Vào nội dung chính
PHÁP - 2014

2014 : Pháp bị các đối tác bên ngoài chỉ trích về kinh tế

2014 là năm mà chính sách kinh tế của Pháp liên tục bị chỉ trích ở bên ngoài, với tình hình kinh tế tồi tệ chưa từng thấy, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Tuy nhiên, 2015 có thể báo hiệu một sự phục hồi khiêm tốn.

Quảng cáo

Trong năm qua, báo chí nước ngoài liên tục đưa các tựa nói đến tình trạng tồi tệ của nền kinh tế đứng hàng thứ hai Châu Âu : Tạp chí Newsweek đề cập đến « Sự sụp đổ của Pháp », tờ Guardian của Anh mỉa mai : « Nước Pháp, con bệnh của Châu Âu », còn tờ Der Spiegel của Đức thì báo động : « Nước Pháp và núi nợ ».

Khởi động với mục tiêu đạt được tăng trưởng 1%, thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 3,6% tổng sản phẩm quốc nội – PIB, thế nhưng, nước Pháp sẽ kết thúc năm nay với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 0,4%, khá hơn một chút so với năm 2013 và thâm hụt ngân sách là 4,4%.

Ông Eric Heyer, thuộc Đài quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) cho biết : « Chúng tôi đã nghĩ rằng tình hình sẽ khá hơn trong năm 2014 » và giới chuyên gia thừa nhận là đã đánh giá thấp một số lực cản, kìm hãm, như sự cạnh tranh của các nước Nam Âu, đồng euro cao giá, những khó khăn trong lĩnh vực địa ốc và xây dựng.

2014 cũng là năm đánh dấu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm, đi kèm với các biện pháp kỷ luật ngân sách mà Tổng thống François Hollande đưa ra ngay từ tháng Giêng. Chính phủ hỗ trợ 40 tỷ euro, dưới dạng giảm hoặc miễn một số đóng góp xã hội, đổi lại, các doanh nghiệp cam kết sẽ tuyển dụng nhân công và đẩy mạnh đầu tư. Bên cạnh đó, Paris hứa sẽ giảm chi tiêu công, không tăng thuế nữa.

Bước ngoặt này thể hiện qua việc bổ nhiệm ông Emmanuel Macron làm Bộ trưởng Kinh tế, một chính trị gia trẻ, chủ trương tự do kinh tế.

Sau một năm đầy thất vọng, dân Pháp hy vọng 2015 có thể là năm có bước nhẩy vọt trong hoạt động kinh tế.
Theo chuyên gia Heyer, « với việc giảm giá đồng euro và giá dầu lửa đi xuống, các điều kiện phục hồi kinh tế dường như rõ nét hơn ». Ông cũng không chấp nhận việc báo chí, công luận nước ngoài chỉ trích, gièm pha chính sách kinh tế của Paris, bởi vì chỉ có Pháp và Đức, hai nước lớn tại Châu Âu, đã đạt được mức PIB như trước khi xẩy ra khủng hoảng.

Ông Philippe Waechter, kinh tế gia thuộc ngân hàng Natixis AM, cũng hy vọng là trong năm 2015 Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ tỏ ra hào phóng hỗ trợ hơn và chính phủ thực sự tạm ngưng tăng thuế, để chấm dứt những chỉ trích về chính sách kinh tế ngay ở trong nước Pháp, cũng như nỗi thất vọng, lo lắng của giới chủ các xí nghiệp.

Kinh tế gia Christopher Dembik, thuộc Saxo Banque nhận định : Thị trường bất chấp những gièm pha, nói xấu về nước Pháp và vẫn cho Paris vay với lãi suất thấp chưa từng thấy, nền kinh tế Pháp có thể tranh thủ sự sưy yếu của Đức vì Berlin sẽ buộc phải tăng chi phí công.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dự báo của chính phủ đạt tăng trưởng 1% trong năm 2015 là « quá lạc quan ».
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu vẫn theo dõi sát tình hình Pháp. Bà Angès Benassy Quéré, thuộc Paris School of Economics, cho rằng trong năm qua, « đã có những cải cách, nhưng ở mức độ thấp, không thấy rõ và phức tạp. Do vậy, các đối tác nước ngoài có cảm giác là Pháp không làm gì cả » và « dấu ấn mà các đối tác mong đợi là một cuộc cải cách quan trọng thị trường lao động ». Nếu được thực hiện, điều này sẽ cho phép Paris có nhiều khả năng đàm phán với Châu Âu về việc điều chỉnh ngân sách.

Đối với Bruxelles, nước Pháp bước vào năm 2015 trong tình trạng « án treo », tức là Ủy ban Châu Âu chờ đến mùa xuân để quyết định các biện pháp trừng phạt về việc Paris không tôn trọng cam kết giảm thâm hụt ngân sách, xuống còn 3% PIB trong năm 2015.

Một mối đe dọa khác đối với Pháp cũng như eurozone : Đó là đồng euro cao giá, lạm phát rất thấp, gây tình trạng thoái lạm, kìm hãm giá cả và mức lương của người lao động.

Chuyên gia Benazzy Quéré lo ngại là khu vực đồng euro đang đi theo vết xe của nền kinh tế Nhật Bản, thoái lạm trong nhiều năm trời, mà không có phương tiện chống đỡ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.