Vào nội dung chính
PHÁP

Giải Goncourt 2014 về tay nhà văn Lydie Salvayre

Tại Paris hôm nay 05/11/2014, giải Goncourt, giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp, đã được trao cho tác phẩm đề tựa ‘‘Pas Pleurer’’ (Không Khóc) của nữ tác giả Lydie Salvayre. Trong khi đó giải Renaudot thì lại về tay David Foenkinos nhờ quyển tiểu thuyết mang tên ‘‘Charlotte’’. Cả hai quyển sách đều mang đậm dấu ấn lịch sử.

Nhà văn Lydie Salvayre trong buổi trao giải Goncourt 2014
Nhà văn Lydie Salvayre trong buổi trao giải Goncourt 2014 REUTERS /Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Tác phẩm ‘‘Pas Pleurer’’ (Không Khóc), do nhà xuất bản Seuil phát hành, nói về giai đoạn cuộc nội chiến Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939, trước khi Đệ nhất Thế Chiến bùng nổ. Quyển sách này về đầu với kết quả sít sao, ban giám khảo Goncourt đã bỏ phiếu 5 lần mới bình chọn được tác phẩm xứng đáng.

Khi hay tin được giải Goncourt, nhà văn Lydie Salvayre rất xúc động. Cô cho biết rằng những cuốn sách mà cô từng viết trước đây có ít người đọc. Giải văn học có uy tín của Pháp đem lại cho cô một niềm hạnh phúc lớn, và đồng thời sẽ giúp cho tác phẩm chinh phục thêm nhiều đối tượng độc giả. Tính đến nay tác phẩm này đã bán được 22.000 quyển, và ngay sau giải Goncourt, nhà xuất bản Seuil dự trù in thêm 400.000 bản.

Theo đánh giá của ban giám khảo Goncourt, tác phẩm ‘‘Pas Pleurer’’ (Không Khóc) đã tạo được ‘‘chiều sâu lãng mạn’’ khi kết hợp hai nỗi ám ảnh, xen kẻ được hai hình tượng : một bên là nhà văn Bernanos luôn đối chiếu cái Thiện và cái Ác nơi con người, và một bên là bà mẹ ruột kể lại những kinh nghiệm thương đau từng trải thời nội chiến …. Tác phẩm này là một cuốn sách hữu ích gợi lại những trang đen tối, nhưng lại ít được nhắc tới trong lịch sử cận đại …

Trong cùng ngày với giải Goncourt, giải Renaudot đã được trao cho tác phẩm mang tựa đề ‘‘Charlotte’’ của nhà văn David Foenkinos. Tác giả này khá nổi tiếng vì một số tác phẩm trước đây của ông như quyển La Délicatesse (Sự tế nhị) từng được chuyển thể thành công lên màn ảnh lớn.

Lần này, quyển tiểu thuyết của ông cũng dùng một câu chuyện nhỏ để phác họa câu chuyện lớn, dùng ‘‘tiểu sử’’ để gợi lên ‘‘đại sự’’ vì nhân vật chính là họa sĩ tài ba Charlotte Salomon, bị sát hại tại trại tập trung Auschwitz vào năm 1943, ngay trong thời Đệ nhị Thế chiến …

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.