Vào nội dung chính
PHÁP - KAZAKHSTAN

Pháp giúp Kazakhstan giảm bớt ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ?

Kazakhstan xích lại gần với Pháp để giải tỏa bớt ảnh hưởng quá lớn của hai nước láng giềng sát cạnh : Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh hay Matxcơva hắt hơi, Astana cảm lạnh. Hơn 50 % nhập khẩu của Kazakhstan đến từ Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Pháp François Hollande (trái) và đồng nhiệm Kazakhstan, Nursultan Nazarbaiev ký sổ vàng nhân dịp khai trương Viện Sorbonne-Kazakhstan tại Almaty, 06/12/2014.
Tổng thống Pháp François Hollande (trái) và đồng nhiệm Kazakhstan, Nursultan Nazarbaiev ký sổ vàng nhân dịp khai trương Viện Sorbonne-Kazakhstan tại Almaty, 06/12/2014. AFP PHOTO / ALAIN JOCARD
Quảng cáo

Vào lúc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu bị chựng lại, Nga thì lúng túng vì các biện pháp trừng phạt của quốc tế và giá dầu hỏa sụt giảm, cỗ xe kinh tế của Kazakhstan đổ dốc theo. Tỉ lệ tăng trưởng của quốc gia Trung Á này đang từ 6 % năm ngoái rơi xuống còn 4,6 % trong năm nay.

Trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Astana với Bắc Kinh tương đối khá cân bằng, nhưng cán cân thương mại của Kazakhstan nghiêng hẳn về phía Nga.

37 % nhập khẩu của Kazakhstan đến từ nước láng giềng phương Bắc, trong lúc chỉ xuất khẩu được 7 % sang thị trường rộng lớn đó. Ảnh hưởng của Matxcơva đối với Astana là di sản của quá khứ lịch sử khi biết rằng, Kazakhstan từng là một trong những nền cộng hòa thuộc Liên Xô trước kia. Kazakhstan cũng là nơi có cộng đồng người Nga lớn thứ nhì, chỉ thua có so với Ukraina mà thôi.

Kể từ khi khủng hoảng bùng lên tại Ukraina, nhiều người lo sợ kịch bản tương tự cũng sẽ lan lớn Kazakhstan. Từ nhiều tháng qua, một phần lớn các dự án đầu tư tại Kazakhstan đã bị dời lại. Mùa hè vừa rồi, Tổng thống Putin đã không khỏi gây hoang mang khi tuyên bố Nhà nước Kazakhstan chỉ thực sự bắt đầu hiện hữu kể từ khi Tổng thống Noursoultan Nazarbaïev lên cầm quyền. Astana đã đồng ý gia nhập liên minh thuế quan mà Nga đề nghị với các nước chư hầu cũ, cho dù Kazakhstan thận trọng nói rõ, đó chỉ là một liên minh thuần túy về phương diện kinh tế mà thôi.

Một số nhà quan sát coi đây là một tín hiệu, chứng tỏ chính quyền của tổng thống Nazarbaïev muốn giữ khoảng cách với ông Putin. Mặt khác Astana ngày càng hướng về phía Liên Hiệp Châu Âu và các nước Phương Tây. Chẳng hạn như Kazakhstan đã ký một hiệp ước đối tác thương mại với Bruxelles hay đang chuẩn bị hồ sơ xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Về mặt đối nội, chính quyền của Tổng thống Nazarbaïev thấy rằng đã đến lúc quốc gia giàu tài nguyên này cần thoát khỏi vòng kềm tỏa của Nga và trong một chừng mực nào đó, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào đối tác kinh tế Trung Quốc. Astana vừa qua đã đầu tư 9 tỉ đô la để hỗ trợ tăng trưởng. Sau rất nhiều năm chần chừ, Kazakhstan bắt đầu mạnh dạn cải tổ với quyết định quan trọng nhất là thu hẹp thế độc quyền của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghệ dầu khí. Theo giới quan sát, trong bối cảnh mà « con cọp của vùng Trung Á này » đang vẽ ra cho mình một hướng đi mới, thì đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp Pháp quan tâm nhiều hơn đến Kazakhstan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.