Vào nội dung chính
HỒI ỨC - CHIẾN TRANH

Thế chiến thứ nhất : Pháp tưởng niệm 600.000 tử sĩ các quốc gia đối địch

Hơn 600.000 binh sĩ nhiều quốc gia đối địch tử trận trong Đại chiến thế giới thứ nhất, tại miền Bắc nước Pháp, kể từ nay có một nơi tưởng niệm chung. AFP hôm nay, 12/10/2014, dẫn lời những người chủ trì công trình quốc tế Notre-Dame-de-Lorette cho biết đây là « khu tưởng niệm khắc tên tử sĩ quan trọng nhất thế giới ».

Khu tưởng niệm quốc tế tử sĩ các quốc gia tham chiến tại miền bắc nước Pháp, vùng Nord-Pas-de-Calais.  (DR)
Khu tưởng niệm quốc tế tử sĩ các quốc gia tham chiến tại miền bắc nước Pháp, vùng Nord-Pas-de-Calais. (DR)
Quảng cáo

Nhà sử học Yves Le Maner, người được Hội đồng vùng Nord-Pas-de-Calais ủy nhiệm làm người phụ trách chương trình Ký ức và tưởng niệm về Thế chiến 1914-1918, nhấn mạnh đây là « một công trình quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực này : trước kia mỗi quốc gia có các tưởng niệm riêng về những người đã khuất, thì đây là lần đầu tiên người ta tưởng niệm chung những người đã nằm xuống, vốn là kẻ thù trong quá khứ ».

Công trình tưởng niệm quốc tế đặc biệt này là kết quả của ba năm suy tư và thực hiện. Tiêu điểm của kiến trúc là dãy tường hình bầu dục trải dài tổng cộng hơn 300 mét, tượng hình cho 499 trang của một cuốn sách, do kiến trúc sư Philippe Prost thiết kế. Trên các « trang sách » có ghi tên của hàng trăm nghìn binh sĩ tử trận tại Nord-Pas-de-Calais (sát biên giới với nước Bỉ) từ 1914 đến 1918 trên một chiến tuyến dài 90 km giữa Flandres và Artois. Danh sách những quân nhân được tưởng niệm thuộc quân đội của nhiều quốc gia vốn là đối thủ vào thời điểm đó, như Pháp, Đức, Anh… Tên của những người đã mất được xếp lẫn vào nhau theo thứ tự ABC, không phân biệt quốc tịch, cấp bậc hay tôn giáo.

Vẫn theo nhà sử học Yves Le Maner, « những người nằm xuống với tài năng, trí tuệ của họ là sự mất mát đối với nhân loại. Ở đây, chúng tôi muốn kêu gọi tưởng nhớ về quá khứ và cảnh giác. Tưởng niệm là để thông tin với những thế hệ tiếp nối ».

Để hoàn tất công trình này, đặc biệt phải kể đến khối lượng lao động vô cùng lớn của các nhà lưu trữ Pháp, Anh, Đức, nhằm phục dựng lại tên tuối những người đã khuất. Trong danh sách những người đã nằm xuống tại các chiến trường miền Bắc nước Pháp trong biến cố chung, mà nhà sử học Yves Le Maner gọi là « biểu hiện tàn khốc đầu tiên của quá trình toàn cầu hóa », có 241.000 binh sĩ thuộc đế chế Anh (Anh Quốc, New Zearland, Canada, Ấn Độ…), 172.000 người Đức, 106.000 người Pháp, 2.300 người Bỉ, 2.200 người Bồ Đào Nha và khoảng 1.000 người Nga và người Rumani, tù binh của quân đội Đức. Trong số các tử sĩ nổi tiếng, có vận động viên Bỉ François Faber (nhà vô địch xe đạp vòng đua nước Pháp năm 1909), nhà leo núi Đức Hans Dulfer, Fergus Bowes-Lyon (người anh em của hoàng hậu Anh) … Nhà sử học cho biết phải bốn người làm việc toàn phần trong suốt một năm trời mới tìm lại được tên của toàn bộ những người đã mất. Một « trang » hiện vẫn còn để trống để chờ đón tên của những tử sĩ nào được phát hiện sau này. 

Giải thích về hình tượng chiếc nhẫn của công trình, kiến trúc sư Philippe Prost nói ông muốn cho thấy « sự mong manh của hòa bình, như chúng ta đã thấy ở Châu Âu cụ thể mới đây với những gì vừa diễn ra tại Ukraina ».

Ngày 11/11/2014, buổi khánh thành công trình tưởng niệm chính thức sẽ được tổ chức với sự tham dự của Tổng thống Pháp François Hollande, và có thể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong những tuần tới, khu tưởng niệm quốc tế các tử sĩ của Thế chiến thứ Nhất sẽ đón các vị khách đầu tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.