Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHỐNG KHỦNG BỐ

Cuộc chiến chống ‘‘Nhà nước Hồi giáo’’ sẽ thắng khi thế giới Ả Rập tự cải cách

Áp lực khủng bố đè nặng lên nước Pháp, thể hiện cụ thể nhất với số mạng treo trên sợi tóc của ông Hervé Gourdel, người vừa bị một nhóm vũ trang tuyên bố trung thành với tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » bắt cóc để đòi Paris ngừng không kích tại Irak, đúng vào thời điểm liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu mở màn cuộc tấn công « Nhà nước Hồi giáo » tại Syria. Báo chí Pháp ngày hôm nay đặt rất nhiều câu hỏi về các mục tiêu, hình thái và các thách thức của cuộc chiến tranh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo mà Pháp tham gia.

Hội nghị Paris về hòa bình và an ninh tại Irak. Tổng thống Pháp  François Hollande (P) phát biểu cùng Tổng thống Irak, Fouad Massoum, người Kurdistan. Ông Massoum là Tổng thống thứ hai của Irak không phải là người Ả Rập, 15/09/2014.
Hội nghị Paris về hòa bình và an ninh tại Irak. Tổng thống Pháp François Hollande (P) phát biểu cùng Tổng thống Irak, Fouad Massoum, người Kurdistan. Ông Massoum là Tổng thống thứ hai của Irak không phải là người Ả Rập, 15/09/2014. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

Le Monde có bài xã luận « Một cuộc chiến cần phải được gọi bằng tên của nó ». Ngày hôm nay Quốc hội Pháp sẽ có phiên họp đặc biệt về chiến dịch quân sự của Pháp tại Irak, vừa khởi sự ít ngày. Xã luận Le Monde mở đầu với một đòi hỏi gửi đến chính phủ : « chính phủ còn nợ chúng ta một sự thật : nước Pháp rõ ràng đã tham gia vào một cuộc chiến tranh chống lại tổ chức thánh chiến tự xưng ‘‘Nhà nước Hồi giáo’’ ». Le Monde lưu ý đến một điều quan trọng : « Pháp đang dấn thân vào một cuộc chiến lâu dài, mà kết cục của nó hoàn toàn không được bảo đảm ». 

Nhấn mạnh đến biến cố quan trọng trong vòng 24 giờ qua, liên quân tấn công vào căn cứ địa chính của « Nhà nước Hồi giáo » tại Syria, tờ báo ra mắt vào tối qua đặc biệt hướng quan tâm của độc giả đến sự có mặt của 5 quốc gia Ả Rập trong hàng ngũ liên quân chống tổ chức « Nhà nước Hồi giáo ». Dù mức độ tham gia thế nào, sự hiện diện của các quốc gia Ả Rập « mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn quân sự ».

Về mặt thực tế, các quốc gia Ả Rập là những nước trực tiếp chịu mối đe dọa của « Nhà nước Hồi giáo », hơn cả Hoa Kỳ và Châu Âu, bởi « Nhà nước Hồi giáo » có tham vọng xóa bỏ hoàn toàn các đường biên giới và các quốc gia hiện có tại khu vực, tuy nhiên vì nhiều lý do cho đến trước chiến dịch không kích hôm qua, phản ứng của các quốc gia Ả Rập là « hết sức rụt rè ». Xã luận Le Monde nhận định : « Sự tham gia của các nước Ả Rập là cơ bản : nó tạo điều kiện cho một chiến thắng có thể đến, một ngày nào đó, trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan… Phe thánh chiến Nhà nước Hồi giáo không thể thất thủ chỉ bằng một chiến dịch không kích… Chiến thắng sẽ đến từ thế giới Hồi giáo, khi thế giới này tìm thấy được – qua một phong trào cải cách sâu sắc về chính trị và ý thức hệ - một khả năng phòng vệ chống lại thứ dịch bệnh chết người : Chủ nghĩa Hồi giáo ». Le Monde kết luận : « Cần phải nói cả điều này trước Quốc hội, ngày thứ Tư ».

Kẻ thù bên trong và tính chính đáng của cuộc chiến

Về thách thức của cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, Le Figaro có bài xã luận « Chiến tranh tổng thể », chú ý nhiều hơn đến những đe dọa từ bên trong nước Pháp. « Chủ nghĩa khủng bố - sức mạnh của kẻ yếu và điểm yếu của kẻ mạnh - khiến mỗi công dân chúng ta trở thành mục tiêu tấn công… Trên đất nước chúng ta hiện đang có hàng trăm kẻ Hồi giáo cực đoan cuồng tín, ‘‘một đạo quân thứ năm’’ của những kẻ cắt cổ giết người, rất thường xuyên được bảo vệ bởi sự im lặng của các cộng đồng nơi họ sinh sống ». Le Figaro đặt câu hỏi : « Vậy khi nào thì hàng nghìn người theo đạo Hồi sẽ biểu tình trên đường phố nước Pháp để nói rằng Chủ nghĩa Hồi giáo là chống lại đạo Hồi ? ».

Ám ảnh về việc tính chính đáng của cuộc chiến chống tổ chức khủng bố « Nhà nước Hồi giáo » có thể bị suy giảm do bị đồng nhất với « một cuộc thập tự chinh » tôn giáo, Libération hôm nay đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Chống Nhà nước Hồi giáo có phải là một cuộc chiến đúng đắn ? ». Mặc dù các mục tiêu và thời gian của chiến dịch vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng tờ báo khẳng định về tổng thể cuộc chiến này là chính đáng : « Trước khi đe dọa các giá trị của chúng ta, Nhà nước tự xưng là Hồi giáo đe dọa chính những người theo đạo Hồi khắp nơi trên thế giới. Nói cách khác, can thiệp của liên quân không hề là một cuộc thập tự chinh, mà đây hoàn toàn là một chiến dịch vì lợi ích chung ».

Nhà nước Hồi giáo : « Một đối thủ vô hình ? »

Trong khi nhật báo La Croix cung cấp cho độc giả một số hiểu biết căn bản về « Daesch », tức tên gọi tắt của Nhà nước Hồi giáo bằng tiếng Ả Rập (lịch sử ra đời, lãnh đạo, mục tiêu, nguồn tài chính của tổ chức khủng bố), thì Libération có hồ sơ đi sâu, với tựa đề « Chống Nhà nước Hồi giáo, một cuộc chiến đang hình thành », trả lời cho một loạt câu hỏi khiến công luận quan tâm như : « Các mục tiêu quân sự của cuộc chiến là gì ? Tại sao nước Pháp tham gia ? Chiến dịch quân sự có thực sự hiệu quả ? Thực lực của Nhà nước Hồi giáo ? Chiến dịch có kéo dài ? Và cuộc can thiệp này có khiến chế độ Al-Assad có được uy tín trở lại ? ».

Libération đặc biệt chú ý đến các nhận định của nhà nghiên cứu Olivier Zajec. « Tấn công từ trên không mà không triển khai quân trên bộ, quân đội các nước Phương Tây đã chuốc lấy mạo hiểm khi chạy theo một kẻ địch vô hình ». Theo nhà nghiên cứu Viện chiến lược và các xung đột (ISC), « Nhà nước Hồi giáo không phải là một mục tiêu, mà là một mạng lưới sẵn sàng biến hình, tái xuất hiện dưới một cái tên khác, với những hậu thuẫn và nguồn tài chính khác ». Nhà phân tích chỉ trích : « Trong cuộc chiến tranh này, người ta chỉ xử lý các hệ quả của 10 năm sai lầm, chứ không tấn công vào các cội rễ của xung đột ». Libération đưa ra bằng chứng : Hoa Kỳ đã từng mở nhiều cuộc tấn công chống khủng bố tại Yemen, Somalia, hay Afghanistan, nhưng chưa bao giờ đạt kết quả cuối cùng.

Hoạt động nhân đạo tại Trung Đông : Chim nhỏ dập lửa lớn

Cũng về xung đột tại Trung Đông, mục « Điều tra » của Le Monde dựng lại chân dung của một công dân Anh, vừa bị quân thánh chiến hành quyết hồi giữa tháng 9, với tựa đề « Cuộc đời thực của David Haines ». David Haines, nhà hoạt động nhân đạo người Scotland, 44 tuổi, có con gái lên bốn. Với tư cách phụ trách hệ thống cung ứng nước, thực phẩm, nơi ở của tổ chức nhân đạo Pháp (Acted), David Haines đến làm việc tại một trại tỵ nạn lớn nhất Syria hồi đầu năm 2013, đúng vào lúc quân thánh chiến chọn địa điểm này làm nơi tiến hành chiến dịch mở đường tiến vào Syria. 10 ngày sau khi có mặt tại đây, ông bị toán người bịt mặt bắt đem đi.

Kết thúc câu chuyện về cuộc đời bình dị của người quá cố, Le Monde dẫn lại một câu chuyện cổ tích của người da đỏ, được một bác sĩ tình nguyện của Tổ chức Y sĩ Không Biên giới thuật lại, qua lời kể của một nhà thơ, nhà nông nghiệp Algeri, chuyên gia chống cháy rừng. « Nhân vật » chính của chuyện cổ tích là một con chim nhỏ. Khi đám cháy lớn bùng lên khắp khu rừng, mọi vật đều kinh sợ, chỉ có con chim nhỏ không sợ hãi mang từng giọt nước nhỏ với hy vọng dập lửa. Người bác sĩ của Y sĩ Không Biên giới so sánh David Haines với con chim ruồi. Trả lời cho nghi vấn của đồng bạn, chim ruồi khẳng định nó biết riêng sức mình không thể dập được lửa, nhưng nó « đóng góp phần mình ».

Le Monde nhấn mạnh đến nhận xét của một chuyên gia về khu vực Trung Đông : « Khi quyết định tới Syria, ông ấy đã không cần đếm xỉa đến sự thụ động và sự hèn nhát của quốc tế. Ông ấy đã thực hiện được, với tư cách cá nhân, điều mà các nước, nhất là quốc gia của ông ấy, đã từ chối thực hiện ».

Trung Quốc : Không có thay đổi lớn về chính sách kinh tế

Nhìn sang Châu Á, phụ trương kinh tế và doanh nghiệp của Le Monde có chùm bài nói đến những hoài nghi về triển vọng của kinh tế Trung Quốc. Bài « Tăng trưởng Trung Quốc bị nghi ngờ » mô tả sự tương phản giữa tỷ lệ sản xuất công nghiệp đang tăng lên chút ít, nhưng chỉ số việc làm lại hạ thấp và giá cả bất động sản giảm liên tục từ bốn tháng nay.

Bất chấp một chương trình hỗ trợ kinh tế hồi tháng 4, chính sách giảm thuế doanh nghiệp và gia tăng xây dựng đô thị và mạng lưới đường sắt, bối cảnh chính trị hiện nay không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức như mong muốn. Không chỉ việc tiêu thụ các hàng hóa hạng sang giảm xuống, do chiến dịch chống tham nhũng, mà tiêu thụ nói chung cũng bị ảnh hưởng. Theo các con số chính thức, giá thịt lợn hay giá rau quả giảm lần lượt 3,1% và 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo kinh tế gia trưởng Ngân hàng Hoàng gia Scotland ở Trung Quốc, dự kiến tăng trưởng năm nay của Trung Quốc chỉ đạt 7,2% so với mức 7,5% dự kiến.

Bất chấp tình trạng này, nhiều đại diện của giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách kinh tế. Giới đầu tư có vẻ như đang lo ngại.

Sáng kiến mở khu mậu dịch tự do tại khu vực phía đông Thượng Hải, được đưa ra hồi năm ngoái, cho đến nay vẫn không thuyết phục được các nhà đầu tư.

Bài « Cuộc chiến chống tham nhũng làm các doanh nghiệp (Trung Quốc) đầu tư ra nước ngoài nản chí » ghi nhận tỷ trọng ngày càng lớn của đầu tư tư nhân từ Trung Quốc ra bên ngoài, so với đầu tư của Nhà nước. 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tư của Trung Quốc đầu tư tổng cộng 21 tỷ đô la, so với 23 tỷ của Nhà nước, tức 2 tỷ đô la chênh lệch. Cách đây bốn năm, khoảng cách này là 24 tỷ đô la.

Theo chuyên gia của tổ chức Hoa Kỳ Heritage, việc các tập đoàn dầu khí giảm đầu tư ra ngoài chủ yếu do bị « một chiến dịch chính trị nhắm vào ». Bên cạnh đó, việc « thiếu kinh nghiệm » cũng là một yếu tố cản trở. Theo chủ tịch của A Capital, một quỹ đầu tư Châu Âu – Trung Quốc, hiện tại còn xa mới có thể nói đến sự « bùng nổ » đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài.

Ukraina : « Ngừng bắn ma tại mặt trận Lugansk »

Trở lại với điểm nóng Ukraina, báo Libération có bài phóng sự « Ukraina : ngừng bắn ma tại mặt trận Lugansk », mô tả không khí tại chỗ vùng phi quân sự, sau khi chính quyền Kiev và phe nổi dậy đạt thỏa thuận ngừng bắn. Để bảo đảm an ninh tại vùng giới tuyến tạm thời, binh sĩ và cảnh sát từ khắp các miền Ukraina đổ về vùng Donbass để làm công việc giữ trật tự.

Theo mô tả của phóng viên từ hai bên giới tuyến, không khí ngờ vực ngự trị. Một giới chức chính quyền địa phương Lugansk hiện đang phải lưu vong tại một thị trấn nhỏ thì ca ngợi sự giải phóng của quân đội Ukraina. Trong khi đó, nhiều người dân tại khu vực nói tiếng Nga lại lo ngại sự hoành hành của các băng đảng, mà họ lo sợ còn hơn cả lực lượng ly khai thân Nga.

Trong khi nhiều thành phần thuộc phe nổi dậy không hài lòng về việc phải hạ vũ khí và quy chế tự trị rộng rãi cho vùng Donbass, thì việc quân chính phủ phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường tiếp xúc 15 km lại càng củng cố thêm lập trường của các lực lượng Ukraina, muốn làm nên một « cuộc (chính biến) Maidan mới ».

Đạo diễn phim « Leviathan » : Ukraina là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc nước Nga

Báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến bộ phim Leviathan của đạo diễn Nga Andrei Zviaguintsev, công chiếu hôm nay tại Pháp. Bộ phim lên án nạn tham nhũng và tệ nạn ngự trị trong hệ thống chính trị Nga. Báo Le Monde có bài giới thiệu « Người đơn độc đối diện với sự tàn ác của những kẻ quyền thế ».

Trả lời phỏng vấn Le Monde về những khủng hoảng hiện nay tại Châu Âu, đặc biệt ở Ukraina, đạo diễn phim Leviathan chia sẻ : « Một người nào đó từng cho rằng chủ nghĩa yêu nước là nơi ẩn náu cuối cùng của những đồ đểu giả. Câu nói này ứng với nước Nga hiện nay. Thực sự là, nếu có nhiều văn hóa hơn, nếu mọi người được học hỏi nhiều hơn, thì người ta đã không rơi vào tình trạng này. Sẽ có ít tình cảm đế quốc chủ nghĩa hơn….

Tôi muốn nói một điều có vẻ như bất thường hơn. Tại Nga hiện nay, cuộc xung đột với Ukraina là chủ đề gây bất đồng hết sức lớn. Bạn bè, những người thân trong một gia đình không còn nói chuyện với nhau nữa. Kể cả những người rất có giáo dục. Nghịch lý là ở đây : chỉ riêng văn hóa không đủ để cứu vãn mọi chuyện ».

Đạo diễn Andrei Zviaguintsev là một gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Nga. Bộ phim đầu tay của ông "Sự trở về" từng đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan Venise 2003. Phim Leviathan vừa đoạt giải kịch bản hay nhất tại Liên hoan Cannes. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.