Vào nội dung chính
VĂN HÓA - PHÁP

Nữ sinh tóc vàng Nord Pas-de-Calais trở thành Hoa hậu Pháp

Hôm qua, 06/12/2014, tại Orléans, danh hiệu Hoa hậu Pháp lần thứ 68 đã được trao cho một thiếu nữ 19 tuổi, người vùng Nord Pas-de-Calais. Cuộc thi Hoa hậu đã thu hút 8,5 triệu khán giả kênh truyền hình TF1, kênh độc quyền cuộc thi Hoa hậu nước Pháp. 

Zénith d'Orléans, nơi diễn ra cuộc thi Hoa hậu nước Pháp 2015, ngày 06/12/2014.
Zénith d'Orléans, nơi diễn ra cuộc thi Hoa hậu nước Pháp 2015, ngày 06/12/2014. Ảnh Wikipedia
Quảng cáo

Camille Cerf - cao 1,80 mét - đã vượt qua 32 đối thủ tuổi từ 18 đến 24 để giành ngôi vị nữ hoàng sắc đẹp nước Pháp. Trong số các ứng cử viên Hoa hậu năm nay, có 8 người tóc vàng, 16 tóc đen và 9 người tóc hạt dẻ. Danh hiệu Hoa hậu nước Pháp do chính các khán giả truyền hình quyết định, trong số 5 ứng cử viên vào vòng chung kết. Camille Cerf sẽ đại diện cho nước Pháp tranh giải Hoa hậu thế giới 2014 tại Luân Đôn (ngày 14/12).

Sinh viên năm thứ hai một trường thương mại ở Lille, Camille Cerf đã từng có dự định trở thành kỹ thuật viên nha khoa, người mẫu hay phóng viên tạp chí mốt. Hiện tại cô muốn làm nghề tùy viên báo chí. Sau khi đoạt giải, cô cho biết sẽ tận dụng những cơ hội để thực hiện một số việc cụ thể như khởi động một hiệp hội giúp những người ung thư sống tốt hơn (Camille Cerf có người cha mất vì ung thư hồi tháng 9). Cô cũng mong muốn phát triển một doanh nghiệp địa phương và nâng nó lên tầm quốc gia. Cuối năm tới, Camille Cerf sẽ trở lại trường học.

Về lý do chiến thắng của Camille Cerf trong cuộc thi, tạp chí L’Express nhận xét Camille Cerf đã giành được cảm tình của rất nhiều người vùng Nord Pas-de-Calais, nơi chưa có ai đoạt vương miện Hoa hậu nước Pháp. Cô đã tiến hành một chiến dịch quảng bá khôn khéo về bản thân, rất sớm trước vòng chung kết. Hoa hậu tương lai từng làm người mẫu và cảm thấy rất thoải mái trên sân khấu…

Về thứ nhì trong cuộc thi là một thiếu nữ người Tahiti, cô Hinarere Taputu. Tahiti là một đảo thuộc Polynésie trên Thái Bình Dương, vùng lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp. Đây là lần thứ ba liên tiếp một thiếu nữ Tahiti trở thành Á hậu Miss France. Năm 2013, chính quyền địa phương Polynésie từng khiếu nại vì hơn 122.000 phiếu của dân cư Polynésie không được tính đến. Sau vụ bê bối này, tài tử Alain Delon từ chức « chủ tịch Ban giám khảo suốt đời ».

Có nhiều cách nhìn khác nhau về cuộc thi Hoa hậu. Bên cạnh cuộc thi lớn Miss nước Pháp, một cựu chủ tịch của Miss France - bà Geneviève de Fonteney - đã lập ra một giải Hoa hậu « đối lập » : Miss Prestige National. Giải - hoạt động từ năm 2010 - cũng cử người tham dự Hoa hậu thế giới.

Giải Hoa hậu Nông nghiệp Pháp và những cách nhìn khác về cuộc thi Hoa hậu

Còn năm nay, theo AFP, để phản đối tính độc quyền của cuộc thi Hoa hậu, với các thiếu nữ « trong các trang phục theo quy định và không có sắc thái riêng », Patricia Ferayssac – một phụ nữ làm nghề nuôi bò – tỉnh Cantal, vùng Auvegne, miền Trung nước Pháp, đã lập ra một giải Hoa hậu Nông nghiệp Pháp trên Facebook. Cuộc thi khởi sự đúng vào dịp chung kết Miss France. Hàng trăm bức ảnh được gửi đến dự thi, với hình các phụ nữ với các trang phục đa dạng, trong bối cảnh đời sống hàng ngày của chính mình, trong chuồng trại hoặc trên đồng ruộng.

Cô Milie Marin-Fournier, mang một chiếc tee-shirt với dòng chữ « nông dân và niềm tự hào là chính mình », là người chiến thắng trong cuộc thi này.

Về các cuộc thi Hoa hậu nước Pháp, trên Le Monde có bình luận của phóng viên chuyên về mốt, Carine Bizet (« Hoa hậu Pháp : những bản sao và chất ‘‘cải lương’’ », ngày 06/12/2014). Tác giả lên án các cuộc thi Hoa hậu chỉ là một cỗ máy tạo ra một bản sắc nữ mang tính đồng phục : cao tối thiểu 1m70, hình thể thanh mảnh, ngực không quá to, tóc dài… Các thiếu nữ được tôn vinh thường là những người yêu thể thao, gia đình, hoạt động nhân đạo, muốn làm những công việc được coi là « nữ tính ». Giải Hoa hậu, theo phóng viên Le Monde, truyền đi một thông điệp xưa cũ hàm chứa thái độ phân biệt giới tính : hãy đẹp, hãy ngoan ngoãn, như vậy bạn sẽ có một vương miện.

Về phần mình, trả lời Le Monde (trong bài « Cần nhìn các cuộc thi Hoa hậu nước Pháp với con mắt phê phán », ngày 07/12/2014), nữ phóng viên Raphaelle Peltier - chuyên về thể thao và nữ quyền – cho biết, trên thực tế những người giành thắng lợi trong các kỳ thi Hoa hậu hiểu rõ : họ cần phải chấp nhận nhập thân vào những vai diễn mang tính thời thượng, nhằm thỏa mãn một số định kiến thống trị trong xã hội, để giành chiến thắng. Họ không hề « ngớ ngẩn », không hề « ngốc nghếch » như nhiều người phê bình, họ chỉ « khai thác một hệ thống có sẵn ». Nếu đáng trách, thì phải trách cứ cái xã hội với những định kiến đó. Trên thực tế, thanh niên ngày càng có thái độ phê phán nhiều hơn đối với những điều không ổn trong các cuộc thi. Mỗi năm, trên mạng Twitter, có rất nhiều chế nhạo, chỉ trích. Theo tác giả, điều đáng buồn là, trong hiện tại đằng sau màn hình, có rất nhiều thiếu nữ nhập tâm một thông điệp : « Để thành công, thì phải đẹp, thanh mảnh, cao ráo, v.v. ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.