàu liên tục xảy ra đã khiến cho không dưới 2.000 người phải bỏ mạng, theo số liệu của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn UNHCR.

Còn đối với nước Pháp, theo tài liệu mà Le Figaro nắm được thì riêng trong năm 2014, các cơ quan chức năng Pháp đã phá vỡ gần 230 đường dây nhập cư lậu, tức là trrung bình mỗi tuần lại có 4 tổ chức như vậy bị bắt giữ. Để đấu tranh chống lại nạn nhập cư lậu, Pháp có cả một Cơ quan trung tâm trấn áp nhập cư bất hợp pháp và lao động người nước ngoài không có giấy tờ (Ocriest). Ngoài ra cơ quan này còn được hỗ trợ của 500 nhân viên cảnh sát đặc biệt hoạt động ở các vùng biên giới chuyên truy tìm các nhóm tội phạm có tổ chức trên quy mô quốc tế.

Le Figaro cho biết , trong 45% các trường hợp nhập cư lậu, các đường dây đưa người sử dụng giấy tờ giả để có thể xin tỵ nạn tại Pháp. Phần còn lại các đường dây đưa người vào Pháp để tìm cách tiếp tục tới Anh bằng những phương tiện nguy hiểm đến cả tính mạng.

Năm ngoái cảnh sát Pháp đã phát hiện được nhiều đường dây chủ yếu đến từ Tunisia, Trung Quốc, Algeri, Maroc và các nước châu Phi trong khu vực cận Sahara. Tổng số đã có 1900 người bị bắt giữ, gồm những kẻ tổ chức, đưa người, cung cấp phương tiện di chuyển.....

Nhập cư lậu đang là hồ sơ đau đầu của bộ Nội vụ Pháp. Một mình nước Pháp không thể ngăn chặn được làn sóng nhập cư trái pháp này được, nhưng các nước châu Âu và những nước liên quan đến dòng người nhập cư lậu vẫn còn lúng túng không tìm được giải pháp đồng bộ cho vấn đề.

Trong khi đó, lợi nhuận thu được qua việc buôn bán người như vậy trên toàn cầu là rất lớn. Cần phải biết là Liên hiệp quốc giờ đây xếp hoạt động đưa người nhập cư trái phép vào hàng thứ ba về lợi nhuận sau buôn bán ma túy và vũ khí.

Litva bảy lần thay đổi đồng tiền

Nhân sự kiện Litva, bắt đầu từ ngày 1/1/2015 gia nhập khu vực sử dụng đồng euro. Về sự kiện này, báo la Croix có bài viết :" Litva vững tin chuyển qua dùng đồng tiền euro ". La Croix bình luận : Litva là nước cuối cùng trong ba nước thuộc khu vực Baltic chuyển qua dùng đồng tiền chung châu Âu. Đa số người dân nhìn thấy ở sự kiện này một sự bảo đảm hơn nữa trước sức ép của Nga. Nhưng cũng có không ít người lo ngại giá cả sẽ tăng cao với đồng tiền mới.

Vẫn liên quan đến sự kiện này, mục câu chuyện trong ngày của trang kinh tế báo le Figaro có bài viết khá thú vị : Những người Litva cao tuổi nhất đã chứng kiến 7 loại tiền khác nhau.

Le Figaro cho biết, đất nước nhỏ bé vùng Baltic này là quốc gia thứ 19 sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Nhưng nếu ngược thời gian thì việc chuyển đổi đồng tiền này là việc làm gần như quá quen thuộc với nước cộng hòa huộc Liên Xô trước đây. Với khoảng 10.000 người dân Litva ở tuổi ngoài 94, thì lần chuyển đổi đồng tiền lần này là lần thứ 7 trong đời họ. Như vậy có thể tính trung bình từ năm 1922 đến nay, cứ 13 năm Litva lại đổi đồng tiền một lần.

Khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người Litva dùng tiền có tên gọi đồng ostmark, di sản để lại của thời kỳ bị Đức chiếm đóng. Ngày 2/10 năm 1922, Litva tuyên bố độc lập và litas trở thành đồng tiền chính thức của đất nước. Nhưng cũng chỉ 17 năm sau (1939) đó đồng litas được thay thế bằng đồng reichsmark, khi một phần lãnh thổ của nước này bị Đức xâm chiếm.

Hai năm sau đó, Hồng quân giải phóng Litva đưa nước này gia nhập Liên Xô và ví tiền của người dân nước cộng hòa baltic này lại được thay thế bằng các đồng rúp. Rồi đến khi Liên Xô sụp đổ, ba nước cộng hòa Baltic lại trở về độc lập và Litva tạo ra đồng tiền riêng, đồng talonas để rồi hai năm sau đó lại bị thay thế bằng đồng litas và đến ngày hôm qua là đồng euro với tỷ giá chuyển đổi là 1 euro ăn 3,4528 litas. Không biết đây có phải là đồng tiền cuối cùng của nước cộng hòa Litva hay không ?

Trở lại trang nhất các tờ báo chính

Các tờ báo giấy lớn của Pháp sau ngày nghỉ lễ đầu năm mới, hôm nay bắt đầu trở lại với số đầu tiên của năm 2015. Hầu hết các báo quay lại với những thời sự đã diễn ra từ hôm trước, trong đó có bài diễn văn cuối năm trên truyền hình của Tổng thống Pháp François Hollande gửi đến người dân ít giờ trước khi kết thúc năm 2014.

Les Echos chạy tựa lớn trang nhất " Cải cách : Các hồ sơ nóng của 2015 ". Tờ báo nhận định qua bài diễn văn, Tổng thống Pháp đã tỏ cho thấy mình là một người năng nổ nhưng những dự định cải cách mà ông đưa ra trong bài diễn văn trên phương diện kinh tế cũng như chính trị cho thấy 2015 sẽ là một năm đầy chông gai cho chính phủ của ông.

Trong khi đó trang nhất nhật báo La Croix chạy trở lại với thông tin liên quân NATO, sau 13 năm tham chiến đã chính thức rút lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan từ hôm 31/12/2014.

La Croix ghi nhận " một trang mới đang lật qua cho Afghanistan với việc rút các đơn vị chiến đấu của Nato, nhưng đã dể lại một đất nước luôn chia rẽ và bị đe dọa bởi lực lượng cực đoan Taliban " cho dù NATO vẫn để lại hơn 12.000 cố vấn quân sự huấn luyện cho quân đội Afghanistan đồng thời các nước phương Tây tiếp tục cam kết cung cấp tài chính cho chính phủ Afghanistan.

La Croix nhận định, như vậy là : " sự hiện diện quân sự của phương Tây trong 13 năm đã không làm được cái việc ổn định đất nước về mặt quân sự cũng như chính trị ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.