Vào nội dung chính
KHỐI PHÁP NGỮ

Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ, chú lùn kinh tế

Thượng đỉnh lần thứ 15 của khối Pháp ngữ Dakar vừa khép lại. Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ, OIF vừa bầu lãnh đạo mới. Một trong những ưu tiên hàng đầu của tân chủ tịch Michaëlle Jean là mở rộng ảnh hưởng kinh tế của các quốc gia nói tiếng Pháp trên sân khấu quốc tế.

Tổng thống Pháp François Hollande '2 T) chúc mừng bà Michaëlle Jean, lãnh đạo mới của OIF. Ảnh ngày 30/11/2014.
Tổng thống Pháp François Hollande '2 T) chúc mừng bà Michaëlle Jean, lãnh đạo mới của OIF. Ảnh ngày 30/11/2014. AFP PHOTO / SOW MOUSSA
Quảng cáo

OIF là một tổ chức bao gồm 77 thành viên, trong đó có 20 quốc gia tham dự với tư cách quan sát viên, quy tụ 13 % dân số trên thế giới. Nét đa dạng về văn hóa, về ngôn ngữ và sự hiện diện ở khắp năm châu là những lợi thế để khối Pháp ngữ đóng một vai trò quan trọng trên bàn cờ kinh tế thế giới.

Theo những thống kê chính thức, 20 % tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch toàn cầu đến từ các quốc gia sử dụng ngôn ngữ của Voltaire ; mỗi thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ xuất khẩu đến 25 % hàng hóa sang các thành viên khác trong tổ chức OIF. Nhìn về chỉ số đầu tư, khối này chiếm đến 25 % tổng đầu tư trên toàn cầu. Dù vậy trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ có 2 quốc gia nói tiếng Pháp.

Tiềm năng kinh tế của khối Pháp ngữ chưa được phát huy đúng mức.

Vào tháng 8 vừa qua, chuyên gia kinh tế Pháp, Jacques Attali đã trình lên tổng thống François Hollande một bản báo cáo về trọng lượng kinh tế của khối Pháp ngữ. Văn bản nầy nêu ra những yếu tố như sau : thứ nhất, tại châu Phi, châu lục có nhiều thành viên nhất trong đại gia đình Pháp ngữ, trong 4 năm qua, số người nói tiếng Pháp tăng 15 %. Đến năm 2050 số người sử dụng tiếng Pháp ở châu lục này sẽ lên tới 770 triệu, tức lớn hơn so với các cộng đồng nói tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Do vậy báo cáo Attali cho rằng, Paris nên hướng tới kế hoạch thành lập một cộng đồng kinh tế tương tự như mô hình của khối Thịnh Vượng Chung- Commonwealth của Anh.  Kinh tế gia Jacques Attali, cựu thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Âu và cũng là cố vấn đặc biệt của cố tổng thống Pháp, François Mitterrand, khẳng định : một « Không gian kinh tế Pháp ngữ sẽ là động cơ tăng trưởng vững bền ».

Vấn đề đặt ra là dự án dài hơi đó đang vấp phải nhiều trở ngại quan trọng. Đầu tiên hết là 57 thành viên cùng một nhà của OIF không chấp nhận có cùng một tiếng nói trên hồ sơ kinh tế, và không có ý định mở cửa thị trường cho các nước anh em vào chơi chung.

Khúc mắc thứ hai, là chênh lệch quá lớn về mặt phát triển, đời sống, thu nhập giữa các thành viên của OIF. Ngay cả giữa các nước châu Phi cùng nói tiếng Pháp, hầu hết hiện là những quốc gia kém phát triển nhất và nghèo nhất. Trong khi đó, nhìn sang khối Thịnh Vượng Chung của Anh, thì ít nhất là tới nay Nigeria và Nam Phi đã đóng vai trò đầu tàu ở lục địa Đen. Nói các khu vực kinh tế của khối Pháp ngữ, một khi được hình thành, chưa biết dựa vào đối tác châu Phi nào để tạo đà tăng trưởng cho các nước ở bên kia bờ Địa Trung Hải. Cầm chắc là trong một thời gian rất dài nữa, động cơ kinh tế của con tàu Pháp ngữ, vẫn sẽ là ba quốc gia phát triển nhất : Bỉ, Canada và Pháp.

Trở ngại sau cùng liên quan đến ngân sách của bản thân Tổ chức Quốc tế Pháp Ngữ. Pháp, Canada và Bỉ là những nhà tài trợ quan trọng nhất. Trước tác động của khủng hoảng kinh tế kéo dài, Paris vừa thông báo giảm 20 % khoản đóng góp cho OIF. Điều đó có nghĩa là dù dự án xây dựng khối kinh tế Pháp ngữ có hấp dẫn tới đâu đi chăng nữa, việc thực hiện không dễ thuyết phục các thành viên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.