Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

François Truffaut rọi sáng vết mờ tuổi thơ khập khiễng

Đăng ngày:

Cách đây 30 năm, đạo diễn Pháp François Truffaut đột ngột qua đời (21/10/1984) vì chứng bệnh ung thư não. Ông ra đi rất sớm ở tuổi 52, trong lúc ông đang còn chấp bút sửa hai kịch bản còn dang dở. Đạo diễn François Truffaut vĩnh viễn từ trần để lại 7 quyển sách và hơn 20 bộ phim truyện, trong đó có gần một nửa được giới phê bình xếp vào hàng xuất sắc.

Đạo diễn Pháp François Truffaut (1932 - 1984)
Đạo diễn Pháp François Truffaut (1932 - 1984)
Quảng cáo

Nhiều sự kiện được tổ chức nhân 30 năm ngày giỗ của đạo diễn François Truffaut, bộ toàn tập phim truyện của ông được phát hành qua DVD, đài truyền hình Arte chiếu lại các tác phẩm quan trọng nhất của đạo diễn, tuyển tập gồm 6 cuộn CD gồm những bài hát và nhạc phim François Truffaut.

Quan trọng hơn nữa là cuộc triển lãm tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque française từ đây cho tới 25 tháng Giêng 2015. Nhân dịp này, nhiều tập sách biên khảo cũng được tái bản, trong đó có các tuyển tập bao gồm các bài viết của François Truffaut thời ông làm việc cho hai tạp chí phê bình điện ảnh là Arts và Cahiers du Cinéma.

Ngoài ra, còn có quyển tiểu sử của hai tác giả Antoine de Baecque và Serge Toubiana, được xem như là một trong những quyển sách đầy đủ và nghiêm túc nhất (nhà xuất bản Gallimard) về cuộc đời và sự nghiệp của đạo diễn Pháp. Trả lời phỏng vấn RFI, nhà phê bình điện ảnh Antoine de Baecque đánh giá về vị trí của François Truffaut trong làng điện ảnh Pháp.

* Đạo diễn François Truffaut có một chỗ đứng riêng biệt trong làng điện ảnh Pháp, trong mắt người nước ngoài cũng như đối với người Pháp. Người Nhật, người Mỹ hay người Thụy Điển mỗi lần nhắc tới điện ảnh Pháp thường liên tưởng đến ngay François Truffaut bởi vì ông thể hiện một cung cách làm phim mang đậm bản sắc văn hóa Pháp. Còn trong mắt người Pháp, thì François Truffaut có một vị trí trung tâm, không thể bỏ qua, bởi vì dù muốn hay không thì phong trào Làn sóng mới (Nouvelle Vague), mà ông là cánh chim đầu đàn, đã thay đổi lối tiếp cận với nghệ thuật thứ bảy.

Cũng cần biết rằng, trước khi vào nghề đạo diễn, François Truffaut là một trong những ngòi bút phê bình làm vịệc cho nguyệt san điện ảnh Cahiers du Cinéma, dưới sự điều khiển của nhà phê bình André Bazin. Những bài viết của François Truffaut thường đối chiếu các quan điểm làm phim nghệ thuật và thương mại, nhưng đồng thời chắt lọc được những nét tinh túy của nghệ thuật thứ bảy, từ Howard Hawks đến Alfred Hichtcock, từ Jean Renoir đến Roberto Rossellini …

Sinh thời, François Truffaut đã nhận được sự ủng hộ khá nhiệt tình và chân thành từ giới đồng nghiệp. Đạo diễn người Mỹ Steven Spielberg đã mời ông đóng một vai trong phim Close Encounters of the Third Kind (Rencontres du troisième type) bởi vì Steven Spielberg rất thích bộ phim L’Enfant Sauvage của François Truffaut. Hai đạo diễn này giống nhau ở một điểm : tuổi thơ là một trong những chủ đề ưng ý và xuyên suốt các tác phẩm của họ, khác hay chăng là trong cách thể hiện.

Sở dĩ tuổi thơ là một trong những chủ đề ưng ý của đạo diễn François Truffaut là vì ông đã lớn lên trong một gia đình bất hạnh, chủ yếu do quan hệ xung khắc giữa ông với người dượng ghẻ, cũng như sự thiếu vắng tình thương của người mẹ ruột.

Thế nhưng, theo nhà phê bình điện ảnh Antoine de Baecque, chính cái gia cảnh bất hạnh ấy lại trở thành động lực thôi thúc đạo diễn François Truffaut làm phim để hàn gắn những vết thương nội tâm có từ những năm tháng đầu đời, một cách để không lãng quên, để rọi chiếu ánh sáng vào những vết hoen mờ của ‘‘tuổi thơ khập khiễng’’.

* Tôi nghĩ điều đó rất đúng. Đạo diễn François Truffaut đưa vào trong phim của ông khá nhiều yếu tố có thật trong đời mình. Kể từ năm lên 10, ông mới bắt đầu hiểu rằng ông đã bị người bố ruột bỏ rơi, quan hệ với người mẹ càng thêm lạnh nhạt khi bà thành hôn với một người đàn ông khác. Thời niên thiếu, ông trở nên cứng đầu khó bảo, thay vì chăm chỉ học hành lại thích rong chơi lêu lỏng … ông bỏ học năm ông 14 tuổi.

Năm 16 tuổi, ông bị đưa vào trại cải huấn trong vòng 6 tháng vì tánh tình ngỗ nghịch, do luôn cãi lời cha mẹ nên bị xem như là bướng bỉnh hư hỏng … chính François Truffaut sau đó nói rằng niềm đam mê điện ảnh đã cứu ông khỏi bờ vực thẳm, con đường nghệ thuật là lối đi duy nhất giúp ông không rơi vào vòng phạm pháp. François Truffaut xem mình như là một đứa bé mồ côi, và ông tự tạo cho mình một gia đình mà ông cho là ‘‘lý tưởng’’.

Dĩ nhiên là trong gia đình ấy, nhà phê bình André Bazin được xem như là nhân vật quan trọng nhất, một ông bố đỡ đầu dìu dắt và hướng dẫn François Truffaut trên đường đời. Ban đầu, François Truffaut chỉ làm những công việc phụ và trước khi gia nhập ban biên tập của tờ báo Cahiers du Cinéma vào năm 21 tuổi, thì theo lời khuyên của ông André Bazin, François Truffaut phải chịu khó tự học, để gầy dựng cho mình vốn liếng kiến thức về điện ảnh.

Có thể nói là trong vòng 4 năm liền, François Truffaut ngốn nuốt, ngấu nghiến, để rồi nghiền ngẫm hàng loạt tác phẩm …. tuy rất nghèo nhưng có bao nhiêu tiền dành dụm được, ông vẫn thà nhịn đói còn hơn là không đi xem phim. Mỗi ngày ông có thể đi xem đến ba hay bốn bộ phim, và cứ mỗi lần xem ông lại ghi chép vào các quyển sổ tay, một cách để ghi khắc vào tâm trí những điều cần phải nhớ … Có thể nói là phim ảnh đối với cậu bé François Truffaut vừa mới lớn, có tác dụng y như là một chiếc phao nhựa cuối cùng đối với một kẻ đang bơi ngược dòng, sắp sửa chết đuối … làm gì thì làm nhưng bằng mọi giá phải bám vào phao cho thật chặt.

Từ một cậu học trò làm biếng, ham chơi nhiều hơn là ham học, François Truffaut lại trở thành một ngòi bút phê bình uyên bác. Nhưng tham vọng của ông không chỉ dừng lại ở việc mổ xẻ các tác phẩm điện ảnh mà là đi xa hơn nữa bằng cách bắt tay thực hiện một tác phẩm, một cách để phản bác lại luận điểm cho rằng : một nhà phê bình điện ảnh thường là những nhà đạo diễn tồi.

Bộ phim đầu tay của François Truffaut đề tựa Les Quatre Cents Coups (hiểu theo nghĩa bóng là Trốn học hay Phá phách) lại đoạt giải đạo diễn nhân kỳ liên hoan Cannes năm 1959, trong khi gảii Cành cọ vàng được trao cho tác phảm Orfeu Negro của đạo diễn Marcel Camus. Tưởng chừng làm thử nào ngờ không thua gì các đạo diễn bậc thầy. Nhà phê bình Antoine de Baecque nhận xét về tầm vóc và giá trị của tác phẩm đầu tiên của François Truffaut.

* Bộ phim đầu tay của François Truffaut đã tạo ra một cột mốc quan trọng trong làng điện ảnh Pháp, bởi vì nó được xem như là điểm phát xuất của phong trào Làn sóng mới, cuối những năm 1950 đầu thập niên 1960. François Truffaut đưa bộ phim này đi tranh giải tại liên hoan Cannes trong một bối cảnh không mấy thuận lợi trước hết vì các bài phê bình của ông từng tạo ra nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi, nhiều trận bút chiến dữ dội trên văn đàn.

Điển hình là bài viết của ông với nội dung chống lại xu hướng làm phim giải trí ‘‘thương mại’’ trong làng điện ảnh Pháp thời bấy giờ. Đến mức vào năm 1958, ban tổ chức liên hoan Cannes nhất quyết ‘’cấm cửa’’ không mời François Truffaut đến dự liên hoan. Nếu như giới sản xuất chuyên nghiệp rất hoài nghi về khả năng làm phim của François Truffaut, thì ngược lại giới phê bình cũng như ban giám khảo đã hưởng ứng nhiệt tình tác phẩm đầu tiên của ông, đánh giá đây là một trong những bộ phim có giá trị nhất nhân kỳ liên hoan năm 1959.

Đến khi được công chiếu, bộ phim Les Quatre Cents Coups đã thu hút hơn 3 triệu rưỡi lượt khán giả, một thành công đáng kể vì chi phí làm phim rất thấp. Bộ phim này mở đường ngay sau đó cho tác phẩm À bout de Souffle của Jean-Luc Godard, giúp định hình tư duy và ý tưởng của phong trào Làn sóng mới, thay đổi cung cách làm phim của giới chuyên nghiệp Pháp thời bấy giờ.

Làn sóng mới tạo ra một hiện tượng chưa từng thấy trong ngành điện ảnh Pháp, chỉ trong vòng bốn năm có tới 200 tác phẩm đầu tay, tức là tính trung bình mỗi năm có khoảng 50 đạo diễn trẻ giới thiệu bộ phim đầu tiên của mình. Lẽ dĩ nhiên, nhiều tác phẩm ra đời trong thời kỳ Làn sóng mới không để lại dấu ấn sâu đậm bằng các tác phẩm của François Truffaut, nhưng ít ra họ đã chứng tỏ được một điều : qua việc tiết kiệm phương tiện, các đạo diễn có thể làm phim một cách độc lập, giá trị của một bộ phim không phải là kinh phí mà là tất cả tâm huyết ta đầu tư vào tác phẩm ấy.

Cho dù Làn sóng mới có thoái trào chưa đầy một thập niên sau, nhưng François Truffaut vẫn trở thành một trong những tên tuổi gạo cội của làng điện ảnh Pháp, một trong những đạo diễn có tác phẩm đều đặn nhất: 21 phim truyện trong 24 năm sự nghiệp, hầu như là mỗi năm đều có phim được cho ra mắt khán giả. Vào năm 1974, ông nhận giải Oscar dành cho phim tiếng nước ngoài hay nhất (La Nuit Américaine).

Nhân kỳ trao giải César của Pháp vào năm 1981, ông là gương mặt duy nhất được chấm 10 trên 10, tức là đoạt cả 10 giải trên tổng số 10 đề cử. Trong đó, có cả giải dành cho tác phẩm và đạo diễn phim hay nhất, nhờ vào bộ phim Le Dernier Métro (Chuyến xe điện ngầm cuối cùng). Nhà phê bình Antoine de Baecque đánh giá về sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn François Truffaut.

* Sự thành công ngoạn mục của bộ phim Le Dernier Métro nhân kỳ trao giải César đặt François Truffaut vào một tình thế khó xử, hay nói cho đúng hơn là nó tạo ra nơi ông nhiều cảm xúc trái ngược. Ông khao khát được giới chuyên nghiệp công nhận nhưng đồng thời đó cũng là điều mà ông e ngại. Có nhiều ý kiến chê bai tác phẩm Le Dernier Métro của ông, khi nhận xét rằng rốt cuộc một đạo diễn luôn chủ trương làm phim nghệ thụât như François Truffaut cũng thực hiện một bộ phim ‘‘thương mại’’ dành cho đại chúng, tức là ông đã làm tất cả những gì mà ông hằng chỉ trích.

Thật ra khi nhìn kỹ lại tất cả các tác phẩm của François Truffaut, ta sẽ nhận thấy rằng ông làm phim theo đủ mọi thể loại : tình cảm, tâm lý, xã hội, lịch sử, hình sự … miễn là không lặp đi lặp lại những gì ông đã làm. Mục tiêu tối hậu của ông khong phải làm làm phim để thỏa mãn thị hiếu của người xem để lôi kéo hàng triệu khán giả vào rạp, mà là đưa ra một góc nhìn, chuyển tải một thông điệp đến người xem, và nếu như quan điểm cá nhân đó được nhiều người chia sẻ thì đó là một điều đáng mừng.

François Truffaut là một nhân vật phức tạp, có nhiều bộ mặt. Ông từng dùng ẩn dụ để mô tả phim của Hitchcock, một bậc thầy mà ông rất ngưỡng mộ : theo đó nội tâm các nhân vật lúc nào cũng như là ngọn lửa âm ỉ dưới một lớp băng dày, chờ đến lúc đột ngột bùng lên để đốt cháy màn ảnh … Ẩn dụ này cũng rất đúng trong trường hợp của François Truffaut.

Về phần mình, đạo diễn Jean Luc Godard thường nói đùa như thế này : ban ngày François Truffaut là một nhà thơ, nhưng ban đêm ông lại trở thành một nhà kinh doanh. Câu nói này cho thấy là François Truffaut luôn tìm cách hoàn tất các bộ phim của mình, điều đó buộc ông phải thỏa hiệp, nhưng không phải vì kinh phí mà chối bỏ tiêu chí nghệ thuật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.