Vào nội dung chính
PHAP

Pháp : Khủng hoảng trong Đảng Xã hội

Có lẽ chưa bao giờ Đảng Xã hội, đảng hiện cầm quyền tại Pháp, lại rơi vào khủng hoảng trầm trọng như vậy, đến mức mà thủ tướng đương nhiệm Manuel Valls đã đề nghị nên đổi tên đảng cánh tả này.

Thủ tướng Pháp  Manuel Valls lúc phát biểu trước Quốc hội ngày 21/10/2014.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls lúc phát biểu trước Quốc hội ngày 21/10/2014. AFP
Quảng cáo

Khủng hoảng nội bộ Đảng Xã hội đã khởi đầu từ thứ ba vừa qua, 21/10/2014. Hôm đó, trong cuộc biểu quyết về ngân sách năm 2015, 39 dân biểu thuộc các đảng cánh tả, trong đó có Đảng Xã hội, đã không bỏ phiếu. Một trong những dân biểu này, ông Benoit Hamon, cựu bộ trưởng Giáo dục, cho biết họ hành động như vậy bởi vì, theo ông, chính sách của chính phủ hiện nay « đe dọa nền Cộng hòa » và sẽ dẫn đến « một thảm họa dân chủ to tớn » vào năm 2017, tức là khi Pháp bầu lại tổng thống và Quốc hội. Ngay lập tức, phát ngôn viên của chính phủ Stéphane Le Foll đã phản pháo, yêu cầu ông Hamon nên rời khỏi Đảng Xã hội.

Cả hai ông Hamon và Le Foll sau đó đã dịu giọng lại đôi chút. Thư ký thứ nhất của Đảng Xã hội Jean- Christophe Cambadélis cũng khẳng định với báo chí rằng ông không muốn ai rời bỏ đảng này, nhưng phản bác ông Hamon rằng mối nguy hiểm đối với nền Cộng hòa chính là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, chứ không phải là Đảng Xã hội.

Vấn đề là trong số dân biểu Đảng Xã hội không bỏ phiếu cho ngân sách 2015, ngoài ông Hamon còn có cựu bộ trưởng Văn hóa Aurélie Filippetti. Cả hai đều bị mất chức trong cuộc cải tổ nội các thủ tướng Manuel Valls tháng 8 vừa qua.

Hành động của hai dân biểu này phản ánh căng thẳng giữa chính phủ của tổng thống François Hollande với nhóm các dân biểu « bất mãn » trong Đảng Xã hội.

Ông Hollande hôm qua đã khuyên thủ tướng Manuel Valls là không nên để bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi như vậy. Thế nhưng, trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên tuần báo Le Nouvel Observateur, phát hành ngày 22/10, ông Manuel Valls lại châm ngòi cho một cuộc tranh cãi khác, khi kêu gọi phải đoạn tuyệt với cái mà ông gọi là « cánh tả thủ cựu », cho rằng những người chỉ trích ông là những kẻ « lỗi thời ».

Đương kim thủ tướng Pháp chủ trương một cánh tả « thực dụng, cải tổ và đề nghị xây dựng « một ngôi nhà chung » cho toàn bộ các « lực lượng cấp tiến », thậm chí gợi ý là nên đổi tên Đảng Xã hội. Đây là một đề xuất mà thủ tướng Pháp đã đưa ra hai lần vào năm 2007 và 2011, và lần nào cũng gây nhiều phản ứng trong đảng.

Lần này cũng vậy, ý kiến của ông Manuel Valls đều đã bị bác ngay lập tức. Thư ký thứ nhất Đảng Xã hội Jean - Christophe Cambadélis đáp lại rằng : « Đảng Xã hội là một cái tên đẹp, đã qua nhiều thử thách, thế thì nên giữ lại tên này ». Lãnh đạo Đảng Xã hội cũng bác bỏ một đề xuất khác mà thủ tướng Valls mới đưa ra sáng nay, đó là liên kết với cánh trung để cầm quyền.

Hôm nay, ông Cambadélis kêu gọi mọi đảng viên Xã hội đoàn kết với nhau. Nhưng xem chừng lời kêu gọi của ông sẽ chẳng có tác dụng gì, nội bộ đảng này sẽ còn tiếp tục lủng củng.

Ngoài những diễn biến vừa nói ở trên, còn phải kể đến việc cựu thư ký thứ nhất của Đảng Xã hội Martine Aubry, sau 2 năm im hơi lặng tiếng, cách đây vài ngày đã phát ngôn trở lại, đòi chính phủ Manuel Valls phải thay đổi chính sách kinh tế nhằm « thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng » cho nước Pháp. Nhưng thủ tướng Valls đã bác bỏ ngay lập tức yêu cầu của bà Aubry, vì theo ông làm như thế sẽ mất mọi thành quả đạt được cho đến nay.

Tóm lại, Đảng Xã hội đang ngày càng bị chia rẽ giữa những xu hướng chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau và rất có thể là chẳng sớm thì muộn những bất đồng nội bộ này sẽ khiến đảng này bị phân hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.