Vào nội dung chính

Pháp : mắt xích yếu của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trực tiếp đe dọa nước Pháp là đề tài sôi nổi nhất trên các mặt báo Pháp sáng nay, 23/09/2014. « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo kêu gọi sát hại công dân Pháp và Hoa Kỳ », tít lớn trên trang nhất tờ Le Monde. « Pháp trực diện với sự dọa dẫm của phe thánh chiến », tựa của Le Figaro. « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo : Pháp trong tầm ngắm », trang nhất của Libération.

Một nhóm Hồi giáo cực đoan vừa loan báo bắt cóc một con tin người Pháp. Ảnh chụp màn hình ngày 23/09/2014.
Một nhóm Hồi giáo cực đoan vừa loan báo bắt cóc một con tin người Pháp. Ảnh chụp màn hình ngày 23/09/2014. REUTERS/The Caliphate Soldiers via Reuters TV
Quảng cáo

« Nước Pháp đang bước vào chiến tranh » là cảm nhận đầu tiên của các nhật báo. Nói là chiến tranh nghe có vẻ xa xăm, nhưng nó có thể sẽ xảy ra ngay trên chính đất Pháp bởi các hành động khủng bố. Một sự trùng hợp đáng ngại là cùng với việc một người Pháp bị một nhánh Hồi giáo cực đoan bắt cóc tại Algeri, thì vào hôm qua, tổ chức EI kêu gọi những người Hồi giáo trên toàn cầu tiêu diệt công dân các quốc gia có tham gia trong liên minh, nhất là ‘những người Pháp hung dữ và bẩn thỉu’ bằng mọi thủ đoạn có thể được.

Vì sao EI lại có thái độ hằn học như thế đối với Paris ? Về điểm này, Libération có bài phân tích khá cặn kẽ đề tựa « Hành động đáp trả tức thì của EI ». Lời đe dọa đó rất rõ ràng : một lời kêu gọi gởi đến những « con sói đơn độc », những kẻ khủng bố hành động tự phát. Một sự ám chỉ đến kiểu hành động của hai tên khủng bố Medhi Nemmouch tại Bỉ và Mohamed Merah tại Pháp.

Paris : một mắt xích yếu trong liên minh

Sở dĩ, EI nhắm đến nước Pháp là vì tổ chức khủng bố này xem Pháp là một mắt xích yếu trong liên minh do việc Paris có những cam kết quân sự rất hạn chế bên cạnh Hoa Kỳ. Libération viết « kẻ thù xem việc Paris đơn phương quyết định triệt thoái quân khỏi Afghanistan kể từ năm 2013 và việc từ chối tham gia không kích EI tại Syria, là những nhược điểm của Pháp ».

Hơn nữa, trong con mắt thế giới Hồi giáo, Paris đã để lại một hình ảnh xấu. Theo giải thích của một cựu quan chức tình báo : « Nước Pháp bị ví như là kẻ thù của đạo Hồi và là quốc gia chống đối đạo Hồi mạnh nhất trong số các nước phương Tây ». Điều này được thể hiện rõ nét qua đạo luật cấm trùm khăn kín mặt và cấm để lộ những dấu hiệu về tôn giáo nơi công cộng. Đây cũng là lý do khác để giải thích cho sự thù hận mà EI dành cho Pháp.

Sunni và Shia : "bên trọng, bên khinh"

Điều đã làm cho cảm giác thù hận thêm phần sâu nặng là chính thái độ « bên trọng, bên khinh » của Washington và Paris đối với cộng đồng người đạo Hồi tại Irak. Trong con mắt người dân tại đây, Hoa Kỳ và Pháp là đồng minh của cộng đồng Hồi giáo theo hệ Shia, cộng đồng mà tổ chức EI đang tuyên chiến.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ về quân sự và chính trị của hai cường quốc, kèm theo với việc Washington và Teheran đang dần cải thiện quan hệ đã đẩy quân thánh chiến đi theo chiều hướng phân tích này. Cộng đồng người đạo Hồi theo hệ phái Sunni ngày càng lấy làm ngạc nhiên về các vụ oanh kích tại Irak, và rất có thể ngày mai này tại Syria. Họ tự hỏi tại sao phương Tây không oanh kích chế độ Bachar al-Assad, những kẻ đã có vô số hành động bạo tàn và sử dụng vũ khí hóa học để chống lại chính dân tộc mình.

Theo bài viết, mối họa xuất phát từ đó. Nếu như EI là hiện thân của sự dã man, tổ chức này lại là một kiểu trại tạm lánh cho cộng đồng sunni bị chối bỏ. Không những EI thu hút các nhóm cực đoan khác, mà cả những ai thán phục về sức mạnh của tổ chức này, kể cả những người cho rằng chính phương Tây là thủ phạm của chính sách « bên trọng, bên khinh ».

Đó chính là những gì đang diễn ra tại Irak. Theo các nguồn tin tình báo, các vụ không kích chỉ làm gia tăng mức ủng hộ EI, vốn đang nhìn thấy tổ chức của mình ngày càng lan rộng.

Cuối cùng, Libération cảnh cáo, nếu phương Tây không nhanh chóng hỗ trợ nhóm Hồi giáo sunni « cấp tiến » và Bachar al-Assad tiếp tục lợi dụng được một sự khoan dung nào đó, các nhánh đối lập tại Syria cũng có thể đi theo EI. Và như vậy rủi ro các vụ bắt cóc con tin mới sau vụ mới nhất này sẽ là vô số kể.

Tuyên truyền : mặt trận thứ hai của EI

Cuộc chiến không chỉ diễn ra trên trận địa, mà còn cả trên không gian « ảo ». Theo Libération, tổ chức EI còn có cả một bộ phận chuyên trách phát hành các tạp chí bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và các clip video với độ phân giải cao.

« Một sự tuyên truyền ảo cực kỳ chu đáo », Libération phải thốt lên. Một cỗ máy truyền thông thực sự đang hoạt động, được tiến hành bởi các tổ chức báo chí có đủ khả năng thực hiện cuộc thánh chiến trên mạng theo mô hình của Trung tâm Truyền thông Al-Hayat (Al-Hayat Media Center).

Các bài đăng của tổ chức này được gói trọn trong ba phần tạp chí : IS Report, IS News và Dabiq, kèm theo cả phần dịch thuật. Mục tiêu tuyên truyền nhắm thẳng vào cộng đồng Hồi giáo phương Tây.

Ngoài bài viết trình bày các luận đề về « sự thật », giảng dạy cách cầu nguyện, hình ảnh các đền đài bị phá hỏng, các vụ hành quyết kẻ ngoại đạo, hay vụ ném đá kẻ ngoại tình, mỗi trang thông tin đều có bài xã luận. Điều đáng ngại là người xem có thể truy cập dễ dàng các bài đăng trên Internet dưới dạng PDF, bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, thông qua trang chủ Archive.org hay JustPaste.it.

Ấn tượng nhất là các clip video với độ phân giải cao. Đây chính là con chốt chủ bài trong kho vũ khí kỹ thuật số của EI, Libération nhận xét. Chúng trở thành nhãn hiệu hàng hóa của EI với cảnh quay hành quyết các nhà báo phương Tây. Libération nhắc nhở đừng quên mục tiêu của công tác tuyên truyền. Do đó, các clip này đều được Al-Hayat cho phụ đề bằng nhiều thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Indonesia…, nhằm phát tán vào những quốc gia có đông cộng đồng Hồi giáo.

Chống Bắc Kinh : dân Hồng Kông chia rẽ giữa kinh tế và dân chủ

Nhìn sang Châu Á, hai tờ báo Pháp quan tâm đến việc sinh viên Hồng Kông bắt đầu tuần lễ bãi khóa nhằm phản đối luật bầu cử do Bắc Kinh áp đặt. La Croix chạy tựa “Sinh viên Hồng Kông bãi khóa chống Bắc Kinh”. Theo quan sát của tờ báo, phong trào bất tuân dân sự có lẽ sẽ còn lan rộng từ đây đến ngày 01 tháng Mười, đó cũng là ngày lễ Quốc khánh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Thế nhưng, theo nhận định của Le Figaro “Sự nổi dậy chống Bắc Kinh đang chia rẽ người Hồng Kông”. Bởi vì phong trào bất tuân dân sự “Occupy Central” khó mà nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân đảo quốc, nhất là những người lèo lái nền kinh tế đất nước.

Trong lúc sinh viên học sinh xuống đường biểu tình rầm rộ, thì hôm qua, thứ Hai 22/09/2014, thì một cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng cao đã diễn ra tại Đại sảnh đường Nhân Dân, trong một bầu không khí có vẻ rất trịnh trọng. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp một phái đoàn gồm các nhà tỷ phú và lãnh đạo các đại tập đoàn Hồng Kông như hãng hàng không Cathay Pacific.

Phái đoàn gồm 70 trùm tư bản cựu thuộc địa Anh quốc, do ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), người giàu nhất Châu Á dẫn đầu. Vị trùm tư bản này thường xuyên lên án phong trào Occupy Central, do e ngại rằng các bất ổn chính trị sẽ làm suy yếu vị thế của Hồng Kông trước các đối thủ Thượng Hải và Singapore và nhất là sẽ làm hoảng sợ các nhà đầu tư.

Thái độ cương quyết của sinh viên và nhiều giáo sư đại học khiến cho đại bộ phận dân chúng bị chia rẽ, giữa việc bám chặt vào quyền tự trị của đảo quốc và nỗi lo âu cho tương lai nền kinh tế.

Theo một kết quả thăm dò được tờ South China Morning Post, 46% số người được hỏi không đồng tình với phong trào bất tuân dân sự này, trong khi đó số người ủng hộ là 31%. Ông Benny Tai, một trong những nhà lãnh tụ hàng đầu lấy làm tiếc rằng vào lúc quyết định phong trào dân chủ lại có sự rạn nứt.

Prayuth: giỏi đảo chính nhưng tệ trong “giao tế”

Chuyển sang Thái Lan, Le Monde có bài viết đề tựa khá ấn tượng “Prayuth, cú đảo chính và những chiếc áo bikini”. Một tháng sau khi cởi bỏ chiếc áo nhà binh để khoác lên mình bộ đồ vest Thủ tướng, nắm lấy quyền lãnh đạo đất nước nhờ vào cú đảo chính, giờ đây ông Prayuth Chan-ocha đang phải đối mặt với bài tập “giao tế chính trị”.

Le Monde cho biếtTrong khi cả vương quốc đang sốt sắng truy lùng hung thủ sát hại hai du khách người Anh, ông Prayuth đã vụng về phê phán việc các du khách mặc áo bikini. Sự việc làm dấy lên nhiều lời chỉ trích.
Lời phê phán đưa ra không đúng thời điểm vào lúc mà vương quốc của nụ cười đang cố thuyết phục du khách nước ngoài đừng quay lưng lại với đất nước bất chấp các bất ổn chính trị. Bởi vì, nguồn thu du lịch chiếm đến 7% tổng sản phẩm nội địa.

Đây không phải là sự cố đầu tiên. Le Monde nhắc lại trong chương trình “Hạnh phúc cho mọi người” trên truyền hình vào mỗi tối thứ sáu, khi được hỏi về tình trạng bèo nước tăng sinh, gây ách tắc giao thông đường thủy trên dòng Chao Phraya, ông Prayuth khuyên người dân Thái nên tự mình mỗi người đến nhổ 10 hay 20 cây bèo. Để chống nạn đói nghèo, ông hỏi: “Liệu họ làm việc có đủ chăm chưa?”. Để giảm bớt nợ công, Thủ tướng Thái đề nghị “Hãy dừng mua sắm đi!”

Truyền thông dưới sự kiểm soát

Theo Le Monde, chiến dịch lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra được bầu lên một cách dân chủ là một trong số những chủ đề ông Prayuth tâm đắc nhất. Vị cựu tướng lãnh này cho rằng cú đảo chính là thiết yếu để duy trì hòa bình và trật tự.

Ông cho rằng “bàn tán về việc đảo chính là tốt hay xấu sẽ chẳng có ích gì cả”. Đối với thủ tướng Thái hiện nay, đó không phải là một cuộc đảo chính mà đó là một “sự giúp đỡ một chính phủ không thể vận hành được nữa”.

Vào thứ Sáu 19/09/2014 vừa qua, tận dụng buổi diễn văn truyền hình như thường lệ, ông Prayth đã chính thức xin lỗi về vụ bikini. Nhưng kèm theo đó ông cũng không quên nhắc nhở giới truyền thông một lần nữa phải theo trật tự. Rằng các xung đột chỉ làm nảy sinh những thông tin “sai lệch” hay “biến dạng”. Ông đe dọa rằng “Đừng buộc chúng tôi phải dùng đến luật lệ, điều đó không lợi cho ai cả”. Thế mới thấy dụng binh dễ hơn là diễn thuyết chính trị, Le Monde nhận xét.

Buôn thuốc tây giả: mafia vui mừng, người nghèo lại khổ

Trở lại với báo Le Figaro, trong mục Câu chuyện trong ngày, tờ báo cho hay “Thuốc tây giả lời hơn buôn thuốc phiện gấp 25 lần”. Từ ngày 26/05 đến ngày 04/06 vừa qua, từ Cotonou (Benin) cho đến Dar es Salaam (Tanzania), chiến dịch “Biyela 2” (‘vòng vây’, tiếng Zulu) đã diễn ra tại 15 cảng biển của Châu Phi. Đây là chiến dịch kiểm soát hải quan do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và Viện nghiên cứu chống thuốc tây giả mạo (Iracm) thực hiện.

Le Figaro mới chỉ có 290 container hàng bị thanh tra, có đến 40% số này là hàng giả đủ loại từ thuốc chống đau nhức, kháng sinh, kháng viêm, chống lao… Tổng cộng có đến 113 triệu loại thuốc nhái bị tịch thu. Theo tiết lộ của WCO, “phần lớn các kiện hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ”. Dù là quy mô nhỏ hay lớn, các hoạt động buôn lậu tiếp tục gia tăng, theo quan sát của giám đốc Iracm.

Điều bất hạnh hoạt động buôn lậu thuốc tây giả quá hấp dẫn. So sánh với buôn thuốc phiện, cứ 1000 đô-la đầu tư, buôn thuốc phiện thu lại 20.000 đô-la, trong khi đó, buôn thuốc tây lại mang về từ 200-500 ngàn đô-la.

Hơn nữa, việc vận chuyển các viên thuốc màu sắc đa dạng đó cũng dễ dàng hơn so với vẻ vô hại của các chất gây nghiện. Nếu như thuốc phiện đang bị cảnh sát lùng sục tại nhiều nước, công tác kiểm soát loại buôn lậu thuốc giả hầu như không có. Giả như nếu có bắt được, án phạt chỉ mang tính chất tượng trưng. Đối với các tổ chức mafia đây quả là một tin vui, nhưng bất hạnh thay đó lại là tin xấu cho sức khỏe của người dân Châu Phi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.