Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

« Cởi trói » cho thị trường để giải quyết thất nghiệp

Đăng ngày:

Pháp có nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng để phát triển đúng mức cần trị tận gốc ba căn bệnh : sự ngờ vực, thủ tục rườm rà và vai trò quá lớn của các nghiệp đoàn. Bộ trưởng kinh tế Pháp, Emmanuel Macron đang chuẩn bị công bố dự luật cải tổ sâu rộng để « khai thông những khúc mắc » gây tắc nghẽn cho các hoạt động kinh tế của Pháp.

Emmanuel Macron, bộ trưởng Kinh tế Pháp. Ảnh ngày 07/10/2014.
Emmanuel Macron, bộ trưởng Kinh tế Pháp. Ảnh ngày 07/10/2014. REUTERS/Jacky Naegelen
Quảng cáo

"Toa thuốc" của bác sĩ Macron để trị dứt ba căn bệnh đã kéo dài nói trên gồm những gì ? Tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp để thúc đẩy cỗ xe kinh tế Pháp ? Các chuyên gia đánh giá thế nào về các biện pháp cải tổ đang được bộ Kinh tế chuẩn bị, đặc biệt là đối với thị trường lao động ?

Cởi trói thị trường, ưu tiên hàng đầu của Paris

Ngày 15/10/2014 bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo đã trình bày một số những nét chính của dự luật cải cách sắp được công bố vào giữa tháng 12/2014. Thứ nhất để giải quyết một phần công việc làm cho đội ngũ gần ba triệu rưỡu người thất nghiệp, bộ Kinh tế đề nghị « linh hoạt » về luật lao động để cho phép các cửa hàng buôn bán được phép làm việc ngày chủ nhật, đặc biệt là tại các vùng có đông khách du lịch.

Theo quy định hiện nay, ngoài các cửa hàng mua bán thực phẩm, các cửa hàng được phép mở cửa 5 ngày chủ nhật trong một năm. Bộ Kinh tế đề nghị mở rộng điều khoản đó lên thành 12 ngày một năm. Mục tiêu nhằm nâng doanh thu cho các cửa hàng này và khuyến khích tuyển dụng thêm nhân viên. Đương nhiên, tại một quốc gia mà giới công đoàn có một trọng lượng lớn như ở Pháp, những ai đi làm ngày chủ nhật được đền bù thỏa đáng và được lãnh lương cao hơn so với một ngày làm việc bình thường trong tuần.

Đề nghị thứ hai của bộ trưởng Emmanuel Macron để tạo nên một động lực mới và khuyến khích cạnh tranh liên quan đến các ngành nghề tự do. Cụ thể là Paris đang chuẩn bị cải tổ ngành dược, đòi giới nha sĩ, bác sĩ, phải minh bạch hóa giá cả và tạo một sự cạnh tranh lớn hơn so với hiện tại giữa các đơn vị trong cùng một ngành. Đối với giới công chứng viên, nhân viên tòa án, lục sự … Paris dự trù xóa bỏ các ưu đãi độc quyền.

Đổi lại nhà nước sẽ hỗ trợ cho các vị bác sĩ, nha sĩ trẻ khi họ mở phòng mạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi giới trong ngành muốn mở hiệu thuốc tây. Hiện tại để được phép mở một nhà thuốc, giới dược sĩ cần phải vượt qua hơn một chục thủ tục nhiêu khê khác nhau. Trong tương lai Paris dự trù giảm khối lượng đó xuống còn 2 hay 3 điều khoản cơ bản.

Trước mắt hầu hết các ngành nghề liên quan đều cực lực chống đối vì không muốn bị mất độc quyền. Sở dĩ mà bộ Kinh tế phải tính đến giải pháp này, do hiện tại ở một số nơi, như ngay trong chính nội thành Paris, rất khó tìm được một bác sĩ áp dụng giá cả theo quy định của quỹ xã hội. Đơn giản là vì giá nhà đất quá đắt để một bác sĩ tổng quát chấp nhận khám bệnh với giá quy định 23 euro/ người.

Điều khoản thứ ba mà dự luật cải tổ của ông Emmanuel Macron đang hướng tới là tự do hoá các hoạt động của các tuyến xe đò nội địa trên toàn quốc, mở rộng mạng lưới xe đò công cộng. Hiện tại, để di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, người dân chỉ có một số những phương tiện như máy bay, xe lửa hay tự túc. Theo thẩm định của Bercy – bộ Kinh tế Pháp, biện pháp này sẽ cho phép tạo thêm từ 10.000 đến 16.000 chỗ làm, và giúp tiết kiệm được đến 700 triệu euro một năm cho người tiêu dùng, đem lại thêm khoảng 0,04 % GDP cho nước Pháp. Ông Macron nhấn mạnh việc phát triển hệ thống chuyên chở công cộng nói trên không ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành xe lửa mà lại cho phép giảm bớt khí thải CO2 gây ô nhiễm cho môi trường.

Bao nhiêu người sẽ có việc làm ?

Câu hỏi đang được mọi người quan tâm nhất hiện này là chương trình cải tổ kinh tế do bộ trưởng Emmanuel Macron đề xướng liệu sẽ tạo được thêm bao nhiêu chỗ làm cho người dân, khi biết rằng 10,4 % dân số Pháp trong tuổi lao động đang thất nghiệp.

Một chuyên gia ngân hàng được hãng thông tấn AFP trích dẫn ghi nhận « nhìn chung việc chính phủ mạnh dạn cải tổ, cho dù đó là những biện pháp không được lòng dân, để đưa kinh tế Pháp thoát khỏi bế tắc hiện này là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên tối đa, các biện pháp cởi trói kinh tế của ông Macron chỉ đem lại thêm 0,5 % GDP cho nước Pháp ». Vẫn theo chuyên gia này, muốn thực sự tháo gỡ những trở lực để phát huy đúng mức tiềm năng tăng trưởng, « Paris cần đi xa hơn nữa trên con đường cải tổ ».

Riêng đối với mục tiêu đảo ngược thế cờ trên thị trường lao động, tạo việc làm cho gần ba triệu rưỡi người đang đăng ký thất nghiệp, báo cáo từ hồi năm 2012 của Cơ quan tài chính IGF dự phóng một khi xóa bỏ thế độc quyền của nhiều ngành nghề, nước Pháp sẽ có thể tạo thêm 120.000 chỗ làm và chỉ trong 5 năm nữa, tổng sản phẩm nội địa của Pháp có triển vọng tăng thêm 0,5 % so với hiện nay.

Tuy nhiên Pierre Boisard, chuyên gia về thị trường lao động châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, tỏ ra thận trọng vì ông cho rằng, những quyết định chính trị tuy cần thiết nhưng không đủ sức để đẩy lui thất nghiệp nếu như các khu vực sản xuất không hưởng ứng.

« Rất khó để đảo ngược tình thế trên thị trường lao động bằng một quyết định chính trị. Bởi vì các các nhà sản xuất phải chấp nhận luật chơi chung, phải tôn trọng cam kết với chính phủ. Chính phủ đồng ý giảm thuế cho doanh nghiệp. Đổi lại, các nhà sản xuất phải tạo thêm công việc làm để giảm thất nghiệp. Mặt khác, thì phía nhà nước cũng phải tháo khoán cho doanh nghiệp những khoản tài trợ đã hứa hẹn. Trong trường hợp của Đức, Berlin tỏ ra khá dè dặt trong nghĩa vụ này. Nới lỏng tín dụng không chỉ để tạo nên cú hích cho tiêu thụ mà trước hết là để khuyến khích đầu tư ».

Kinh tế gia của Tổ chức nghiên cứu Kinh tế OFCE Bruno Ducoudré nhắc lại với tỷ lệ tăng trưởng èo uột như hiện nay, kinh tế Pháp không có khả năng đẩy lui nạn thất nghiệp một cách lâu dài : « Pháp cần có một tỷ lệ tăng trưởng lâu dài trên 1,5 % một năm để bảo đảm công việc làm, để giải quyết thất nghiệp. Đây là một vấn đề riêng của Pháp nhưng cũng là một cái gai của toàn khối euro ».

Mỗi năm tại Pháp có thêm 800 000 bạn trẻ gia nhập đội ngũ lao động và 650 000 người đến tuổi về hưu. Như vậy hàng năm có thêm 150 000 người tham gia thị trường lao động. Để giải quyết việc làm cho số đó, tổng sản phẩm nội địa của Pháp cần tăng tối thiểu là 1,5 %. Hiện tại cả cỗ máy kinh tế của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu, chỉ tăng 0,3 % thấp hơn rất nhiều so với mức tối thiểu là 1,5% vừa nói.

Thực tế cho thấy vấn đề càng cấp bách do số người bị gạt ra ngoài thị trường lao động ở Pháp có thể lên đến gần 5 triệu nếu tính cả những người có việc làm nhưng không quá 78 giờ trong một tháng.

Ở Pháp có hơn 1,3 triệu người làm việc theo hợp đồng bán thời gian, 2,7 triệu đi làm với hợp đồng ngắn hạn và rất bấp bênh.

Từ năm 1977 tới nay, chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp giảm xuống dưới mức 7 %. So với thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 9/2008, số người thất nghiệp tăng 45 %. Từ 2008 đến nay, Pháp cũng không tạo được thêm công việc làm cho người dân cho dù tình trạng kinh tế đã khả quan hơn trong hai năm 2010 và 2011.

Chính phủ đã liên tục đề ra các biện pháp để đẩy lui thất nghiệp nhưng kết quả vẫn chưa đi đến đâu. Áp lực ngày càng lớn đối với đảng Xã hội đang cầm quyền. Giới trẻ ở Pháp, những thành phần dưới 25 tuổi ngoài 50 bị tác động nhiều hơn cả. Tỷ lệ không hội nhập được vào thị trường lao động của hai lớp tuổi này cao hơn từ 2 đến 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình trên toàn quốc. Trước mắt, kế hoạch tạo 150 000 ngàn việc làm cho giới trẻ gọi là “công việc hướng về tương lai - Emplois d’avenir” ra đời từ tháng 8/2012 vẫn chưa giải quyết được việc làm cho thanh niên Pháp dưới 25 tuổi.

Trả lời đài RFI chuyên gia kinh tế Bertrand Martinot tác giả cuốn sách vừa cho ra mắt « Chômage, inverser la courbe – Thất nghiệp, đảo ngược tình huống», NXB Belles Lettres đặc biệt quan ngại về tình trạng của những thanh niên không có tay nghề cao và thậm chí ông cho rằng mức lương tối thiểu, SMIC là một trở ngại cho thanh niên khi đi xin việc làm đầu tiên.

« Nhìn chung giới trẻ thường xuyên bị gạt ra bên ngoài thị trường lao động, nhất là những thành phần không có bằng cấp, không có tay nghề chuyên môn, không có kinh nghiệm làm việc trong các hãng xưởng. Đây là một vấn đề riêng của thanh niên đến tuổi đi làm. Khi mà họ không có kinh nghiệm, mà đòi hỏi phải được trả lương tối thiểu, thì tôi nghĩ đây thực sự là một vấn đề, chúng ta cần phải xét lại ».

Giáo sư Jean Tirole, giải Nobel Kinh tế 2014.
Giáo sư Jean Tirole, giải Nobel Kinh tế 2014. REUTERS/Fred Lancelot

Cấp bách cải tổ thị trường lao động

Trả lời trên đài phát thanh tư nhân Europe 1, giáo sư Jean Tirole, giải Nobel kinh tế 2014 của Pháp, điều hành trung tâm nghiên cứu tại đại học Toulouse, nhìn nhận là cơ cấu vận hành của nền kinh tế Pháp cần được cải tổ cấp bách, nhất là đối với thị trường lao động, một thị trường đã bị « bệnh nặng » từ nhiều năm qua. Giáo sư Jean Tirole :

« Có rất nhiều lĩnh vực Pháp cần thực hiện khẩn cấp các biện pháp cải tổ. Chúng ta cần nhanh chóng cải tổ thịt rường lao động để tạo công việc làm đặc biệt là cho giới trẻ và cho những người ngoài 50 tuổi. Ở Pháp đối với một người ở độ tuổi 50-55, rất khó để tìm lại được một việc làm khi bị sa thải ».

Sau đề nghị cho các cửa hàng hoạt động thêm vào ngày chủ nhật, và mở cửa khuya hơn tại những địa điểm có đông du khách, bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron còn đi xa hơn khi ông đề nghị xét lại chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ riêng khoản này, theo ông Macron, sẽ giúp quỹ thất nghiệp giải quyết được mức thâm hụt đã lên tới 4 tỷ euro.

Đề nghị xét lại bảo hiểm thất nghiệp của ông Macron lập tức gây nhiều tranh cãi, trước tiên hết là ngay trong hàng ngũ đảng Xã hội cánh tả đang cầm quyền.

Sở dĩ vấn đề này được ông Macron nêu lên do hiện nay, khi tuyển dụng một nhân viên với đồng lương là 100 euro chẳng hạn, thì giới chủ phải đóng thêm 42 euro cho các quỹ an sinh xã hội- gồm bảo hiểm y tế, lương hữu và bảo hiểm thất nghiệp. Phía người làm công trên 100 euro lương tháng đó, họ phải đóng 22 % cho các quỹ xã hội, vào túi họ chỉ còn 78 euro.

Để so sánh, thì một ông chủ tại Đức chỉ đóng 19,5 euro cho quỹ xã hội và khoản đóng góp của người lao động Đức tương đương với ở Pháp.

Trong lúc mà những đóng góp xã hội của giới chủ ở Đức chỉ bằng một phân nửa so với Pháp, giáo sư Tirole, đại học kinh tế Toulouse, giải thưởng Nobel 2014 phân tích thêm vì sao Paris cần nhanh chóng xét lại khoản bảo hiểm thất nghiệp :

« Bảo hiểm thất nghiệp là trở ngại để giải quyết công việc làm cho người lao động. Hiểu theo nghĩa, là giới chủ, khi họ sa thải nhân viên thì họ không phải đống góp gì cho quỹ an sinh xã hội nữa. Ngược lại khi họ tuyển dụng nhân viên vào làm việc thì họ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thất nghiệp rất cao. Với những đóng góp tốn kém như vậy, giới chủ vừa đắn đó trước khi họ tuyển người, và khi cần thì họ dễ dàng cho nhân viên nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng tài chính. Tôi nghĩ là chính phủ nên bắt buộc các hãng xưởng khi sa thải nhân công cần đóng góp cho quỹ an sinh xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bắt khu vực sản xuất đóng thuế cao hơn nữa ».

Một phi lý khác trong mô hình lao động của Pháp được giáo sư Tirole nhắc tới là hợp đồng vô thời hạn :

« Các doanh nghiệp rất sợ khi phải tuyển dụng nhân viên với hợp đồng vô thời hạn, bởi vì họ không dễ sa thải trong trường hợp cần thiết, họ không thể dễ dàng điều chỉnh khối lượng nhân viên để thích nghi với tình thế. Vì thế các doanh nghiệp thường tuyển dụng qua hợp đồng có hạn định, dùng các thực tập viên … Từ đó, những thanh niên mới tập tễnh bước vào đời rất khó tìm được một công việc tương đối ổn định. Vì thế, tôi nghĩ giải pháp đơn giản nhất là nên chỉ còn duy trì một hình thức hợp đồng lao động duy nhất, tức là không còn phân biệt giữa hợp đồng vô thời hạn và những hợp đồng có hạn định nữa. Đương nhiên như vậy một số người lao động được bảo vệ hơn, và một số kia thì không được bảo đảm có công việc làm vĩnh viễn nữa ».

Từ một chục năm qua giáo sư Jean Tirole đã đề xuất cải tổ thị trường lao động Pháp, bãi bỏ biên giới giữa hợp đồng vô thời hạn và hợp đồng có hạn định để trấn an giới chủ. Đồng thời giải Nobel kinh tế tương lai này của Pháp chủ trương là phải bắt các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi họ sa thải nhân công. Biện pháp này nhằm tránh để các doanh nghiệp sa thải bừa bãi. Nhìn chung về toàn cảnh kinh tế của Pháp, giải Nobel 2014 Jean Tirole không quá bi quan ông tin vào những tiềm năng lớn của nước Pháp :

« Pháp rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của thị trường tài chính. Trước mắt chúng ta may mắn là đang đi vay tín dụng với lãi suất rất thấp nhưng chỉ cần các nhà đầu tư lo ngại về tiềm năng của Pháp, là lãi suất tăng vọt. Khi đó các chi phí ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng đối với chính phủ Pháp. Để thực sự thoát khỏi giai đoạn khó khăn như hiện nay, nước Pháp bắt buộc phải mạnh dạn cải tổ, và nhất là đẩy mạnh đầu tư, để cạnh tranh với quốc tế. Bản thân nước Pháp phải có những doanh nghiệp với tầm cỡ như Google, hay đó phải là những doanh nghiệp có tiềm năng tạo công việc làm, tạo ra của cải cho toàn quốc. Nước Pháp có những trường đại học lớn, có nhiều tài năng … Đương nhiên khi đầu tư chúng ta phải nhắm tới những lĩnh vực chiến lược chứ, và nếu chỉ trông chờ vào đầu tư thôi thì không đủ ».

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.