Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Phim Leviathan : Ác quỷ thời Putin

Đăng ngày:

Trọng Thành/RFI« Leviathan », bộ phim truyện thứ tư của đạo diễn Nga Andrei Zviaguintsev được nồng nhiệt chào đón tại Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp) 2014. Leviathan được vinh danh kịch bản phim xuất sắc nhất. Trong Leviathan, người dân thường bị những kẻ quyền chức tước đoạt hết thảy. Những kẻ đểu cáng ở khắp nơi, luật rừng ngự trị. Cái nhìn của nhà điện ảnh về nước Nga không hề khoan nhượng. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2014, bộ phim bất ngờ được chính quyền Nga chọn làm đại diện tranh giải Oscars. Vì sao Leviathan gặt hái thành công như vậy và ngay tại chính nước Nga ?

Áp phích quảng cáo phim Leviathan
Áp phích quảng cáo phim Leviathan
Quảng cáo

Leviathan được ghi nhận trước hết với những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Một bộ xương cá voi khổng lồ giạt vào bờ biển, kề bên một cậu bé vắt vẻo trên vách đá. Hình ảnh trên áp phích gây sững sờ khiến người xem tò mò muốn biết hơn về những gì sẽ xảy ra nơi đây.

Kolia (hay Nicolai), người chủ một xưởng sửa xe nhỏ, cùng người vợ trẻ đẹp Lilia và Roma, con trai của vợ trước, sống yên bình tại ngôi làng nhỏ ven biển Barents. Đột nhiên ông bị người đứng đầu chính quyền thị trấn đe dọa trục xuất khỏi mảnh đất mà gia đình ông đã định cư từ bao đời, với lý do để xây dựng một « trung tâm truyền thông ».

Người xem đến với ngôi nhà của các nhân vật chính vào một buổi tối. Một ánh sáng nhẹ nhàng và ấm áp phủ lên ngôi nhà gỗ dễ thương của họ khiến người ta nghĩ tới cuộc sống dịu dàng ở xứ Na Uy bán đảo Scandinave phương Bắc, cùng chia sẻ vùng biển Barents với nước Nga.

Bạo lực, phản bội, giả trá

Kolia mời Dmitriy, một bạn thân, luật sư từ Matxcơva tới đây để giúp ông chống lại việc cưỡng chế đất. Dmitriy có trong tay một hồ sơ hết sức độc địa, mà người ta không biết bằng cách nào mà người luật sư Matxcơva có được, để gây áp lực lên viên thị trưởng Vadim Cheleviat. Đây là một kẻ tranh thủ mọi cơ hội để vơ vét, với sự che chở về tinh thần của giới chức đạo Chính thống. Trước đe dọa của luật sư thủ đô, thị trưởng Vadim Cheleviat quyết định đưa mafia vào cuộc….

Người chủ xưởng sửa xe Kolia hết rơi vào thất bại này đến thất bại khác. Nhờ hàng suối rượu vodka mà Kolia cố gắng chịu đựng những điều mà con người ông vốn không thể chấp nhận. Cũng như Kolia, những người bạn của ông cũng cố gắng dìm nỗi buồn và mặc cảm của mình trong rượu. Kolia không chỉ thất bại trước hệ thống mafia thao túng toàn bộ chính quyền địa phương. Bất hạnh đến với ông trên mọi phương diện. Các quan hệ vợ chồng, bạn hữu, láng giềng, cha con lần lượt sụp đổ.

Leviathan là một bộ phim về thân phận con người nói chung trong xã hội, nhiều hơn là về một bi kịch gia đình. Thủ pháp giữ khoảng cách đủ lớn trong các trường cảnh trong suốt chiều dài bộ phim, cùng những hình ảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa chết chóc, mang lại cho Leviathan một âm hưởng sử thi. Hướng đến một thứ điện ảnh vừa phổ quát, vừa mang tính phê phán triệt để là hành trình của đạo diễn Leviathan qua bốn bộ phim truyện ông đã thực hiện. Hai bộ phim đầu « Trở về » (2003) và « Biệt xứ » (2007) hướng cái nhìn về thế giới những tình cảm riêng tư, trong khi đó Elena và Leviathan nhắm thẳng đến lòng tham lam và những thủ đoạn tranh quyền đoạt lợi bao trùm lên toàn bộ xã hội nước Nga thời Putin. Trong một cảnh gây cười hiếm hoi trong bộ phim nặng trĩu này, một nhân vật lôi ra một loạt chân dung các cựu Tổng thống, Chủ tịch Nga, để dùng làm bia bắn giải sầu. Kolia chợt hỏi : « Vì sao trong số này không có những lãnh đạo hiện nay ? ». Người có sáng kiến khác thường này đáp một cách thản nhiên : « Không, đối với những người mới, chúng ta vẫn chưa có đủ độ lùi lịch sử ».

Tài tử Alexei Serebriakov thủ vai Kolia làm nên linh hồn của Leviathan, gây ấn tượng mạnh với năng lực thể hiện luân phiên hai tâm trạng hết sức tương phản, nổi giận đến điên dại và nhẫn chịu hoàn toàn. Leviathan đưa người xem đến với một xã hội không có lối thoát, nơi man rợ ngự trị, còn tình người không còn đất sống. Người vợ tự sát để được giải thoát khỏi một cuộc đời hoàn toàn tan nát, người chồng điên vì ghen và cuồng dại trong thù hận, người con bế tắc trước thái độ hoàn toàn không chia sẻ của những người lớn xung quanh…

Kolia trong cơn tuyệt vọng, quên mình trong rượu, tình cờ gặp một thầy tu xứ đạo lẻ. Để an ủi, người này kể lại cho ông câu chuyện trong kinh Cựu ước về Job, con người vô cùng nhẫn nhịn trước Chúa Trời và những hành động độc ác mà quỷ Satan liên tiếp giáng xuống, để rồi được ban thưởng một cuộc sống lâu dài và bình an về sau. Tôn giáo là chỗ dựa duy nhất còn lại khi con người không còn chỗ dựa nào hết.

Ngôi nhà bị tước đoạt, bạn bè thân tín phản bội, ít ngày sau khi vợ chết, Kolia đột ngột bị khép tội giết vợ và ngay lập tức bị tống giam.

Trong cảnh quay cuối, đạo diễn Leviathan đưa người xem đến với thánh đường nhà thờ Chính thống giáo vừa được dựng lên tại chính nơi giải tỏa ngôi nhà và mảnh đất xưa của gia đình Kolia bất hạnh. Ở nơi đây, những kẻ giàu có nghiêm trang háo hức lắng nghe những lời giảng giải đầy dối trá của viên giáo trưởng. Chính quyền và Giáo hội gắn bó bên nhau để ngự trị trên đầu trên cổ hàng triệu dân lành.

Kẻ cùng đường nổi loạn trên đất Mỹ và sự thật về nước Nga

Điều đáng nhắc đến ở đây là bộ phim Léviathan thoạt tiên được gợi cảm hứng từ cuộc đời bi thảm có thật của Marvin Heemeyer, một người thợ hàn 52 tuổi độc thân sống tận tiểu bang Colorado nước Mỹ xa xôi, chủ nhân một ngôi nhà và xưởng nhỏ nằm lọt thỏm giữa một khu đất của một nhà máy lớn. Không thuyết phục được người thợ bán nhà, xí nghiệp này đã bao vây ngôi nhà. Phẫn nộ, người thợ hàn mang theo vũ khí, biến xe ủi thành xe thiết giáp tấn công nhiều trụ sở chính quyền địa phương, đã thờ ơ với số phận của ông, trước khi tự sát. Trả lời phỏng vấn báo Pháp, đạo diễn Andrei Zviaguintsev cho biết câu chuyện này khiến ông vô cùng xúc động. Nó cuốn hút ông. Andrei Zviaguintsev đã tìm thấy ở đó hình ảnh của một cuộc nổi loạn phi thường. Đến lượt mình, ông thay đổi, thêm thắt các tình tiết, nhân vật và lồng câu chuyện vào bối cảnh nước Nga.

Với một xuất xứ như vậy, liệu Léviathan có phải là câu chuyện về nước Nga, một nước Nga bệnh hoạn, chìm trong rượu vodka và tham nhũng ?

Theo một quan điểm chỉ trích, câu chuyện từ phương trời xa xôi được cấy vào bối cảnh Nga đã không hề mang lại một hình ảnh trung thực về đất nước này (bài « Léviathan : “nền điện ảnh lớn” hay điện ảnh tuyên truyền », báo mạng “Le Grand soir”). Mục tiêu thường trực của đạo diễn là bôi bác tất cả các định chế tại nước Nga : từ cảnh sát cho đến tòa án, lãnh đạo chính quyền và đặc biệt là Giáo hội Chính thống. Thông điệp ở đây thật rõ ràng : « tất cả những lừa đảo và bạo lực trong phim được thực hiện nhân danh Putin và được Giáo hội chính thống che chở ». Vẫn theo quan điểm nói trên, các nhân vật chính trong phim đều thiếu đời sống xã hội thực, nhất là các hoạt động nghề nghiệp, nhân vật Kolia được xây dựng quá cẩu thả, với một hành xử quá đơn giản : nốc vodka mỗi khi gặp chuyện đau buồn. Người chỉ trích kết luận, đạo diễn Zviaguintsev thực ra chỉ là một kẻ láu cá, nửa dơi nửa chuột. Dơi khi coi bộ phim là phổ quát ở tầm nhân loại, chuột, khi đả kích nước Nga của Putin. Leviathan không hề là một bộ phim xã hội hay mang tính biểu tượng lớn. “Léviathan cho ra một con cá sardine”.

Thị trấn ma, rượu vodka

Để đánh giá tính hiện thực của bộ phim Leviathan qua con mắt của những người dân thường nước Nga, một nhóm phóng viên của tuần báo văn hóa Pháp Télérama đã thực hiện một phóng sự rất thú vị, sau chuyến đi một tuần lễ tới Kirovsk, cách Matxcơva hơn 600 km về phía tây bắc, nơi được chọn làm phim trường. Rất nhiều điều trên thực địa không giống với bộ phim : Kirovsk có bề ngoài giống với nhiều đô thị Châu Âu, đường xá rất tốt, dân cư có vẻ khẩn trương, tại nhiều nơi đoàn đến thăm không hề có cảnh nghiện rượu, mọi người đều rất cởi mở… Viên thị trưởng thành phố cùng tên với cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev, cười lớn khi nghe giới thiệu về bộ phim với những ấn tượng nặng nề về nghiện ngập và tham nhũng.

Trên thực tế, tìm hiểu kỹ hơn, các phóng viên Télérama ghi nhận những vấn đề thực sự của thành phố : ngân sách của Nhà nước giảm nghiêm trọng, hệ thống y tế tồi tệ, tuổi thọ thấp hơn mức trung bình, giới trẻ bỏ đi rất nhiều, việc Nga can thiệp vào Ukraina gây phân hóa trầm trọng ngay trong nội bộ các gia đình… Đi xa hơn nữa, tới Teriberka một địa điểm quay thứ hai gần Kirovsk. Thị trấn cảng 12.000 dân dưới thời cộng sản, nay chỉ còn chưa đến 1.000. Một ngôi trường, một xí nghiệp cá, rất nhiều ngôi nhà ở đây rơi vào trạng thái hoang tàn…. Những cảnh tượng tại thị trấn ma này đã không được đạo diễn đưa vào ống kính. Cả cái nhìn lạnh giá chản nản tột cùng của nữ công nhân xí nghiệp cá - nơi làm việc của vợ nhân vật Kolia trong phim -, cả những cặp vợ chồng già héo hắt sống giữa những ngôi nhà đổ nát cũng vậy…

Trước khi đoàn rời Kirovsk, « nơi nền văn minh chấm dứt » theo mô tả của một cư dân địa phương, đã xảy ra một tai nạn giao thông : một người tài xế say rượu đâm thẳng xe vào một cửa hàng giày phụ nữ. Vừa ra khỏi xe, vừa chửi bới, người lái xe mang một chiếc áo cộc tay trên có in hàng chữ : « Bộ các tình trạng khẩn cấp của nước Nga ». Tờ Télérama (Bài « Du hành nơi nước Nga không thể thấy trong “Leviathan” của Andrei Zviaguintsev ») kết luận : « cuối cùng thì ta đã hiểu. Không bộ phim nào có thể đưa được nước Nga quá rộng lớn này vào trong hộp… Andrei Zviaguintsev đã hiểu ra trước chúng ta. ‘‘Người Nga quá lớn. Tôi cố gắng thu nhỏ họ lại”, Dostoievski từng nói. Zviaguintsev giờ cũng làm như vậy ».

Khế ước với quỷ

Leviathan là tên của loài quỷ đại biểu cho hình tượng sự hỗn mang nguyên thủy trong thần thoại của xứ Phénicie, vùng Cận Đông. Trong Kinh Cựu ước, Leviathan là tên của loài thủy quái khổng lồ hình thù không định rõ, có thể biểu hiện qua nhiều hình dạng như rồng, rắn, cá sấu… Leviathan được coi như là nguồn gốc của những chấn động kinh hoàng gây đảo lộn hành tinh, thay đổi cấu trúc địa chất trái đất, thậm chí có thể hủy diệt nó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI tiếng Nga sau khi phim được trao giải tại Cannes, đạo diễn Andrei Zviaguintsev nói :

« Đối với tôi và đồng tác giả kịch bản Oleg Negin, chủ đề phim Leviathan dựa trên hai nền tảng. Trước hết là cuốn sách về Job trong Kinh Cựu ước, đặc biệt với cảnh Chúa Trời nói chuyện với Job. Chúa mời ông đưa cái nhìn hướng về quái vật Leviathan và yêu cầu Job mô tả nó. Nền tảng thứ hai của bộ phim là tiểu luận của nhà triết học Thomas Hobbes, mang tên ‘‘Leviathan’’. Đó là một tiểu luận về Nhà nước. Đối với Hobbes, Nhà nước bao gồm các quyền lực tâm linh cũng như thế tục. Hai nền tảng nói trên là trung tâm trong dự án của chúng tôi khi thực hiện bộ phim này. Tất nhiên, mỗi khán giả khi xem phim sẽ tự mình đưa ra những luận giải riêng ».

RFI : Như vậy phải chăng các công dân đã tham gia tạo nên quái vật Leviathan để thống trị chính họ ?

« Tôi cũng nghĩ như vậy. Con người trao vào tay kẻ cầm quyền tự do của mình để đổi lấy việc được bảo đảm an toàn và các nhu cầu xã hội của mình. Trong trường hợp này, tôi xin phép dùng một diễn đạt có phần táo bạo : con người ký hợp đồng với quỷ sứ. Bởi con người đã trao vào tay loài quỷ thứ quý giá nhất của mình : Đó là tự do và phẩm giá ».

Quyền hủy khế ước

Vẫn trong chương trình giới thiệu về bộ phim Leviathan của RFI tiếng Nga, Trợ lý tổng biên tập tạp chí Pháp « Philosophie Magazine » Mikhail Elchaninov nhận xét :

« Hình tượng Leviathan mà Zviaguintsev chọn rất thú vị. Nó tiêu biểu cho một mô hình khế ước xã hội đặc biệt. Chúng ta quyết định ủy thác mọi sức mạnh của mình cho Leviathan để nó bảo đảm an ninh cho chúng ta. Sự ra đời của Leviathan xuất phát từ một trạng thái được gọi là ‘‘hoang dã’’, khi người với người là chó sói, phần nào giống như chính quyền của Putin đã được lập ra để bảo vệ các công dân Nga chống lại tình trạng hỗn loạn trong những năm 1990. Tình trạng này tương hợp với những điều mà đạo diễn Zviaguintsev quan tâm.

Vấn đề của Leviathan là, một khi đã đưa quái vật lên nắm quyền, tất cả mọi người chúng ta sẽ đều phải chịu đựng các hành động của nó. Khi chọn một thế lực cầm quyền hùng mạnh, các công dân sẽ trở nên bất lực. Tuy nhiên chính bản thân Hobbes cũng đã viết : trong trường hợp các thế lực cầm quyền đe dọa an ninh hay sinh mạng của chúng ta, thì chúng ta có toàn quyền nổi dậy. Nếu chính quyền quá tàn bạo với các công dân, nếu các công dân bắt buộc phải chấp nhận tham nhũng, bị tước đoạt tài sản hay bị đẩy ra chiến trường – khi mà họ không hề chấp nhận mục đích của cuộc chiến – thì các công dân có quyền nổi dậy.

Vâng, mô hình quyền lực của ông Putin hiện nay có thể được coi như một khế ước xã hội kiểu Nhà nước Leviathan, có nghĩa là Tổng thống Putin không cần đếm xỉa gì đến dân chúng. Vấn đề của kiểu khế ước xã hội này là, một khi các công dân không còn chịu đựng nổi sự hạ nhục, nạn tham nhũng lạm quyền, thì lý thuyết của Hobbes cũng tiên liệu sự nổi dậy chống lại một quyền lực như vậy. Nói một cách khác, đạo diễn Zviaguintsev không chỉ cho thấy cái hiện tại, mà còn chỉ ra cả tương lai của nước Nga ».

RFI : Như vậy liệu ta có thể hy vọng ?

« Có hy vọng bởi vì mô hình Nhà nước Leviathan của Hobbes trên thực tế rất dễ tổn thương. Vì nhu cầu được bảo đảm an ninh mà chúng ta lựa chọn một chính quyền mạnh. Nhưng một khi quyền lực này bắt đầu đe dọa chúng ta, thì chúng ta buộc phải chống lại. Vì thế mà, theo chu kỳ của Leviathan, về mặt lô gic nước Nga Putin sẽ phải chấm dứt tồn tại ».

Phim Leviathan vừa được công chiếu tại Pháp từ cuối tháng 9 và cho đến nay đã được các công ty mua bản quyền phát hành tại hơn 40 quốc gia.

Ngày 28/09/2014, Leviathan – bộ phim gây nhiều tranh luận tại Nga vì chỉ trích quyết liệt chính quyền – chính thức được đề cử làm đại diện cho nước Nga tranh giải Oscar hạng mục phim nước ngoài. Trả lời nhật báo La Croix ít hôm trước đó, đạo diễn Zviaguintsev dự đoán, « xã hội Nga sẽ phân làm đôi trong thái độ đối với bộ phim này và lập trường của hai bên sẽ rất cách biệt, bộ phận có quan điểm tiêu cực sẽ mạnh hơn ». Tuy nhiên, nhà làm phim khẳng định điều ông đặc biệt quan tâm là « liệu bộ phim có giúp cho sự ra đời của những ý tưởng mới, hy vọng hay khát vọng thay đổi hay không ». Để được kiểm duyệt chấp nhận, phim Leviathan đã phải làm chìm xuống khoảng 20 diễn đạt bị đánh giá là « tục tĩu », theo luật mới của Nga.

Leviathan được Bộ Văn hóa Nga tài trợ 35% chi phí. Phát biểu về phim, Bộ trưởng Văn hóa Nga Vladimir Medinski nhận xét đây là « một bộ phim tài tình », nhưng ông « không thích » nếu đứng trên quan điểm cá nhân.

Đạo Chính thống Nga và chính quyền Putin

Hãng tin Ria Novosti (ngày 25/06/2013) của chính quyền Nga (trong bài « Tôn giáo đối với đa số người Nga chỉ là lễ bái ») dẫn một điều tra xã hội, theo đó hơn 60% người Nga tự coi theo đạo Chính thống. Nhưng trong số những người này chỉ có 12% đến nhà thờ một lần mỗi tháng. Chưa tới 1% đọc kinh sách thường xuyên, gần ¼ không biết gì. Theo tổng giám mục Mikhail Ardov, không quá 2% người Nga là tín đồ Chính thống giáo tích cực. Ông Yuri Tabak, Văn phòng nhân quyền Matxcơva, nhận xét : « Giáo dục nhìn chung mang lại tinh thần phê phán… Chức sắc Chính thống giáo không được học hành, họ nằm trong số những nhóm xã hội bị coi thường nhất. Đọc Kinh Tân ước và nhất là Kinh Cựu ước không phải chuyện phổ biến. Người ta chủ yếu chỉ đọc các sách về cuộc đời các vị thánh và các sách vở được đánh giá là thuộc về ‘‘tín ngưỡng’’».

Trả lời câu hỏi « Ông có chống tôn giáo hay không ? » của tạp chí điện ảnh Pháp Première, đạo diễn Zviaguintsev nói : « Tôi ít nhằm vào tôn giáo hơn là những kẻ đạo đức giả. Những kẻ sử dụng tín ngưỡng vào các mục đích vô đạo, những kẻ tin vào lễ bái hơn là vào hiện thực tâm linh. Cuối cùng Job trong Kinh thánh và Nicolai trong bộ phim của tôi đều hướng về Chúa Trời ».

Còn theo một điều tra của trung tâm nghiên cứu độc lập Levada, tỷ lệ người theo Giáo hội Chính thống có phần giảm sút những năm gần đây. Cũng viện này cho biết số lượng người Nga tới nhà thờ đều đặn hàng tháng chỉ khoảng 0,5% dân số (theo nhà xã hội học Pháp Kathy Rousselet, bài « Tìm hiểu đạo Chính thống Nga đương đại », Archives de sciences sociales des religions, số 2/2013).

Chuyên gia về Chính thống giáo Nga Nikolai Mitrokhin, đại học Đức Breman, nhận xét Tổng thống Nga có chiến lược « dựa vào Giáo hội Chính thống, với nền triết học bảo thủ và hệ thống tổ chức riêng… tại mỗi vùng, Giáo hội cung cấp các cơ chế cho phép ông Putin phổ biến các tư tưởng mà ông ta muốn cổ vũ. (…) Có một thỏa thuận giữa Putin và Giáo hội về những nguyên tắc ý thức hệ chủ yếu. Giáo hội muốn đóng vai trò trung tâm trong việc định nghĩa các giá trị đạo đức và đạo lý của đất nước. Ông Putin cho phép làm điều này và do đó Giáo hội trung thành với ông ta ». Quan hệ giữa ông Putin với Giáo hội Chính thống là « có đi có lại », khác với Tổng thống tiền nhiệm Medvedev, « lý tưởng hóa » và ưu đãi một chiều Giáo hội (Xem thêm bài : « Nước Nga, Giáo hội chính thống, Nhà nước và xã hội », trả lời phỏng vấn Religioscope, 10/01/2014). Vẫn theo nhà sử học, một trong những lo ngại lớn nhất của Giáo hội Chính thống Nga là mất ảnh hưởng tại Ukraina.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.